5 việc làm thiết thực cứu môi trường biển ai cũng có thể làm hàng ngày

Với tốc độ phát triển chóng mặt xã hội, con người đang phải đối mặt với một vấn nạn do chính mình tạo ra: Ô nhiễm môi trường biển.

5 việc làm thiết thực cứu môi trường biển ai cũng có thể làm hàng ngày

Bạn có biết, mỗi năm, loài người thải ra biển tới 8 triệu tấn rác – con số đủ để đổ đầy 5 túi rác trên mỗi 30cm dọc theo các bờ biển trên Trái đất?

Số rác thải này bao gồm chai nhựa, túi bóng, các vật dụng bằng nhựa – chất liệu gần như không thể phân hủy ngoài tự nhiên. Thậm chí, một số nhà khoa học cho rằng con số này có thể lên tới 12,7 triệu, nếu tính cả số rác thải chìm xuống đáy đại dương.

Còn ở Việt Nam, nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm chính là do nước thải sinh hoạt. Thống kê cho thấy, phần lớn lượng nước thải sinh hoạt (khoảng 600.000m³ mỗi ngày, với khoảng 250 tấn rác được thải ra các sông ở khu vực Hà Nội) và công nghiệp (khoảng 260.000 m³ và chỉ có 10% được xử lý) đều không được xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông.

Nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất như các lò mổ, các khu công nghiệp, làng nghề và ngay cả bệnh viện (khoảng 7.000 m³ mỗi ngày, và chỉ có 30% là được xử lý) cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải.

Thực trạng này đang dấy lên một hồi chuông cảnh báo về việc chúng ta cần phải có những việc làm thiết thực để cứu biển.

1. Tiết kiệm năng lượng, xăng xe… 

Nghe thật chẳng liên quan! Xe cộ và năng lượng là chuyện của đất liền. Đây là biển, là biển cơ mà?

Nhưng thực ra rất liên quan. Năng lượng bạn sử dụng hàng ngày, xăng bạn dùng để chạy xe… tất cả đều thải ra môi trường khí CO2. Khí này ngoài “tác dụng” làm Trái đất chúng ta nóng lên, còn làm tăng tính acid trong nước biển.

Hậu quả là san hô tại biển và đại dương đang bị hủy hoại với quy mô toàn cầu. Hơn nữa, sự phát triển của tôm, cá và các sinh vật biển cũng bị ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng.

Vậy muốn cứu biển, các bạn đơn giản chỉ cần thay đổi thói quen di chuyển của mình. Năng đi bộ hoặc dùng xe đạp và các phương tiện công cộng hơn; sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, tắt những thiết bị không dùng tới.

Ngoài ra trong mùa hè, chịu khó tăng nhiệt độ điều hòa lên một tí nhé – vừa để bảo vệ biển, vừa tiết kiệm cho nhà bạn khối tiền điện đó.

2. Đi chợ mua cá theo phong cách thông thái 

Thông thái ở đây tức là chọn những loài cá không nằm trong diện nguy cấp, có khả năng tái sinh sản với số lượng bền vững trong thời gian dài.

Hiện nay, tình trạng đánh bắt hải sản quá mức đang là một vấn nạn của toàn cầu. Theo như đánh giá từ Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp Quốc (FAO), 3/4 thủy sản trên thế giới hoặc đang bị khai thác quá mức, hoặc đang trong quá trình hồi phục sau khai thác. Điển hình trong số này phải kể đến những loài cá ngừ đại dương.

Hơn nữa, sự can thiệp từ con người đang khiến nhiều sinh vật biển mất đi môi trường sống. Do đó, việc không chọn ăn những loài cá này sẽ góp phần làm giảm nhu cầu tiêu thụ chúng. Vì nếu cầu giảm, cung không thể tăng – điều này chắc chắn đúng.

3. Ngưng xả rác, đặc biệt là nhựa và túi nylon

Biết rằng, hiện nay mỗi năm con người thải ra biển tới 8 triệu tấn rác, trong đó có cả chai nhựa và túi nylon – những chất liệu cực kỳ khó phân huỷ. Trong đó, nhựa và nylon từ con người đã góp phần “tiễn đưa” hàng chục ngàn sinh vật biển mỗi năm.

Và bạn biết không, Việt Nam của chúng ta là 1 trong 5 quốc gia xả rác xuống đại dương nhiều nhất thế giới (đứng đầu là Trung Quốc, với 2,4 triệu tấn rác mỗi năm). Đọc đến đây, chắc các bạn cũng hiểu tình hình nghiêm trọng đến đâu rồi đúng không?

Không chỉ vậy, ngay cả các loài chim biển cũng bị ảnh hưởng. Theo thống kê, 90% số lượng chim hải âu bị chết tại Bắc Hải (vùng biển phía bắc Đại Tây Dương) đều có túi nylon hay đồ nhựa trong dạ dày.

Vậy bạn cần làm gì bây giờ? Hãy chăm tái sử dụng các chai nhựa. Đồng thời, hãy hạn chế sử dụng nylon, mà thay vào đó là các loại bao bì thân thiện với môi trường.

4. Đi biển có thể tranh thủ dọn rác

Ngắn gọn vậy thôi! Hãy bớt chút thời gian tận hưởng nắng vàng biển xanh và đánh chén hải sản mà thu dọn bớt rác quanh bờ biển. Vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp tầm mắt của bạn đỡ vướng bận bởi cơ man nào rác là rác.

5. Tự trang bị kiến thức đầy đủ cho bản thân và người thân

Muốn bảo vệ biển, bạn phải hiểu rõ về biển đã. Hãy tự trang bị kiến thức từ sách vở, báo chí chính thống. Ngoài ra, cần nhắc nhở người thân của bạn nếu thấy họ có những hành vi nguy hại với môi trường.

Kết

Bạn thấy đấy, rõ ràng có nhiều hành động đáng để làm hơn để cứu lấy môi trường biển của chúng ta. “Tích tiểu thành đại” – khi mọi người cùng nhau thay đổi, Trái đất sẽ được cứu rỗi.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: