Võ thuật Việt: Từ thuật cận công đến binh pháp ‘nở hoa trong lòng địch’

“Lấy đoản binh chế trường trận” – nghệ thuật quân sự Việt Nam được khởi phát từ kinh nghiệm trực đấu cá nhân trong võ Việt cổ xưa. Lối đánh áp sát, dùng đòn ngắn công phá các huyệt đạo của đối thủ, giải quyết được sự chênh lệch về tương quan lực lượng.

Trải qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc, thuật “cận công” trong võ ta đã được tiên tổ nâng tầm trở thành một thứ “binh pháp” đặc dị, mang triết lý, hồn cốt của một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng cũng đầy sức mạnh phản kích trước bạo lực cường quyền.

Lối đánh của bên yếu

Võ sư – nhà nghiên cứu lịch sử võ thuật Nguyễn Mạnh Thắng giải thích: “Từ các đặc điểm nhân chủng của người Việt có thể trạng nhỏ yếu hơn so với người phương Bắc, trong đối kháng người Việt cổ lấy phương châm tránh né, không đối lực làm phương châm, dùng thân pháp bất ổn, bồng bềnh, linh hoạt, không bám đất làm cốt lõi.

Bằng những nhịp, bước nhỏ ngắn, lắt léo để di trượt, đảo đổ thân nhằm thoát đòn, rồi triệt chặn, tì ập, phá từ gốc đòn của đối phương, chớp cơ hội để đánh dũi, liên hoàn, đánh liên tục không cho địch định thần khi đã cướp được thế thượng phong nhập nội.

Lối đánh này nảy sinh từ vấn đề thể trạng nhỏ bé, yếu hơn kẻ thù nên không thể cho phép cuộc chiến diễn ra dài lâu. Không cho địch có khoảng cách để phát huy các trường lực công thủ lớn. Lối cận công này nhằm dứt điểm ngay, nên tính khắc sát rất cao”

Vẫn theo ông Thắng, các môn võ có nguồn gốc Trung Hoa thường lấy khoảng cách xa, đoạn đường di chuyển dài để tạo lực cho đòn, điều này hoàn toàn khác với cách phát lực của võ ta. Đòn võ ta đánh ngắn, ở cự ly gần nên phải dựa trên thân pháp luồn đảo, vặn, trượt làm đà, tạo cơ hội để “nhập nội”.

Lực đánh dựa trên cơ sở sự rung lắc cộng hưởng lực kình của toàn thân ở thời điểm tiếp chạm, kết hợp với các chuyển động vòng xoắn đảo chiều, nén tì, gằn dí vào đối phương. Phát lực từ sự xoắn vặn từ chân hông eo lưng vai… lan tỏa tới đầu quyền để cộng hưởng xung lực. Nó cho phép lực lớn, xoắn trong phạm vi hẹp của hai bên khi áp sát cận chiến.

Điều này phản ánh rất rõ trong cách đánh của võ Nhất Nam – (môn võ cổ xưa nhất của người Việt). Câu: “Quân Nhất Nam giấu ở cổ tay” – mô tả thuật liên hoàn công vào các huyệt đạo trọng yếu trên người đối phương bằng những đòn gật lắc cổ tay cực ngắn.

Thuật “cận công” còn đặc dị ở lối đánh tỳ chặn, kê kích đột phá tấn, phá hạ bàn đối thủ. Dùng đoản cước, lấy sự tinh khéo làm chủ để chẹn ngang các bước di chuyển bộ pháp của địch là một đối sách khôn ngoan.

Để khắc chế đòn tay tấn công vùng thượng, võ ta dùng các đòn gạt, tì, chặn, phá khớp, ngáng tấn để phá chân đế khởi phát lực của các đòn phía trên, gây hẫng đổ và trượt ngã. Trên quan điểm không trực đối với cường lực, thuật “cận công” của võ ta lấy việc phá hệ thống đồng bộ liên kết làm chủ.

“Thuật “cận công” trong trực đấu cá nhân giúp tạo thế quân bình giữa hai bên có tương quan lực lượng chênh lệch nhau quá lớn. Áp sát, thâm nhập sâu và núp vào các vùng vận động an toàn, khoảng trống rồi đối trả đòn, tiêu diệt đối phương… là cách cha ông ta đánh thắng giặc mạnh hơn mình. Sự vi diệu của thuật “cận công” là khả năng cơ động, công phá vào các điểm lõm, điểm âm yếu của đối thủ.

Các điểm lõm – âm này là điểm liên kết, là quãng giữa các cường lực hay điểm tập trung của đại binh, luôn tự sinh ra trong quá trình vận động, di chuyển. Nếu bị tấn công vào đây, sẽ phá vỡ sự liên kết, tính đồng bộ – thứ tạo nên sức mạnh của đối phương. Đây là cách đối phó cực kỳ hiệu quả với đại binh to lớn, cồng kềnh” – Võ sư Thắng cho biết thêm.

Võ sư Trịnh Hồng Minh – (Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản võ cổ truyền Việt Nam) giải thích thêm: “Qua hàng ngàn trận đánh tay đôi trên sa trường với giặc, các tuyệt kỹ của “võ ta” đã chứng tỏ tính hiệu quả khi phải đương đầu với lối đánh uy lực mạnh với đòn dài, vung rộng, tấn bám đất… của người phương Bắc.

“Bắt nhại” cách đánh của gà, các miếng đánh di chuyển ngược chiều đối thủ và phát các đòn ngắn vào tử huyệt như bộ hạ, yết hầu, mắt… giúp người yếu có thể hạ thủ kẻ địch to khỏe hơn mình. Lấy thẳng chế cong, lấy cong chế thẳng là một điểm rất đặc biệt trong võ thuật của người Việt. Thuật cận chiến của “võ ta” được rút ra từ máu xương của bao thế hệ người Việt trong các cuộc đối đầu với giặc”.

Tinh diệu quân sự Việt

Từ kinh nghiệm trực đấu cá nhân trong võ ta, thuật “cận công” đã được nâng tầm thành nghệ thuật chiến tranh của dân tộc. Với địa hình sông núi xen kẽ, dốc hẹp và uốn khúc thất thường…, phương châm tác chiến dựa trên chiến thuật “cận công”, cơ động nhanh gọn kiểu “xuất kỳ bất ý” được người Việt sử dụng trong tất cả các cuộc giao chiến quy mô nhỏ tới các đại chiến ở chiến trường.

Võ sư Nguyễn Mạnh Thắng nói: “Lịch sử nước ta được viết qua các cuộc chiến tranh. Nằm ở một vị trí địa chính trị rất đặc biệt, với địa thế trước mặt là biển, sau lưng là núi, không gian sinh tồn bị chia cắt phức tạp… nước ta ở thế khá bất lợi trong phòng thủ trước các cuộc xâm lăng với quy mô lớn của ngoại bang. Nhưng chính điều đó đã làm người Việt nảy sinh ra đối sách để giải quyết.

Nền quân sự của Việt Nam đã gây kinh ngạc cho thế giới và kẻ thù xâm lược, bởi một nghệ thuật chiến tranh vô cùng đặc sắc. Đó chính là cách đánh “bám lấy thắt lưng địch”.

Nghĩa là áp sát đối phương bằng các mũi nhọn, chọc sâu, đánh thẳng vào “tung thâm” – (chiều sâu trận địa của đối phương) rồi phát tỏa, đánh từ tâm lõi đánh ra. Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến thuật này được gọi là “nở hoa trong lòng địch”, đã khiến quân xâm lược bạt vía kinh hồn. Lối đánh này phát triển bắt nguồn từ thuật “cận công” dựa trên yếu pháp “nhập nội” trong võ thuật cổ của người Việt

Võ sư Đào Hoàng Long (môn phái Nhất Nam) lý giải: “Tìm hiểu cách đánh mà tổ tiên ta đã vận dụng trong những lần đối đầu với giặc, có thể thấy “các cụ” thực tài tình khi biến điểm mạnh của kẻ thù trở thành điểm yếu. Chẳng hạn, quân đông kéo theo lượng ngựa xe, khí tài, lương thảo lớn…

Sự cồng kềnh, quá khổ của đoàn quân xâm lược trong thế đất chật hẹp, lầy lội, chia cắt của địa hình nước ta, đã trở thành “mồi ngon” cho các toán quân nhỏ Đại Việt triển khai mai phục đánh quấy rối, vòng sau đánh tập hậu, đánh vu hồi, đánh vào các điểm nối, mắt xích của đại quân, chặn nguồn tiếp lương, hoặc vận động tiềm nhập đánh thẳng vào trại chỉ huy của giặc…

Thuật áp sát cận chiến quy mô nhỏ khiến sinh lực địch bị tiêu hao, gây ra sự rối loạn, căng thẳng, lo lắng thường trực, hoặc buộc chúng phải xé nhỏ lực lượng căng ra để đối phó, không thể liên kết khi bị tấn công, hay co cụm phản ứng.

Những thói quen tác chiến nơi đồng bằng Hoa Hạ hay thảo nguyên rộng lớn, phát huy ưu điểm của kỵ binh hay lối đánh càn quét diện rộng… khi sang Đại Việt đã bị lối tác chiến áp sát, “xuất kỳ bất ý” của ta vô hiệu hóa”.

Cùng chung nhận định, Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng thư ký Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử Quân sự bình luận: “Quân của Việt với lối đánh nhỏ, nhọn, cơ động nhịp ngắn, biến động nhỏ… gây ra những biến ảo khó lường. Yếu pháp “công để thủ” – tức là phòng thủ dựa trên tấn công tiêu hao sinh lực địch, xé nhỏ đội hình đại quân địch, khiến ý đồ tập trung binh lực đánh lớn không thể thực hiện được” .

Theo ông Tuấn, chiến tranh “không quy ước”, dàn trận dựa vào địa thế cùng với quân số nhỏ, cơ động, vũ khí nhẹ, đánh nhằm mục đích tiêu hao… đã khiến các chiến dịch lớn của quân địch bị phá vỡ về nhịp, kế hoạch cũng như sự tập trung. Lịch sử quân sự Việt Nam đã chứng minh, cách đánh này đã phát huy tác dụng trong hàng trăm cuộc đối đầu với xâm lược phương Bắc.

Chẳng hạn, tại các trận thủy chiến quân Đại Việt đã dùng thuyền lá nhẹ, cơ động, lách vào các đại binh thuyền tàu lớn và phá liên kết. Khi đối đầu với kỵ binh của đế quốc Nguyên Mông, quân ta tận dụng địa hình hẹp, dốc, nước chảy xiết hay đầm lầy… dụ địch ra đánh ở tầm gần với các thế bẫy cận chiến, đã vô hiệu hóa vó ngựa Mông Cổ. Việc đánh úp kho lương, hậu cần hay các lối đánh hậu cứ cũng làm đứt gãy nhiều các tiền quân hỏa lực lớn của địch, khi giao chiến với quân đội Việt Nam.

Trong chiến tranh hiện đại, quân ta thường sử dụng vũ khí cá nhân gọn, nhẹ, ngắn, dễ cơ động khi hành quân hay vận động thâm nhập để thực hiện lối đánh áp sát, bám dính đối phương để tiêu hao sinh lực địch. Cách đánh đó giúp vô hiệu hóa được các “trường binh” của địch là những phương tiện chiến tranh, khí tài hiện đại nhưng cồng kềnh, khó di chuyển ở địa hình phức tạp.

Chiến thuật phản công hay tấn công để phòng thủ bằng các trung đội, tiểu đội mũi nhọn nhỏ, cơ động, đánh xuyên phá quấy trung tâm, tạo nên sự quân bình lực lượng giữa hai bên.

Các quy ước giao chiến truyền thống ở Trung Nguyên hay Tây Âu đều thất bại dưới lối đánh phi truyền thống, phi quy ước dựa vào địa hình, đậm chiến thuật “cận công”, bất cân xứng của quân đội ta. Biến nhược điểm thành ưu điểm, đó là sự tài tình của ông cha ta trong nghệ thuật quân sự hay võ công.

Thuật “cận công” của dân tộc Việt là một di sản kết tinh của nhiều yếu tố như văn hoá, tư tưởng, thực tiễn, địa lý, tâm sinh lý, là sức mạnh tự vệ của một dân tộc quật cường, chưa từng khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào.

Theo CÔNG AN NHÂN DÂN

Tags: , ,