4 nguyên tắc cơ bản trong xây dựng thành phố sinh thái

Theo các chuyên gia, trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, bê tông hóa, khiến môi trường sống của người dân đô thị ngày càng bị ảnh hưởng, đã đến lúc các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hướng đến phát triển theo hướng đô thị sinh thái để phát triển bền vững.

4 nguyên tắc cơ bản trong xây dựng thành phố sinh thái

Xác định rõ mô hình đô thị sinh thái

Theo nhận định của GS.TS.TKS. Đỗ Hậu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh cần xây dựng mô hình đô thị kiểu mẫu, phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng yêu cầu theo hướng tăng trưởng xanh, cần thực hiện một số các định hướng cụ thể.

Thứ nhất, phát triển đô thị trước hết phải từ các quy hoạch, kế hoạch cụ thể, có thể lường trước. Các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái.

Các quy hoạch không gian phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế – sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng.

Các quy hoạch đô thị cần đi trước một bước theo nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh, mặt nước và đảm bảo các khu vực chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường.

Thứ hai, cần đưa quan điểm phát triển xanh và tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như cấp thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và không gian xanh đô thị.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sách. Đồng thời, tiếp cận ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển công trình xanh, đô thị xanh.

GS. Hậu cho biết, hệ thống tiêu chí cho phát triển đô thị bền vững được đặt ra cho các nhóm về phân bố và quy hoạch đô thị phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển ổn định và bền vững kinh tế, trình độ dân trí và nguồn nhân lực, trình độ quản lý đô thị, dịch vụ đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, quy hoạch đô thị và môi trường, cũng như sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch đô thị.

Còn theo GS.TS. Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP. HCM), có 4 nguyên tắc chính để tạo dựng những thành phố sinh thái:

(1) Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên; (2) Đa dạng hóa nhiều nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người; (3) Trong điều kiện có thể, cố giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng; (4) Giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu.

Ở góc độ khác, theo TS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, khi đã định hướng đúng đắn về đô thị xanh, công trình xanh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh;

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, có chính sách thu hút nhà đầu tư tài trợ, các tổ chức phát triển, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh.

Đồng thời, phải có chính sách để phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh là một hướng ưu tiên trong phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay.

Làng trong phố

Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ hình thành các thị trấn sinh thái, là mô hình đô thị sinh thái với mục tiêu phát triển cân bằng giữa khu làng hiện hữu và các khu phát triển mới ở Hà Nội.

Theo nhận định của giới chuyên gia, các đô thị này sẽ đem lại những lợi ích xã hội cho người dân sinh sống trong các khu làng hiện hữu, đồng thời sẽ giải quyết những mâu thuẫn thông qua bảo tồn làng hiện hữu, chuyển qua các mô hình kinh doanh giá trị cao hơn thông qua nông nghiệp công nghệ cao, chuẩn bị đất dịch vụ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Về mặt môi trường, các thị trấn sinh thái làm hài hòa giữa dân số hiện trạng và dân nhập cư, cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ phát triển khu sinh thái và hạ tầng mới. Các thị trấn sinh thái này sẽ cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các làng nghề và làng nông nghiệp trong hành lang xanh và sẽ là trung tâm phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Chức năng của các thị trấn sinh thái bao gồm thị trấn bền vững, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao sẽ được phân bố theo đặc điểm tiềm năng của địa phương sinh thái và tự cung tự cấp.

Để bảo tồn tiềm năng tự nhiên và môi trường vùng, tầng cao kiến trúc cần được hạn chế dưới 20 tầng và mật độ được kiểm soát trong khoảng từ 17 – 25 hộ gia đình/ha.

Các đô thị sinh thái này sẽ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của các địa phương, tăng cường vai trò vị thế và chia sẻ chức năng của các đô thị sinh thái trong cấu trúc quy hoạch vùng huyện, vành đai xanh và quy hoạch chung Thủ đô, cung cấp các dịch vụ công hỗn hợp, hỗ trợ phát triển vùng nông nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ công cộng, du lịch chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất khác theo hướng “làng trong phố” tạo ra các “cụm động lực” giúp cho Hà Nội phát triển một cách bền vững trong tương lai.

Theo quy hoạch Vùng Thủ đô, dọc đường cảnh quan trong hành lang xanh được gọi là trục Bắc Nam, có 3 điểm giao với Quốc lộ 6, Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 32 kết nối 3 đô thị vệ tinh phía Tây hành lang xanh: Sơn Tây, Hòa Lạc và Xuân Mai.

Theo nhận định của các chuyên gia, vùng này dễ bị đô thị hóa gây ảnh hưởng đến hành lang xanh. Do vậy, đề xuất các thị trấn sinh thái mật độ thấp với mô hình TOD (Transit Oriented Development) xung quanh 3 điểm giao cắt này nhằm ngăn chặn quá trình đô thị hóa.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của Vùng Thủ đô để phát triển bền vững là sự cần thiết và để trở thành động lực phát triển, làm cho đô thị vệ tinh cấp tỉnh trở thành hạt nhân phát triển khu vực, giảm sức ép lên đô thị trung tâm Thủ đô, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội và chất lượng dịch vụ ở các đô thị vệ tinh cấp tỉnh trong vùng để tăng sức hút phát triển kinh tế đô thị chung cho các tỉnh trong vùng Thủ đô.

Theo TIN NHANH CHỨNG KHOÁN

Tags: ,