Chúng ta cần ân uống như thế nào để bảo vệ môi trường tốt hơn?

Ăn uống là chuyện quan trọng và là chuyện mỗi ngày, chuyện cả đời. Nhưng ăn uống làm sao để bảo vệ môi trường thì lai là cả một nghệ thuật.

Ăn uống thế nào để bảo vệ môi trường?

Có một sự thật là hầu hết rác thải nhựa đang làm bẩn hành tinh chúng ta đều đến từ việc ăn uống: ly nhựa dùng một lần rồi bỏ, hộp nhựa đựng thức ăn dùng một lần rồi bỏ, túi nilon đựng một chiếc bánh mì, sau khi bánh mì vào bụng, túi nilon lại vào… biển. Đã nhiều lần chúng ta thấy những sinh vật biển mắc kẹt trong túi nilon, thấy ống hút nhựa chui vào lỗ mũi rùa, thấy những chú cá lớn lên bị thắt eo trong những chiếc vòng đựng nước uống…

Vậy nên có thể nói, ăn uống là chuyện quan trọng và là chuyện mỗi ngày, chuyện cả đời. Nhưng ăn uống làm sao để bảo vệ môi trường thì lai là cả một nghệ thuật:

Khi mua nước, uống cà phê, trà sữa…

Không nơi nào có văn hoá trà sữa, cà phê “mạnh” như các nước châu Á. Đối với hội mê trà sữa thì một tuần cũng phải có đến mấy lần uống trà sữa hoặc nhiều hơn. Thậm chí, mỗi ngày chúng ta có thể “xả” hết 2-3 ly nhựa từ nhiều loại nước khác nhau. Một ly nước cà phê takeaway thường có nắp, ly, ống hút và một chiếc túi nhựa, như vậy là 4 phần nhựa bạn đang thải ra môi trường. Mặt khác, nếu bạn đầu tư cho một chiếc bình xinh xắn có cá tính riêng thì con số đó sẽ là… 0.

Hiện tại, nhiều nhãn hàng cà phê, quán giải khát đều cho phép bạn mang ly, bình của riêng mình. Tuy khái niệm này còn khá lạ nhưng đó là do chưa nhiều người làm, nếu bạn bắt đầu “tiên phong” thì sẽ kéo theo nhiều người giống bạn, và nó sẽ không còn lạ lẫm nữa. Bên cạnh đó, nếu đôi khi đụng phải hàng quán nào không cho phép điều này thì bạn có thể tự tin đổi hàng khác! Khách hàng là thượng đế, chúng ta có nhiều quyền lực trong tay hơn chúng ta tưởng. Nếu các nhãn hàng phát hiện xu hướng thực khách muốn uống nước trong bình, họ sẽ phải “nhượng bộ” thôi.

Khi mua thức ăn “đem đi”

Với nguyên lý giống với việc mua nước, khi bạn mua một hộp cơm tấm, hay một ly súp, bạn sẽ thải ra môi trường một hộp nhựa, một bộ muỗng nĩa và một chiếc túi nilon. Mặt khác nếu bạn mang theo hộp cơm của riêng mình thì con số này sẽ không còn nữa.

Ngoài ra bạn cũng không sợ thức ăn đổ vỡ, lấm lem nửa chừng với hộp thức ăn đựng kín. Và nếu có vì lý do gì không ăn được ngay, bạn cũng có thể dùng lò vi sóng hâm lại với chiếc hộp mang từ nhà.

Ống hút

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại ống hút thân thiện với môi trường, không những bảo vệ được hành tinh mà còn khiến bạn trông “ngầu” và “hipster” khỏi nói. Thay vì ống hút nhựa, hãy đầu tư vào các bộ ống hút bằng tre, bằng kim loại hay thậm chí là các loại ống hút… ăn được.

Khi mua sắm ở siêu thị

Chúng ta đi chợ, đi siêu thị mỗi ngày. Đó là thói quen lành mạnh của người Việt Nam. Hầu hết chúng ta thích thức ăn tươi sống, ít chất bảo quản và điều đó cũng là chìa khoá cho nhiều món ăn ngon cũng như sự lành mạnh trong ẩm thực Việt. Tuy nhiên điều này cũng vô tình khiến lượng nhựa thải ra môi trường tăng lên ít nhiều. Ở hầu hết các siêu thị, gần ngay quầy thu ngân thường hay có các loại túi tái sử dụng nhiều lần, đủ to để có thể chứa được khối lượng mua sắm khổng lồ, lại còn có hoa văn đẹp, bạn có thể đầu tư khoảng 15k – 20k một chiếc túi như vậy để giảm thiểu số túi nhựa thải ra môi trường.

Hoặc bạn có thể mang làn đi chợ, hay chọn mua những chiếc túi lưới xinh xinh giống người Pháp vậy. Những loại túi này thường có thể dể dành xếp gọn, chẳng tốn diện tích và cực kì tiện lợi đấy.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: , ,