Đôi điều về xu hướng phát triển của Trung Quốc

Với sự phát triển nhanh chóng của các ngành dịch vụ và tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, Trung Quốc đã từ một “trạm trung chuyển” trở thành động lực cho quá trình toàn cầu hóa. Điều này đem đến cho Trung Quốc cả những rủi ro và cơ hội vô cùng lớn trong quá trình kết nối với một thế giới ngày càng hội nhập.

Xu hướng phát triển của Trung Quốc

Bài viết của tác giả Stenphen S.Roach, cựu Giám đốc, nhà kinh tế hàng đầu của Morgan Stanley chi nhánh châu Á, hiện là nhà nghiên cứu của Viện các vấn đề toàn cầu Jackson, giảng viên cấp cao của Trường Quản lý Đại học Yale. Bài viết đăng trên Tạp chí “Project Syndicate”.

Sự thay đổi chiến lược này mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với nỗ lực hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”. Ban đầu, tham vọng này nghe có vẻ giống như một lời hiệu triệu mang tính dân tộc chủ nghĩa, một kế hoạch nhằm khôi phục vị thế và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên mọi khía cạnh, song song với địa vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà họ đã có được.

“Giấc mơ Trung Hoa” ngày càng trở nên rõ ràng và cụ thể, với trung tâm là sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Dự án cơ sở hạ tầng đa khu vực đầy tham vọng này được Trung Quốc thúc đẩy bằng việc gia tăng viện trợ kinh tế-đầu tư cho các quốc gia nằm trong khuôn khổ dự án, tăng cường sức mạnh địa chiến lược với sự hậu thuẫn của hàng loạt thể chế tài chính mà Trung Quốc làm trung tâm như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển Mới (BRICS) và Quỹ Con đường Tơ lụa.

Xét về mặt kinh tế, đây là một sự phát triển và thay đổi rất lớn. Tuy nhiên, đi cùng với đó là 3 vấn đề cần chú ý.

Thứ nhất là về sự thay đổi trong chiến lược phát triển kinh tế và định hướng của giới lãnh đạo Trung Quốc. Chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận rằng chiến lược tăng trưởng định hướng tiêu dùng rất khó để thành công. Tỷ trọng tiêu dùng trong GDP chỉ tăng 2,5% kể từ năm 2010, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của thu nhập cá nhân. Điều này cho thấy những lỗ hổng lớn trong chính sách an sinh xã hội, khiến người dân không khỏi lo ngại và do đó tích cực tiết kiệm chi tiêu. Mặc dù vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu đô thị hóa và phát triển dịch vụ song Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng nhằm bù đắp nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở trong nước.

Thứ hai, việc chính quyền tăng cường tìm kiếm và phát triển hướng đầu tư dựa vào doanh nghiệp quốc doanh khiến kế hoạch cải tổ khu vực công vốn ngày càng phình to này vô hình trung vấp phải không ít rào cản. Điều này càng khiến tăng trưởng định hướng tiêu dùng không còn được ưu tiên trong chiến lược phát triển. Trong báo cáo thường niên, một tuyên bố chính thức về chính sách kinh tế của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng trong một năm trở lại đây, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng định hướng tiêu dùng đã có dấu hiệu giảm dần.

Thứ ba, cách tiếp cận mới của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế phản ánh một sự thay đổi lớn trong giới lãnh đạo. Chủ tịch Trung Quốc củng cố quyền lực ở trong nước chỉ là một phần của câu chuyện. Việc chuyển đổi trách nhiệm ra các quyết sách kinh tế từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước thuộc Quốc vụ viện sang Tiểu ban Lãnh đạo Tài chính Kinh tế Trung ương, thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc; hay chiến dịch chống tham nhũng; tăng cường kiểm duyệt thông tin trên Internet và áp đặt các quy định mới đối với các tổ chức phi chính phủ là các quyết định quan trọng và có tác động lớn.

Điều trớ trêu là ở chỗ chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết sẽ phá bỏ sự tồn tại những nhóm quyền lực hay nhóm lợi ích chính trị và gia tăng vai trò quyết định của các thị trường đối với nền kinh tế. Trớ trêu hơn, mục tiêu phát triển và hội nhập toàn cầu của Trung Quốc lại diễn ra trong bối cảnh làn sóng phản đối toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân túy ngày càng phát triển mạnh mẽ ở các nước đang phát triển. Vốn là một nền kinh tế tập trung sản xuất, Trung Quốc từ lâu đã nhận được không ít lợi ích của quá trình toàn cầu hóa – từ tăng trưởng xuất khẩu và giảm đói nghèo. Các chiến lược của Trung Quốc đối mặt với không ít thách thức, từ sự mất cân bằng ở trong nước cho tới sự trì trệ của thương mại toàn cầu sau giai đoạn khủng hoảng, và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ của Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc có liên quan tới tham vọng vươn ra toàn cầu của quốc gia này. Trong khi các tranh chấp ở Biển Đông vẫn không ngừng leo thang, sự hiện diện và ý đồ của Trung Quốc ở châu Phi hay Mỹ Latinh khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể và đủ sức thế chân vào vị thế bá chủ toàn cầu, chỗ trống mà Mỹ đang có nguy cơ bỏ lại khi Tổng thống Donald Trump quyết tâm theo đuổi chính sách biệt lập “Nước Mỹ trên hết”.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG (2017)

Tags: ,