Về lối sống tiểu nông của người Việt trong thế kỷ 21

Lối sống tiểu nông được nẩy sinh từ nền kinh tế nông nghiệp sản xuất nhỏ, manh mún, lạc hậu, tồn tại hàng nghìn năm, hiện vẫn chưa được xoá bỏ hoàn toàn. Lực lượng lao động chủ yếu trong xã hội là người nông dân. Lối sống tiểu nông vẫn đang hiện diện đậm nét trong các tầng lớp dân cư, nhất là ở khối nông dân. Lối sống này, bên cạnh những mặt tích cực, còn có những mặt tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta.

Về lối sống tiểu nông của người Việt trong thế kỷ 21

Tác giả: TS Cao Thị Sính, Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nguồn: Bài viết tham gia hội thảo “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Kỷ yếu hội thảo in thành sách “Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”

Bài viết này tập trung vào ba vấn đề: (1) Đặc điểm cơ bản của lối sống tiểu nông Việt Nam; (2) Sự biến đổi của lối sống tiểu nông Việt Nam hiện nay; (3) Nguyên nhân tồn tại những mặt tiêu cực trong lối sống tiểu nông Việt Nam.

1. Đặc điểm cơ bản của lối sống tiểu nông Việt Nam

Lối sống tiểu nông Việt Nam bao gồm những thói quen, tập quán, phong tục, hành vi và thái độ ứng xử… của người nông dân sản xuất nhỏ, được hình thành dưới ảnh hưởng trực tiếp của nền kinh tế tiểu nông và những điều kiện sinh hoạt trong nông nghiệp, nông thôn, nó thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong đời sống xã hội. Lối sống tiểu nông bao gồm các đặc điểm cơ bản sau:

1.1. Những giá trị tích cực của lối sống tiểu nông Việt Nam

1.1.1. Truyền thống yêu nước, đoàn kết cộng đồng, lao động cần cù và lạc quan trong cuộc sống

Tình yêu đất nước là tình cảm bao trùm chi phối toàn bộ đời sống tâm lý của người nông dân Việt Nam. Lòng yêu nước đó luôn mãnh liệt và được phát huy thường xuyên, liên tục, xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước của con người Việt Nam nói chung và người nông dân nói riêng được hình thành và phát triển trong hoàn cảnh đặc thù của đất nước – một quốc gia thường xuyên phải đấu tranh chống thiên tai và luôn phải đối phó với những hiểm họa xâm lược. Tình cảm yêu nước ấy luôn được thử thách thường xuyên từ buổi sơ khai của lịch sử, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Vì vậy, nó là cái thiêng liêng cao cả không chỉ gắn liền với ý thức mà còn gắn chặt với đạo lý làm người, với nhân cách, phẩm giá con người Việt Nam.

Điều kiện, hoàn cảnh lao động sản xuất, sinh hoạt, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong lịch sử đã hình thành nên ở người nông dân Việt Nam ý thức làm chủ vận mệnh dân tộc, đất nước. Dựng nước và giữ nước luôn đi đôi với nhau. Mỗi khi đất nước bị giặc ngoại xâm đe dọa thì ý thức làm chủ vận mệnh dân tộc của người nông dân Việt Nam lại được đặt lên trên hết. Không ai có thể phủ nhận tình cảm yêu nước là một tình cảm lớn nhất của dân tộc Việt Nam, của người nông dân Việt Nam, đặc biệt là tình cảm yêu nước đó đã nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước. Nhìn vào lịch sử của dân tộc, chúng ta thấy tình yêu đất nước của con người Việt Nam luôn chói lọi ở mọi thời điểm.

Chính lòng yêu quê hương đất nước, cùng với cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, đấu tranh chống giặc ngoại xâm tàn bạo đã hun đúc cho nhân dân ta truyền thống đoàn kết, tính “cố kết cộng đồng”. Thực tế lịch sử đã chứng minh, mỗi khi đất nước gặp nguy nan thì tinh thần đoàn kết, tính cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh giúp cho nhân dân ta vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách.

Có thể nói, truyền thống đoàn kết, tính cố kết cộng đồng là đặc trưng trong lối sống của người nông dân nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Lối sống cố kết cộng đồng bền chặt ở người nông dân Việt Nam được hình thành từ trong sản xuất, chiến đấu và xây dựng quê hương, đất nước.

Xuất phát từ cuộc sống sinh hoạt, trong xử lý công việc chung của làng như sản xuất, chống thiên tai, chống giặc giã và tham gia vào công việc chính trị của đất nước, tất cả các hộ gia đình tiểu nông đã đoàn kết, gắn bó với nhau. Đây chính là cơ sở để tạo nên sự đoàn kết, cố kết cộng đồng của người nông dân Việt Nam, bởi vì việc đắp đê, ngăn lũ, làm thủy nông, việc chống lụt, chống bão phá hoại mùa màng, việc trao đổi kinh nghiệm lao động, sản xuất, việc đánh giặc giữ làng, giữ nước… là việc mà một người nông dân, một gia đình không thể làm được. Các thành viên, các hộ gia đình tiểu nông trong làng gắn kết với nhau tạo thành một đại gia đình, từ gia đình đến làng và rộng hơn là nước. Có thể xem làng là mô hình thu nhỏ của nước. Người Việt Nam nói chung và người nông dân Việt Nam nói riêng ý thức rất rõ về mối quan hệ giữa nhà – làng – nước. Cho nên, với họ sinh hoạt cộng đồng làng xã với sinh hoạt cộng đồng dân tộc, nước với nhà, làng với nước, có sự gắn bó mật thiết, có sự thống nhất với nhau.

Do đặc thù người nông dân Việt Nam sống thành làng và coi làng như một tiểu xã hội trồng lúa nước, nên hầu như các hoạt động của họ, từ lao động, sản xuất đến chiến đấu, từ sinh hoạt văn hóa đến đời sống, nếp sống hàng ngày đều mang những dấu ấn đậm nét của lối sống cộng đồng làng. Mọi sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội… của họ đều gắn với làng. Đối với người Việt, làng là một khái niệm rất gần gũi và cũng rất thiêng liêng, bởi làng có sự mở rộng của gia đình.

Trong lịch sử làng xã Việt Nam nói chung, làng xã ở nông thôn miền Bắc nói riêng, tính biệt lập, khép kín là rất cao. Đứng về mặt lịch sử, tính biệt lập, khép kín ấy đã hạn chế chính sự phát triển của làng xã và để lại nhiều hậu quả tiêu cực cho đến cả ngày nay. Song, không thể từ những lý do trên mà đi đến phủ nhận tinh thần đoàn kết cộng đồng của người nông dân. Bởi lẽ, các cộng đồng làng xã nhỏ hẹp ấy, như đã nói ở trên, vẫn là khâu “trung giới”, cố kết nhà với nước, cá nhân với dân tộc.

Truyền thống đoàn kết cộng đồng gắn bó keo sơn của người Việt Nam nói chung và người nông dân nói riêng thể hiện rõ hơn khi đất nước đứng trước nạn xâm lăng. Bởi lẽ, nước mất thì nhà tan, vì thế muốn giữ nước, họ phải đoàn kết lại để đánh giặc cứu nước, bỏ qua mọi hiềm khích cá nhân để chung một mục đích cứu nước. Đó cũng chính là lý do để cắt nghĩa vì sao người Việt Nam lại có tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết cộng đồng. Vì sao trong các giá trị truyền thống thì ở người Việt Nam các giá trị về cộng đồng luôn được củng cố, ưu tiên so với nhiều giá trị khác.

Nói đến lối sống, tính cách của người nông dân Việt Nam không thể không nói đến tình yêu lao động, cần cù và luôn lạc quan trong cuộc sống. Đây là đặc tính chung của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, mà trong đó người nông dân là một điển hình.

Người nông dân Việt Nam từ rất sớm đã là chủ nhân của một nền văn minh nông nghiệp sớm phát triển. Sống trên mảnh đất hẹp, nhiều thiên tai, lắm địch họa, nên người nông dân sẵn có một tinh thần lao động cần cù và tinh thần ấy đã ăn sâu vào máu thịt họ tạo thành một truyền thống tốt đẹp. Những công trình kinh tế – xã hội, văn hóa được lưu giữ từ ngàn đời đến nay của người nông dân là minh chứng của tình yêu lao động, sự cần cù, nhẫn nại của người nông dân Việt Nam trước hoàn cảnh thiên tai khắc nghiệt.

Với nền sản xuất nông nghiệp mà công cụ sản xuất chủ yếu là thủ công, lạc hậu nên năng suất lao động trong nông nghiệp rất thấp, gặp những khi hạn hán, bão lũ giông tố hoặc dịch bệnh thì rất dễ mất mùa. Cuộc sống không ổn định, thậm chí là bấp bênh, nạn đói thường xuyên xảy ra, từ đó đã nảy sinh tâm lý của người tiểu nông là rất sợ đói. Do vậy, hơn ai hết họ hiểu rằng, nếu không gắng sức, lười biếng trong lao động thì họ sẽ đói nghèo. Bởi vậy, người nông dân Việt Nam luôn cần cù vượt khó trong lao động và tiết kiệm về thời gian, của cải vật chất: “năng nhặt chặt bị”, “thời gian là vàng”, “ tấc đất tấc vàng”…

Mặc dù, điều kiện thiên nhiên, môi trường sống, sản xuất của người tiểu nông khó khăn như vậy, nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Người tiểu nông có một lối sống rất linh hoạt ở bầu thì tròn, ở ống thì dài với khả năng thích nghi cao. Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, con người Việt Nam không hề chán nản mà luôn có ý chí vươn lên. Ở tận cùng của bi kịch mất mát, người ta vẫn quan niệm: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, “còn người còn của”.

1.1.2. Lối sống coi trọng con người, trọng tình cảm, trọng đạo đức, trọng danh dự, trọng danh tiếng, trọng người cao tuổi

Trong sản xuất nông nghiệp, để chống chọi với thiên tai, địch họa, giặc dã rất cần đến sức người và cần đông người. Mặt khác, do điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, do hạn chế của y tế và do hạn chế về nhận thức trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của con người… nên người tiểu nông rất quý trọng con người: “Người sống đống vàng”,“Một mặt người bằng mười mặt của”, con người được đề cao đến mức tuyệt đối: “Người ta là hoa đất”… Từ đó đã nẩy sinh tâm lý coi trọng con người ở người tiểu nông nói riêng, người Việt Nam nói chung.

Xuất phát từ truyền thống đoàn kết cộng đồng, đồng thời cũng do thiếu thốn về vật chất, sự hạn chế về phương tiện trong cuộc sống sinh hoạt, nên những lúc khó khăn, hoạn nạn, ốm đau, lúc công to việc lớn (lấy vợ, làm nhà…), người tiểu nông thường nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm, láng giềng. Cho nên, người nông dân luôn ứng xử bằng tình cảm, coi trọng tình cảm trong các mối quan hệ xã hội. Dưới các hình thức và mức độ khác nhau, tình cảm thâm nhập vào toàn bộ cuộc sống và hoạt động của người tiểu nông từ nhận thức tới hành động, từ đạo đức đến lối sống, từ phong cách đến tính cách. Trong đời sống của người tiểu nông, tình cảm luôn trực tiếp chi phối cả suy nghĩ đến hành động. Tình cảm đó còn được thể hiện ở sự tôn trọng người cao tuổi (trọng xỉ), kính nể bậc hiền tài, coi trọng người có đạo đức, có học thức… Song, chính quan hệ, ứng xử bằng tình cảm, coi trọng tình cảm này lại nảy sinh tâm lý ngại va chạm, ngại đấu tranh cho lẽ phải, “dĩ hoà vi quý”, thiếu tinh thần dân chủ ở người nông dân Việt Nam.

Truyền thống dân tộc Việt Nam nói chung và người nông dân nói riêng luôn coi trọng đạo đức, suy nghĩ và hành động theo cái thiện. Trong hầu hết các bản Hương ước cổ của các làng xã còn lại và được khảo cứu, chúng ta đều thấy nông dân rất coi trọng việc giữ gìn đạo đức cá nhân, giữ gìn nền phong hóa truyền thống của làng xã và dân tộc.

Người nông dân Việt Nam sống trong làng xã rất coi trọng tình nghĩa. Tình là tình yêu thương, quý mến nhau. Nghĩa là bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ với nhau. Họ luôn nhấn mạnh sự khoan hoà giữa tình cảm yêu thương với nghĩa vụ con người. Sự gắn bó giữa tình và nghĩa đã tạo nên một lối ứng xử thuần hậu. Ở đó, người ta điều hoà được các quan hệ cá nhân và gia đình, lý trí và tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ để tạo dựng một cuộc sống hài hoà và ổn định. Điều đó đã làm cân bằng cán cân xã hội; dù mọi vật xoay vần, tạo hóa biến chuyển khôn lường thì cuộc sống người nông dân ngàn đời nay vẫn tạo được cho mình sự bình yên, êm ả riêng có của nó. Sức mạnh của lối ứng xử tình nghĩa thể hiện rất rõ trong một khoảng trời rất riêng của mỗi con người – đó là gia đình. Cũng vì lẽ đó, trong nền giáo dục chính thống Việt Nam thời phong kiến rất coi trọng giáo dục đạo đức, “tiên học lễ, hậu học văn”, còn trong gia đình, giáo dục đạo đức được coi là nội dung cơ bản, chủ yếu. Ở gia đình, các thế hệ ông bà, cha mẹ, luôn giáo dục con cháu rằng: “Giấy rách phải giữ lấy lề” hay: “Đói cho sạch, rách cho thơm”; “Đói miếng hơn tiếng để đời”. Giữ gìn truyền thống đạo lý ngàn đời của cha mẹ, ông bà, tổ tiên – đó là nhân phẩm của con người. Đó cũng là danh dự, là lẽ sống của con người Việt Nam.

Người tiểu nông sống gắn bó với những người trong làng quê, dòng họ, gia đình của mình; sống vì nhau, cho nhau và theo nhau. Vì vậy, họ sống theo dư luận và tự mình ứng xử theo dư luận đó. Dư luận tạo ra tiếng tăm, tai tiếng, điều tiếng:“Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”, “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Điều này tạo ra tâm lý trọng danh dự, coi danh dự là thiêng liêng ở người tiểu nông. Mặt khác, trong thang bậc xã hội xưa, người có chức tước, địa vị, người cao tuổi là những người được coi trọng. Từ đó, đã nảy sinh tâm lý coi trọng địa vị, coi trọng danh tiếng (trọng danh), thích có tên tuổi, thích có tiếng tăm trong làng, trong xã, trong họ và rộng hơn nữa là đối với đất nước ở người tiểu nông: “Làm trai sống ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Ở phương diện này, ta còn thấy người tiểu nông dù nghèo nhưng vẫn trọng kẻ sỹ (người có học): “nhất sĩ, nhì nông”, trọng chữ nghĩa: “Một kho vàng không bằng một nang chữ”…

1.2. Những hạn chế của lối sống tiểu nông

1.2.1. Thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lối sống bảo thủ, theo kinh nghiệm, ngại đổi mới

Nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám là xã hội tiểu nông tư hữu. Mỗi hộ nông dân có một hay một vài mảnh ruộng để tự cấy trồng sinh sống, tự túc, tự cấp bằng chính sản phẩm của mình làm ra. Những hộ không có ruộng đất thì phải đi cày thuê, cuốc mướn để sinh sống. Do nhu cầu của sản xuất, người nông dân lao động đã biết đến những hình thức hợp tác giản đơn, nhưng quy mô còn rất nhỏ bé, chủ yếu theo mùa vụ và chỉ lẻ tẻ một vài gia đình theo xóm ngõ, không mang tính thường xuyên, liên tục. Vấn đề hợp tác lao động có quy mô rộng rãi hơn, mang tính tổ chức tập thể cao là vấn đề xa lạ đối với người tiểu nông.

Nếu như điều kiện lao động sản xuất, cải tạo tự nhiên như đắp đê điều, làm thủy lợi, chống giặc ngoại xâm… đã cố kết cộng đồng chặt chẽ thì ngược lại, đặc điểm của nền sản xuất nhỏ, manh mún, phân tán, lại tách rời những người tiểu nông với nhau. Hàng ngày, họ làm những công việc như nhau, tồn tại bên nhau, nhưng ít có sự liên kết, ràng buộc hữu cơ với nhau.

Sống trong một cộng đồng làng nhỏ hẹp, nông dân Việt Nam có quan hệ gắn bó với nhau theo kiểu cố kết dòng họ. Tâm lý bám làng để an cư lạc nghiệp cũng ăn sâu vào mỗi người. Cùng với thời gian, những thiết chế làng xã càng làm cho tâm lý này được củng cố. Trong khi ruộng đất ngày một bị thu hẹp do dân số gia tăng tự nhiên, đất đai canh tác ngày một thu hẹp do bị chuyển dần thành đất thổ cư và để xây dựng các công trình phục vụ công nghiệp… thì ruộng đất ngày càng nhỏ bé, manh mún, sản xuất của người tiểu nông ngày càng khó khăn hơn.

Đồng thời, chính phương thức sản xuất của nền kinh tế tiểu nông riêng rẽ, manh mún này đã dẫn đến cách nghĩ của người tiểu nông cũng hết sức vụn vặt, lẻ tẻ, không có tầm nhìn xa, không có tính chiến lược. Cách nghĩ, cách nhìn ấy, cùng với mảnh ruộng, cái cày càng cột chặt người nông dân trong lũy tre làng, yên phận với cuộc sống luẩn quẩn, kém tính tổ chức, kỷ luật, xa lạ với lối tư duy của văn minh công nghiệp, thích sự ổn định, an phận, dễ rơi vào tâm lý thiển cận; thói quen dựa vào kinh nghiệm, khó tiếp thu cái mới, ngại đổi mới. Từ đó dẫn đến một lối ứng xử co cụm “đèn nhà ai, nhà ấy rạng” hay “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, thiếu tinh thần hợp tác, tinh thần trách nhiệm, thờ ơ với cộng đồng ở một bộ phận nông dân. Nét tâm lý này là hệ quả tất yếu của nền sản xuất phát triển ở trình độ thấp. Đến tận cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thế giới đã bước vào thời đại văn minh công nghiệp, thì nông thôn, nông dân Việt Nam vẫn đắm chìm trong cách thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, trì trệ.

Người nông dân sản xuất nhỏ Việt Nam vốn là cư dân vùng sông nước, lấy trồng trọt làm nghề lao động chính. Cuộc sống, sản xuất của họ phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, thời tiết, khí hậu… Hơn nữa, đất nước ta có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thuần túy, khép kín. Đặc điểm này đến lượt nó lại chi phối luôn trạng thái khép kín trong các quan hệ xã hội, trong cách nghĩ, cách nhìn của người tiểu nông. Nếu như ở trong xã hội hiện đại, sản xuất và nhu cầu thị trường là hai mặt tác động tích cực lẫn nhau thì trong xã hội truyền thống của người tiểu nông, nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng hóa trên thị trường lại chưa phát triển. Vì vậy, tất yếu sản xuất cũng không phát triển. Đối với người tiểu nông, họ chỉ cần đảm bảo những nhu cầu của đời sống, sinh hoạt tối thiểu. Họ không có nhu cầu tìm tòi, sáng tạo ra cái mới, cho nên việc nảy sinh tâm lý coi trọng kinh nghiệm là điều tất yếu. Do đó, tầm nhìn, tư duy của họ cũng hạn chế, không được mở mang.

Người tiểu nông sống và làm việc theo những tập quán cổ truyền, bám chắc vào cái cũ mà không dám thử nghiệm những cái mới. Họ bằng lòng với cuộc sống đạm bạc, bình ổn, tạm đủ, ít quan tâm và thậm chí không muốn quan tâm đến những cái mới diễn ra ngoài phạm vi hoạt động nhỏ hẹp của họ. Từ đời cha đến đời con, “họ cày cấy trên mảnh đất của mình hoàn toàn theo lối thô sơ cũ của ông cha họ và chống lại mọi điều mới mẻ với sự ngoan cố vốn có của người nô lệ của tập quán trải qua bao nhiêu đời kiếp vẫn không thay đổi” [Mác C. và Ăngghen Ph. 1993a: 336]. Chính vì vậy, theo thời gian, họ càng trở nên bảo thủ ghê gớm. Hậu quả cuối cùng là tính bảo thủ đã đưa người nông dân đến chỗ lạc hậu, thụt lùi quá xa so với bước tiến chung của cả xã hội.

Hơn nữa, nền kinh tế tiểu nông do được duy trì trong một thời gian quá dài nên tính bảo thủ trở thành một thuộc tính thâm căn, cố đế ở người nông dân. Mặt khác, trong truyền thống Việt Nam, giáo dục mặc dù rất được coi trọng, song lại chỉ chú trọng giáo dục đạo đức, văn chương mà ít chú trọng giáo dục về sản xuất, dạy nghề, về khoa học tự nhiên, kỹ thuật – công nghệ. Vì không được giáo dục tri thức về khoa học tự nhiên, về sản xuất, dạy nghề nên người nông dân phải dựa vào tri thức kinh nghiệm là chủ yếu. Trong cái vòng luẩn quẩn: sản xuất cho người ta kinh nghiệm, kinh nghiệm lại được áp dụng vào sản xuất… Và lối nghĩ, cách nghĩ dựa vào kinh nghiệm đã trở thành phổ biến của người nông dân nước ta.

Như vậy, phương thức sản xuất của nền kinh tế tiểu nông riêng rẽ, manh mún, sản xuất ở trình độ thủ công, lạc hậu nên tính bảo thủ, lối suy nghĩ kinh nghiệm, ngại đổi mới đã trở thành thói quen trong lối sống của người tiểu nông. Họ suy nghĩ, hành động, ứng xử và cảm nhận mọi việc theo thói quen đó. Đây là một hạn chế lớn trong lối sống của người nông dân Việt Nam, là lực cản trở họ trong quá trình mở cửa hội nhập và giao lưu với quốc tế để phát triển.

1.2.2. Lối sống hẹp hòi, vị lợi, cục bộ địa phương, tính tuỳ tiện, kém kỷ luật, kỷ cương, chưa có thói quen tôn trọng và chấp hành pháp luật

Đặc trưng của nông thôn Việt Nam, tiêu biểu nhất là khu đồng bằng và trung du Bắc Bộ, là chế độ sở hữu nhỏ về ruộng đất chiếm ưu thế, gia đình là đơn vị kinh tế chủ yếu, sản xuất mang tính manh mún. Trên mảnh đất nhỏ bé của người nông dân là cả một bầu trời riêng đã cột chặt họ trong những khuôn khổ chặt hẹp, bằng việc chăm lo thu vén cho cuộc sống gia đình, lợi ích cá nhân. Đó là nguồn gốc để nảy sinh lối sống hẹp hòi, vị lợi ở người tiểu nông Việt Nam.

Với đặc điểm phải thường xuyên vừa chống thiên tai khắc nghiệt, vừa chống giặc ngoại xâm hung bạo nên tính cố kết cộng đồng dân tộc ở người Việt Nam rất cao. Bên cạnh mặt tích cực là củng cố tình đoàn kết, cùng nhau lao động và đấu tranh, nó cũng có những mặt hạn chế nhất định, đầy mâu thuẫn trong bản thân người nông dân. Đúng như GS. Hà Văn Tấn, khi bàn về tính biện chứng của truyền thống làng xã, về tính cộng đồng và những hạn chế của nó đã nhắc lại ý kiến: “Ai đó nói rất hay rằng, trong thời kỳ này, nước mất nhưng còn làng, và nhờ còn làng mà cuối cùng còn nước. Nhưng còn làng là còn cái cộng đồng của làng và cái hạn hẹp của làng” [Nguyễn Quang Du 1994: 53].

Đó chính là tính hai mặt thống nhất biện chứng nhưng đầy mâu thuẫn tồn tại ngay trong bản thân người nông dân Việt Nam nước ta. Vì vậy, cũng là một con người nhưng ở lúc này, tính cộng đồng, lòng vị tha, tương thân, tương ái, hướng người ta đến cái cao cả bao nhiêu thì ở lúc khác, chỗ khác, họ lại toan tính rất nhỏ nhen, vị lợi, cục bộ địa phương bấy nhiêu.

Chính tính không nhất quán đó đã làm cho người nông dân Việt Nam nhìn xa mà vẫn gần, cao cả đó mà vẫn không nâng mình lên, rộng mà hóa hẹp, rất tình cảm nhưng đôi khi cũng đầy xa lạ. Người ta cứ “đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm”,“bán ruộng kiện bờ”… [Nguyễn Quang Du 1994: 54].

Mặt khác, phương thức sản xuất manh mún, phân tán, phương pháp canh tác cổ truyền được kế thừa từ đời này sang đời khác, nên năng suất lao động thấp, sản phẩm chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bản thân, gia đình và cộng đồng nhỏ hẹp của người nông dân. Điều đó đã chi phối các mối quan hệ của họ, làm cho các mối quan hệ này chỉ dừng lại trong phạm vi gia đình, họ hàng, làng xóm. Thêm vào đó, sự kém phát triển của cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông cùng với cuộc sống bấp bênh, nghèo khó đã kìm hãm việc mở rộng mối quan hệ của họ. Đây là điều kiện thuận lợi để nẩy sinh và nuôi dưỡng lối sống cục bộ địa phương của người tiểu nông. Họ cũng giống nông dân Pháp hồi giữa thế kỷ XIX, họ “… không bao giờ vượt ra khỏi phạm vi những quan hệ địa phương gần nhất, và khỏi cái chân trời địa phương chật hẹp gắn liền với những quan hệ đó” [Mác C. và Ăngghen Ph. 1993b: 459]. Với cái nhìn thiển cận trong phạm vi của người tư hữu nhỏ, người tiểu nông Việt Nam không thể nhìn xa, trông rộng, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ, không nhìn thấy lợi ích lâu dài, lợi ích toàn bộ.

Mặt khác, người dân sống ở từng vùng, từng miền trên đất nước Việt Nam lại có những phong tục, tập quán, lối sống, tính cách, tâm lý riêng, cho nên sự hoà đồng không phải bao giờ cũng thuận lợi, trong nhiều trường hợp còn có sự khác biệt giữa xã này với xã khác, tỉnh này biệt lập với tỉnh khác. Thậm chí, ngay cả trong phạm vi một làng thì xóm này cũng biệt lập với xóm khác, dòng họ này cũng biệt lập với dòng họ khác. Đây là mảnh đất tốt để lối sống cục bộ địa phương nảy sinh và phát triển. Và cũng vì vậy, xuất hiện tâm lý đố kỵ, hẹp hòi, níu kéo… trong từng nhóm những cộng đồng nông dân nhỏ hẹp như: gia đình, họ hàng, làng xóm… Lâu dần, tâm lý hẹp hòi, cục bộ địa phương trở thành một đặc trưng trong lối sống của người tiểu nông Việt Nam hết sức rõ nét. Nó chi phối hành vi, thái độ, cách ứng xử hàng ngày của họ. Trong một số trường hợp, họ chăm lo lợi ích nhỏ hẹp của gia đình, họ hàng, làng xã… mà quên đi lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Cách thức sản xuất đó của người tiểu nông Việt Nam đã dẫn đến hệ quả là họ không quen với pháp luật. Nếu như ở các nước tư bản chủ nghĩa với nền kinh tế hàng hóa sớm phát triển, người nông dân làm ăn trong một khuôn khổ pháp luật nhất định. Người nông dân không thể tuỳ tiện, coi thường pháp luật và những quy luật của thị trường, bởi như vậy họ sẽ bị trả giá bằng sự phá sản, thua lỗ. Còn những người tiểu nông Việt Nam sản xuất mang tính tự phát, với mục đích tự cung, tự cấp, tự túc. Họ sản xuất cho mình, vì mình. Điều này tạo nên tính tuỳ tiện, thiếu kỷ luật, kỷ cương, chưa có thói quen sống và làm việc theo pháp luật của người tiểu nông Việt Nam.

Hơn nữa, xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử của đất nước, trước thời Bắc thuộc, người tiểu nông Việt Nam vốn đề cao và sống theo “lệ làng”. Người dân trong làng chấp hành những quy định của “lệ làng” một cách tự nguyện và nghiêm túc. Họ sống theo lệ làng, theo tục lệ, lề thói, ít quen với pháp luật. Họ chỉ sợ lệ, sợ dư luận của làng, mà không sợ luật, thậm chí coi thường pháp luật “phép vua thua lệ làng”. Khi phong kiến phương Bắc bắt đầu đô hộ nước ta, chúng đưa hệ thống pháp luật hà khắc vào để dễ dàng cai trị. Với tính chất của hệ thống pháp luật đó nên ngay từ đầu, người dân Việt Nam đã ác cảm và chống lại pháp luật, không phục tùng pháp luật; coi đó là biểu hiện của sự xâm lược, một thứ văn hóa ngoại lai.

Mặt khác, nước ta lại chưa trải qua nền dân chủ tư sản. Nền dân chủ tư sản có những hạn chế, nhưng dẫu sao nó cũng góp phần khẳng định cá nhân, xác lập phạm trù “công dân”, đề cao pháp luật, kỷ luật cũng như hàng loạt các mối quan hệ xã hội khác. Trong một xã hội như vậy, ý thức trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của người công dân đối với xã hội rất rõ ràng. Đương nhiên thói quen tuỳ tiện, vô nguyên tắc, coi thường pháp luật sẽ không có điều kiện thuận lợi để phát triển. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng ý thức chấp hành, tôn trọng pháp luật của người dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước ta hiện nay.

Như vậy, lối sống hẹp hòi, vị lợi, cục bộ địa phương, thói quen tuỳ tiện, tính kém kỷ luật, kỷ cương, coi thường pháp luật của người tiểu nông có ảnh hưởng rất lớn không chỉ tới quá trình phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng, mà còn ảnh hưởng tới từng vùng, miền và cả dân tộc. Nó kìm hãm sự mở rộng tầm nhìn và các mối quan hệ của người tiểu nông, kìm hãm sự tiến bộ của cộng đồng cư dân nông thôn và của cả cộng đồng xã hội.

Như vậy, những đặc điểm trong lối sống tiểu nông Việt Nam được biểu hiện rất đa dạng, phong phú với nhiều sắc thái: cái xấu, cái tốt, cái tích cực, cái tiêu cực, hoà quyện, đan xen vào nhau. Bên cạnh lòng yêu nước, đoàn kết cộng đồng, yêu lao động, cần cù, tiết kiệm, lạc quan trong cuộc sống; trọng con người, trọng tình cảm, trọng đạo đức, trọng danh dự, trọng danh tiếng…, ở người tiểu nông Việt Nam còn tồn tại thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lối sống bảo thủ, kinh nghiệm, hẹp hòi, vị lợi, cục bộ địa phương, tuỳ tiện, kém kỷ luật, kỷ cương, trọng lệ hơn luật, trọng tình hơn lý… Đó là tính lưỡng diện vừa thống nhất vừa mâu thuẫn trong lối sống tiểu nông Việt Nam.

Những đặc điểm tích cực, những cái tốt trong lối sống tiểu nông Việt Nam đã phản ánh phong tục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc được hun đúc, chọn lọc và kế thừa từ đời này qua đời khác, góp phần tạo nên hình ảnh con người Việt Nam, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội. Đây cũng chính là một trong những nguồn mạch tạo nên sức mạnh Việt Nam suốt chiều dài lịch sử.

2. Sự biến đổi của lối sống tiểu nông Việt Nam hiện nay

Công cuộc đổi mới đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đường lối đổi mới có tác dụng giải phóng mạnh sức sản xuất, phát huy tiềm năng to lớn của các thành phần kinh tế, chuyển dịch nền kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra động lực to lớn thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Những kết quả đó đã tạo ra tâm trạng phấn khởi ở người nông dân, góp phần tạo nên sự ổn định chính trị, sự phát triển của đất nước. Song, trong quá trình đổi mới, bên cạnh những mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường, của vấn đề CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, các hiện tượng xã hội nẩy sinh… đã tác động đến sự biến đổi tâm lý, lối sống của người nông dân nước ta. Sau đây, chúng tôi tập trung đi vào phân tích các nhân tố chủ yếu tác động đến sự biến đổi lối sống tiểu nông ở nước ta hiện nay.

Trước hết là tác động của nền kinh tế hàng hóa, nền kinh tế thị trường.

Nền kinh tế hàng hóa đã gắn chặt lợi ích của người sản xuất – kinh doanh hàng hóa với hiệu quả của quá trình sản xuất đó, cho nên nó không ngừng kích thích nhu cầu và hứng thú của người sản xuất – kinh doanh hàng hóa. Dưới tác động của đòn bẩy lợi ích cá nhân và cạnh tranh, nền kinh tế hàng hóa thúc đẩy quá trình trao đổi hàng hóa, chuyên môn hóa, hợp tác hóa, kích thích áp dụng và cải tiến khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Quá trình thực hiện đường lối đổi mới kinh tế – xã hội trong nông thôn chính là quá trình thiết lập, xây dựng những điều kiện để nền kinh tế nông thôn chuyển sang sản xuất hàng hóa, biến nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa. Trong nông thôn, những chủ thể sản xuất, kinh doanh độc lập, tự chủ về kinh tế đã được xác lập. Nếu như trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, người nông dân đi muộn, về sớm, không quan tâm đến hiệu quả kinh tế thì, ngược lại, trong nền kinh tế thị trường họ phải đổi mới hoạt động sản xuất và dịch vụ nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cơ chế thị trường và các quy luật khách quan của nó tạo cho người nông dân tác phong khẩn trương, linh hoạt, năng động, nhạy bén. Họ đã biết cách tính toán, cân nhắc trong hoạt động kinh tế, biết tranh thủ thời gian, lựa chọn thời cơ, biết cách sử dụng hợp lý hơn những nguồn lực và lợi thế của mình trong quá trình sản xuất, dám mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, tiếp nhận và ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất… để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Thực tế đã chứng minh rằng, chỉ một thời gian ngắn trong “đổi mới”, kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường đã phát huy được tính năng động, sáng tạo của người nông dân – một động lực phát triển quan trọng mà trong một thời gian dài kinh tế tập thể và cơ chế tập trung bao cấp không phát huy được.

Với mục đích trao đổi hàng hóa, người nông dân phải tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường. Vì vậy, mở rộng giao thương, trao đổi hàng hóa – dịch vụ là nhu cầu tất yếu ở người nông dân hiện nay. Họ đã biết mở rộng các mối quan hệ theo xu hướng cởi mở, thông thoáng, thực dụng, bình đẳng và cùng có lợi. Các mối quan hệ này không chỉ đóng khung nơi làng xã mà đã vượt ra ngoài phạm vi làng, xã, địa phương nơi họ sinh sống, thực hiện sự liên doanh, liên kết làm ăn kinh tế với các cá nhân, tổ chức ở vùng khác. Hơn nữa, hàng hóa và dịch vụ không chỉ đơn thuần mang giá trị tiêu dùng, nó còn mang những giá trị xã hội và văn hóa. Cho nên, mở rộng giao thương, trao đổi hàng hóa – dịch vụ đã tạo ra những cơ hội và điều kiện để người nông dân mở rộng các mối quan hệ về tất cả mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa… Đây cũng là cách tăng cường sự tiếp xúc của người dân với các giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa tinh thần ở bên ngoài, mở mang đầu óc, mở rộng tầm nhìn, tư duy, nâng cao hiểu biết… Tuy nhiên, việc mở rộng, giao thương, trao đổi hàng hóa – dịch vụ có tác động hai mặt đối với sự biến đổi tâm lý của người nông dân. Một mặt, phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa – dịch vụ góp phần làm giảm tính khép kín, cục bộ địa phương trong lối sống người nông dân Việt Nam. Mặt khác, nó cũng tạo ra những điều kiện và cơ hội thuận lợi cho những tư tưởng, tâm lý, lối sống cá nhân chủ nghĩa, coi trọng đồng tiền, coi nhẹ tình nghĩa, những hiện tượng như lừa lọc, gian xảo, thủ đoạn, mua rẻ bán đất, ép giá… cùng các tệ nạn xã hội khác xâm nhập vào đời sống kinh tế – xã hội nông thôn nước ta. Các hiện tượng đó góp phần làm xói mòn, suy yếu những gắn kết cộng đồng, tác động tiêu cực đến quá trình biến đổi lối sống tiểu nông Việt Nam theo hướng tích cực.

Trong quá trình đổi mới, cùng với giao thương, trao đổi hàng hóa, hình thức trao đổi lao động cũng phát triển mạnh, đặc biệt ở những vùng nông thôn ruộng đất ít, dân số đông. Nhiều người mạnh dạn rời bỏ quê hương, làng xóm đến những vùng kinh tế mới, các thành phố, các trung tâm công nghiệp và đến các quốc gia khác để làm ăn, sinh sống. Do đó, tâm lý ly nông, ly hương ngày càng gia tăng thay thế tâm lý “dĩ nông vi bản” và “tâm lý bám làng”, “an cư lạc nghiệp”. Cùng với vấn đề thu nhập và việc làm, những tư tưởng, lối sống khác nhau đang từ các vùng khác nhau du nhập vào đời sống của cư dân nông thôn. Một mặt, nó mở rộng mối quan hệ giao lưu với bên ngoài, dần phá vỡ tính đóng kín, cục bộ địa phương, hẹp hòi, tâm lý bám làng thiển cận trong lối sống của người nông dân. Mặt khác, những tư tưởng, lối sống xa lạ, trái với thuần phong, mỹ tục đang xâm nhập, làm xói mòn lối sống trọng tình nghĩa, truyền thống coi trọng các giá trị cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương trợ… vốn là những giá trị tích cực trong lối sống của người nông dân Việt Nam.

Như vậy, phát triển kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường, mở rộng giao thương, trao đổi hàng hóa – dịch vụ, trao đổi lao động trong giai đoạn đổi mới đang tạo ra những điều kiện và cơ hội cho người nông dân gia nhập nhiều hơn vào các mối quan hệ với bên ngoài, tiếp xúc nhiều hơn với các giá trị khác nhau đến từ nhiều vùng, miền, lãnh thổ trên thế giới. Nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường đang hàng ngày, hàng giờ kích thích tính tích cực, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, củng cố vị trí độc lập, tự chủ của các cá nhân, đồng thời nó cũng làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, trước hết là về mặt kinh tế giữa các chủ thể kinh tế. Bằng cách đó, phát triển kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường, mở rộng giao thương, trao đổi hàng hóa – dịch vụ, trao đổi lao động đang góp phần xoá dần đi tính đóng kín, hạn hẹp, cục bộ địa phương, tăng cường tính chất mở, hoà nhập, tạo nên sự năng động, sáng tạo, chủ động… trong lối sống của người nông dân. Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường lại là mảnh đất màu mỡ cho những mặt tiêu cực trong lối sống của họ có cơ hội hồi sinh, phát triển.

Thứ hai, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Là đất nước có hơn 70% dân cư sống ở nông thôn, Đảng ta đã xác định rõ tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Trong quá trình thực hiện đường lối CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đã thu được những kết quả to lớn, đặc biệt là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đạt được những tiến bộ nhất định, các ngành, nghề ngoài nông nghiệp phát triển nhanh. Một khi các ngành nghề càng phát triển thì nền kinh tế tự cung, tự cấp càng dần bị thu hẹp, năng lực sáng tạo của cá nhân càng được coi trọng. Bằng cách đó, sự mở rộng các hoạt động ngành nghề đang góp phần làm giảm tính kép kín, hạn hẹp, an phận đồng thời thúc đẩy tính tích cực, năng động, sáng tạo, nhạy bén… trong lối sống người nông dân nước ta hiện nay.

Trong giai đoạn Đổi Mới, trước yêu cầu của thị trường và cạnh tranh, các chủ thể kinh tế ở nông thôn cũng rất nhanh nhạy và năng động trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất – kinh doanh hàng hóa, tăng cường cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, v.v. đang tạo nên những điều kiện thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội nông thôn. Việc làm này đồng nghĩa với mở rộng sự tiếp xúc của người dân với các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các giá trị văn hóa tinh thần đến từ bên ngoài, cũng như tăng cường sự hiện diện của chúng trong đời sống nông thôn. Đến lượt mình, những cái mới phổ biến đó lại góp phần mở mang tầm nhìn, vốn hiểu biết, nâng cao dân trí, thay đổi cách nghĩ của họ, góp phần khắc phục dần những hạn chế trong lối sống bảo thủ, cục bộ địa phương, nếp nghĩ theo kinh nghiệm… của người nông dân.

Thứ ba, ảnh hưởng của một số vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình đổi mới.

Tác động của nền kinh tế thị trường, của quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế… đã dẫn đến sự biến đổi tích cực trong đời sống kinh tế – xã hội nước ta nói chung, nông thôn Việt Nam nói riêng. Bên cạnh sự biến đổi theo hướng tích cực, đời sống kinh tế – xã hội nông thôn dưới những tác động trên đã xuất hiện những biến đổi theo hướng tiêu cực, khoảng cách giàu – nghèo ở nông thôn ngày càng tăng. Sự phân hóa giàu – nghèo sẽ có khả năng dẫn đến những phân hóa xã hội sâu sắc như: phân hóa về lối sống và vị thế xã hội, phân hóa thành đẳng cấp và giai tầng. Sự phân hóa xã hội sâu sắc tạo nên các nhóm xã hội tách biệt nhau thường đi cùng với sự tăng lên của các mâu thuẫn xã hội, điều đó làm suy giảm sự đoàn kết gắn bó cộng đồng. Vì vậy, cần có sự kiểm soát, điều chỉnh từ phía Nhà nước để rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo trong nông thôn… Ngoài ra, phân hóa giàu – nghèo còn ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội truyền thống, những giá trị tinh thần truyền thống trong cộng đồng dân cư nông thôn có nguy cơ bị tổn thương. Chẳng hạn, truyền thống nhân ái, trọng tình nghĩa, tôn trọng người già… nhiều khi bị khúc xạ bởi quan hệ kinh tế và được đo đếm trực tiếp qua quan hệ kinh tế. Điều này tạo nên phản ứng gay gắt trong xã hội, trước hết là bộ phận nông dân nghèo và những người già yếu trong xã hội.

Hiện nay, trong xã hội có một bộ phận dân cư giàu lên nhanh chóng do tham nhũng, buôn lậu, làm ăn trái pháp luật v.v. Sự phân hóa giàu – nghèo do những nguyên nhân trên làm căng thẳng thêm các quan hệ xã hội, làm xói mòn những gắn kết cộng đồng, truyền thống nhân ái, trọng tình nghĩa, tôn trọng người già… vốn là những giá trị truyền thống trong cộng đồng xã hội.

Trong giai đoạn Đổi Mới, những mâu thuẫn tranh chấp về kinh tế là những hiện tượng tất yếu xẩy ra trong quá trình đạt đến sự hài hoà giữa ba lợi ích: cá nhân, cộng đồng và xã hội. Trong số đó, nhiều nhất vẫn là những tranh chấp, mâu thuẫn về ruộng đất hoặc liên quan đến ruộng đất, ở bất cứ mức độ và hình thức nào, đều có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình biến đổi tâm lý của người nông dân nước ta. Những tranh chấp, mâu thuẫn này làm suy giảm sự đoàn kết, gắn bó, tình nghĩa… giữa các dòng họ, giữa các tầng lớp dân cư với nhau, nếu không được giải quyết thỏa đáng, kịp thời sẽ củng cố thêm cho tính cục bộ địa phương, hẹp hòi, vị kỷ, vị lợi, tuỳ tiện (vô chính phủ)… trong lối sống tiểu nông Việt Nam.

Tóm lại, quá trình đổi mới kinh tế – xã hội nông thôn đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mọi lĩnh vực ở nông thôn. Cơ sở kinh tế của lối sống tiểu nông Việt Nam là nền kinh tế tự cung, tự cấp thấp kém đang dần dần mất đi, thay vào đó là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn… đang làm biến đổi lối sống tiểu nông. Sự biến đổi đó diễn ra mạnh mẽ vừa có mặt tích cực, vừa có những biểu hiện tiêu cực, vừa phong phú, đa dạng, vừa phức tạp, đan xen. Sự biến đổi ấy có thể khái quát như sau:

Một là, những giá trị truyền thống cao đẹp trong lối sống tiểu nông như: yêu quê hương, đất nước, yêu lao động, cần cù, tiết kiệm, lạc quan, đoàn kết cộng đồng… ngày càng được củng cố và phát huy mạnh mẽ và biểu hiện dưới những nội dung mới.

Trong giai đoạn hiện nay, khái niệm yêu quê hương, đất nước gắn liền với yêu lao động, có ý thức tự lực, tự cường, vươn lên trong cuộc sống, ham học tập, tìm tòi, thử nghiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, biết làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, người nông dân Việt Nam từ tư duy manh mún, làm ăn nhỏ lẻ chuyển dần sang tư duy kinh tế, mạnh dạn, sáng tạo, năng động; từ tư duy kinh nghiệm chuyển sang lối tư duy khoa học; từ hệ giá trị trọng danh hơn trọng thực dần chuyển sang hệ giá trị trọng thực hơn trọng danh; từ lối sống trọng tình hơn trọng lý chuyển dần sang trọng lý hơn trọng tình; từ quan niệm không coi trọng buôn bán chuyển dần sang nhu cầu buôn bán mở rộng; từ lối sống khép kín đã chuyển sang hội nhập với cộng đồng ở phạm vi quốc gia và quốc tế; tính bảo thủ, hẹp hòi, lối sống vị kỷ, vị lợi, cục bộ địa phương, tuỳ tiện… của người nông dân nói riêng, con người Việt Nam nói chung sẽ dần dần được khắc phục.

Ba là, người dân đã ý thức rõ hơn về tự do, dân chủ, bình đẳng, về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Vì vậy, lối sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật dần hình thành. Những giá trị pháp lý dựa theo chuẩn “đúng- sai” đang xuất hiện, bổ sung cho chuẩn “thiện – ác”; khắc phục dần tâm lý “phép vua thua lệ làng”, trọng lệ hơn trọng luật, trọng tình hơn trọng lý… đã từng in dấu đậm nét trong lối sống của người nông dân nước ta hàng ngàn năm qua.

Bốn là, trong quá trình biến đổi lối sống tiểu nông, tính chất đan xen, phức tạp biểu hiện ở chỗ: Bên cạnh sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm… ngày càng xuất hiện và phát triển trong dân cư nông thôn thì những tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ỷ lại vẫn còn tồn tại, tư tưởng manh mún chưa được khắc phục triệt để. Mặc dù, có sự chuyển dịch năng động trong tư duy kinh tế, trong tiếp cận với kinh tế thị trường, song năng lực cạnh tranh còn yếu, lối tư duy trực quan, kinh nghiệm ở họ vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Nhiều giá trị truyền thống cao đẹp được củng cố và duy trì, nhưng, do tác động của cơ chế thị trường, quan hệ xã hội truyền thống ở nông thôn như tình làng nghĩa xóm: “tối lửa tắt đèn có nhau”, “lá lành đùm lá rách” đang có nguy cơ bị mai một, thay vào đó là quan hệ sòng phẳng, là lễ nghi, là lối sống: “đèn nhà ai nhà ấy rạng”… Tuy những biểu hiện này chưa trở thành phổ biến, song ở một chừng mực nhất định nó đã làm phai nhạt các giá trị truyền thống ở nông thôn.

Năm là, những thành tựu trong công cuộc đổi mới gần 30 năm qua đã làm thay đổi căn bản đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cả nước nói chung, người nông dân nói riêng. Điều đó đã tạo ra sự phấn khởi, tin tưởng, lạc quan,… của người nông dân. Tuyệt đại bộ phận nông dân tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhà nước. Bên cạnh đó, ở một bộ phận nông dân vẫn còn có những tâm trạng, tư tưởng tiêu cực, còn có sự hoài nghi, thậm chí dao động về niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng ta.

Sáu là, sự biến đổi lối sống trong các tầng lớp dân cư khác nhau, giữa các vùng khác nhau đang có những chiều hướng khác nhau trong nhu cầu và định hướng giá trị.

Nhu cầu của người dân đang trở nên phong phú, đa dạng: nhu cầu làm giàu chính đáng; nhu cầu giao lưu, giao tiếp để mở mang trí tuệ, học hỏi kinh nghiệm và hoàn thiện cuộc sống của mình… Những nhu cầu này phản ánh sự biến đổi trong tâm lý, lối sống của người dân Việt Nam trước sự thay đổi về kinh tế, xã hội của đất nước ta.

3. Nguyên nhân tồn tại mặt tiêu cực của lối sống tiểu nông ở Việt Nam hiện nay

Đời sống tinh thần, ý thức con người không phải là sản phẩm của ý muốn chủ quan của cá nhân hay một nhóm người nào đó mà là sản phẩm của xã hội – lịch sử, bị quy định bởi các điều kiện khách quan, nó chịu sự tác động, ảnh hưởng của các điều kiện sống, lao động, sinh hoạt ”vật chất” của xã hội. Khẳng định nguồn gốc hình thành ý thức của con người, Các Mác – Ph.Ăngghen nhấn mạnh: không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Nhưng, mặc dù đất nước ta đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự thay đổi to lớn về kinh tế, song những mặt hạn chế, tiêu cực của lối sống tiểu nông không những không mất đi mà còn trở nên nghiêm trọng hơn, bởi lẽ:

Một là, lối sống tiểu nông được hình thành và tồn tại dưới tác động của một loạt các nhân tố (kinh tế, xã hội, lịch sử và văn hóa…) gắn kết với nhau qua hàng ngàn năm lịch sử, do đó nó có tính kế thừa, trở thành tập quán, thói quen; vì vậy, nó có sức mạnh cũng như có tính bảo thủ và sức ỳ rất lớn.

Hai là, nền kinh tế tiểu nông lạc hậu, tự cấp, tự túc,… là cơ sở để tạo nên lối sống tiểu nông. Hiện nay, mặc dù nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng về cơ bản phương thức sản xuất của người nông dân Việt Nam vẫn chủ yếu là nền sản xuất nhỏ với công cụ thô sơ, lạc hậu. Mặt khác, nền kinh tế thị trường là vấn đề còn rất mới mẻ so với lịch sử hàng ngàn năm của nền kinh tế nông nghiệp tự túc, tự cấp ở nước ta, Hơn nữa, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tạo cơ hội cho những tiêu cực trong kinh tế – xã hội phát sinh và có nguy cơ trầm trọng hơn. Đó là mảnh đất màu mỡ cho những thói quen phong tục, tập quán, những trạng thái, nhu cầu tâm lý có tính tiêu cực của người nông dân có cơ hội hồi sinh.

Ba là, những biến đổi hết sức quan trọng trong nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt chủ trương đưa kinh tế nông nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn hội nhập nhanh chóng vào sự nghiệp CNH, HĐH kinh tế – xã hội của cả nước, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế – xã hội nông thôn, tác động mạnh mẽ tới người nông dân và làm nảy sinh, xuất hiện những biểu hiện mới trong lối sống của họ. Nhưng, những biểu hiện này lại chưa có sức lan tỏa mạnh trong mỗi người dân Việt Nam nói chung và người nông dân nói riêng. Vì vậy, những hạn chế trong lối sống tiểu nông vẫn còn đất để tồn tại, phát triển.

Bốn là, mặc dù tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tương đối nhanh nhưng hiện nay vẫn còn hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn. Mặt khác, đặc điểm nổi bật của nền văn hóa nước ta là văn hóa làng xã, cho nên giữa những người thành thị và nông thôn vẫn tồn tại nhiều mối quan hệ khăng khít và đan xen nhau, có nhiều quan hệ mang đậm nét tâm lý tiểu nông như quan hệ họ hàng, dòng tộc, gia đình… Hơn nữa, việc khôi phục lại các di tích văn hóa như đền, chùa, miếu… gắn liền với những sinh hoạt tín ngưỡng diễn ra trong những năm qua, bên cạnh mặt tích cực còn có những hạn chế từ các phong tục, tập tục cũ. Tất cả điều đó đã tạo điều kiện, môi trường dung dưỡng cho những mặt tiêu cực trong lối sống tiểu nông hồi sinh, phát triển… Điều này đã cắt nghĩa vì sao mặt tiêu cực trong lối sống tiểu nông không những không bị mất đi mà còn phát triển mạnh mẽ hơn khi điều kiện cuộc sống về vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao.

Năm là, do cơ chế chính sách, pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ, vẫn còn khe hở, việc thực thi luật pháp chưa nghiêm nên chưa tạo ra được sự răn đe đối với các hiện tượng tiêu cực như làm ăn phi pháp, coi thường kỷ cương, phép nước… Điều này càng tạo điều kiện để dung dưỡng cho những nét tâm lý tiêu cực trong lối sống tiểu nông tồn tại và phát triển.

Sáu là, một bộ phận không nhỏ người nông dân còn thiếu và yếu kiến thức về các lĩnh vực như: kinh tế, pháp luật, xã hội…; chưa thích ứng, năng động, nhạy bén với những hoạt động trong nền kinh tế thị trường hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập trên thế giới.

Kết luận

Lối sống tiểu nông Việt Nam là một hiện tượng rất phức tạp, đa dạng; cái xấu, cái tốt, cái tích cực, cái tiêu cực hoà quyện, đan xen vào nhau. Bên cạnh những mặt tích cực như: lòng yêu nước, đoàn kết cộng đồng, yêu lao động, cần cù, lạc quan trong cuộc sống; trọng con người, trọng tình cảm, trọng đạo đức, trọng danh dự…, lối sống tiểu nông còn có những mặt tiêu cực, hạn chế: thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tính bảo thủ, nếp nghĩ dựa theo kinh nghiệm; tính hẹp hòi, vị lợi, cục bộ địa phương, tuỳ tiện, kém kỷ luật, kỷ cương, trọng tình hơn trọng lý, trọng lệ hơn luật…

Trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, những đặc điểm trong lối sống tiểu nông, đã có sự thay đổi. Những mặt tích cực, là những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong lối sống tiểu nông vẫn tiếp tục được kế thừa, phát huy. Những hạn chế, tiêu cực, những cái xấu trong lối sống tiểu nông Việt Nam vẫn còn điều kiện để tồn tại, nuôi dưỡng; một số biểu hiện mới trong lối sống ngoại lai được du nhập… Điều đó biểu hiện xu hướng biến đổi diễn ra phức tạp trong lối sống tiểu nông Việt Nam. Để phát huy những mặt tích cực, đồng thời khắc phục những mặt hạn chế trong lối sống tiểu nông, cần tiếp thu một cách có chọn lọc, hợp lý lối sống của các dân tộc trên thế giới, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hệ thống các giải pháp này chúng tôi sẽ luận bàn ở một bài viết khác.

————————-

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

1. Hồ Chí Minh 1995: Toàn tập, tập 6. – H.: NXB CTQG.
2. Hồ Chí Minh 1996: Toàn tập, tập 9. – H.: NXB CTQG.
3. Mác C. và Ăngghen Ph. 1993a: Toàn tập, tập 2. – H.: NXB CTQG.
4. Mác C. và Ăngghen Ph. 1993b: Toàn tập, tập 7. – H.: NXB CTQG.
5. Nguyễn Hồng Phong 1963: Tìm hiểu tính cách dân tộc. – H.: NXB Khoa học Xã hội.
6. Nguyễn Quang Du 1994: Ý thức nông dân trong cán bộ, đảng viên nông thôn miền Bắc Việt Nam – những đặc trưng chủ yếu. – H.: Luận án PTS Triết học.
7. Phạm Xuân Nam 1998: Văn hóa vì sự phát triển. – H.: NXB CTQG.
8. Phan Đại Doãn 1992: Làng Việt Nam – một số vấn đề kinh tế xã hội. – H.: NXB Khoa học Xã hội.
9. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (cb) 1994: Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, tập 1. – H.: NXB Khoa học Xã hội.
10. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (cb) 1996: Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, tập 2. – H.: NXB Khoa học Xã hội.
11. Phan Kế Bính 1990: Việt Nam phong tục. – NXB Tp. Hồ Chí Minh.
12. Phan Ngọc 1998: Bản sắc văn hóa Việt Nam. – H.: NXB Văn hóa – Thông tin.
13. Toan Ánh 1992: Nếp cũ – Làng xóm Việt Nam. – NXB Tp. Hồ Chí Minh.
14. Trần Đăng Sinh và Nguyễn Chu Sâm (cb) 2014: Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam. – H.: NXB Lý luận chính trị.
15. Trần Ngọc Thêm 1998: Cơ sở văn hóa Việt Nam. – H.: NXB Giáo dục.
16. Trần Quốc Vượng (cb) 2000: Cơ sở văn hóa Việt Nam. – H.: NXB Giáo dục.
17. Trần Văn Giàu 1980: Các giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. – H.: NXB Khoa học Xã hội.
18. Viện sử học 1977: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập 1. – H.: NXB Khoa học Xã hội.
19. Viện sử học 1979: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập 2. – H.: NXB Khoa học Xã hội.
20. Viện sử học 1990: Nông dân và nông thôn Việt Nam thời cận đại, tập 1. – H.: NXB Khoa học Xã hội.
21. Viện sử học 1993: Nông dân và nông thôn Việt Nam thời cận đại, tập 2. – H.: NXB Khoa học Xã hội.
22. Võ Văn Thắng 2005: Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong việc xây dựng lối sống ở Việt Nam hiện nay. – H.: Luận án tiến sỹ Triết học.

Theo VĂN HÓA HỌC

Tags: , , ,