10 cách ứng xử với con cái đã lỗi thời, các bậc cha mẹ nên lưu ý

Đưa mọi khoảnh khắc của con lên mạng, không khuyến khích con xin lỗi, tập trung các hoạt động nhóm là những cách ứng xử với con đã lỗi thời.

10 cách ứng xử với con cái đã lỗi thời, các bậc cha mẹ nên lưu ý

Đề nghị thay vì yêu cầu: TS Chris Norris, nhà thần kinh học, vật lý trị liệu, phó giáo sư tại ĐH California (Mỹ), cho biết một số phụ huynh có thói quen đề nghị con làm điều gì đó thay vì yêu cầu trực tiếp. Điều này khiến trẻ nhầm tưởng con có quyền từ chối. Trẻ “phớt lờ” lời bố mẹ lại khiến người lớn bực mình. Vì thế, ông khuyên nếu muốn con làm gì, phụ huynh nên đưa ra yêu cầu rõ ràng.

Đưa mọi khoảnh khắc của con lên mạng: Đây là thói quen của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, nhà giáo dục Carol Muleta, dẫn chương trình podcast Parenting 411, cho biết việc này có hại và gây “rối loạn chức năng”. Nó khiến con gặp nguy hiểm hoặc hình thành thói quen mong chờ sự khích lệ, khen ngợi từ người khác, cản trở sự phát triển khả năng đồng cảm, quan tâm đến cảm xúc, nhu cầu của người xung quanh.

Thương lượng với con: Về lý thuyết, thương lượng với con có vẻ sẽ giúp trẻ học được sự kiên nhẫn, hợp tác. Tuy nhiên, nhà giáo dục Susan North cho rằng điều này khiến trẻ không hạnh phúc. Trẻ chưa hiểu nhiều về tiền bạc, thời gian, an toàn, dinh dưỡng, sức khỏe. Người lớn thương lượng với con về vấn đề này khiến trẻ tưởng được coi ngang hàng nhưng thực tế không phải. Lúc đó, con sẽ thất vọng. Ảnh: Getty Images.

Tập trung vào hoạt động nhóm hơn cho con tự chơi: TS Jessica Myszak – nhà tâm lý học trẻ em, Giám đốc Trung tâm Chữa lành Helpand – cho biết cha mẹ nên dành thời gian để con tự chơi, học thay vì lên lịch trình sẵn cho mọi thứ, đặc biệt các hoạt động tập thể. Trong khi đó, trẻ phát triển trí não, khả năng tưởng tượng khi chơi một mình hay cảm thấy buồn chán.

Ngủ chung giường với con: TS Forrest Talley, nhà tâm lý học trẻ em ở Mỹ, chia sẻ việc để con ngủ chung không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ của cha mẹ mà còn không tốt cho trẻ, khiến con sống phụ thuộc vào người lớn.

Loại bỏ mọi trở ngại giúp con: Nhà giáo dục Carol Muleta khuyến khích phụ huynh không nên làm điều này vì nó cướp mất cơ hội để con học hỏi kỹ năng mới. Cha mẹ loại bỏ mọi chướng ngại vật cũng khiến con không học được cách “đấu tranh” cho thứ mình muốn. Ngoài ra, Muleta cho rằng việc này truyền tải thông điệp cha mẹ đang không tin tưởng con.

Không khuyến khích con xin lỗi: TS Jennifer Thomas (Mỹ) cho biết có xu hướng cha mẹ không khuyến khích con xin lỗi khi mắc sai lầm. Theo bà, trẻ không nên hối lỗi quá mức nhưng vẫn cần học cách nói xin lỗi khi cần. Bà khuyên phụ huynh nên dạy con 5 ngôn ngữ xin lỗi, gồm bày tỏ sự hối hận, nhận trách nhiệm, bồi thường, sửa đổi, mong đợi sự tha thứ.

Tự cho rằng con mắc chứng âu lo: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, 7,1% trẻ trong độ tuổi 3-17 mắc chứng âu lo. Nhưng TS Robin Neuhaus, đồng sáng lập Scientific Mommy, cho rằng nhiều phụ huynh đang tự dán nhãn con mắc chứng này. Những nhãn dán đó góp phần định hình tính cách của trẻ hoặc thường xuyên nhắc nhở trẻ về điều con bất an.

Sử dụng ứng dụng theo dõi con: Tiến sĩ, nhà tâm lý học trẻ em Nicole Beurkens thông tin người lớn không nên lạm dụng điều này. Theo bà, ngoài việc đảm bảo an toàn cho con, cha mẹ còn cần để trẻ độc lập, riêng tư – yếu tố giúp con trưởng thành, đưa ra quyết định có trách nhiệm. Việc thường xuyên trông chừng khiến con cảm thấy không được tin tưởng, bản thân không thể tự xoay xở.

Cho phép con sống cùng nhà khi đã trưởng thành mà không cần đóng góp: TS Beurkens nhận định việc con cái khi đã lớn nhưng sống chung mà không đóng góp tài chính khiến con cảm thấy thiếu trách nhiệm, kém năng lực, phụ thuộc. Điều này không có lợi cho cả con cái lẫn cha mẹ. Bà cho rằng ít nhất, nếu sống chung, con phải làm việc nhà, góp một phần chi phí sinh hoạt.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,