10 lý do phổ biến khiến những mối quan hệ tình cảm nghiêm túc đổ vỡ

Thông thường, khi một người muốn chấm dứt một quan hệ tình cảm, người còn lại vẫn muốn duy trì quan hệ đó. Chúng tôi hy vọng bài viết dưới đây phần nào lý giải cho một số người biết vì sao bạn đời họ muốn từ bỏ họ.

10 lý do phổ biến khiến những mối quan hệ tình cảm nghiêm túc đổ vỡ

Nguồn: Randi Gunther / Goodmenproject.com.

Lược dịch: Triệu Khánh Ngọc.

1. Ngoại tình

Hơn một nửa số trường hợp các cặp đôi phải tìm đến chuyên viên tư vấn hôn nhân – gia đình là vì một trong hai người không chung thủy. Khi bị phát hiện ngoại tình, phần lớn những người không chung thủy sẽ phủ nhận, né tránh hoặc thậm chí là giận dữ thách thức bạn đời mình đưa ra bằng chứng. Nhưng cuối cùng, bằng chứng thường hiện ra và cặp đôi đó sẽ phải đối mặt với khủng hoảng do việc ngoại tình mang lại.

Trừ khi mối tình vụng trộm đó không dừng lại, phần lớn các cặp đôi thoạt đầu đều muốn cố gắng hàn gắn lại cuộc hôn nhân của họ, nhưng việc lòng tin bị đánh mất có thể làm tổn hại nghiêm trọng kết quả những nỗ lực của họ.

2. Sự nhàm chán

Đối với một số người, sự an toàn và thoải mái của một mối quan hệ không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc cho họ. Khi họ biết về bạn đời mình quá nhiều, và có thể dự đoán chính xác từng suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng của bạn đời, có khả năng họ sẽ bị mất đi niềm vui được khám phá.

Thông thường, chỉ một trong hai người bắt đầu thấy nhàm chán, nhưng không muốn thú nhận điều đó vì không muốn làm tổn thương bạn đời. Cuối cùng, anh/cô ta chọn cách bằng lòng với sự ổn định mà hai người chia sẻ và không than phiền gì. Tuy nhiên, cảm giác bồn chồn, mong muốn khám phá cũng như tâm trạng tội lỗi và xấu hổ ở anh/cô ta sẽ dần tích tụ cho đến khi anh/cô ta không chịu nổi.

3. Mệt mỏi vì cãi vã

Những cuộc cãi vã thường xuyên sẽ làm xói mòn bất kỳ mối quan hệ nào.

Các mâu thuẫn lặp đi lặp lại và không được giải quyết thường tạo nên những tổn thương to lớn cho cả cảm xúc người trong cuộc lẫn cho mối quan hệ. Khi một trong hai người không chịu nổi, họ sẽ muốn ra đi, kể cả khi người còn lại vẫn muốn cùng bạn đời tranh cãi cho ra lẽ.

4. Quá nhiều khủng hoảng

Dù một mối quan hệ có nhiều ưu điểm đến đâu, nó vẫn có thể đổ vỡ nếu những người trong cuộc gặp quá nhiều thử thách đau thương, ảnh hưởng sâu sắc đến họ.

Phá sản, bệnh tật, cái chết, thay đổi địa điểm sống, trục trặc trong chuyện gối chăn, vấn đề với con cái, áp lực từ người nhà, những yêu cầu của công việc, hay thậm chí là những khủng hoảng về niềm tin cũng có thể khiến một trong hai người ngã gục trong khi người kia có vẻ không bị ảnh hưởng gì.

Một số cặp đôi gặp nhiều thử thách mà không tìm được cơ hội lấy lại sự cân bằng để vun đắp lại tình yêu.

Một trong hai người có thể đổ lỗi cho người kia, trở nên mè nheo, hoặc thấy bản thân không còn đủ khả năng hoàn thành bổn phận trong mối quan hệ, và cho rằng họ phải ra đi để cứu chính họ.

5. Mơ ước và mục tiêu thay đổi

Ban đầu, khi hai người đến với nhau, họ thường chia sẻ những ước mơ và mục tiêu gần giống nhau. Đáng buồn là, theo thời gian, những nguyện vọng của một trong hai người có thể thay đổi, trong khi ở người kia không có thay đổi nhiều.

Khi một người nhận ra những mơ ước và mục tiêu ban đầu của mình đã thay đổi và không còn giống với mục tiêu, mơ ước của bạn đời, sự khác biệt đó có thể tạo nên khủng hoảng về niềm tin.

Đó có thể là những thay đổi về đức tin tôn giáo, các mong muốn trong mối quan hệ, họ muốn giao du với những nhóm người khác, quan điểm chính trị thay đổi, những cam kết với người thân, sự nghiệp, nhu cầu tình dục, phong cách nuôi dạy con, cách giải quyết xung đột, v.v…

Khi một cặp đôi giao tiếp hiệu quả với nhau và vẫn yêu nhau, những khác biệt này có thể là động lực tích cực để họ thay đổi và củng cố mối quan hệ.

Nhưng thông thường, một trong hai người sẽ không thể sống với những lựa chọn mới này và chọn cách ra đi để theo đuổi mơ ước mới của bản thân.

6. Thất vọng và vỡ mộng

Trong giai đoạn đầu của tình yêu, hai người thường tin tưởng nhau, hoàn toàn ủng hộ nhau và bao dung với nhau. Họ tin rằng tình yêu của họ đủ mạnh để giúp họ vượt qua mọi vấn đề của hai người và giữa hai người.

Nhưng khi mối quan hệ tiến triển, một hoặc cả hai người trong cuộc sẽ có lúc phải đối mặt với những hành vi mà họ không chấp nhận được từ bạn đời. Nếu không được điều chỉnh, vấn đề đó có thể làm xói mòn tình cảm họ dành cho nhau.

Những tình huống và những hành vi trước đây họ có thể du di giờ đây khiến họ thấy khó chịu. Đến một lúc nào đó, một trong hai người có thể sẽ “chịu hết nổi” và không còn nhân nhượng nữa.

7. Muốn được ở một mình

Một số người, khi mới bước vào một mối quan hệ, họ rất chân thành và dốc lòng cho mối quan hệ nghiêm túc đó.

Nhưng sau một thời gian, vì lý do gì đó, cuộc sống của họ có nhiều biến động, và họ thấy họ cần tách khỏi cuộc đời mà họ từng biết để tái định hình lại đời mình một cách độc lập.

Khao khát được một mình và được biến đổi này thường xảy ra sau khi họ trải qua một mất mát hoặc biến cố đau thương.

Đôi khi, người bạn đời thích ở một mình này bị biến cố nào đó làm cho hổ thẹn, hoặc bị sự thức tỉnh nào đó làm họ nhận ra sự thật bẽ bàng – như do một sự tàn tật nào đó vừa xuất hiện trên cơ thể họ chẳng hạn.

Có thể họ cảm thấy mình không còn xứng đáng với mối quan hệ này nữa, vì họ không còn khả năng vun đắp cho nó như lúc trước.

Cũng có khi, họ muốn đi tu. Người bạn đời còn lại không thể hiểu vì sao mình không được mời gia nhập hành trình mới của vợ/chồng mình. Họ không hiểu nổi tại sao việc ở một mình lại tốt hơn việc đồng hành bên bạn đời.

8. Không muốn trưởng thành

Một số người từng quyết tâm “lớn lên” trong mối quan hệ nghiêm túc của họ, nhưng sau đó, họ nhận ra các trách nhiệm của một mối quan hệ trọn đời là quá sức mình. Những trách nhiệm đó có thể là về tài chính, con cái, công việc, lòng chung thủy.

Dù ban đầu họ rất thật lòng và chân thành, nhưng sau đó họ cảm thấy mình bị mắc bẫy trong những lời hứa của người trưởng thành khi mà họ chưa sẵn sàng để trưởng thành.

Những người này có thể sợ phải lớn lên, vì việc đó làm họ thấy bế tắc và gò bó. Họ muốn trở lại giai đoạn mà họ được tự do làm bất cứ những gì họ thích.

9. Muốn nhiều hơn

Sau khi ở trong một mối quan hệ một thời gian, nhiều người nhận ra bản thân thích tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới bên ngoài cuộc hôn nhân của mình.

Họ từng hào hứng chia sẻ với nhau mọi thứ, nhưng giờ đây họ nhận ra nhà chỉ là nơi ăn ngủ hơn là nơi để phục hồi và khám phá.

Những đôi này có thể đã hình thành nên một tình bạn thân thiết và thoải mái, nhưng nó không còn mới lạ và lý thú với họ. Họ yêu và tôn trọng nhau, nhưng một trong hai người, có nhu cầu cho những cuộc phiêu lưu lớn hơn.

Thông thường, những ý nghĩ này xuất hiện ở tuổi trung niên và được xem như một dạng khủng hoảng tạm thời, nhưng thật ra chúng có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào.

10. Sai lầm ngay từ đầu

Nhiều người cho biết họ rời khỏi mối quan hệ của mình khi mà nhìn lại, họ biết rằng mối quan hệ đó ngay từ đầu đã là một sai lầm.

Có thể là do lúc đầu họ sợ từ chối tình yêu của đối phương sẽ làm đối phương buồn. Hoặc họ bị chi phối bởi ý kiến của bạn bè, người thân…

Khi lâm vào tình trạng này, những người bạn đời tốt bụng có thể sẽ làm mọi thứ có thể để duy trì mối quan hệ, nhưng trong thâm tâm họ biết rằng mình không yêu vợ/chồng mình. Sự xuất hiện của những khó khăn thông thường mà hầu như mối quan hệ nào cũng gặp phải có thể sẽ là giọt nước làm tràn ly, khiến cho những người bạn đời này càng ngày càng muốn ra đi. Đến một lúc nào đó, họ sẽ cảm thấy tù túng và không thể tiếp tục ở lại, kể cả khi người bạn đời của họ trước đó không hề nhận ra những đấu tranh tư tưởng này.

Khi được hỏi tại sao họ không thẳng thắn nói với bạn đời về cảm xúc của bản thân trước khi “quá muộn”, hai câu trả lời phổ biến nhất đó là:

– Họ đã không tranh đấu đủ sớm cho sự thay đổi, và giờ đây họ không có khả năng đầu tư cho một mối quan hệ khác, hoặc;

– Họ đã cố gắng cải thiện mối quan hệ, nhưng cảm thấy như bạn đời họ không thể hoặc không muốn lắng nghe, thay đổi.

LỜI KẾT

Bạn cần nhớ rằng kể cả những mối quan hệ tuyệt vời cũng có thể chấm dứt nếu đã đến thời điểm cáo chung của chúng. Có trường hợp hai người từng xem nhau như cả thế giới, nhưng một thời gian sau họ nhận ra một trong hai người, hoặc cả hai, đã sẵn sàng rời bỏ nhau và đi những con đường riêng.

Họ đã thành thật, chân thành và cởi mở ngay từ khi mối quan hệ của họ bắt đầu, và khi họ nhận ra rằng bạn đời mình sẽ sống vui và hạnh phúc ở nơi khác mà không có mình, họ cũng không níu giữ một cách ích kỷ.

Họ tôn trọng nhau và tôn trọng mối quan hệ của họ đủ để buông tay khi đến lúc phải buông tay.

Dĩ nhiên, khi mối quan hệ kết thúc, người trong cuộc sẽ thấy buồn, kể cả khi họ hài lòng với việc rời bỏ nhau. Tuy nhiên, họ không bị rối trí hoặc suy sụp.

Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM

Tags: , ,