Về đợt quy hoạch đầu tiên ở Hà Nội thời thuộc địa

Những nghị định về việc thay thế nhà tranh bằng nhà xây và lợp ngói trong các khu phố nhằm mục đích ngầm là xua đuổi những người bản xứ nghèo nhất.

Về đợt quy hoạch đầu tiên ở Hà Nội thời thuộc địa

Từ 1860-1880, những toan tính của Chính quyền thuộc địa Pháp trong việc cơ cấu đô thị Hà Nội vững chắc đã thay đổi. Những kẻ đi chinh phục không còn cho thấy nhu cầu phải xoá sạch cái cũ trước khi xây dựng.

Cuốn Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa của Arnaud Le Brusq (NXB Amateur, 1999) cho biết, trái với Sài Gòn – nơi mà lưới sắt thuộc địa bao phủ toàn bộ các ngôi làng cổ, thành phố Hà Nội được hình thành từ sự phá huỷ, bằng sự liên kết các khu phố cũ và mới. Hiện tượng này góp phần thu hút du khách thời nay, họ ngạc nhiên bởi nghệ thuật lồng ghép thực sự giữa một bên là ngôi chùa với những toà nhà kiểu Pháp, giữa một trường học bị lệch tâm với một ngôi làng với những mái nhà tranh.

Năm 1875, Việt Nam và Pháp ký kết Hiệp định trong đó có đề cập tới việc mở rộng khu nhượng địa về phía nam bằng cách xây dựng các chi nhánh thương mại. Song, tình hình an ninh bất ổn và những điều phiền toái do đội ngũ quan lại gây ra đã khiến các nhà đàm phán người Âu chán nản, họ muốn cầu may ở nơi khác. Quan hệ giữa hai bên tham gia bị kích động và mang tính quân sự. Trên thực tế, chính những sự kiện của năm 1883 đã quyết định diện mạo của Hà Nội về sau này.

Cùng với việc đội quân viễn chinh đến, sự liên kết giữa khu nhượng địa và Hoàng thành trở thành cái được thua đầu tiên. Vào đầu năm 1883, đội quân của Tư lệnh Rivière chiếm hai điểm đầu mút của con phố Incrusteurs cách nhau khoảng 2 km. Từ một con đường duy nhất ban đầu bị làm chủ theo giờ, người Pháp hoàn toàn mở rộng quyền kiểm soát của mình ra toàn khu đô thị. Người Âu nhanh chóng bao quanh phố Incruteurs và tiến hành nhiều hoạt động thương mại mà trước tiên là sự xuất hiện các quán cà phê trên lối đi của lính đồn trú tại Hoàng thành và của các quan chức sống trong khu nhượng địa.

Được đặt tên là Paul Bert ngay khi ông này chết vào năm 1886, con phố đã được mở rộng, rải nhựa, có vỉa hè và được trồng cây trước khi có xe ngựa kéo phục vụ giao thông trên suốt chiều dài quãng đường vào năm 1888. Từ chỗ là một con đường binh thuần tuý, cùng với các khách sạn và cửa hiệu, phố Paul Bert trở thành tuyến phố buôn bán chính của Hà Nội, có thể so với đường Catinat của Sài Gòn.

Để nhớ về điểm đến thời kỳ tiền thuộc địa, người ta đã đặt lại tên phố này là phố Tràng Tiền tức “phố Đúc tiền”. Ngày nay, dọc theo tuyến phố này là các phòng tranh, hiệu sách và vào buổi tối, thanh niên thường tụ tập trước cửa hàng kem tạo thành một điểm đi lại ồn ã. Trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi của mình, Paul Bert đã tiến hành khảo sát các công trình mà không dựa vào những kế hoạch định trước. Paulin Vial, người kế nhiệm ông ta đến từ Nam kỳ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bằng cách cho xây dựng hệ thống đường sá. Vào năm 1888, người Pháp đã mở một lối đi ở đại lộ Gambetta song song với phố Paul Bert, thiết lập khu 4 công sự ở phía nam Petit-Lac nhằm mục đích biến nơi đây thành “khu phố kiểu Pháp”.

Bị hạn chế bởi một số nhà sàn và đền miếu, Petit-Lac được các nhân chứng đầu tiên miêu tả khi thì giống như một nơi ô uế ghê người khi thì lại là thắng cảnh đầy quyến rũ. Tên của nó trong tiếng Việt là Hồ Hoàn Kiếm bắt nguồn từ một trong những truyền thuyết của Bắc kỳ. Năm 1885, người ta cho mở một đại lộ bao quanh hồ, công việc này hoàn thành vào năm 1891.

Bao quanh phía bắc là khu phố thủ công của người bản xứ, phía đông là các toà nhà hành chính của người Pháp, phía nam là khu nhà ở và phía tây là trụ sở hội truyền giáo. Petit-Lac được bao bọc bởi một tuyến đường giao thông, là trung tâm mà mọi hoạt động của Hà Nội thuộc địa được phân chia xung quanh đó. Thêm vào đó là nét quyến rũ của công viên cùng với mặt hồ tĩnh lặng và những mái chùa cong vút. Theo ký ức thời gian, khung cảnh đã được sàng lọc từ nét quy phạm mang dáng dấp đô thị được hội nhập, kết hợp giữa phong cách kiến trúc của phương Tây với nét duyên dáng của phương Đông.

Cuối cùng, việc cải tân thành phố kéo theo sự phá huỷ cũng như các quy định, mà trước tiên nó đụng chạm tới các công trình quân sự và trang thiết bị gắn liền với cách thức tổ chức hành chính theo kiểu truyền thống. Vào năm 1886, Paul Bert cho dỡ bỏ các cửa ngõ của thành phố. Sau đó, năm 1893, các bức tường thành được coi là không còn phù hợp cho việc bảo vệ địa điểm này cũng bị phá huỷ. Chính quyền mới trân trọng các công trình tôn giáo bởi nó không gây trở ngại cho các dự án của họ, và chấp nhận sự tồn tại của khu 36 phố phường.

Tuy nhiên, năm 1888, chính quyền thành phố Hà Nội lệnh cho những người sống ở ven đường xây vỉa hè trên các trục đường, rải đá cho những tuyến đường đó và phá huỷ những khu nhà bao quanh trục đường công cộng. Ban đầu, ý muốn áp đặt những nguyên tắc của người Âu thể hiện qua việc cấm xây dựng các công trình bằng vật liệu nhẹ. Những nghị định về việc thay thế nhà tranh bằng nhà xây và lợp ngói trong các khu phố nhằm mục đích ngầm là xua đuổi những người bản xứ nghèo nhất. Kinh lược Nguyễn Hữu Độ cực lực phản đối thực trạng này bằng cách cho lập một ngôi làng gần nơi ông ta ở. Tuy nhiên, dần dần bị đẩy và đến mức không thể lay chuyển nổi, nơi sống của người Việt đành nhường chỗ cho thành phố thuộc địa.

Theo HOÀNG HẰNG / TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,