11 điều cần ghi nhớ về kiểu người hướng nội

Mặc dù chiếm khoảng 40% dân số nhưng người nhóm tính cách hướng nội (introvert) thường cho rằng người khác dường như chẳng hiểu gì về họ. Một số độc giả hướng nội đã chia sẻ một số điều mà họ tin rằng là những hiểu lầm, quan niệm sai lệch và lời đồn sai sự thật nhất về nhóm tính cách này.

11 điều cần ghi nhớ về kiểu người hướng nội

Nguồn: https://www.verywellmind.com/things-you-didnt-know-about-introverts-4065384

1. Người hướng nội yên lặng không có nghĩa là họ nhút nhát

Ta đôi khi vẫn bị nhầm khi nghĩ rằng một người yên lặng có nghĩa là họ đang rụt rè. Tuy nhiên, giữa hướng nội, rụt rè và lo âu xã hội có một sự khác biệt lớn.

Người hướng nội không hẳn là e sợ phải nói chuyện với người khác, mặc dù một số người nhóm tính cách này chắc chắn có cảm giác bẽn lẽn hoặc có triệu chứng lo âu xã hội.

Thay vào đó, người hướng nội có xu hướng dè dặt và hướng vào bên trong hơn. Họ muốn biết một người rõ hơn trước khi gắn kết và trò chuyện nhiều hơn. Họ thích nghĩ trước khi nói. Họ thường không thích những kiểu trò chuyện phiếm hay hỏi thăm xã giao. Vậy nên lần tới khi bạn thấy ai đó yên lặng và dè dặt, đừng mặc định đó là vì người ta nhút nhát hay sợ nói chuyện với người khác.

2. Cần nạp lại năng lượng không có nghĩa là giận dữ hay trầm cảm

Khi một người hướng nội cảm thấy ngợp bởi quá nhiều hoạt động tương tác xã hội, họ thường cần phải được yên tĩnh một chút, cần ở một mình để nạp lại năng lượng. Không may là đôi khi mọi người lại phiên giải mong muốn ở một mình này thành một cảm xúc tiêu cực, như đang tức giận, trầm cảm, ủ rũ hay lo âu.

Nếu bạn là một người hướng nội, bạn chắc sẽ nhớ đến lần cha mẹ hay ai đó nói bạn rằng “hãy ra khỏi phòng và ngưng giận dỗi đi”, khi đó bạn thực sự chỉ cố gắng có một chút thời gian yên tĩnh mà thôi. Nhiều người hướng nội có thể sẽ ngạc nhiên khi biết người khác hiểu nhu cầu được ở một mình thành hành vi thô lỗ hay tùy tiện.

3. Họ thực sự tận hưởng và cảm thấy vui vẻ

Người hướng nội không phải là những kẻ làm tụt hứng trong các bữa tiệc. Mặc dù họ có thể khá yên lặng khi ở trong một đám đông nhưng điều đó không có nghĩa là họ không vui.

Trong nhiều trường hợp, người hướng nội ngồi lại và quan sát, họ nhìn tất cả những khung cảnh, âm thanh và những cuộc trò chuyện thú vị. Họ tò mò và muốn tìm hiểu thế giới và những người quanh họ. Trong khi những người hướng ngoại có thể đạt được điều này bằng cách đặt câu hỏi và bắt đầu trò chuyện thì người hướng nội lại thích lắng nghe và ngẫm nghĩ hơn.

4. Họ không phải là người thô lỗ

Người hướng nội có thể khá trầm lặng và dè dặt khi bạn gặp họ và bạn sẽ khó biết họ đang nghĩ gì. Điều này có thể khiến người khác nghĩ họ thô lỗ.

Thay vì mặc định sự dè dặt ban đầu này là hành động thô lỗ, bạn cần hiểu rằng một người hướng nội có thể đơn giản chỉ cần biết rõ bạn trước khi anh ta hay cô ta cảm thấy thoải mái và sẵn sàng mở lòng với bạn.

5. Người hướng nội không kỳ quái

Theo một số thống kê, có khoảng ít nhất 40% dân số tự nhận định mình là người hướng nội. Chỉ dựa vào con số này cũng đủ để ta khẳng định họ không phải là nhóm người kỳ lạ, quái gở hay thậm chí lập dị.

Người hướng nội đôi khi bị người khác đối xử bất công, gắn nhãn là kỳ cục. Có thể là vì người hướng nội có xu hướng làm theo cái họ thực sự muốn và quan tâm, hơn là đặt quá nhiều chú ý vào những thứ phổ thông hay xu hướng mà ai cũng theo.

6. Họ không muốn lúc nào cũng một mình

Mặc dù người hướng nội có thể cần có một chút thời gian ở một mình mỗi ngày để lấy lại năng lượng nhưng chắc chắn điều đó không có nghĩa lúc nào họ cũng muốn ở một mình.

Người hướng nội thực sự vẫn thích dành thời gian bên những người họ hiểu rõ. Chỉ là họ cần thời gian yên tĩnh định kỳ để giảm bớt áp lực và lấy lại năng lượng tiêu hao cho các hoạt động xã hội.

7. Họ không sợ không gian rộng

Người hướng nội trầm lặng và thích được ở một mình không có nghĩa họ đang bị mắc chứng sợ không gian rộng. Chắc chắn là một số người sẽ có thể vừa hướng nội vừa mắc chứng sợ không gian rộng nhưng con số này không đại diện cho tất cả.

Nhiều người hướng nội mô tả mình là “người ưa ở nhà”, tức thích ở nhà và tận hưởng khoảnh khắc bên gia đình và có những sở thích riêng. Điều này không có nghĩa là họ sợ những nơi hoặc không gian công cộng.

8. Người hướng nội không có lòng tự trọng thấp

Một quan niệm sai lầm khác về người hướng nội là họ trầm lặng và dè dặt vì họ có lòng tự trọng thấp hoặc thiếu tự tin vào bản thân.

Điều này có thể cực kỳ rắc rối cho trẻ hướng nội khi cứ liên tục bị người lớn đẩy vào những tình huống phải tương tác vì họ tin rằng tiếp xúc với người khác chính là cách để “trị” những đứa trẻ rụt rè hay có biểu hiện bất an. Tuy nhiên, những đứa trẻ khi cứ liên tục bị người lớn và bạn bè khăng khăng rằng tính cách của mình có vấn đề, rồi cuối cùng sẽ tự nghi ngờ và tự vấn bản thân, nghĩ rằng mình có vấn đề thật.

Lời khuyên: Đừng mặc định trẻ dè dặt là trẻ thiếu tự tin.

9. Người hướng nội không thù ghét người khác

Người hướng nội không thù hằn hay ghét bỏ người khác. Trong thực tế, người hướng nội lại rất quan tâm đến người khác; họ đơn giản là cảm thấy kiệt sức bởi quá nhiều cuộc trò chuyện và tương tác với người khác. Đặc biệt là những cuộc trò chuyện vô ích.

Trò chuyện xã giao là thứ gì đó khiến người hướng nội co rúm lại nhất. Cái họ cần là một lý do để nói chuyện. Bắt đầu một cuộc trò chuyện thú vị về một thứ gì đó mà người hướng nội quan tâm và bạn sẽ thấy họ có thể là thành phần “nhiều lời” nhất trong phòng.

10. Người hướng nội không bị “vỡ vụn” và cũng không phải được “hàn gắn” gì hết.

Hướng nội thường bị coi là một trở ngại cần phải vượt qua.

Nhiều người hướng nội kể rằng giáo viên và những người lớn khác thường đẩy họ vào những tình huống họ cảm thấy không thoải mái và ngợp – như bắt một học sinh trầm lặng phải đảm trách vị trí trưởng nhóm, chỉ định một đứa trẻ dè dặt đóng vai chính trong một vở kịch của lớp, và bắt cặp những trẻ trầm lặng nhất với những trẻ hướng ngoại nhất khi làm bài tập nhóm chẳng hạn. Những hành động này thường kèm theo một lời giải thích đơn giản (nhưng lại được truyền đạt sai lệch): “Em quá trầm, thầy đẩy em ra ngoài đấy để em vượt qua nó!”

Nhưng “hướng nội” không phải thứ để “vượt qua”. Rụt rè quá mức và lo âu xã hội chắc chắn là vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là nếu chúng gây khó chịu và ảnh hưởng lên cuộc sống. Nhưng những vấn đề này cần được xử lý với lòng thương yêu và cách thức chuyên nghiệp. Bắt một đứa trẻ rụt rè hoặc lo âu phải hòa nhập vào một tình huống xã hội nơi chúng cảm thấy ngợp hoặc không thoải mái là cách không phù hợp nhất để xử lý vấn đề.

Như đã đề cập trước đó, trầm lặng và rụt rè không giống nhau. Người hướng nội không cần bị “đập vỡ” và đắp lại thành người hướng ngoại.

11. Nói “Bạn quá trầm” với người hướng nội là thô lỗ và vô ý tứ

Hướng nội không phải là nhóm tính cách duy nhất bị hiểu sai. Người hướng ngoại cũng thường bị buộc tội bởi những người không hiểu họ, cho rằng họ quá ồn ào và nói quá nhiều.

Đối với một người hướng nội, liên tục bị nói rằng “bạn quá trầm” thì cũng rất giống như nói người hướng ngoại là “không bao giờ ngậm miệng lại”. Thô lỗ như vậy là không cần thiết và nói như thế chẳng khác nào ngụ ý họ có vấn đề.

Cả hai nhóm tính cách đều cần nỗ lực để hiểu những người khác biệt họ. Người hướng nội cũng có những nhu cầu và thói quen riêng, người hướng ngoại cũng vậy.

Quan trọng nhất là không phải tất cả người hướng nội (hoặc hướng ngoại) đều như nhau. Đồng hóa hai nhóm tính cách bằng một “nét cọ” sẽ làm bỏ lỡ những sắc thái và chi tiết làm nên nét độc đáo của một cá nhân. Tìm hiểu về cách suy nghĩ và cảm nhận của những người thuộc nhóm tính cách này có thể giúp bạn hiểu hơn những người khác biệt bạn.

Theo LINDANGA.COM

Tags: ,