Về sự khốn cùng của nền văn minh đương đại

Để cứu vãn nền văn minh, chỉ có một lối thoát duy nhất: Vặn ngược chiếc đồng hồ nguyên tử” – chỉnh lại bậc thang GIÁ TRỊ trong nền văn minh, đưa giá trị tinh thần trở về đúng vị trí cao cả của nó.

Năm 1891, hoạ sĩ nổi tiếng người Pháp Paul Gauguin tới định cư tại hòn đảo Polynesia, hy vọng tìm thấy ở đây một thiên đường miền nhiệt đới. Nhưng quá khứ chơi bời phóng đãng đã mang đến cho ông nhiều bệnh tật. Lúc cảm thấy cái chết đã tới gần, ông dồn sức vẽ một bức tranh mà ông mô tả như “một diễn tả cuối cùng của cảm hứng nghệ thuật” – một bức tranh độc nhất vô nhị được đặt tên bằng một loạt câu hỏi: Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là ai? Chúng ta sẽ đi về đâu?[1]. Hơn 100 năm sau, những vấn nạn trầm trọng trên Trái Đất cũng làm cho nhiều người có nỗi day dứt như Gauguin, để rồi nêu lên câu hỏi: Nền văn minh hiện đại sẽ đi về đâu? Đó là một câu hỏi thời sự của thế kỷ 21. Nhưng rất đáng ngạc nhiên khi biết rằng ngay từ năm 1879, nhà kinh tế chính trị học người Mỹ Henry George, trong cuốn “Progress & Poverty” (Tiến bộ & Nghèo đói), cũng hỏi câu hỏi đó và đã đưa ra câu trả lời rất rõ ràng. Những điều ông nói nghe như chuyện đang xẩy ra ngày hôm nay vậy.

Nền văn minh hiện đại có thể suy tàn như thế nào[2]

Mọi nền văn minh trước đây đều sụp đổ vì của cải và quyền lực không được phân chia đều. Nền văn minh của chúng ta đang tiến nhanh hơn bao giờ hết, nhưng càng tiến nhanh thì mâu thuẫn xã hội càng căng thẳng hơn – người giàu càng giàu hơn, trong khi người nghèo không có nơi nương tựa, tầng lớp trung lưu thì dần dần biến mất.

Một xã hội tiến bộ phải có sự hợp tác và bình đẳng. Xu hướng phát triển trong những thế kỷ qua nói chung hướng tới sự bình đẳng chính trị và pháp luật: bãi bỏ chế độ nô lệ; xoá bỏ đặc quyền cha truyền con nối; lập ra những chính phủ đại diện của dân; công nhận quyền tự do tôn giáo, tự do đi lại, tự do nghề nghiệp, tự do ngôn luận; dù địa vị xã hội cao hay thấp, tài sản nhiều hay ít, mọi người được hưởng an sinh xã hội bình đẳng hơn, v.v.

Nhưng thực tế ngày nay cho thấy tính trung thực trở thành một “khiếm khuyết”, trong khi thiếu trung thực lại thành công. Cái tốt chìm xuống, cái xấu nổi lên. Trong bức tranh toàn cảnh của lịch sử, ngày càng thấy rõ sự tranh giành quyền lực đã biến những người tự do thành nô lệ, và khi con người trở nên tham nhũng thì không thể có sự hồi sinh.

Tăng trưởng hiện đại biểu lộ điển hình ở các thành phố lớn. Ở đây có sự giàu có tột bậc và sự nghèo khốn cùng cực, vai trò của các chính phủ đại diện cho dân ở đây bị đổ vỡ.

Sau một thời gian tiến lên, nền văn minh thụt lùi từng tí một nên nhiều người không nhận thấy. Có những hiện tượng thụt lùi bị nhầm tưởng là tiến bộ. Chẳng hạn như khi nghệ thuật xuống cấp, sự thay đổi của nó được kèm theo, hoặc được gây ra, bởi sự thay đổi thị hiếu. Nghệ sĩ nhanh chóng chấp nhận những phong cách mới được xem như cấp tiến hơn trong thời đại của họ. Khi nghệ thuật và văn học trở nên thiếu sức sống, điên cuồng và khoa trương – phù hợp với sự thay đổi thị hiếu – thì cái kém cỏi sẽ biến thành cái đẹp. Nhà văn giỏi sẽ không tìm thấy độc giả; họ bị coi là nhạt nhẽo, chán ngấy. Thị hiếu tầm thường được tầng lớp văn hoá thấp coi là sành điệu nhất.

Công nghiệp hiện đại, với rác rưởi thải ra môi trường và những khổ sở gây ra chẳng khác gì chiến tranh hay nạn đói, tạo nên một áp lực nhức nhối như những cú sốc xẩy ra trước tình trạng bại liệt. Cuộc đấu tranh để tồn tại ngày càng gia tăng về cường độ. Chúng ta phải căng tất cả các dây thần kinh để tránh bị chà đạp trong cuộc tranh giành tài sản. Điều này huỷ hoại những nỗ lực nhằm cải thiện và duy trì cuộc sống. Hệ quả là phát sinh hàng loạt bệnh tật. Tại các nước văn minh, nghèo đói, tội ác, điên rồ, và tự tử đang gia tăng.

Giống như các quá trình tự nhiên biến đổi dần dần từng bước, nền văn minh của chúng ta cũng bắt đầu suy thoái. Mặc dù sáng chế phát minh vẫn tiếp tục ra đờicác thành phố vẫn tiếp tục được mở rộng, nhưng nền văn minh đã bắt đầu suy yếu dần. Biểu hiện rõ nhất, tính theo tỷ lệ dân số, là  ngày càng có nhiều nhà tù hơn, nhiều bệnh nhân tâm thần hơn,… Xã hội không chết từ trên xuống, mà chết từ dưới lên.

Sự suy giảm của nền văn minh dần dần lộ ra rõ hơn bất kỳ số liệu thống kê nào. Có một sự thất vọng mơ hồ nhưng rộng khắp, một nỗi cay đắng đang dâng  lên, một cảm giác lan truyền rộng rãi về tình trạng bất ổn và một sự phẫn nộ đang ấp ủ. Bất chấp mọi giải pháp, tình hình vẫn chẳng đem lại một chút cải thiện nào cả.

Không ai biết sẽ thay đổi thế nào. Tuy nhiên, một số thay đổi lớn sẽ phải đến, những người sâu sắc bắt đầu cảm thấy như vậy. Thế giới văn minh đang run rẩy trên bờ vực của một phong trào lớn. Hoặc nó phải là một bước nhảy vọt tiến lên, tới những tiến bộ chưa từng mơ đến, hoặc nó sẽ lao xuống, mang chúng ta trở lại một cuộc sống man rợ.

Thật kinh ngạc khi thấy những ý kiến như thế được nói ra từ 132 năm trước. Đó chính là những lời tiên tri đối với sự kiện “Chiếm phố Wall” vừa xẩy ra trong Tháng 10/2011 vừa qua. Còn gì nói lên sự bất công rõ hơn khẩu hiểu “Chúng ta là 99%”? “Cái hệ thống được dựng lên để 1% những người giàu nhất chiếm 40% tài sản là một hệ thống tàn ác”, nhà làm phim Michael Moore giận dữ tuyên bố.

Thật vậy, bất chấp những giá trị nhân văn mà nền văn minh đã xây đắp, nhóm 1% vẫn áp dụng triết lý “trước hết ta phải làm vua đã, rồi mọi chuyện sẽ tính sau”[3]. Đó là lý do làm cho nền văn minh phải bất mãn, như Sigmund Freud[4]  đã tố cáo ngay từ năm 1930.

Nền văn minh và sự bất mãn của nó

Khi trình bầy học thuyết của Freud, hầu hết sách báo thường lạc vào mê cung tâm lý học, vô tình bỏ quên những hệ quả xã hội học rất quan trọng trong lý thuyết của ông – cái nhìn vô cùng bi quan của Freud về bản chất con người và tương lai của nền văn minh. Quả thật, không ai gọi Freud là nhà xã hội học (sociologist) mà chỉ gọi ông là nhà tâm lý học (psychologist), hoặc nhà phân tâm học (psychoanalysist), hoặc nhà thần kinh học (neurologist). Đơn giản vì mọi tư tưởng của Freud đều xuất phát từ những góc sâu thẳm trong tâm lý con người, và những công trình chủ yếu làm nên tên tuổi của ông cũng thuộc về tâm lý học. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót lớn khi mô tả bức chân dung của Freud mà không giới thiệu “một trong những tác phẩm quan trọng nhất và được đọc rộng rãi nhất của Freud” là cuốn “Nền văn minh và sự bất mãn của nó”[5], trong đó ông mô tả con-người-xã-hội một cách ngắn gọn bằng mấy chữ La-tinh:

Homo homini lupus” (Người đối với người là lang sói).

Con-người-xã-hội ấy là hệ quả tất yếu của con-người-bản-năng (con người bị hướng dẫn chủ yếu bởi bản năng vô thức Eros và Thanatos).

Rồi ông thách thức: “Ai có can đảm tranh cãi với điều khẳng định này khi đối mặt với kinh nghiệm sống của bản thân và với lịch sử?”. Có nghĩa là nếu trung thực với bản thân và với lịch sử, người ta không thể không nhận thấy bản tính ác trong con người. Freud nhắc chúng ta hãy nhớ lại sự tàn bạo dã man của con người trong những cuộc chinh chiến ăn cướp của rợ Hung nô (the Huns), của quân Mông cổ dưới lá cờ của Thành Cát Tư Hãn (Jenghiz Khan) và Thiếp Mộc Nhi (Tamerlane), của đoàn quân thập tự chinh đánh chiếm Jerusalem, và của những sự thật khủng khiếp trong Đại chiến Thế giới 1914-1918 mà bản thân Freud đã chứng kiến. Những sự thật đó, Freud nhận định, đã để lộ cho thấy “con người giống như một dã thú” (man as a savage beast), rồi ông kết luận: “Hệ quả của sự thù địch nguyên thuỷ giữa con người với con người là xã hội văn minh thường xuyên bị đe doạ bởi sự tan rã”.

Không biết Freud sẽ còn bi quan đến chừng nào nữa, nếu ông biết lúc ông nằm xuống (1939) chính là lúc mở màn cho cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử – Đại chiến Thế giới lần thứ II. Tiếp theo là chiến tranh lạnh, chiến tranh khủng bố, khủng hoảng tội ác, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng bệnh tật, đe doạ hạt nhân, v.v. Cứ như thế, mối đe doạ đối với nền văn minh càng ngày càng lộ ra rõ rệt, với mức độ càng ngày càng trầm trọng, đến nỗi một người như Stephen Hawking, lẽ ra phải hết sức lạc quan vì những thắng lợi của khoa học, nhưng rốt cuộc cũng không thể không lo lắng cho tương lai của nền văn minh trên Trái Đất.

Ngày 06/08/2010, Hawking tuyên bố: “Khó mà tránh được thảm hoạ trên Trái Đất trong vài trăm năm nữa, chứ đừng nói đến ngàn năm hay triệu năm”[6]. Theo ông, “Loài người không nên bỏ tất cả trứng của mình vào trong một chiếc rổ, hoặc trên một hành tinh. Hy vọng chúng ta sẽ không đánh rơi rổ trứng trước khi chúng ta di tản vào vũ trụ”.

Hawking không làm ai ngạc nhiên khi ông coi giải pháp kỹ thuật là cứu cánh, nhưng thật đáng để suy ngẫm khi ông có cái nhìn giống Freud về nguồn gốc đe doạ sự sống còn của nền văn minh: “Bởi vì chúng ta đang nhanh chóng bòn rút cạn kiệt lượng tài nguyên thiên nhiên hữu hạn mà Trái Đất cung cấp; và bởi vì mã di truyền của chúng ta mang bản năng ích kỷ và hiếu chiến, nên cơ hội duy nhất để chúng ta tồn tại lâu dài là di tản vào không gian”, Hawking nói.

Mỉa mai thay, chính tại nơi được coi là niềm tự hào nhất của nền văn minh hiện đại – khoa học – bản năng ích kỷ và hiếu chiến cũng lộ ra rõ nhất.

Khi cái ác nhân danh khoa học

Ngày 27/07/2011, một bản tin được loan tải khắp thế giới: “Các nhà khoa học ở Anh đã và đang bí mật lai tạo người với động vật trong phòng thí nghiệm”[7]. Bản tin cho biết: Trong 3 năm qua, 150 bào thai người-động-vật đã được tạo ra trong các phòng thí nghiệm tại King’s College London, Newcastle University và Warwick University. Những thí nghiệm này được coi là hợp pháp, căn cứ theo đạo luật về bào thai thụ tinh nhân tạo năm 2008.

Mặc dù luật không cho phép nuôi bào thai trong dạ con và không cho phép bào thai sống quá 14 ngày, nhưng đó chỉ là luật. Không ai biết rõ những nghiên cứu này có tìm cách tránh khỏi sự giám sát của luật pháp và vượt ra ngoài ranh giới pháp luật hay không. Nhưng chắc chắn là người ta đang nhân danh khoa học để tạo ra những bào thai nửa người nửa ngợm, viện cớ tế bào gốc của bào thai dùng để “chữa những căn bệnh không thể cứu chữa được”. Mục tiêu thực chất là tiền. Xét cho cùng, đây chỉ là một cách khai thác các mô sống và đặt động vật vào địa ngục của y học nhằm tạo ra đô-la.

Nhiều người đến nay vẫn không hề biết sự tồn tại của những căn phòng đầy ắp khỉ được nuôi nhốt để lấy virus từ các cơ phận của chúng, rồi trộn lẫn với các chất hoá học độc hại để chế ra vaccine. Tất nhiên, công nghiệp vaccine sẽ không hé lộ bí mật bẩn thỉu này. Nhưng những công nghệ lai tạo mới đã kích thích các nhà khoa học đùa giỡn với những bào thai nửa người nửa ngợm, mà về lý thuyết có thể sẽ được sử dụng để làm tăng trưởng số lượng người-khỉ.

Lịch sử sinh-y-học đang đầy rẫy những việc làm trái đạo đức và những thí nghiệm ghê sợ. Một số người lý sự rằng hành động mua bán cơ phận của con người là chuyện thường ngày xẩy ra tại các quốc gia khác như Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc, nhưng không thể phủ nhận một sự thật là ranh giới đạo đức trong nghiên cứu khoa học đang bị huỷ hoại vì nhu cầu lợi nhuận. Chừng nào tiền được đặt lên bàn thì mọi nhu cầu sẽ được đáp ứng. Đáng sợ nhất có lẽ là lúc các nhà khoa học muốn làm “chúa” quyết định số phận của các genes!

Nhưng nói về cái ác nhân danh khoa học mà quên không nói về bóng ma hạt nhân thì sẽ là một thiếu sót lớn. Ý kiến của David Peat trong cuốn “Từ xác định tới bất định”[8] buộc chúng ta phải trầm tư suy ngẫm:

Đám mây hình nấm của bom nguyên tử chính là sản phẩm sáng tạo điển hình của lý trí con người …Những con quỷ lý trí này có bản chất chẳng khác gì những bóng ma. Tuy nhiên trên danh nghĩa của những con quỷ lý trí đó, các xã hội của con người đang muốn xâm chiếm và bắn giết lẫn nhau, thả bom và thực hiện sự huỷ diệt hạt nhân trên phạm vi toàn cầu”.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, thế giới đã và đang sống dưới bóng tối của đám mây này. Trong suốt thời gian đó, tờ Bulletin of Atomic Scientists luôn luôn đặt hình ảnh chiếc đồng hồ nguyên tử tượng trưng của nó nổi bật trên trang bìa, chỉ vào thời khắc 7 phút trước 12 giờ đêm, để cảnh báo nhân loại rằng chúng ta đang đứng bên bờ vực của một cuộc huỷ diệt hàng loạt bằng vũ khí nguyên tử”.

“7 phút trước 12 giờ đêm” là một ẩn dụ quá bi đát. Không ai muốn thấy cái bi đát đó. Vậy không ai có thể làm ngơ trước những cảnh báo nghiêm khắc của Freud, của Hawking, hoặc của tạp chí Atomic Scientists. Liệu có thể vặn ngược chiếc đồng hồ nguyên tử này không? Sự sống còn của nền văn minh trông cậy vào đâu?

Sự sống còn của nền văn minh

Bản tính con người vừa thiện, vừa ác. Đó là một kết luận dứt khoát.

Nếu không dễ dàng bác bỏ tư tưởng của Tuân tử, Hàn Phi[9], Sigmund Freud, Stephen Hawking, … về tính ác của con người, thì cũng không dễ dàng bác bỏ học thuyết tính thiện của Khổng-Mạnh – học thuyết dựa trên nền tảng là lòng trắc ẩn(sự thấu cảm nỗi đau của tha nhân mà bản năng mách bảo).

Hơn 2200 năm trước, Mạnh tử nói: “Người ta ai cũng có lòng thương người (Nhân giai hữu bất nhẫn nhân chi tâm) … Giá bất thình lình người ta trông thấy đứa trẻ sắp rơi xuống giếng, thì ai cũng có lòng bồn chồn thương xót. Xem như thế thì ai không có lòng trắc ẩn không phải là người; ai không có lòng tu ố (tu sửa cái xấu) không phải là người; ai không có lòng từ nhượng (nhường nhịn) không phải là người; ai không có lòng thị phi (biết lẽ phải trái) không phải là người. Lòng trắc ẩn là cái mối của nhân, lòng tu ố là cái mối của nghĩa, lòng từ nhượng là cái mối của lễ, lòng thị phi là cái mối của trí”[10].

Tư tưởng đó được nhiều nhà thông thái đời sau xác nhận như một chân lý xã hội học. Nhà triết học Đức thế kỷ 19 Arthur Schopenhauer khẳng định: “Lòng trắc ẩn là nền tảng của mọi đạo đức” (Compassion is the basis of all morality). Triết gia hiện đại người Pháp, Francois Julien, người luôn đề cao tư tưởng nhân đạo của Thế kỷ Ánh Sáng, trong cuốn “Thiết lập cơ sở cho đạo đức” cũng thể hiện sự đồng thuận mạnh mẽ với Mạnh tử. Ông không những coi lòng trắc ẩn là nền tảng của đạo đức, mà còn coi đó là bằng chứng hùng hồn chứng tỏ sự hiện hữu của Thượng Đế, bởi nếu không có Thượng Đế thì tại sao con người có lòng trắc ẩn, tại sao có đạo đức.

Tư tưởng của Julien thực ra không mới, mà chỉ là “hậu duệ” của tư tưởng Thiên-Địa-Nhân của Đông phương cổ đại, trong đó Trời, Đất, và Người là Một. Thật vậy, Khổng Phu tử (551 – 478 TCN) đã dạy:

Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí dã” (người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỷ thần, cái khí tinh tú của ngũ hành)[11].

Có nghĩa là trong mỗi con người đều chứa đựng bản chất tốt đẹp của Trời Đất, cái mà Phật giáo coi là Phật tính, Kitô giáo coi là Thánh Thể.

Nếu con người cao quý như vậy thì tại sao lại có tính ác?

Đơn giản vì bên cạnh Phật tính, con người cũng có tham sân si. Bên cạnh Thánh Thể, con người cũng có tội lỗi. Một cách tổng quát, con người là một tiểu vũ trụ, giống như đại vũ trụ, nó có âm có dương, có sáng có tối, có thiện có ác.

Nhưng bản chất của vũ trụ là động – vũ trụ luôn luôn vận động và biến dịch, thiện và ác không phải là hai hằng số cố định bằng nhau, mà là hai hàm số biến thiên theo thời gian. Chiều biến thiên của chúng đối nghịch nhau – hàm này tăng thì hàm kia giảm, nhưng luôn luôn vận động để hướng tới sự cân bằng. Quá trình này có thể biểu diễn dưới dạng sơ đồ như sau:

Trên vòng tròn âm dương, kẻ một đường thẳng nằm ngang, gọi là đường thẳng thời gian. Cho đường thẳng thời gian chuyển động tịnh tiến, tương giao của nó với vòng tròn âm dương tạo thành hai đoạn âm và dương. Độ dài hai đoạn nói chung không bằng nhau, chúng thay đổi khi đường thẳng tịnh tiến, nhưng luôn hướng tới cân bằng.

Đó là sự dịch chuyển tuần hoàn của vũ trụ mà bất kỳ quá trình nào cũng phải tuân thủ. Đó cũng là điều mà các học thuyết Tây phương không nói tới, trong khi Kinh Dịch của Đông phương đã bàn từ lâu. Lúc âm dương cân bằng là lúc xã hội thịnh trị – một xã hội không chỉ đầy đủ của cải vật chất, mà còn có hạnh phúc, bình an, đạo đức và trật tự. Những giai đoạn như thế đã từng có trong lịch sử, nếu không phải trên phạm vi toàn cầu thì ít ra cũng trên phạm vi quốc gia, dân tộc hay cộng đồng.

Hiện nay, nền văn minh hiện đại quá lệch về văn minh vật chất, tự đánh mất những giá trị văn minh tinh thần như đã từng có trong lịch sử. Sự sùng bái khoa học vật chất lớn đến nỗi người ta muốn giải thích mọi hiện tượng thông qua tương tác vật chất. Điều đó kích thích khoa học và công nghệ phát triển, nhưng hoàn toàn sai lầm khi áp dụng vào đời sống tinh thần: nó tầm thường hoá hoặc thậm chí vô hiệu hoá những giá trị tinh thần, làm cho con người trở nên thô lỗ và hoang dã, đi ngược với trào lưu tiến hoá.

Để cứu vãn nền văn minh, chỉ có một lối thoát duy nhất:

“Vặn ngược chiếc đồng hồ nguyên tử” – chỉnh lại bậc thang GIÁ TRỊ trong nền văn minh, đưa giá trị tinh thần trở về đúng vị trí cao cả của nó.

Đã đến lúc phải lên án chủ nghĩa vật chất. Đừng coi GDP là thước đo thuần tuý của văn minh nữa! Phải làm hồi sinh những tư tưởng nhân văn cao quý trong quá khứ, đề cao đạo đức, đề cao lòng trắc ẩn, bởi như Mạnh tử đã nói, không có lòng trắc ẩn thì không phải là người.

Lòng trắc ẩn không phải là một vấn đề tôn giáo, mà là vấn đề của con người. Nó không xa xỉ, nhưng là thiết yếu đối với sự bình an và sự ổn định tinh thần của chúng ta, và thiết yếu đối với sự sống còn của nhân loại”, đó là tiếng gọi thiết tha của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, và có lẽ cũng là của tất cả mọi người có lương tri trên thế gian này.

—————————–

Chú thích:

[1] Dịch ý từ nguyên văn: “D’òu venons nous? Que sommes-nous? Òu allons-nous?”
[2] Nguyên văn: “How Modern Civilization May Decline?” – tiêu đề một chương trong cuốn “Progress & Poverty”. Chữ nghiêng trong mục này là lược dịch chương đó (http://www.henrygeorge.org/pchp42.htm)
[3] Tuyên bố của một trùm mafia trong cuốn phim “Bạch Tuộc” (La Piovra) của Đài truyền hình RAI của Ý.
[4] Xem “Luận về bản tính thiện, ác – Học thuyết của Sigmund Freud”, Châu Khê, Khoa học & Tổ Quốc Tháng 10/2011, http://vietsciences.free.fr/ , https://viethungpham.wordpress.com/
[5] “Civilization and Its Discontents”, 1929, http://www.historyguide.org/europe/freud_discontents.html
[6] http://bigthink.com/ideas/21570?page=all
http://moitruongxanh.org.vn/Default.aspx?Module=Site&Function=News&Id=575
[7] Propaganda: “UK scientists secretly grew human-animal hybrids in laboratory experiments”,
http://propaganda-dimitrios.blogspot.com/2011/07/uk-scientists-secretly-grew-human.html
[8] “From Certainty to Uncertainty”, David Peat, Henry Joseph Press, 2002. Đã được dich ra tiếng Việt bởi Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2011.
[9] Xem “Luận về bản tính thiện, ác – Học thuyết tính ác: Từ Tuân tử đến Hàn Phi”, Châu Khê, Khoa học & Tổ Quốc Tháng 11/2011, http://vietsciences.free.fr/ , https://viethungpham.wordpress.com/
[10] “Nho giáo”, Trần Trọng Kim, NXB Văn hoá Thông tin, 2008, trang 212.
[11] Tài iệu đã dẫn trong chú thích 12, trang 67.

Theo PHẠM VIỆT HƯNG / PHAMVIETHUNG.COM

Tags: ,