Về chủ nghĩa kiến tạo trong quan hệ quốc tế

Việc Chiến tranh Lạnh chấm dứt đã làm xói mòn những luận giải của cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa hiện thực. Tình hình đó tạo điều kiện cho sự nổi lên của một trường phái mới: chủ nghĩa kiến tạo.

Về chủ nghĩa kiến tạo trong quan hệ quốc tế

Tác giả: Phạm Thủy Tiên.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Hầu như sự phát triển của các lý thuyết quan hệ quốc tế đều được nảy sinh từ các phản ứng với chất xúc tác là các sự kiện lịch sử: sự nổi lên của chủ nghĩa tự do sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, của chủ nghĩa hiện thực sau các khủng hoảng trong thời kỳ hưu chiến và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, và của chủ nghĩa kiến tạo (constructivism) sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Việc Chiến tranh Lạnh chấm dứt đã làm xói mòn những luận giải của cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa hiện thực. Cả hai đều đã không thể tiên đoán cũng như nhận thức đầy đủ về sự biến chuyển mang tính hệ thống đang tái định hình trật tự thế giới cũng như sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh. Tình hình đó tạo điều kiện cho sự nổi lên của một trường phái mới: chủ nghĩa kiến tạo.

Các nhà hiện thực chủ nghĩa cho rằng các quốc gia theo đuổi quyền lực, và do bản chất của hệ thống thế giới là “vô chính phủ” nên các quốc gia buộc phải thực thi chiến lược “tự cứu”, cạnh tranh quyền lực với các quốc gia khác để đảm bảo an ninh cho mình, và vì vậy không tồn tại khả năng hợp tác quốc tế bền vững. Trong khi đó, chủ nghĩa tự do đề cao lợi ích của hợp tác quốc tế, vốn có thể giúp các quốc gia thu được lợi ích tuyệt đối từ mối quan hệ với các quốc gia khác. Mặc dù khác nhau về quan điểm nhưng cả hai trường phái chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do đều là những lí thuyết của chủ nghĩa duy lý.

Ba thế giới quan của Wendt

Alexander Wendt, người được coi là đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa kiến tạo, xác định ba nền văn hóa của chính trị thế giới. Lấy ý tưởng từ các triết gia cổ điễn, Wendt gọi thế giới mà các nước đối đầu với nhau, thiếu vắng niềm tin và luôn có xu hướng sử dụng sức mạnh là thế giới của Hobbes (dựa trên tư tưởng của triết gia Thomas Hobbes). Trong hình dung về một trật tự mà các quốc gia có thể cạnh tranh, đối đầu, nhưng cũng có thể hợp tác và kết minh tùy theo mục đích, lợi ích và tình thế, được Wendt gọi là thế giới của Locke (dựa trên tư tưởng của nhà triết học người Anh John Locke). Cuối cùng thế giới các nước sống với nhau trong tình huynh đệ, tin tưởng, hòa bình được gọi là thế giới của Kant (dựa trên tư tưởng của Immanuel Kant, triết gia người Đức).

.

Trong khi đó, chủ nghĩa kiến tạo lại cho rằng bản sắc, các chuẩn tắc, niềm tin và các giá trị cũng mang tính cấu trúc và tạo nên ảnh hưởng mạnh mẽ lên các hoạt động chính trị – xã hội. Chủ nghĩa kiến tạo nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của những cấu trúc chuẩn tắc tương đương nếu không nói là vượt trội hơn so với cấu trúc vật chất. Theo các nhà kiến tạo, mỗi quốc gia có một bản sắc quốc gia, hay cách quốc gia đó nhận thức về bản thân mình, và bản sắc quốc gia này giúp định hình các mục tiêu mà quốc gia đó theo đuổi, như an ninh, chính sách đối ngoại hay phát triển triển kinh tế. Tuy nhiên cách thức mà các quốc gia hiện thực hóa các mục tiêu này như thế nào lại phụ thuộc vào bản sắc xã hội, hay là cách các quốc gia nhận thức về bản thân mình trong mối quan hệ với các quốc gia khác trong xã hội quốc tế. Các quốc gia sẽ xác định lợi ích quốc gia của mình dựa trên cơ sở là những bản sắc này.

Các nhà kiến tạo thừa nhận rằng tình trạng vô chính phủ là điều kiện đặc trưng của hệ thống quốc tế, nhưng cho rằng, tự thân tình trạng vô chính phủ đó không tồn tại mặc nhiên bên ngoài ý thức của các quốc gia. Ví dụ, tình trạng vô chính phủ giữa những quốc gia hữu hảo khác với tình trạng vô chính phủ giữa những quốc gia đối địch. Vì vậy điều quan trọng chính là những cấu trúc xã hội khác nhau tồn tại trong tình trạng vô chính phủ đó. Các quốc gia có thể có nhiều bản sắc xã hội khác nhau, và các bản sắc xã hội này có thể mang tính hợp tác hoặc xung đột, và lợi ích của quốc gia cũng biến đổi tùy thuộc vào bản sắc xã hội mà quốc gia xác định tương ứng. Nói cách khác, các quốc gia xác định lợi ích của mình bằng cách diễn giải bối cảnh xã hội mà họ tham gia. Vì vậy, các nhà kiến tạo cho rằng bối cảnh Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô là một cấu trúc xã hội mà trong đó hai siêu cường coi nhau như kẻ thù, đồng thời xác định lợi ích quốc gia của mình theo hướng đối kháng nhau. Một khi hai quốc gia này không còn coi nhau là kẻ thù nữa thì Chiến tranh Lạnh tự động kết thúc.

Tương tự như vậy, Canada và Cuba đều tồn tại bên sườn nước Mỹ nhưng các yếu tố cân bằng quân sự giản đơn đều không giải thích được tại sao Canada là đồng minh thân cận của Mỹ còn Cuba lại là kẻ thù không đội trời chung. Ý niệm về bản sắc và cấu trúc về bạn – thù đã làm mối cân bằng quyền lực giữa Canada và Mỹ hay giữa Mỹ và Cuba mang những ý nghĩa khác nhau.

Có thể thấy, chủ nghĩa kiến tạo tương phản với chủ nghĩa duy lý trong hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, thay vì coi lợi ích được quyết định bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài, tạo nên thứ tự ưu tiên cho các tương tác xã hội như các nhà duy lý, các nhà kiến tạo cho rằng những lợi ích đó tự phát sinh trong mỗi chủ thể trong quá trình tương tác, xuất phát từ các đặc tính có được thông qua quá trình học hỏi và các tiến trình giao tiếp khác, đồng thời phản ánh kinh nghiệm và vai trò quyền lực của chủ thể đó. Thứ hai, là trong khi các nhà duy lý xem xét xã hội như một không gian – trong đó các chủ thể tính toán để theo đuổi lợi ích của mình, thì các nhà kiến tạo lại xem xã hội như một môi trường có thể tác động lên các chủ thể chính trị; đồng thời là phạm vi định hình nên các chủ thể trong chính xã hội đó. Họ nhấn mạnh đến yếu tố “luôn chịu sự tác động của các tác nhân xã hội”, trong từng hành động của các chủ thể.

Việc vận dụng Chủ nghĩa kiến tạo với tư cách là một lý thuyết quan hệ quốc tế có một số hạn chế nhất định. Ví dụ, chủ nghĩa kiến tạo không xác định bất kỳ một cấu trúc xã hội đặc biệt nào chi phối hành vi của các quốc gia. Thay vào đó, chủ nghĩa kiến tạo cho rằng các nhà nghiên cứu phải kiểm tra, phân tích và thấu hiểu từng mối quan hệ xã hội cụ thể, sau đó mới có thể dự đoán hành vi của quốc gia trong cấu trúc đó. Khi những dự đoán này được chứng minh là sai thì chủ nghĩa kiến tạo lại cho rằng đó là bởi cấu trúc xã hội chi phối đó đã bị hiểu sai hoặc đã thay đổi. Điều này dẫn tới những nghi ngờ về giá trị của chủ nghĩa kiến tạo trong việc giải thích hay dự đoán các hiện tượng trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, sau sự kiện 11/9, chủ nghĩa kiến tạo đã được vận dụng để lý giải một số vấn đề quan trọng, ví dụ như bản chất của quyền lực. Theo các nhà kiến tạo, quyền lực còn được cấu thành từ những nhân tố phi vật chất, trong đó đáng kể nhất là tính chính nghĩa, và tính chính nghĩa này lần lượt chịu tác động của những chuẩn tắc đã được xác lập bởi các tư tưởng hay hoạt động thực tiễn đúng đắn. Cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an xung quanh việc Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 đã làm rõ mối liên hệ phức tạp giữa những chuẩn tắc của các thể chế và các cách thức hành động trên thực tế, giữa những hành động chính trị phù hợp với luật pháp quốc tế và các hành động đơn phương bất hợp pháp. Mỹ đã huy động những nguồn lực vật chất để xóa bỏ chế độ của Saddam Hussein mà không có sự đồng ý của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vì vậy Mỹ đã phải rất vất vả đối mặt với cáo buộc hành động phi nghĩa và không chính đáng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chiếm đóng và tái xây dựng Iraq của Mỹ. Sự kiện này đã thúc đẩy các nhà kiến tạo làm rõ khía cạnh xã hội của quyền lực, hay nghiên cứu hệ thống luật quốc tế, vốn là một phạm trù có liên quan mật thiết đến khía cạnh chính trị của các chuẩn tắc, tính chính đáng và quyền lực.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,