‘Văn hóa quan chức’ và sự diệt vong của loài hổ ở Việt Nam

Những mối quan hệ làm ăn, những đường dây chạy chức chạy quyền cũng một phần được mở ra từ món quà cám ơn bằng sản phẩm hổ. Ngẫm ra, các cụ ta từ xa xưa đã nói “quý vật tìm quý nhân” chẳng sai.

‘Văn hóa quan chức’ và sự diệt vong của loài hổ ở Việt Nam

Không biết tự bao giờ, cao hổ cốt được coi như thần dược, bồi bổ sức khỏe con người; da và móng vuốt hổ được dùng làm đồ trang trí và trang sức. Nhưng một điều dễ thấy là đối tượng dùng cao hổ và những đồ trang trí ấy phần lớn là quan chức và những người giàu có. Tức là những người có tiền và có quyền. Bởi muốn sở hữu một con hổ, người tiêu dùng phải có 3-4 trăm triệu đồng. Dân lao động nghèo khó, cả đời cũng không có khoản tiền lớn như vậy.

Và nếu không phải là quan chức và những đại gia thì làm sao tìm ra nguồn cung cấp hổ; rồi vận chuyển, chế biến trót lọt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Những tấm da, những lạng cao và những bộ móng vuốt trở thành “quý vật” để các đại gia và các quan chức làm quà biếu nhau. Những mối quan hệ làm ăn, những đường dây chạy chức chạy quyền cũng một phần được mở ra từ món quà cám ơn bằng sản phẩm hổ. Ngẫm ra, các cụ ta từ xa xưa đã nói “quý vật tìm quý nhân” chẳng sai.

Hổ là loài động vật biểu tượng cho sức mạnh và vẻ đẹp trong cuộc sống con người, là loài quý hiếm trong môi trường thiên nhiên. Vậy mà giờ đây, số lượng hổ đang mất dần đi từng ngày. Bóng dáng hổ sẽ chỉ còn lại trong ký ức trong một tương lai gần tính bằng năm tháng. Thế hệ sinh sau đẻ muộn sẽ chỉ còn nhìn thấy hổ qua tranh ảnh.

Nguyên nhân khiến số lượng hổ giảm đi nhanh chóng là do nhu cầu sử dụng của con người, mà chủ yếu là quan chức và nhà giàu. Vì thế mà tình trạng săn bắt hổ cứ diễn ra âm thầm, bất chấp pháp luật ngăn cấm.

Kết quả nghiên cứu của Quỹ Bảo tồn quốc tế về thiên nhiên (WWF), Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã (WCS và Quỹ Bảo tồn hổ cho biết, hiện tại chỉ còn 13 nước có hổ sinh sống, trong đó có Việt Nam, chủ yếu ở Trường Sơn, vùng biên giới Việt – Lào… Suốt thời gian dài với nhiều biến động về điều kiện tự nhiên dưới tác động săn bắn của con người, môi trường sống của loài hổ bị thu hẹp dần. Nhiều khu rừng trước đây khá nhiều hổ thì nay đã mất dạng.

Loài chúa sơn lâm của núi rừng Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cuộc sống của loài hổ gắn liền với môi trường rừng và điều kiện tự nhiên của khu vực. Với bản năng săn mồi là các loài thú, hổ thường sống đơn lẻ và ít khi sống bầy đàn trong rừng. Vì vậy, hổ trở thành đối tượng bị săn lùng và tìm kiếm bạo liệt nhất.

Đầu thế kỷ XX, số lượng hổ trên thế giới còn khoảng 100.000 con nhưng hiện nay chỉ còn gần 3.500 con, riêng Việt Nam ước tính chỉ còn vài chục cá thể. Trước thực trạng đáng lo ngại này mà đầu năm 2010, đã có cuộc họp cấp bộ trưởng tài nguyên – môi trường của 12 quốc gia châu Á và Nga bàn về phương thức bảo vệ loài hổ đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Bộ trưởng các nước tuyên bố sẽ nhân đôi số lượng hổ hoang dã vào năm 2022 và trừng trị thẳng tay đối với những kẻ săn bắn loài hổ và ngăn cấm việc xây dựng cầu, đường qua môi trường sống của loài hổ. Tuy nhiên, lời tuyên bố lịch sử này của 13 quốc gia đối với số phận của loài hổ lại không kèm theo nguồn tiền để tài trợ cho nỗ lực bảo tồn thiên nhiên.

Ở Việt Nam, mỗi năm các cơ quan chức năng bắt và thu giữ hàng chục vụ săn bắn, vận chuyển, nuôi nhốt và nấu cao xương hổ. Nhưng những đối tượng vi phạm cũng chỉ bị phạt hành chính nên không thể ngăn chặn số lượng hổ suy giảm. Sẽ xử lý thế nào với số lượng hổ được chuyển lậu từ Lào về cùng số hổ được các hộ dân đang nuôi trong nhà? Đây là bài toán chưa có lời giải đối với các cơ quan chức năng. Những phương án đưa ra đều không khả thi. Nếu tất cả số hổ được thu giữ, đưa về một khu vực để nuôi thì không có nhân công và khoản kinh phí nào bảo đảm cho nhu cầu ăn uống quá tốn kém của loài động vật chuyên ăn thịt này.

Còn phương án trả chúng về với thiên nhiên? Đó là môi trường sống thích nghi của chúng nhưng vì đã quen được nuôi nhốt từ lâu, được con người chăm sóc theo lối công nghiệp nên chúng không còn bản năng tự săn mồi. Hơn nữa, rừng đã bị tàn phá nhiều, diện tích để chúng hoạt động thu hẹp quá mức cần thiết, thức ăn cũng càng hiếm hoi.

Nếu “thả hổ về rừng”, một là chúng sẽ bị chết đói, hai là bị những kẻ săn bắn động vật tiêu diệt ngay. Đáng lo ngại là có những cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và động vật hoang dã cũng tiếp tay cho kẻ xấu chặt phá rừng, săn bắn động vật.

Đứng trước vấn đề nan giải này, các cơ quan chức năng bảo vệ tài nguyên môi trường cần sớm hội thảo để bàn về phương thức chăm sóc và bảo vệ hổ. Nếu để càng lâu và còn lúng túng tìm giải pháp thì chắc chắn thời điểm tuyệt chủng loài hổ trên đất nước ta sẽ chẳng còn dài. Đồng thời, pháp luật cũng cần có hình thức xử phạt nặng hơn với các đối tượng săn bắt, tiêu thụ sản phẩm từ hổ, trong đó không loại trừ các quan chức.

Theo BÙI ĐỨC / NĂNG LƯỢNG MỚI

 

Tags: , ,