Về bản Giao hưởng số 3 ‘Eroica’ của Beethoven

Có lẽ không hề thậm xưng khi cho rằng bản giao hưởng số 3 của Beethoven là một trong những tác phẩm có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử âm nhạc. Một tác phẩm mang tính cách mạng bị tác động do những bất ổn cá nhân và cả những biến động chính trị xã hội của thời đại.

Về bản Giao hưởng số 3 ‘Eroica’ của Beethoven

Tác giả: Ludwig van Beethoven

Tác phẩm: Giao hưởng số 3 giọng Mi giáng trưởng “Eroica”, Op. 55

Thời gian sáng tác: Những phác thảo đầu tiên diễn ra vào mùa hè năm 1802 và được hoàn thành vào năm 1804.

Công diễn lần đầu: Buổi biểu diễn chính thức trước công chúng diễn ra vào ngày 7/4/1805 tại Theater an der Wien, Vienna dưới sự chỉ huy của chính tác giả. Nhưng trước đó, trong năm 1804 đã có một buổi biểu diễn mang tính chất riêng tư tại lâu đài của hoàng thân Franz Joseph von Lobkowitz.

Đề tặng: Bản giao hưởng được đề tặng cho hoàng thân Franz Joseph von Lobkowitz.

Độ dài: Khoảng 50 phút.

Tác phẩm có 4 chương:

Chương I – Allegro con brio (Mi giáng trưởng)
Chương II – Marcia funebre: Adagio assai (Đô thứ)
Chương III – Scherzo: Allegro vivace (Mi giáng trưởng)
Chương IV – Finale: Allegro molto (Mi giáng trưởng)

Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 3 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.

Năm 1789, cuộc cách mạng tư sản Pháp đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế quyền lực nhất châu Âu. Dân chúng, trong đó có Beethoven đã nghĩ đến một xã hội tự do, bình đẳng và bác ái hơn. Tuy nhiên, hàng loạt các cuộc chiến tranh liên tiếp nổ ra đe doạ tới khát vọng này và mọi người mong đợi một người hùng sẽ xuất hiện và cứu rỗi mơ ước của họ. Con người đó dường như là Napoléon Bonaparte.

Tinh thần của Napoléon đã truyền cảm hứng cho Beethoven. Ngay từ năm 1798, ông đã có ý tưởng về một bản giao hưởng lấy Napoléon làm trung tâm. Tuy nhiên phần lớn tác phẩm chỉ được hoàn thành trong mùa hè năm 1803, một năm sau khi ông viết chúc thư Heiligenstadt – bức thư chưa gửi cho những người em trai của mình tiết lộ những cảm xúc sâu sắc của ông về nghệ thuật, cuộc sống và cả căn bệnh điếc đang ngày một hành hạ ông. Nhưng khi Napoléon tuyên bố mình là hoàng đế, ông đã vô cùng giận dữ và cho rằng hành động đó là sư phủ nhận những giá trị mà Beethoven coi trọng: bình đẳng, tình anh em và sự tự do – những giá trị cốt lõi mà chúng ta sau này có thể thưởng thức trong bản giao hưởng số 9 của ông. Beethoven đã xé trang đầu có ghi đề tặng Bonaparte: “Ông ấy cũng không hơn gì một người bình thường. Và giờ ông ấy sẽ chà đạp mọi quyền con người dưới chân và chỉ chăm chăm thoả mãn cho dục vọng cá nhân mình. Ông ấy nghĩ mình vượt trội hơn tất cả mọi người và sẽ trở thành bạo chúa”. Người anh hùng được tôn vinh trong bản giao hưởng trở thành một hình mẫu lý tưởng hơn là một con người thực tế. Và tác phẩm được đề tặng cho hoàng thân Lobkowitz, một trong những người bảo trợ cho Beethoven.

Thực vậy, bản thân việc sáng tác giao hưởng số 3 đã là một hành động anh hùng: gây sốc cho những khán giả đầu tiên nghe nó và thiết lập khuôn mẫu cho những nhà soạn nhạc tương lai noi theo. Hai bản giao hưởng đầu tiên của Beethoven rất duyên dáng và đậm chất cổ điển, với ảnh hưởng rõ rệt của Haydn và Mozart, bản giao hưởng số 3 là một phát ngôn âm nhạc táo bạo có thời lượng dài hơn gần gấp đôi và tràn đầy các ý tưởng táo bạo. Cấu trúc thường gặp ở các bản giao hưởng thế kỷ 18 đã được mở rộng vượt ra khỏi sự hiểu biết của khán giả đương thời. Bản giao hưởng số 3 không tìm cách làm hài lòng và thoả mãn người nghe mà thách thức và khiêu khích họ.

Chương I với nhịp ¾ ở dạng sonata, bắt đầu ngay vào giữa trận chiến với 2 tiếng nổ lớn trên timpani và dàn nhạc. Sau lời kêu gọi chiến tranh, bè cello bắt đầu chủ đề chính của chương. Âm thanh đẹp, giàu màu sắc cất lên ở âm khu trầm gợi lên ý tưởng rằng đây chính là một người anh hùng. Một cách rời rạc, những ý tưởng trữ tình và bạo lực cạnh tranh nhau cho đến khi một chuỗi các hợp âm hướng đến chủ đề ban đầu. Sự lặp lại này (một trong số ít lần Beethoven đồng ý với những khái niệm truyền thống) cho phép người nghe có cơ hội thứ hai để thưởng thức đoạn nhạc phức tạp này trước khi xuất hiện phần phát triển.

Trong phần phát triển dữ dội sau đó, các ý tưởng rời rạc của phần trình bày tương tác với nhau, tạo nên khủng hoảng. Dàn nhạc lao từ hợp âm nghịch này đến hợp âm nghịch khác, dẫn đến cao trào với tiếng kêu thảm thiết. Sau một đoạn dừng, một giai điệu ma quái xuất hiện trên tiếng oboe. Cuối cùng, âm nhạc biến mất cho đến khi xuất hiện tiếng horn đơn độc báo hiệu sự trở lại của chủ đề anh hùng và các ý tưởng chính khác cũng xuất hiện trở lại. Sau phần trở lại của chủ đề ma quái ở phần phát triển, âm nhạc dần dần tăng âm lượng như ý tưởng người hùng trở về trong chiến thắng.

Chương II là một hành khúc tang lễ được viết dưới hình thức 3 đoạn A-B-A ở giọng Đô thứ là một trong những chương nhạc gây ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc nhất của Beethoven. Chương nhạc như một lời nhắc nhở về cái giá khủng khiếp phải trả cho chiến tranh được mô phỏng từ những sáng tác cho các cuộc diễu hành tang lễ lớn trong cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789. Nó bắt đầu với một giai điệu lặng lẽ của dàn dây; double bass bắt chước tiếng trống thường xuất hiện trong những đám tang tại Pháp, bản điếu ca nổi tiếng mở ra sân khấu của riêng mình. Chương nhạc được tiếp nối bằng một đoạn nhạc tươi vui ở giọng Đô trưởng, mở ra một tia hi vọng và ánh sáng với sự tán dương về sự vĩ đại của người anh hùng đã ngã xuống. Giai điệu điếu ca trở lại và nhanh chóng trở thành một fugue gây ấn tượng mạnh mẽ. Trong những ô nhịp khép lại chương nhạc tuyệt vời, chủ đề hành khúc tan rã thành những mảnh vỡ thổn thức. Chương nhạc kết thúc với một số lời an ủi nhưng thậm chí còn gây ra đau buồn hơn.

Âm nhạc trở lại đầy sức sống trong chương III, là một scherzo ở nhịp ¾. Màn độc tấu oboe giới thiệu một giai điệu mộc mạc và chủ đề được chuyển từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác, một sự mở đầu mềm mại đáng ngạc nhiên. Điểm độc đáo của chương nhạc là lần đầu tiên xuất hiện 1 trio horn ở giữa chương nhạc tương phản với phần trước đó. Chương nhạc còn là mẫu mực về sự phát triển nhanh chóng từ âm lượng pianissimo huyền bí tới fortissimo sôi nổi. Về cuối chương, Beethoven đã giới thiệu lại những biến thể nhẹ nhàng từ chủ đề chính của chương I. Và nó thúc đấy chúng ta tiến tới chương cuối với năng lượng dâng trào và niềm tin chiến thắng. Lần đầu tiên một chương scherzo khiêm tốn dưới thời Haydn và Mozart có thể kiêu hãnh bước ra ánh sáng.

Sau những tranh đấu, chương cuối mang lại cho người nghe niềm vui hân hoan. Chủ đề chính của chương nhạc đã được Beethoven sử dụng 3 lần trước đó: Trong điệu nhảy số 7 của tập 12 điệu dân vũ, WoO14, Biến tấu và Fugue cho piano giọng Mi giáng trưởng, Op. 35 và âm nhạc cho vở ballet Những thuộc hạ của Prometheus, Op. 43. Khi xuất hiện trong vở ballet, giai điệu này chỉ đơn giản là hấp dẫn, có tính nhịp điệu, vui tươi và trữ tình. Nhưng trong bản giao hưởng số 3, nó trở thành một cái gì đó vượt xa hơn thế: biểu hiện của sự sùng bái, sự hân hoan và đầy tính anh hùng ca. Âm nhạc chương cuối là sự thức tỉnh của người khổng lồ đang ngủ, một người hùng đang trỗi dậy. Đây là một chương nhạc phức tạp khác thường và đa nghĩa. Nó không chỉ là sự tổng kết mà còn là đỉnh cao của những gì xảy ra trước đó. Khi chương nhạc hình thành một cuộc diễu hành chiến thắng, chúng ta có thể tượng tượng người anh hùng đã tiến vào định mệnh của lịch sử với đoạn kết tràn ngập ánh sáng. Có lẽ đây chính là tầm nhìn của Beethoven về một xã hội sáng tạo, hoà bình và bình đẳng.

Câu chuyện về tên gọi của bản giao hưởng số 3 “Eroica” này có lẽ cũng nổi tiếng và hấp dẫn không kém gì chính bản thân tác phẩm. Trên thực tế, cái tên “Eroica” chỉ chính thức xuất hiện vào năm 1806 khi Beethoven cho xuất bản tác phẩm của mình với tiêu đề bằng tiếng Ý có nghĩa: “Bản giao hưởng anh hùng, để kỷ niệm về hồi ức của một vĩ nhân”. Để tránh cho nhiều người quá sa đà đến những tác động bên ngoài: chủ nghĩa lý tưởng và sự thất vọng, lòng tham cá nhân và ham muốn quyền lực, cuộc đấu tranh giữa chính trị và nghệ thuật… mà quên đi vẻ đẹp nội tại vốn có của một trong những tác phẩm đặc sắc và mang tính cách mạng nhất, một thế kỷ sau thời của Beethoven, nhạc trưởng tài ba người Ý Arturo Toscanini đã từng nói: “Có người nói đó là Napoléon, có người thì là cuộc đấu tranh triết lý, với tôi đó đơn giản là Allegro con brio”.

Theo NHACCODIEN.VN 

Tags: , ,