5 ca khúc bất hủ về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Nhân dịp Kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hãy cùng lắng nghe những ca khúc bất hủ để sống lại không khí hào hùng của dân tộc.

5 ca khúc bất hủ về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước – Huỳnh Văn Tiếng – Mai Văn Bộ)

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phác thảo lần đầu tiên ca khúc này vào năm 1961, nhân dịp thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và là bài hát mang tính tiên đoán chính xác thời điểm giải phóng đất nước.

Tại thời điểm này, ông cùng nhạc sĩ Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng được cử sáng tác một bài hát tập thể để lấy làm bài ca chính thức của Mặt trận. Ba người đã cùng ngồi lại để soạn lời, viết nhạc. Một tuần sau, ca khúc “Giải phóng miền Nam” ra đời.

Lần đầu duyệt bài hát này, ông Phạm Hùng, khi đó là cán bộ cấp cao của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã đứng lên nói to: “Được rồi, hay lắm! Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng! Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng! Vận nước đã đến rồi… Hay hết sức! Hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí”.

Ca khúc sau đó nhanh chóng được phổ biến rộng rãi qua sóng phát thanh của Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam và các đoàn văn công quân Giải phóng.

Tiến về Sài Gòn (Lưu Hữu Phước)

Bài hát về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 “Tiến về Sài Gòn) được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác vào năm 1966 trong một nhiệm vụ sáng tác để cổ vũ cho cuộc Tiến công và nổi dậy năm 1968.

Ca khúc này nổi bật ở tính nhạy bén chính trị, tiết tấu hùng tráng, thúc giục thế hệ trẻ xông pha lên đường tranh đấu cho Tổ quốc. Bài hát với những lời tiên đoán chính xác “Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười. Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày. Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây”…

Tiếng hát từ thành phố mang tên người (Đăng Trung – Cao Việt Bách)

Phần lời của bài hát “Tiếng hát từ thành phố mang tên người” do nhà báo Đăng Trung viết. Ông được cử nhiệm vụ viết một bài báo đặc biệt về Sài Gòn đón chào ngày chiến thắng. Thức trắng đêm, ông cho ra đời bài viết: “Từ thành phố này, Người đã ra đi”.

Bài báo được in sau đó nhưng cái tít được sửa là “Cách đây 64 năm, từ Sài Gòn, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”. Ngay đêm đó, một đêm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông hì hục làm một bài thơ với tít ban đầu. Sau đó, ông đã bàn với nhạc sĩ Cao Việt Bách và bài hát “Tiếng hát thành phố mang tên Người” đã ra đời.

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên)

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát này vào đêm 28/4/1975 và được thu âm ngay trong chiều ngày 30/4 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt 17h cùng ngày của Đài tiếng nói Việt Nam, chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Nhạc sĩ chia sẻ: “Trong nguồn cảm hứng dào dạt, hai tiếng đồng hồ sau bài hát được hoàn thành, không cần sửa một câu, một chữ. Và định để dành đến 7/5 kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ mời dàn dựng. Không ngờ thắng lợi nhanh đến thế! 30/4, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập”.

Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà)

Nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác “Đất nước trọn niềm vui vào đêm 26/4/1975. Điều đặc biệt là ông chưa từng đặt chân đến Sài Gòn nhưng đã khắc họa được trọn vẹn cảm xúc của con người, cảnh vật trong ngày đại thắng của dân tộc.

“Đất nước trọn niềm vui” là một bài hát hay trong số các ca khúc viết về ngày đại thắng 30/4, đây cũng là sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Hoàng Hà.

Bài hát được giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày hôm sau và được thể hiện lần đầu tiên bởi ca sĩ Trung Kiên. Bài hát còn được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng ngày 1/5/1975 cùng với ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Theo THỜI ĐẠI

Tags: , , , ,