Văn học dân gian và tính cách người Nhật Bản

Văn học dân gian nói chung, truyện cổ tích của mỗi dân tộc nói riêng là một bức tranh phản ánh chân thực tính cách, tâm hồn của dân tộc đó. Truyện cổ tích Nhật Bản cũng vậy, nội dung phản ánh thật sự đã hội tụ những nét tính cách đáng tự hào của dân tộc Nhật Bản: sự trọng tín nghĩa, trọng sự thông thái, trọng danh dự… và tâm hồn ấy, tính cách ấy cũng thật mạnh mẽ, dũng cảm khi cần thiết…

Văn học dân gian và tính cách người Nhật Bản

Nhật Bản là một đất nước có điều kiện địa lý khá đặc biệt so với nhiều nước trên thế giới, toàn bộ đất đai gồm gần 4.000 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi Thái Bình Dương. Nhật Bản xa đất liền, từ đó đến đại lục, nơi gần nhất là Hàn Quốc, cũng cách hàng trăm km. Điều kiện địa lý tự nhiên này chi phối rất lớn đến quá trình hình thành tâm lý và tính cách dân tộc Nhật, đồng thời có ảnh hưởng sâu sắc tới loại hình văn hóa nghệ thuật của đất nước này.Trước hết, qua truyện cổ tích, có thể thấy rằng người Nhật rất đề cao chữ tín. Trong hầu hết mọi trường hợp, họ luôn cố gắng để giữ được lòng tin của người khác đối với mình và luôn luôn cố gắng thể hiện những điều họ cho là đúng. Đó chính là vì dân tộc Nhật rất có ý thức về chữ tín, mọi người đều ý thức gìn giữ chữ tín của mình. Trong hầu hết các truyện cổ tích Nhật mà chúng tôi khảo sát, nếu nhân vật đã hứa, mà không thực hiện lời hứa, không thực hiện bổn phận của mình thì kết cục khó có thể tốt đẹp được (Giấc mơ, Xứ mộng của Jinnai, Hiko Boski và Ôri Himê, Urashima Taro…). Điều đó cho thấy rằng, đối với người Nhật, việc chữ tín bị đánh mất chẳng khác nào điềm báo của hậu quả xấu. Có thể nói, đây cũng là tính cách cơ bản của họ. Mọi người Nhật đều cố gắng rất lớn để thực hiện lời hứa của mình, họ chỉ hứa khi họ có thể làm được. Tính cách này có lẽ được hình thành từ thưở bình minh của dân tộc, đem lại cho họ tính kỷ luật cao trong cuộc sống và công việc. Thậm chí, tính trọng kỷ luật đã trở thành văn hóa, nếp sống, tính cách. Nó lý giải cho hiện tượng trong trận động đất – sóng thần và sự đe dọa từ những cơn dư chấn liên miên vừa qua, người Nhật vẫn có thể bình tĩnh đến như thế. Hình ảnh thật xúc động khi người Nhật vẫn trật tự xếp hàng lần lượt nhận cứu trợ, mọi người hành xử rất có trật tự, dù sợ hãi nhưng không tranh giành, giẫm đạp, cướp bóc hay bạo lực. Họ biết vượt qua cảm giác sợ sệt để đối phó với hoàn cảnh và cách ứng xử đó đã được ngợi ca trên khắp thế giới. Sự bình tĩnh đó là mặt tích cực của tinh thần võ sĩ đạo, là lòng tự trọng được hình thành từ bề dày văn hóa, làm nên tính cách tốt đẹp của người Nhật.

Tinh thần đề cao ân nghĩa cũng rất phổ biến trong truyện cổ tích Nhật, các nhân vật trong truyện thường trực tiếp đứng ra đền ơn trả oán. Để đền ơn cho mảnh đất quê hương, các vị thần ở những ngôi đền trong một vùng hẻo lánh của Nhật Bản đã hóa thân thành các đô vật, về kinh đô đọ sức với những võ sĩ của các lãnh chúa hùng mạnh để mang lại chiến thắng cho quê hương và cũng là để giúp cho lãnh chúa của họ (Những vị thần không thể khuất phục). Để trả ơn cho ông chủ cửa hàng bánh kẹo đã giúp đỡ mình, con ma của đền Kogenji đã giúp cho vùng đất ông sống không còn tình trạng thiếu nước vào mùa hè (Con ma của đền Kogenji )…Trong truyện cổ tích Nhật Bản, nhân vật mang ơn đã phải cố gắng rất nhiều và trải qua những thử thách cam go, có khi hy sinh cả mạng sống của mình để trả ơn (Cái khăn thần kỳ, Con cáo trắng Hachisuke, Con cáo và ông lão, Sự đền ơn của con Hạc…). Con cáo trắng một lần được lãnh chúa tốt bụng cứu thoát khỏi tay bọn đàn ông hung dữ, ông còn đưa cáo về nhà chăm sóc, cho ăn, chữa khỏi vết thương và thả cáo về núi. Đến khi lãnh chúa gặp khó khăn lớn tưởng như không thể giải quyết nổi thì một chàng thanh niên tự xưng là Hachisuke xuất hiện và đề nghị giúp đỡ. Chàng nhiều lần hoàn thành nhiệm vụ mà không hề yêu cầu điều gì. Cho đến một lần, chàng trai (con cáo trắng hóa thân) bị bọn chó hoang bao vây cắn chết, và lúc chết (đã hiện nguyên hình hài con cáo) vẫn nằm lên trên bảo vệ tài sản của lãnh chúa thì ông này mới biết đó là con vật ân nghĩa đến giúp mình. Sự hy sinh thầm lặng vì ân nghĩa ấy đã mang đến niềm xúc động đối với người đọc. Tuy kết thúc câu chuyện không mang lại sự vui vẻ, nhẹ nhõm như kết thúc có hậu của những truyện cổ tích khác, nhưng nó mang đến cho con người lòng tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống (Con cáo trắng Hachisuke).

Qua khảo sát chúng tôi thấy rằng kiểu nhân vật tiêu biểu, phổ biến trong truyện cổ tích Nhật rất bình dị mà dũng cảm, mạnh mẽ. Trong truyện Kintaro, một lần vào rừng sâu gặp gấu dữ tợn, khi tất cả con vật đều run lên sợ hãi thì Kintaro đã bình tĩnh giao chiến, bằng sức mạnh kỳ lạ, đã nâng con gấu khổng lồ lên quá đầu, gấu vô vọng đầu hàng và trở thành bạn tốt của Kintaro… Mặc dù chỉ nhỉnh hơn ngón tay út, nhưng Issum Boshi tí hon là một chàng trai có nhiều hoài bão và dũng cảm, có ước mơ lớn lao. Khát vọng của chàng càng lớn hơn mỗi khi vượt qua một nguy hiểm mới, trái tim chàng luôn hướng về mục đích trở thành một samurai vĩ đại. Tuy đã nghe nhiều tin đồn về một lũ quỷ ghê gớm thường đến vào ban đêm và bắt cóc những cô gái trẻ, nhưng Issum Boshi cũng tình nguyện cùng bảy người khỏe nhất đi theo bảo vệ tiểu thư Naru khi nàng đi thăm đền Kiyomizu. Và khi đối diện trước con quỷ đỏ khổng lồ, gớm ghiếc với cái sừng gồ ghề, những cái vuốt dài và răng nanh nhọn hoắt, trong lúc mọi người đều hoảng hốt bỏ chạy, Issum Boshi đã ở lại và bảo vệ an toàn mạng sống cho tiểu thư Naru. Nhờ chiếc búa mà con quỷ đỏ bỏ lại, chàng trai tý hon đã trở nên cao lớn, khỏe mạnh. Sự dũng cảm ấy được đền đáp bằng một lễ cưới linh đình và một cuộc sống hạnh phúc với tiểu thư Naru (Issum Boshi – anh chàng samurai tí hon). Với lòng can đảm hơn người, chú bé Momotaro đã quyết tâm lên đường diệt bọn yêu tinh độc ác ở đảo yêu tinh, quấy phá, hoành hành, làm đảo lộn cuộc sống của con người nhưng không ai làm gì được chúng. Trên đường đi, bằng sự dũng cảm, mạnh mẽ, tự tin, chú bé đã thu phục được một con chó hoang, một con khỉ và một con đại bàng cùng nhập cuộc. Họ đã hợp sức đánh bại lũ quỷ (Chú bé trái đào Momotaro). Ngoài ra, kiểu nhân vật dũng cảm còn được ca ngợi ở các truyện Thuốc mỡ của quỷ nước, Sự mạo hiểm của người thợ săn Gembei, Ba chàng trai ngựa… Là những con người bình dị nhưng ở họ đều chứa đựng những khát khao lớn lao và có những đóng góp to lớn cho cộng đồng. Đó cũng là ước mơ chinh phục những điều lớn lao được tác giả dân gian gửi gắm qua truyện cổ tích. Những con người can đảm, dũng cảm, mạnh mẽ không chỉ xuất hiện trong truyện cổ tích. Trong thực tế cuộc sống, khi trải qua thảm họa, ở Nhật Bản vẫn có rất nhiều những tấm gương về lòng can đảm, về đức hy sinh đáng để người đời noi theo. Giữa cảnh hoang tàn, bất chấp nguy hiểm rình rập, những binh sĩ và người tình nguyện Nhật Bản vẫn đi tìm kiếm những người sống sót, vẫn có những con người tình nguyện dấn thân cảm tử để giải quyết hậu quả từ các nhà máy điện hạt nhân… Đây rõ ràng là những tấm gương dũng cảm, có tinh thần xả thân vì cộng đồng.

Nhờ tính kỷ luật cao, coi trọng lời hứa nên người Nhật rất kiên trì, quyết liệt trong công việc. Trong ứng xử, người Nhật tỏ ra khéo léo. Trong giao tiếp, phương châm của họ là hiếu chiến không bằng hiếu hòa, đối đầu không bằng đối thoại. Người Nhật trọng nguyên tắc, nhiều lúc đến độ cứng rắn, nhưng mặt khác họ cũng dễ xúc động trước nhân tình thế thái. Điều này thể hiện khá rõ qua truyện cổ tích. Để thu phục lũ quỷ phá phách và tinh quái, nhà sư đã khéo léo dùng tình cảm chân thành của mình để cảm hóa chúng. Sự giản dị và thân ái rất tự nhiên của nhà sư đã thay đổi được lũ quỷ, đây là điều mà nhiều nhà sư trước đó đã không làm được, câu chuyện còn muốn khẳng định rằng muốn tồn tại được trong hoàn cảnh nào thì bản thân phải tự tìm cách để có thể thích nghi với hoàn cảnh đó (Những con Tanuki ở chùa Shojoji). Bằng cách giấu gươm trong người giả làm phụ nữ, chàng trai Jutaro đã chặt đứt cánh tay của quỷ nước Kappa – kẻ chuyên đi bắt phụ nữ và trẻ em để hãm hại – sự khéo léo và mềm dẻo của chàng đã hoàn toàn quy phục được quỷ nước. Trước những lời cầu xin được tha thứ rất chân thật của nó, Jutaro đã chấp nhận tha thứ, được quỷ hứa sẽ không tiếp tục hại người và tặng thứ thuốc mỡ thần kỳ có thể chữa lành mọi vết thương (Thuốc mỡ của quỷ nước).

Truyện cổ tích Nhật Bản giáo dục con người sống có đạo đức, hiền lành, nhân hậu, thật thà, có tình thương yêu đối với đồng loại… Những truyện Núi của những người già, Những chiếc nón lá của Jizo, Con chim sẻ bị cắt lưỡi, Ông lão hoa anh đào, Công chúa Kaguya, Con ma của đền Kogenji… mang chủ đề chung quen thuộc đó. Tính thiện và ước mong làm việc thiện là điều mà toàn nhân loại mong muốn và luôn hướng đến; triết lý ở hiền luôn có sức sống, mãi tồn tại, bền vững không chỉ trong các truyện cổ tích. Đạo đức là cái cốt lõi của con người. Trong truyện cổ tích Nhật, dù là người hay là ma, thần tiên hay tinh, quỷ… tất cả đều có thể đôn hậu, vị tha và sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình vì người khác. Và qua thực tế thảm họa một năm trước, chúng ta thấy rằng không ai bảo ai, bất chấp mọi gian khổ, người Nhật vẫn kiên cường đối phó một cách bình tĩnh, kỷ luật và đầy tình yêu thương. Kiên nhẫn xếp hàng để chờ đến lượt lên xe buýt đi sơ tán hay để nhận chút lương thực, nước uống miễn phí nhưng khi được phân phát, họ sẽ cảm thấy xấu hổ nếu chỉ biết lấy những thứ đó cho riêng mình, hàng loạt siêu thị đã tự động giảm giá và người đến mua cũng chỉ mua để đủ dùng chứ không vì mục đích đầu cơ tích trữ… Những hành động vì cộng đồng đó đã tiếp tục để lại ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân toàn thế giới. Tính tập thể, tính cộng đồng mà người Nhật Bản dày công xây dựng luôn được duy trì, giữ gìn bằng tính kỷ luật, văn minh và hành động vì người khác.

Người Nhật rất coi trọng sự thông minh, thông thái, vì thế môtip ca ngợi sự thông thái xuất hiện nhiều trong truyện cổ tích Nhật Bản. Hai anh em là một truyện cổ tích điển hình đề cao giá trị của sự thông thái. Gia tài kếch xù của người cha cuối cùng không thuộc về người em mải mê buôn bán kiếm lời, mà thuộc về người anh, vì người anh sau khi lang thang tới nhiều vùng miền của đất nước, tiêu hết số tiền mà người cha cho, đã tiếp xúc với nhiều người và học được nhiều điều hay. Anh trở thành một người khác trước với hiểu biết phong phú, sự từng trải, khả năng làm điều tốt và tránh khỏi điều xấu. Anh đã chứng minh được cho người cha thấy kiến thức của anh là vô giá. Và người cha đã tin tưởng, ký thác toàn bộ sản nghiệp cho anh. Sự thông thái còn được ca ngợi trong truyện Núi của những người già. Một bà lão với sự thông minh, dày dạn kinh nghiệm sống đã giúp đất nước 3 lần thoát khỏi chiến tranh, khẳng định cho lãnh chúa biết thế nào là sự cần thiết trong học hỏi kinh nghiệm của người già, và không phải cứ người già là vô dụng. Lãnh chúa đã thức tỉnh, quyết định hủy bỏ điều luật tàn ác đối với người già áp dụng trước đó (người đến tuổi sáu mươi sẽ bị mang vào núi và ở đó cho đến chết). Tương tự, Một cuộc thi tài cũng là câu chuyện đề cao trí tuệ. Truyện khẳng định một nhà nghệ sĩ tài năng thường dùng nhiều thời gian để ngẫm nghĩ hơn là làm những công việc chân tay tầm thường. Sau cuộc thách đố để so tài cao thấp, anh thợ Seishichi, sau khi đã tiêu tốn hết thời gian vào rượu chè say sưa, đã dùng một mẹo nhỏ để chiến thắng anh thợ Heishiro – người ngày đêm dành hết thời gian và công sức của mình để hy vọng tạo ra được một kiệt tác nghệ thuật vĩ đại nhất, hòng chiến thắng trong cuộc thi. Cũng xu hướng đề cao tri thức, người thày lang thông minh trong truyện Chữa bệnh tắt mắt tỏ ra xuất sắc hơn người, khi chỉ bằng một mẹo nhỏ, đã chế biến thành công thuốc chữa thói hay ăn trộm của đứa con trai một bà lão. Câu chuyện như muốn khẳng định có tri thức thì làm được tất cả, người có trí tuệ sẽ thành công trong cuộc sống, sẽ giải quyết được mọi vấn đề cho dù có khó đến đâu đi chăng nữa.

Văn học dân gian nói chung, truyện cổ tích nói riêng tuy không thể phản ánh mọi khía cạnh đời sống một dân tộc như nó vốn có, nhưng có thể nói truyện cổ tích Nhật Bản là bức phác họa tính cách của dân tộc Nhật. Bằng cách của mình, các tác giả dân gian đã chắt lọc, lựa chọn và đưa vào truyện cổ tích những nét tính cách tiêu biểu, nổi bật và đáng tự hào nhất của dân tộc mình: dũng cảm, thông minh, mạnh mẽ, trọng tín nghĩa, trọng danh dự… Tất nhiên đây chưa phải là toàn bộ tính cách người Nhật, mà chỉ là những nét chính được thể hiện qua truyện cổ tích. Một lần nữa những nét tính cách tuyệt vời đáng ngưỡng mộ ấy của người Nhật được thể hiện rõ nét khi thảm họa xảy ra đối với cuộc sống hiện tại của họ. Chúng ta có cơ sở để tin rằng, với những tính cách đó, người Nhật Bản sẽ vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ và sớm làm hồi sinh lại những gì bị thiên nhiên tàn phá.

Theo LÊ THỊ QUỲNH HẢO / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: , ,