Cách tiếp cận triết học – xã hội với hiện trạng môi trường sinh thái nhân văn ở Việt Nam

Môi trường sống của con người và xã hội loài người được gọi là môi trường tự nhiên – Người hoá, môi trường sinh thái – nhân văn hay môi trường sinh thái xã hội.

Về cách tiếp cận triết học – xã hội đối với hiện trạng môi trường sinh thái nhân văn ở Việt Nam

Tác giả: PGS, TS. Phạm Thị Ngọc Trầm.

Nguồn: Tạp chí Triết học, số 6 (157), tháng 6/2004.

I. Môi trường sinh thái nhân văn: Các nhóm vấn đề

Môi trường sống của con người và xã hội loài người được gọi là môi trường tự nhiên – Người hoá, môi trường sinh thái – nhân văn hay môi trường sinh thái xã hội.

Hiện trạng môi trường sinh thái – nhân văn toàn cầu, cũng như ở nước ta đang có nhiều vấn đề bức xúc và nan giải – đó là những vấn đề sinh thái nhân văn. Vấn đề sinh thái là sự tập hợp toàn bộ những vấn đề liên quan đến mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa các hệ thống vật chất sống, từ cơ thể (sinh thể, cả đơn bào lẫn đa bào) đến trên cơ thể (quần thể, quần xã, hệ sinh thái) với môi trường xung quanh chúng (các điều kiện vô cơ và hữu cơ); còn vấn đề sinh thái nhân văn bao gồm những vấn đề liên quan đến mối quan hệ và sự tác động lẫn nhau giữa con người và con người, giữa con người và xã hội (với tư cách những hệ thống vật chất sống), con người và môi trường xung quanh, trước hết là với sinh quyển. Vì thế, môi trường sinh thái nhân văn cần được xem xét, phân tích theo các nhóm vấn đề chủ yếu sau đây:

Một là, những vấn đề sinh thái nhân văn trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng. Nền sản xuất xã hội là phương thức trao đổi chất đặc thù của xã hội loài người với tự nhiên thông qua chu trình sinh học hay chu trình trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin. Do vậy, các vấn đề sinh thái nhân văn trước tiên xuất hiện trực tiếp trong lĩnh vực mối quan hệ qua lại giữa con người (xã hội) và tự nhiên, thông qua quá trình sản xuất vật chất và tiêu dùng của xã hội. Để thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của bản thân mình và sự phát triển không ngừng của xã hội, con người – qua hoạt động sản xuất – đã khai thác và sử dụng đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, con người và xã hội đã thải bỏ vào môi trường tự nhiên vô số chất độc hại, mà chu trình sinh học không thể chấp nhận được và vì thế, đã gây nên nạn ô nhiễm nặng nề môi trường sống. Đó là những vấn đề sinh thái nhân văn bức xúc nhất của thời đại.

Hai là, những vấn đề sinh thái nhân văn trong lĩnh vực mối quan hệ giữa con người và con người.Trong quá trình trao đổi chất với tự nhiên – quá trình sản xuất và tiêu dùng, con người không chỉ quan hệ và tác động qua lại với tự nhiên, mà còn quan hệ với nhau. Bởi vì, như C.Mác đã khẳng định: chỉ có trong xã hội, tự nhiên đối với con người mới là cái khâu liên hệ giữa con người với con người … Chính mối quan hệ giữa con người và con người (quan hệ sản xuất nói riêng, quan hệ xã hội nói chung) trong quá trình sản xuất và tiêu dùng đã làm nảy sinh biết bao vấn đề phức tạp, nan giải, trong đó có cả vấn đề sinh thái nhân văn.

Ba là, những vấn đề sinh thái nhân văn trong lĩnh vực văn hoá tinh thần. Quan hệ giữa con người và con người trong xã hội không phải chỉ là các mối quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế, mặc dù đó là mối quan hệ cơ bản tạo ra nền tảng của xã hội (hạ tầng cơ sở), mà còn bao gồm các mối quan hệ văn hoá, tinh thần được sản sinh ra trên nền tảng đó. Nếu xét trên bình diện quan hệ giữa con người (xã hội) và tự nhiên thì đây chính là khía cạnh văn hoá sinh thái trong các vấn đề sinh thái nhân văn – một khía cạnh quan trọng với tên gọi là văn hoá học sinh thái nhân văn mà ngày nay đang được cộng đồng Người trên toàn thế giới quan tâm.

Ba nhóm vấn đề sinh thái nhân văn cơ bản trên đây đã tạo nên toàn cảnh hiện trạng môi trường sống và đó cũng chính là cách tiếp cận triết học – xã hội – một cách tiếp cận toàn diện đối với các vấn đề sinh thái nhân văn. Từ cách tiếp cận này, chúng tôi sẽ xem xét, phân tích các vấn đề sinh thái nhân văn trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay.

II. Hiện trạng môi trường sinh thái nhân văn ở Việt Nam: các vấn đề bức xúc

1. Các vấn đề sinh thái nhân văn trong lĩnh vực sản xuất vật chất và tiêu dùng: Nổi bật nhất trong lĩnh vực này là nguy cơ khan hiếm và cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng với sự gia tăng nạn ô nhiễm môi trường sống.

Sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước ta hiện nay là vấn đề đã lên đến mức báo động, đặc biệt là rừng, đất đai, nước ngọt và sạch, tài nguyên khoáng sản và đa dạng sinh học.

Về rừng:

Đây là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước ta đang bị con người tấn công và tàn phá dữ dội nhất. Nếu như vào năm 1945, độ che phủ của rừng là 48% tổng diện tích cả nước thì sau hơn 50 năm, đặc biệt là trong những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, độ che phủ của rừng đã giảm sút một cách rất đáng lo ngại, có lúc chỉ còn khoảng 20%, dưới mức an toàn cho phép (dưới 30% là báo động đối với môi trường). Theo số liệu thống kê năm 2000, độ che phủ của rừng Việt Nam đã hồi phục trở lại và đạt trên 30%, nghĩa là đã vượt ra ngoài tầm báo động. Tuy nhiên, sự hồi phục này chủ yếu là do rừng mới trồng, giá trị sinh thái không cao.

Ngoài lý do chủ yếu là bị con người khai thác bừa bãi, sự suy giảm của rừng nước ta còn do bị cháy, bị lũ lụt hoặc sâu bọ tàn phá. Trong những năm gần đây, các vụ cháy rừng ở U Minh Thượng, U Minh Hạ, Cà Mau, Đắc Lắc v.v.; các vụ sâu róm phá hoại rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đã tiêu huỷ hàng chục ngàn hécta rừng, trong đó có những cánh rừng nguyên thuỷ vô cùng quý hiếm – những bảo tàng tự nhiên về đa dạng sinh học hiếm hoi còn sót lại trên Trái Đất. Nhìn chung, cho đến nay, rừng Việt Nam vẫn đang tiếp tục giảm sút cả về mặt số lượng lẫn chất lượng, mặc dù Nhà nước ta đã có lệnh đóng cửa rừng từ năm 1996.

* Về đất đai:

Nguồn vốn đất đai của nước ta không phải là nhỏ so với nhiều nước trên thế giới. Với 70% lao động và khoảng 80% dân số cả nước đang hoạt động, sinh sống trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nông thôn, đất đai, nhất là đất canh tác nông nghiệp luôn là nguồn vốn lớn, quan trọng của nền kinh tế, là tài sản quý giá nhất đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này cũng đang bị suy giảm cả về số lượng, lẫn chất lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đất đai bị suy kiệt do rừng bị tàn phá nặng nề, không điều hoà được nước, gây xói mòn, lở đất, laterít hoá đất, vữa trôi các chất màu mỡ v. v…; do các hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện đại như việc sử dụng máy móc cơ giới để làm đất, việc lạm dụng các chất hoá học trong phòng trừ dịch hại, các loại phân hoá học đã giết hại những quần thể sinh vật có lợi trong đất, trong nước; do những tác động tiêu cực từ các chất thải của sản xuất công nghiệp hoặc do việc mở rộng các làng nghề, do việc đô thị hóa, công nghiệp hoá, v.v..

Về tài nguyên nước ngọt và sạch:

Hiện nay, đối với Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, nước ngọt và sạch là một trong những vấn đề sinh thái nhân văn bức xúc, nan giải nhất. Nhìn chung, do một số điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nước ngọt của Việt Nam không thiếu, thậm chí có lúc còn quá thừa thãi gây nên ngập lụt kéo dài. Tuy nhiên, nước ngọt và sạch hiện nay ở nước ta đã có dấu hiệu khan hiếm và trở thành một vấn đề sinh thái nhân văn cần được quan tâm giải quyết. Bởi vì, phần lớn các nguồn nước ngọt và sạch, cả nước mặt, lẫn các mạch nước ngầm đều đang bị ô nhiễm bởi các chất thải của sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, chất thải của các bệnh viện và chất thải sinh hoạt. Hầu hết các loại nước thải đó đều chưa được xử lý và trực tiếp đổ vào sông, ao, hồ, kênh rạch, cống rãnh… Trong khi đó, hệ thống cấp thoát nước ở các thành phố, thị xã, thị trấn thị tứ còn rất thô sơ, không đồng bộ và thiếu nhiều. Các chất thải độc hại được đổ trực tiếp vào môi trường đã làm ô nhiễm nước của các con sông lớn, ao, hồ, ngấm vào các mạch nước ngầm – nguồn cung cấp nước ngọt và sạch cho mọi sinh hoạt đời sống của người dân ở cả thành thị và nông thôn. Việc lọc và làm sạch nước ở các nhà máy nước chủ yếu chỉ mới loại trừ được các chất lắng đọng, hạn chế ô nhiễm sinh học, còn các hoá chất độc hại thì rất khó có thể làm sạch được, bởi vì, chúng vô cùng đa dạng, phức tạp.

* Về các nguồn tài nguyên khoáng sản, nguyên, nhiên vật liệu

Đây là những nguồn tài nguyên thiên nhiên rất cần cho quá trình công nghiệp hoá đất nước. Các nguồn tài nguyên này ở nước ta khá phong phú, đa dạng về chủng loại, nhưng trữ lượng không cao, ngoài nguồn dầu hoả và khí đốt. Nhìn chung, các nguồn tài nguyên khoáng sản, vật liệu xây dựng, vàng, bạc, đá quý… của chúng ta đang bị khai thác bừa bãi, sử dụng chưa thật có hiệu quả và trở nên khan hiếm dần.

* Về tài nguyên đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng môi trường sống và do đó, cũng là một vấn đề sinh thái nhân văn. Tài nguyên đa dạng sinh học của nước ta vào loại  phong phú và mang tính đặc thù của môi trường nhiệt đới gió mùa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên này đã và đang bị khai thác bừa bãi, tuỳ tiện; nạn xuất khẩu bất hợp pháp các loại động thực vật quý hiếm, đặc biệt là các loại động vật hoang dã, các loại gỗ, dược liệu quý ngày càng gia tăng. Ngoài ra, nạn cháy rừng, lũ lụt, hạn hán cũng góp phần quan trọng vào việc làm suy giảm chất lượng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học này.

Việc nhập khẩu chưa qua thẩm định kỹ về mặt khoa học và sự xâm nhập của các loại sinh vật lạ, có hại như Ốc bươu vàng, Hải ly, cây Trinh nữ đầm lầy, chim Sáo đá, cá Răng dao, bèo Nhật Bản v.v. đang gây tác hại không nhỏ cho mùa màng, cho sức khoẻ của con người và môi trường sống.

Nạn ô nhiễm môi trường sống.

* Trong các loại ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nước là loại ô nhiễm nguy hiểm hàng đầu đối với con người. Bởi vì, mọi hoạt động của con người từ sản xuất, tiêu dùng, đến sinh hoạt đời sống hàng ngày đều cần đến nước ngọt và sạch. Tuy nhiên, phần lớn các nguồn cung cấp nước sạch và ngọt của chúng ta đều đã bị ô nhiễm bởi nhiều loại ô nhiễm khác nhau: vi sinh, các chất hoá học, các chất dinh dưỡng, bùn đất lắng đọng, nhiễm mặn, nhiễm chua phèn… có nơi độ ô nhiễm rất cao, vượt từ 5 – 10 lần, thậm chí đến 20 lần hoặc cao hơn nữa so với tiêu chuẩn cho phép.

* Ô nhiễm không khí và chất thải rắn. Những khí thải, chất thải rắn có chứa nhiều độc tố của các nhà máy, các cơ sở sản xuất thủ công, các cơ sở chế biến lương thực và thực phẩm, các bệnh viện, các khu chăn nuôi… cùng với khí thải độc hại của hàng chục triệu phương tiện giao thông vận tải là những nguồn gây ô nhiễm nguy hiểm và tiềm tàng cho môi trường sống, nhất là ở các thành phố lớn. Lượng rác thải do sinh hoạt và sản xuất ngày càng gia tăng, trong khi đó, các phương tiện và công nghệ xử lý chưa có những thay đổi cơ bản, chủ yếu vẫn chỉ là chôn lấp lẫn lộn các loại rác vào cùng một chỗ. Hầu hết các đô thị và khu công nghiệp đều chưa có các nhà máy chế biến, phân huỷ, hay đốt chuyên nghiệp các loại rác độc hại, nguy hiểm.

2. Một số vấn đề sinh thái nhân văn cơ bản trong lĩnh vực mối quan hệ giữa con người với con người.

* Về vấn đề ô nhiễm môi trường xã hội. Trong những năm gần đây, nhiều tệ nạn xã hội đã, đang bùng phát một cách hết sức nhanh chóng và phổ biến, nhất là nạn buôn bán và sử dụng tràn lan các loại chất ma tuý gây nghiện, các chất kích thích sự điên loạn, cuồng dâm và bạo lực của con người, tệ nạn mại dâm … Từ đó, gây nên những căn bệnh hiểm nghèo như các bệnh xã hội (lậu, giang mai… ), nghiện hút, đặc biệt nguy hiểm nhất là HIV – AISD. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế – xã hội, mà thực chất còn là một vấn đề sinh thái nhân văn nan giải. Bởi vì, các tệ nạn xã hội này đã tàn phá con người từ trong bản chất sinh học của nó, như gây nên những biến đổi về gen theo chiều hướng xấu, làm cho những đứa trẻ mới sinh đã mang những bệnh tật nguy hiểm, mang những dị tật bẩm sinh hoặc chết ngay sau khi được sinh ra… Điều nguy hiểm là càng ngăn chặn, chúng càng bung ra và phát triển nhanh hơn, rộng hơn; đồng thời, liên quan đến nhiều tệ nạn xã hội khác nữa như buôn lậu, cướp giật, trộm cắp v.v… gây ra mất trật tự, an toàn xã hội, tàn phá sức lực của con người, làm suy yếu lực lượng lao động xã hội. Ngoài ra, môi trường xã hội còn bị đe doạ bởi các đại dịch nguy hiểm, như dịch SARS, dịch cúm gà (H5N1),… có khả năng lan tràn rất nhanh và gây chết người.

* Vấn đề vệ sinh, an toàn lương thực thực phẩm. Chất lượng các sản phẩm nông nghiệp như lương thực, thực phẩm ngày nay không chỉ là sự biểu hiện giá trị sức lao động của người nông dân, mà còn biểu hiện cả những giá trị đạo đức sinh thái của họ. Vì lợi ích cá nhân trước mắt, nhiều người sản xuất đã lạm dụng các chất phòng trừ dịch hại, các loại thuốc kích thích cây trồng và vật nuôi, các hoá chất độc hại trong bảo quản cũng như chế biến lương thực, thực phẩm… gây mất an toàn và rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Trong nhiều trường hợp, tình trạng đó đã dẫn đến hiện tượng ngộ độc, những bệnh tật hiểm nghèo và tử vong… Tính nghiêm trọng của vấn đề đã đến mức phải báo động trong toàn xã hội.

Đói nghèo và xoá đói giảm nghèo là một trong những vấn đề sinh thái nhân văn bức bách ở Việt Nam hiện nay.

Nghèo đói cũng là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự phá hoại môi trường. Hiện nay, ở nước ta, tỷ lệ những người thuộc diện đói nghèo vẫn còn khá cao (khoảng 12%); trong đó, phần lớn tập trung ở các vùng rừng sâu, núi cao, hải đảo xa xôi. Họ hầu như không được  hưởng những thành quả của sự phát triển kinh tế – xã hội, nghĩa là chưa được đối xử một cách công bằng và bình đẳng trong việc hưởng thụ các tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Cuộc sống của họ gắn bó chặt chẽ và phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên. Do vậy, dù biết hay không biết đến các vấn đề môi trường sinh thái đang nảy sinh, họ buộc phải tìm kiếm sự mưu sinh bằng cách vắt kiệt các nguồn tài nguyên có thể khai thác được. Điều đó chứng tỏ rằng, sự nghèo đói cũng là một vấn đề sinh thái nhân văn cần được quan tâm giải quyết.

3. Các vấn đề sinh thái nhân văn trong lĩnh vực hoạt động văn hoá tinh thần hay khía cạnh văn hoá của sinh thái nhân văn.

Đây là một trong những vấn đề hiện đang được nhân loại đặc biệt quan tâm trong khi giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường. Khía cạnh văn hoá của sinh thái nhân văn bao gồm một số nội dung chủ yếu, như ý thức sinh thái, đạo đức sinh thái, lối sống văn hoá sinh thái v.v…

* Vấn đề ý thức sinh thái.

Một trong những vấn đề sinh thái nhân văn gay cấn và bức xúc nhất ở nước ta hiện nay là sự nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường của người dân, thậm chí của cả những nhà quản lý xã hội các cấp đều còn thấp, hay nói một khác, ý thức sinh thái và lối tư duy sinh thái của người Việt Nam cho đến nay vẫn còn ở trình độ thấp – trình độ của người sản xuất tiểu nông chưa được phổ biến trong toàn xã hội. Đó là thực trạng và cũng là nguyên nhân quan trọng đưa đến những hậu quả tiêu cực cho môi trường sống.

 * Vấn đề đạo đức sinh thái và lối sống văn hóa sinh thái

Đạo đức và lối sống văn hoá sinh thái truyền thống của người Việt Nam được hình thành trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp lúa nước còn ở trình độ phát triển thấp. Có thể gọi đó là lối sống văn hoá sinh thái tiểu nông với đặc trưng cơ bản tích cực là sống hài hoà với thiên nhiên, thuận theo thiên nhiên, nhưng lại chưa biết khai thác thiên nhiên một cách khoa học, hợp lý để phát triển xã hội. Các thói quen, phong tục, tập quán của lối sống tiểu nông đó, ngoài mặt tích cực như trên đã nói, còn chứa đựng những nét chưa đẹp, không phù hợp và bất cập so với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như sự tự do, tuỳ tiện, “được chăng hay chớ”, “lợi bất cập hại”, thiển cận, “tham thúng bỏ nia”, v.v… Lối sống văn hoá sinh thái tiểu nông còn không thích ứng với lối sống công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thị trường hoá, đô thị hoá ngày nay.

 * Vấn đề thiếu hụt những tri thức và thông tin về môi trường và bảo vệ môi trường.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng và liên quan tới phần lớn những người nông dân. Sự thiếu hiểu biết về môi trường cộng với quan niệm thiển cận về các lợi ích cục bộ, trước mắt của người dân thường dẫn họ đến những hành động vô ý thức, làm tổn hại đến môi trường, như sử dụng không đúng lúc, đúng cách, lạm dụng hoá chất trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực, thực phẩm hoặc dùng chất nổ, xung điện đánh bắt thuỷ, hải sản; khai thác rừng, đất đai và nhiều loại khoáng sản quý hiếm khác một cách tự do, tuỳ tiện làm suy giảm chất lượng cũng như biến dạng cảnh quan môi trường.

4. Vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam

Là một thành viên của mái nhà chung Trái Đất, để tồn tại và phát triển, Việt Nam không thể không tham gia vào chiến lược phát triển bền vững của thế giới với ba mục tiêu cơ bản: 1) Về kinh tế: tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định và an toàn; 2) Về xã hội nhân văn: thực hiện sự công bằng và bình đẳng xã hội, nâng cao các chỉ số phát triển con người (HDI) …; 3) Về môi trường: bảo vệ, cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng môi trường sống. Ba mục tiêu này được Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững năm 2002 tại Nam Phi coi là ba trụ cột để phát triển bền vững: “Phát triển kinh tế phải đi kèm với bảo vệ môi trường và công bằng xã hội ở khắp các cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu”. Hội nghị đã chỉ ra năm vấn đề chủ chốt mang tính toàn cầu cần được tập trung giải quyết trong tương lai gần: 1) Cung cấp nước sạch và xử lý nước thải; 2) Cung cấp năng lượng mới (năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, sức gió, địa nhiệt) để thay năng lượng sản xuất từ dầu mỏ, than đá; 3) Về y tế: tập trung phòng chống các loại dịch bệnh như HIV – AIDS, sốt rét, lao phổi; 4) Phát triển nông nghiệp, chống sa mạc hoá đất đai, giảm tỷ lệ đói nghèo trên toàn thế giới; 5) Bảo vệ sự đa dạng sinh học và cải tạo hệ sinh thái.

Các vấn đề nêu trên đây cũng đang là vấn đề sinh thái nhân văn bức xúc của xã hội Việt Nam hiện nay. Căn cứ theo những điều kiện cụ thể, Việt Nam đã vạch ra Chương trình nghị sự 21 của mình với  những bước đi phù hợp.

III. Các nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện trạng môi trường sinh thái nhân văn ở Việt Nam

1. Nguyên nhân quan trọng đầu tiên là sự nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường của người dân nói chung và các cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước nói riêng còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Ý thức sinh thái, lối tư duy sinh thái của người dân còn ở trình độ cảm tính, kinh nghiệm chủ nghĩa. Ý thức sinh thái mới chưa được phổ biến và do đó, chưa đi vào lối sống, nếp sống để trở thành thói quen, tập quán của đại bộ phận nhân dân.

2. Mặt trái của kinh tế thị trường là một tác nhân dẫn đến sự suy giảm chất lượng môi trườngXuất phát từ việc đặt lợi ích trước mắt lên trên hết, đặc biệt là lợi ích kinh tế, kinh tế thị trường đã tạo ra một sự kích thích mạnh mẽ đối với người dân trong việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, buôn bán các chất ma tuý, kích thích, gây nghiện, cũng như việc lạm dụng các hoá chất trong sản xuất và tiêu dùng, xuất khẩu “chui” những động thực vật quý hiếm, thậm chí còn buôn bán cả phụ nữ và trẻ em, nhập lậu những động, thực vật lạ, gây hại… Nói cách khác, mặt trái của kinh tế thị trường đã tạo nên một sức ép to lớn đối với tài nguyên, môi trường.

3. Luật pháp về bảo vệ môi trường và nhiều văn bản pháp lý dưới luật đã được công bố nhưng chưa được thực thi một cách nghiêm minh.

4. Chưa có sự chuyển biến tích cực từ lối sống văn hoá sinh thái tiểu nông sang lối sống văn hoá sinh thái mới, lấy các tiêu chí phát triển bền vững làm nền tảng.

5. Đạo đức sinh thái truyền thống, tuy có nhiều mặt tích cực, song vẫn có những tiêu cực và không phù hợp với điều kiện phát triển mới của xã hội Việt Nam; trong khi đó, đạo đức sinh thái mới chưa được hình thành. Trong việc đánh giá con người, đạo đức sinh thái chưa thực sự được coi như một phẩm chất đạo đức mới và cần thiết của con người hiện đại.

6. Các chính sách xã hội trong lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường chưa thực sự cập nhật và phù hợp. Chương trình xoá đói, giảm nghèo chưa tính đến sự công bằng đối với những người dân các vùng sâu, vùng xa, núi cao, rừng sâu, hải đảo trong việc hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ có được từ chế biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, cũng như công lao của họ đối với việc bảo vệ các nguồn tài nguyên đó ở những vị trí địa đầu của Tổ quốc.

7. Việc giáo dục, truyền thông, trang bị những tri thức về môi trường và bảo vệ môi trường, một mặt, tiến hành còn chậm chạp và không hiệu quả; mặt khác, mạng lưới truyền thông cũng chưa hoàn thiện và phổ biến. Do đó, không phổ cập được những kiến thức cần thiết về môi trường cho đông đảo quần chúng nhân dân.

8. Việc giáo dục, đào tạo chính quy về môi trường và sinh thái tiến hành không đồng bộ và cũng chỉ mới được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia trong những năm gần đây, do đó, tính hiệu quả chưa cao.

9. Chưa có những biện pháp kinh tế, luật pháp và hành chính đủ mạnh để hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động của con người theo hướng “thân môi trường”, đặc biệt là để kiểm soát, trừng phạt… những kẻ cố tình xâm hại môi trường và tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

10. Việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường còn chưa đồng bộ và nhất quán từ Trung ương đến các địa phương, thiếu sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp hữu quan.

IV. Một số giải pháp chủ yếu đối với các vấn đề sinh thái nhân văn hiện nay

1. Nhóm giải pháp về kinh tế – xã hội

* Sử dụng cơ chế lợi ích. Những hoạt động trong việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường cho quá trình sản xuất, tiêu dùng đều nhằm thoả mãn nhu cầu và để đạt đến lợi ích của con người. Bởi vậy, phải sử dụng cơ chế lợi ích như một công cụ để điều chỉnh hoạt động của các chủ thể.

Trong xã hội, lợi ích được điều chỉnh bằng các biện pháp kinh tế, luật pháp và đạo đức (sự tự ý thức của con người). Các biện pháp này gắn bó chặt chẽ với nhau, đặc biệt là biện pháp kinh tế và luật pháp. Bởi vậy, trước hết cần phải có một “Bộ luật về môi trường và bảo vệ môi trường” một cách hoàn chỉnh, toàn diện, sát thực, các điều luật phải rõ ràng, cụ thể. Bộ luật này cùng với những văn bản dưới luật về môi trường sẽ là hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải làm cho bộ luật đó có hiệu lực và được thực thi một cách nghiêm minh. Ở đây, phải cần đến các biện pháp kinh tế. Phải sử dụng cơ chế lợi ích kinh tế như một công cụ vừa thúc đẩy các hoạt động tích cực, vừa trừng phạt, ngăn chặn các hoạt động tiêu cực của con người trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng cơ chế lợi ích trong các biện pháp kinh tế và pháp luật như một biện pháp duy nhất thì sẽ không đủ để điều chỉnh mọi hành vi của con người trong quan hệ với môi trường thiên nhiên. Hơn nữa, kinh tế và pháp luật không bao giờ có thể bao quát hết mọi hành vi chưa đạt đến mức độ phải xem xét bằng các biện pháp kinh tế và pháp luật. Ở đây, cần phải sử dụng cả cơ chế lợi ích trong đạo đức – cụ thể là đạo đức sinh thái – đó là sự tự ý thức.

* Song song với giải pháp về cơ chế lợi ích, còn cần phải sử dụng nhiều biện pháp kinh tế – xã hội khác, như xây dựng các chính sách xã hội về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phù hợp với điều kiện ở nước ta hiện nay, đặc biệt là trong việc xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, những vùng có các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt; xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội nhằm đảm bảo sự công bằng cho người dân trong việc hưởng thụ những lợi ích do việc khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn tài nguyên đó mang lại. Cần có những dự án, những chương trình thiết thực giúp người dân khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là nguồn tài nguyên đa dạng sinh học đặc trưng phù hợp với từng vùng, từng miền để họ có thể tự cải thiện cuộc sống ngay trên quê hương mình, mà không phá hoại môi trường. Đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng vật chất – kỹ thuật, như hệ thống cấp thoát nước đồng bộ, mạng lưới điện, mạng lưới giao thông vận tải, v.v..; thường xuyên duy trì các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường, như phong trào trồng cây gây rừng; trồng cây xanh ở các thành phố; hệ thống VACB (vườn cây, ao cá, chuồng gia súc, hầm ủ khí sinh học); xây dựng nếp sống văn hoá sinh thái: xanh – sạch – đẹp; v.v… Đó chính là những biểu hiện cụ thể của chiến lược xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.

2. Nhóm giải pháp về văn hoá tinh thần

* Nâng cao nhận thức về môi trường.

– Thực hiện một chương trình giáo dục thường xuyên, cập nhật và cơ bản về môi trường và sinh thái cho mọi đối tượng trong xã hội, từ nhà trẻ, mẫu giáo đến đại học và sau đại học. Việc giáo dục phải được tiến hành đồng bộ, có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội thông qua hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra, cần tiến hành giáo dục môi trường thông qua các hoạt động tham quan, du lịch, hội hè, các hình thức văn học, nghệ thuật như phim, ảnh, hội họa, ca nhạc, sáng tác văn thơ, v.v…

– Giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường phải đi qua các bước: Bước 1 – Trang bị những tri thức cần thiết về môi trường và bảo vệ môi trường. Đây là những tri thức liên ngành, tổng hợp, do vậy, đòi hỏi người làm công tác giáo dục phải có một trình độ học thức nhất định, đặc biệt là có kiến thức cơ bản về môi trường. Bước 2 – Hành động. Những người được giáo dục phải biết vận dụng những tri thức học được ở nhà trường vào hoạt động thực tiễn. Bước 3 – Hành động có cam kết. Việc vận dụng những tri thức về môi trường vào hoạt động thực tiễn chỉ có hiệu quả tích cực khi mỗi chủ thể hành động có ý thức trách nhiệm đối với kết quả hoạt động của mình.

Xây dựng ý thức sinh thái, lối tư duy sinh thái cho cộng đồng – một trong những giải pháp quyết định nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.  Cụ thể, cần trang bị cho con người những quan niệm đúng đắn về các yếu tố môi trường và sinh thái, về mối tương tác giữa chúng, cũng như về mối quan hệ và tác động qua lại giữa con người (xã hội) với môi trường thiên nhiên; về sự thích nghi của con người và những giới hạn biến đổi môi trường thiên nhiên của con người, nhằm bảo toàn sự toàn vẹn của hệ thống “Tự nhiên – Con người – Xã hội” hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của xã hội. Đồng thời, xây dựng cho con người những tình cảm, thái độ, nghĩa vụ, trách nhiệm, cách ứng xử phù hợp, có văn hoá đối với môi trường thiên nhiên; các định hướng hành động mới nhằm sửa chữa những sai lầm và thiết lập mối quan hệ hài hoà thật sự giữa con người (xã hội) với tự nhiên. Trên thực tế, ý thức sinh thái được biểu hiện dưới các khía cạnh khác nhau của ý thức xã hội như khía cạnh chính trị, khía cạnh pháp luật, khía cạnh đạo đức, khía cạnh thẩm mỹ và cả khía cạnh tôn giáo. Do vậy, việc xây dựng ý thức sinh thái cần phải dựa trên cơ sở các khía cạnh này.

 * Các giải pháp về văn hoá và tâm lý xã hội. Cần đặc biệt quan tâm xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá sinh thái mới phù hợp với những điều kiện phát triển của đất nước và thời đại, mà cơ sở của nó là quan điểm phát triển bền vững. Đạo đức sinh thái phải được coi là một phẩm chất cần thiết, một tiêu chuẩn đạo đức của con người trong thời đại ngày nay. Đồng thời, chú ý sử dụng các yếu tố tâm lý như một công cụ đắc lực trong việc bảo vệ môi trường, như tạo dư luận xã hội – ủng hộ, khuyến khích những hành động tích cực và phản đối, lên án những hành động tiêu cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cùng với việc thực hiện tốt Luật bảo vệ môi trường, cần khôi phục và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp qua các luật tục, tập quán bảo vệ môi trường của nhân dân.

3. Giải pháp về hợp tác quốc tế và khu vực trong bảo vệ môi trường

Ngày nay, bảo vệ môi trường đã trở thành một nhiệm vụ chung, mang tính toàn cầu. Bởi vậy, để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, không thể thiếu giải pháp hợp tác quốc tế. Cụ thể là chúng ta phải tham gia các hoạt động nghiên cứu, ký kết và cam kết thực hiện đầy đủ các công ước, các nghị định thư quốc tế về bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và bảo vệ môi trường: ISO 14000, 14001, 14010, 14011, 14012, v.v. và nhiều tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn lương thực thực phẩm, v.v…

Nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, quan điểm của Đảng ta là: “Phát triển kinh tế – xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học… Bảo vệ và cải tạo môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, tăng cường quản lý nhà nước đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người dân… coi yêu cầu về môi trường là một tiêu chí quan trọng đánh giá các giải pháp phát triển”([1]). Bởi vậy, việc phân tích, đưa ra những đánh giá tổng quát, hệ thống và toàn diện – từ cách tiếp cận triết học – xã hội – về hiện trạng môi trường sinh thái nhân văn của nước ta hiện nay là một trong những điều kiện cần thiết để đưa đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

—————————————

Chú thích:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX.  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 163 – 164.

Theo TẠP CHÍ TRIẾT HỌC

Tags: ,