Bà Chúa Kho – hiện tượng tín ngưỡng đặc biệt ở Việt Nam thời đổi mới

Trải qua hơn một thập kỷ nay, Bà Chúa Kho đã trở thành một hiện tượng nổi bật của tín ngưỡng Việt Nam sau thời kỳ đổi mới. Đã có một vài cuốn sách nhỏ, nhiều bài báo, thậm chí có cả một hội thảo khoa học bàn về hiện tượng thờ cúng này. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nguồn gốc và bản chất của hiện tượng tín ngưỡng Bà Chúa Kho là gì?, nói cách khác Bà là ai?, thì còn chưa được lý giải cặn kẽ.

Bà Chúa Kho – hiện tượng tín ngưỡng đặc biệt ở Việt Nam thời đổi mới

1.Trong tâm thức dân gian hiện nay hay ở tầng hữu thức của dân chúng, Bà Chúa Kho là một nhân vật lịch sử. Bà có tên tuổi (Lý An Quốc, Trần Thị Ngọc…?), có nguồn gốc xuất thân (em gái thứ sáu Vua Lý Thánh Tông, vợ Vua Lý, con Vua Bà, tức Hà Giang công chúa được sai xuống trông coi Cổ Mễ, con gia đình làm nghề gốm, quê ở Quả Cảm, nhà nghèo…?), có công tích (chiêu dân lập ấp, khẩn ruộng, giữ kho lúa cho triều đình trong cuộc kháng chiến chống Tống trên sông Như Nguyệt … ?). Các nhà nghiên cứu sưu tầm về nhân thân của Bà Chúa Kho thì kêu ca là tư liệu về Bà mâu thuẫn và trái ngược nhau. Điều này thật dễ hiểu, bởi vì Bà vốn không phải là một nhân vật lịch sử, mà là một nhân vật huyền thoại. Do vậy, mỗi địa phương, mỗi thời kỳ lịch sử, tuỳ theo nhu cầu và cảm quan của dân chúng, Bà được lịch sử hoá theo những kiểu khác nhau. Ai đó cần linh thiêng Bà thì gắn Bà với dòng dõi hoàng tộc, là vợ vua, còn ai đó thì lại gắn Bà với hình ảnh cô gái xinh đẹp, nếp na, thảo hiền. Tuy nhiên, cái chung nhất của mọi kiểu lịch sử hoá, Bà Chúa Kho là người có công với dân với nước, mà mọi người đều ngưỡng mộ.

Vậy thì Bà Chúa Kho được lịch sử hoá từ khi nào? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Có người cho việc phụng thờ Bà vào Thời Lý vì chiến tích của Bà gắn với cuộc kháng chiến chống Tống trên bờ sông Như Nguyệt. Điều đó cũng chưa phải là bằng cớ chắc chắn, bởi vì vị trí đền thờ Bà trên bờ sông Cầu, hơn nữa đó là vùng đất phát tích Nhà Lý thì việc quy Bà với Nhà Lý và cuộc kháng chiến chống Tống là điều dễ hiểu. Hơn thế nữa, mô típ Bà Chúa Kho không chỉ ở Bắc Ninh, mà còn ở Hà Nội và một số nơi khác nữa, và nghe đâu mỗi nơi lại gắn Bà với một thời kỳ lịch sử khác nhau, chống quân Nguyên Thời Trần, chống quân Minh Thời Lê…

Như vậy, trong quan niệm hữu thức của nhân dân, Bà Chúa Kho là một nhân vật lịch sử, gắn với thể chế nhà nước phong kiến, được các triều đại phong thần, được nhân dân dựng đền thờ phụng, gọi là Chủ Khố Linh Từ. Lớp biểu tượng này rõ ràng là lớp văn hoá muộn, thuộc thời kỳ phong kiến tự chủ của nước ta.

2. Về phương diện thờ cúng, nhân vật “nửa huyền thoại, nửa lịch sử“ này đã hoàn toàn hội nhập vào hệ thống thờ mẫu Tam Phủ. Trong ngôi đền, tuy Bà Chúa Kho được thờ phụng như một vị thần chủ, gọi là Bà Chúa hay Điện Bà, nhưng lại được khuôn vào hệ thống điện thần chung của Mẫu Tam Phủ với các ban thờ Tam Toà Thánh Mẫu, Ban Ông Hoàng, Ban Chầu Bà, Đức Ông, Sơn Trang, Ban Cô, Ban Cậu, Ngũ Hổ, Ban Công Đồng … Hiện tượng hội nhập theo hình thức “Mẫu hoá” này không phải là hiện tượng cá biệt ở đền Bà Chúa Kho, mà phổ biến ở nhiều nơi, nhất là với các nữ thần hiển linh, được tôn xưng là Mẫu (Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu).

Trong hệ thống điện thần mang tính phổ quát của Đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ, chúng ta không thấy có Bà Chúa Kho. Như vậy, ở đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, hệ thống điện thần Đạo Mẫu Tam Phủ được sử dụng như là cái “nền”, cái “phông” cho việc thờ cúng Bà Chúa Kho. Điều này, trong tâm thức dân gian, càng làm tăng thêm vẻ “chính thống” và linh thiêng cho vị thần chủ được thờ.

Hiện tượng “Mẫu hoá” Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh không phải là cá biệt, mà khá phổ biến thể hiện qua việc thờ phụng các Mẫu Thần, như: Bà Chúa Sành ở Quả Cảm (có công trong nghề làm gốm và nuôi tằm), Bà Chúa Chóa (truyền tụng là con dâu Lạc Long Quân, là vị thần của 11 làng Choá), Bà Chúa Đầm ở Phù Lưu, Bà Chúa Ngô ở ven sông Cầu, các Bà trong Tứ Pháp (Mây, Mưa, Sấm, Chớp) gắn với Phật Mẫu Man Nương…

Tôi giả định rằng, trước khi được “lịch sử hoá”, “cung đình hoá” thành Bà Chúa Kho Lương, một vị nữ thần nào đó đã được “Mẫu hoá” thành “Bà Chúa” và tham gia vào điện thần Đạo Mẫu ở đây, vậy vị Nữ thần đó là ai?

3. Qua thu thập tư liệu thực địa, qua tư liệu của các đồng nghiệp cung cấp, tôi đi đến một giả thuyết cho rằng nguồn cội ban đầu của Bà Chúa Kho là Nữ thần Mẹ lúa. Giả thuyết này dựa trên hai cơ sở, thứ nhất, xét về tổng thể, tín ngưỡng Mẹ Lúa là tín ngưỡng chung của hầu hết cư dân trồng lúa ở Đông Nam Á và Việt Nam, mà nay còn quan sát thấy khá phổ biến ở nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta và các nước trong khu vực. Tín ngưỡng này hình thành trên cơ sở quan niệm rằng, trong cây lúa có hồn lúa, hồn lúa quyết định sự sinh trưởng của cây lúa, do vậy, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch người nông dân phải thực hiện các nghi lễ liên quan tới hồn lúa, như nghi lễ Mẹ Lúa (là hiện thân của hồn lúa) gieo các khóm lúa đầu tiên, đồng thời cũng là nghi lễ rước Mẹ Lúa từ kho lúa ra rẫy, nghi lễ dựng cây nêu và trang trí các đồ vật mang tính phồn thực để giữ hồn lúa ở lại trên rẫy. Đặc biệt là khi bắt đầu thu hoạch, Mẹ Lúa phải đi cắt những bông lúa đầu tiên về để cúng cơm mới và cuối cùng là nghi lễ rước hồn lúa về kho.

Những tài liệu hồi cố hay quan sát thực địa những năm giữa thế kỷ XX ở người Việt Châu thổ Bắc Bộ cho thấy nghi thức thờ Hồn Lúa vẫn còn khá phổ biến, như tục rước mạ, rước lúa thần, đúc tượng lúa, tục thờ vỏ lúa, khấn vía lúa, gọi gạo… Chỉ có điều, nếu ở các dân tộc khác người đại diện hồn lúa là phụ nữ – Mẹ Lúa, thì ở người Việt chức năng này đã chuyển sang nam giới. Điều này cũng dễ hiểu khi mà xã hội người Việt đã sớm chuyển sang phụ hệ, nhất là dưới ảnh hưởng của xã hội phụ hệ Trung Hoa, người phụ nữ hầu như bị tách khỏi các sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng.

Những truyền thuyết thu thập được về Bà Chúa Kho cũng ít nhiều liên quan tới tục thờ Mẹ Lúa nguyên thuỷ. Theo các cụ già kể lại, Bà Chúa kho vốn là một cô thôn nữ xinh đẹp, nết na, giỏi nghề nông, sinh sống ở vùng ven sông Cầu. Ban đầu, vùng này là đồng bãi ngập nước, lầy trũng, cư dân chưa biết trồng cấy gì, cô thôn nữ ấy lấy trấu rắc tới đâu thì lúa mọc lên tới đó. Từ đó thóc lúa cứ ùn ùn như núi, mọi người phải xây kho để trữ lương thực, và tôn vinh cô gái dạy dân trồng lúa đó là Bà Chúa Kho, Bà Lẫm. Chúng ta cũng có thể liên tưởng giữa hiện tượng thờ Hồn Lúa trong kho lúa của nhiều dân tộc thiểu số hiện nay với tên gọi Bà Lẫm (kho), Bà Chúa Kho của người Việt ở Bắc Ninh. Chúng ta cũng có thể xem xét tới địa danh làng Cổ Mễ. Có hai cách giải thích về địa danh này, đặc biệt liên quan tới từ “Cổ”. “Cổ” có thể là tên Hán hoá từ “kẻ”, một tên gọi xa xưa làng của người Việt. Có người cho rằng “Cổ” gốc từ “Cô”- Cô Mễ, chỉ một loại lúa hoang… Những địa danh này có thể tồn tại từ thời Nhà Trần.

4. Như mọi người đều rõ, từ cuối thập kỷ 80, nhất là đầu thập kỷ 90 hiện tượng thờ cúng Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh nổi lên như một điển hình của tín ngưỡng dân gian nước ta sau thời kỳ đổi mới, khiến không chỉ các nhà khoa học mà cả các nhà quản lý cùng quan tâm. Di tích đền Bà Chúa Kho vốn nhỏ bé và có phần tĩnh lặng xưa kia nay đã thay da đổi thịt và nhộn nhịp hẳn lên. Đền được trùng tu, mở rộng và được Nhà nước xếp hạng. Khách thập phương kéo về, nhất là dịp đầu năm để vay “tiền” Bà về làm ăn hay xin “lộc rơi”, “lộc vãi” và cuối năm lễ tạ, “trả” tiền vay của Bà. Làng Cổ Mễ thuộc xã Vũ Minh vốn là làng nghèo, nay cũng “thay da đổi thịt”, cuốn hút hàng nghìn người dân trong làng tham gia vào công việc mang tính “dịch vụ” tín ngưỡng, như sản xuất và bán hương hoa, vàng mã, viết sớ, sắp lễ, cúng khấn, rồi các dịch vụ ăn uống, trông xe, đón khách …

Về phương diện tâm linh, Bà Chúa Kho vốn là vị thần có phần khiêm nhường trong lớp áo của một “nhân vật lịch sử”, “Thần Mẫu”, nay bỗng trở thành người ban phát tài lộc theo kiểu “vay trả” như một “chủ nhà băng”. Những người tới cửa Bà cầu khấn không còn là những nông dân như trước kia nữa, mà nay chủ yếu là những thương nhân, thị dân, viên chức nhà nước. Như vậy là từ một hình thức tín ngưỡng nông nghiệp, Bà Chúa Kho đã trở thành một vị thần chủ của thương nghiệp, của thị dân đô thị. Một tín ngưỡng ban đầu mang tính hướng nội của cộng đồng làng xã nay trở thành một tín ngưỡng mang tính hướng ngoại, tức chủ yếu phục vụ cho những người bên ngoài cộng đồng.

Từ đây, chúng ta có thể hiểu được cái logíc của quá trình phát triển nội tại của biểu tượng: Mẹ Lúa / Bà Chúa Kho Lương /Bà Chúa Kho Tiền. Ba lớp giá trị này của biểu tượng Bà Chúa Kho phản ánh quy luật và sự biến đổi của xã hội Việt Nam: Xã hội nông nghiệp thời tiền sử, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm thời phong kiến tự chủ và xã hội chuyển sang cơ chế thị trường từ sau đổi mới.

Theo QUỐC KHÁNH / THẾ GIỚI DI SẢN

Tags: ,