Về học thuyết Đại Đông Á của Nhật Bản đầu thế kỷ 20

Trong Thế chiến II, Nhật Bản phát động hàng loạt cuộc tấn công thôn tính các nước trong khu vực Đông Á. Sau khi thống trị Trung Quốc, Tokyo còn bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng của Mỹ, tất cả nhằm mục đích thực thi học thuyết “Đại Đông Á” của Nhật Bản.

Về học thuyết Đại Đông Á của Nhật Bản đầu thế kỷ 20

“Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á” là khẩu hiệu được Tokyo và quân đội Nhật đề xướng trong thời kỳ Chiêu Hòa để thực hiện tham vọng tạo ra một khối các quốc gia Châu Á do Nhật Bản lãnh đạo mà không phụ thuộc vào Phương Tây. Khẩu hiệu nầy được Thủ tướng Fumimaro Konoe trong nổ lực nhằm tạo ra một “Đại Đông Á” bao gồm các quốc gia: Nhật Bản, Mãn Châu Quốc và Trung Hoa và một phần các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Với mục đích trên, theo bộ máy tuyên truyền của chính quyền Tokyo là thiết lập một “TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI” nhằm tìm kiếm sự “thịnh vượng chung” cho các quốc gia Châu Á, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và hòa bình và hoàn toàn không lệ thuộc vào chủ nghĩa thực dân và sự thống trị của Phương Tây.

Tuy nhiên, khái niệm nầy được Tokyo chỉ dùng để biện minh cho chính sách xâm lược của Nhật Bản tại Đông Á từ thập niên 1930 cho đến khi chấm dứt Thế chiến II và thuật ngữ “Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á” chỉ là tấm bình phong cho sự thống trị của Đế quốc Nhật Bản tại các quốc gia chiếm đóng trong Thế chiến II.

Cũng như Đức Quốc Xã, học thuyết “Đại Đông Á” phát xuất từ quan niệm dân tộc Phù Tang là dân tộc thượng đẳng, so với các dân tộc Châu Á khác. Nó đã được thành hình vào khoảng thế kỷ 19. Học giả Fukuzawa Yukichi trong tác phẩm “Vai Trò nước Nhật ở Châu Á” được công bố vào năm 1882 ủng hộ mạnh mẽ cách nhìn về Đế quốc Nhật Bản và vai trò hiển nhiên là nước lãnh đạo của toàn Châu Á. Bước vào thế kỷ 20, một học giả “dân tộc cực đoan khác” là Kita Ikki đã thu hút được nhiều sự chú ý của độc giả Nhật, khi ông đưa ra nhận định về sứ mạng của nước Nhật với vai trò đưa Châu Á thoát khỏi ách đô hộ của Đế quốc Thực dân Phương Tây, thậm chí bằng khả năng gây chiến tranh nếu cần. Vì vậy, vào năm 1905, Đế quốc Nhật gây chiến đánh thắng Đế quốc Nga trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905). Cuộc chiến tranh được lưu danh vào lịch sử thế giới là một quốc gia Châu Á đầu tiên đã đánh bại một Đế quốc Phương Tây, góp phần định hướng cho một vai trò lớn hơn của nước Nhật sau nầy.

Kinh tế cũng là yếu tố quan trọng trong quyết định đưa ra tuyên bố học thuyết “Đại Đông Á” lần đầu tiên vào năm 1940. Nhật Bản có nhu cầu rất lớn về các nguyên liệu thô như dầu ở Đông Ấn hay cao su của Đông Dương nhằm duy trì sản xuất và nhu cầu cho quân đội đang chiếm đóng Trung Hoa. Hành động nghiêm cấm chuyên chở dầu, nguyên liệu thô và sắt thép đến Nhật Bản của Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây đã thúc đẩy Tokyo tìm các nguồn cung ứng khác ở các quốc gia Châu Á để thay thế, và đây cũng là nguyên do Nhật vận động các nước trong khu vực Đông Á tham gia vào khối thịnh vượng chung “Đại Đông Á” thì Nhật Bản mới có thể duy trì được việc sản xuất hàng hóa cho các thị trường xuất cảng.

Ngoài các nguyên nhân trên, tham vọng về một địa chính trị quốc tế cũng đã góp phần đưa đến sự ra đời của “Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á”. Từ cuối thế kỷ thứ 19, các nhà hoạch định chính sách của Nhật tin rằng: nước Nhật cũng có quyền ngang hàng với các nước “Đế quốc Phương Tây” trong việc mở rộng và duy trì thuộc địa của họ ở Châu Á. Tin rằng, việc làm đó sẽ là điều kiện cơ bản giúp nước Nhật đạt được một vị trí quan trọng hơn trên vũ đài chính trị thế giới và được nhìn nhận Nhật Bản như một quốc gia thượng đẳng, ngang hàng với các quốc gia Phương Tây.

Vì vậy, các Đế quốc Phương Tây đã phản đối các hành động nầy của Nhật bằng hàng loạt đưa ra các điều khoản bất bình đẳng đã gây ra bất bình với người Nhật. Trong các điều khoản được ký kết tại “Hội nghị Hải quân Quôc Tế” ở Washington (1922), buộc Nhật phải duy trì một tỉ lệ lực lượng tàu chiến là 3/5 so với Hoa Kỳ & Anh Quốc. Vào năm 1924, Hoa Kỳ thông qua dự luật ngưng tiếp nhận dân Nhật nhập cư từ Nhật Bản.

Các chính trị gia Nhật dùng chủ thuyết “Châu Á phải dành cho người Á Châu” nhằm thuyết phục dân Nhật và các quốc gia Châu Á khác và phải có hành động cấp bách để giải phóng các nước Châu Á thoát khỏi ách nô lệ các Đế quốc Phương Tây. Nhưng, các quốc gia bị Đế quốc Nhật chiếm đóng sau đó đều nhận ra rằng, mọi thứ đã hoàn toàn khác hẳn với lời tuyên truyền trước kia về “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á”. Các chính phủ do Nhật dựng lên trở thành bù nhìn. Nhân dân các nước bị Nhật chiếm đóng đã phải chịu đựng nhiều thống khổ do chính sách cai trị hà khắc của người Nhật. Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á chỉ là cái bánh vẽ, một dạng khác của chủ nghĩa đế quốc được Phương Tây đã thực hiện từ lâu. Nói tóm lại, “Khối Thinh vượng chung Đại Đông Á” đã không hoạt động vì sự phát triển của tất cả các quốc gia Đông Á mà chỉ phục vụ cho lợi ích của nước Nhật và do đó họ đã thất bại vì không tranh thủ được sự ủng hộ tại các quốc gia Đông Á.

Tóm lại, học thuyết “Đại Đông Á” là một hệ thống các nguyên tắc về chính sách xâm lược và bành trướng của Đế quốc Nhật Bản do Thủ tướng Konoe đề ra ngày 1/8/1940 nhằm xây dựng một “khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á”. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật lúc bấy giờ là Mashuoka đã lên tiếng giải thích những nguyên tắc cho việc xây dựng một khu vực Đại Đông Á thịnh vượng và phát triển như sau:

(1) Quân sự đồng minh.
(2) Kinh tế hợp tác.
(3) Văn hóa giao lưu.
(4) Ngoại giao liên hiệp.
(5) Chính trị độc lập.

Nhưng, thực ra Học thuyết “Đại Đông Á” trong quá khứ lợi dụng sự khác biệt về chủng tộc, kích động sự hận thù của nhân dân Châu Á đối với Thực dân da trắng Phương tây nhằm lừa bịp các dân tộc Châu Á với những luận điệu như “đồng văn”, “đồng chủng”, cùng “máu đỏ da vàng” để các thế lực Quân Phiệt Nhật muốn đặt các dân tộc Châu Á bao gồm Trung Hoa, Mãn Châu Quốc, Đông Dương, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines dưới ách thống trị của Nhật Bản, tranh giành các thuộc địa rộng lớn của các Đế quốc Phương Tây ở khu vực nầy nhằm khai thác, vơ vét tài nguyên, nhân lực để phục vụ cho các kế hoạch xâm lược…

THeo NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN

Tags: ,