Vai trò lịch sử của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Tháng 6/1969, tại Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập(1). Đây là chính phủ liên hiệp rộng rãi, nêu cao ngọn cờ của cách mạng miền Nam là độc lập – dân chủ – hòa bình – trung lập, tập hợp các lực lượng đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược; là cơ quan quyền lực tập trung cao nhất đại diện cho cách mạng miền Nam, phát huy mạnh mẽ vị thế, vai trò về đối nội và đối ngoại, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tác giả: PGS, TS Trịnh Thị Hồng Hạnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2019.

1. Bối cảnh và sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Việt Nam là một mắt xích, một điểm nóng trong chiến lược chống cộng toàn cầu của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á. Tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ nhằm áp đặt ách thống trị chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, mà còn nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc. Mỹ đã ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc củng cố quyền lực, lập một nhà nước chống cộng ở miền Nam Việt Nam(2), âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam. Tháng 9/1954, Mỹ lập ra khối quân sự Đông Nam Á (SEATO), đặt miền Nam Việt Nam trong sự bảo hộ của khối này.

Nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Geneve (ký kết ngày 21/7/1954), Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực đấu tranh nhằm đạt mục tiêu hòa bình, thống nhất đất nước. Song, Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa, ngay từ đầu đã ngăn cản, không thi hành các điều khoản của Hiệp định, sử dụng mọi thủ đoạn, biện pháp chống lại sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Vấn đề đặt ra cho Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là phải đề ra được chủ trương, phương pháp, bước đi cho cách mạng miền Nam như thế nào để giành thắng lợi mà ít tổn thất nhất, lại phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn và phức tạp, bởi trong giai đoạn này, giữa phe XHCN và phe đế quốc chủ nghĩa xuất hiện xu thế hòa hoãn, các nước lớn trong phe XHCN không muốn Đảng Lao động Việt Nam phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Liên Xô, Trung Quốc chung quan điểm duy trì hiện trạng Việt Nam chia cắt hai miền với chế độ chính trị khác nhau, thuyết phục Việt Nam chấp nhận tạm thời sự chia cắt đất nước(3).

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, Đảng nhận thức rõ phải có một đường lối cách mạng ở miền Nam cho phù hợp, mà then chốt là phải chuyển chiến lược đấu tranh. Việc xác định đường lối thống nhất đất nước là một quá trình lâu dài, khó khăn. Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần 15 (mở rộng)(4) hoạch định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng phải đồng thời tiến hành ở hai miền Nam, Bắc, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước(5). Đảng tìm ra giải pháp đưa cách mạng miền Nam tiến lên theo con đường đúng đắn, có lợi nhất. Nghị quyết Trung ương 15 đưa đến cuộc Đồng khởi vĩ đại, đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng miền Nam. Trong không khí sục sôi cách mạng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập đáp ứng yêu cầu lịch sử và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Dự báo đúng xu hướng phát triển của chiến tranh, chủ động, phân tích đánh giá đúng so sánh lực lượng địch, ta khi đế quốc Mỹ đưa hàng chục vạn quân vào miền Nam, Đảng kiên định quyết tâm đánh Mỹ, quán triệt và kiên định tư tưởng chiến lược tiến công. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đảng đã chỉ đạo đánh vào đầu não điều hành chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán với Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt ném bom không điều kiện, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược về quân sự, chính trị, ngoại giao.

Trước thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ đề ra và thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp tục chiến tranh xâm lược. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” gắn liền với âm mưu chống lại cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc khác trên thế giới, duy trì vai trò sen đầm quốc tế của đế quốc Mỹ. Cùng với sức mạnh quân sự, chính quyền Nixon sử dụng thủ đoạn chính trị, ngoại giao xảo quyệt, đánh vào hậu phương quốc tế của Việt Nam, mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia, thủ tiêu nền độc lập, trung lập, hòa bình của Vương quốc Campuchia; tiến công vào các vùng giải phóng Lào; chia rẽ Liên Xô và Trung Quốc, gây sức ép và hạn chế sự giúp đỡ của hai quốc gia này đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Về phía cách mạng miền Nam, đi đôi với phát động cao trào quần chúng nổi dậy, giành và mở rộng quyền làm chủ, Trung ương Cục miền Nam đã tiến hành cuộc vận động chính trị sâu rộng trong quần chúng để thành lập chính quyền cách mạng các cấp. Từ quá trình đấu tranh lâu dài, nhất là từ phong trào Đồng khởi 1959-1960, cùng với vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đến giữa năm 1969, đại bộ phận số xã, tỉnh và nhiều thành phố, thị xã đều đã có chính quyền cách mạng(6), nhiều nơi các Ủy ban nhân dân cách mạng bước đầu thực hiện nhiệm vụ củng cố và phát huy vai trò của chính quyền, làm tốt công tác lãnh đạo mọi mặt sản xuất và chiến đấu.

Trước những chuyển biến lớn của tình hình trong nước và quốc tế, yêu cầu thành lập một chính quyền cách mạng ở Trung ương với hình thức là một chính phủ được đặt ra bức thiết, nhằm hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng đã được xây dựng trên phần lớn đất đai ở miền Nam, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến là đẩy mạnh thế tiến công toàn diện trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao. Đặc biệt, cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Pari đòi hỏi có một chính phủ đại diện cho nhân dân miền Nam nhằm nâng cao hơn nữa vị trí, địa vị pháp lý của chính quyền cách mạng tại Hội nghị và trên trường quốc tế(7).

Nhằm làm thất bại chiến lược chiến tranh mới của đế quốc Mỹ, đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chỉ rõ nhiệm vụ của quân và dân Việt Nam: “đánh cho Mỹ phải rút quân, đánh cho ngụy phải suy sụp và ta giành được thắng lợi quyết định, tạo điều kiện cơ bản để thực hiện một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà”(8).

Bộ Chính trị chủ trương mở rộng và củng cố vị trí chính trị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Ngày 24/1/1969, Bộ Chính trị gửi Điện số 32 kèm theo Bản dự thảo lời kêu gọi của Ban vận động hiệp thương tới đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, chủ trương mở hội nghị Hiệp thương(9) giữa Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam(10) nhằm “thống nhất nhận định, chủ trương và phương hướng đấu tranh cho việc lập một nội các hòa bình ở Sài Gòn”(11).

Thực hiện chủ trương của Đảng, từ yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân miền Nam, Trung ương Cục miền Nam xúc tiến việc thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời. Từ ngày 6 đến ngày 8/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam được tổ chức. Đại hội thông qua bản Nghị quyết cơ bản thành lập chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam(12). Chính phủ có nhiệm vụ đoàn kết nhân dân miền Nam chiến đấu đánh thắng đế quốc Mỹ, lật đổ chính quyền tay sai, đưa miền Nam Việt Nam phát triển theo con đường độc lập, hòa bình, dân chủ trung lập, phồn vinh, tiến tới thống nhất đất nước.

Việc thành lập Chính phủ là một cuộc vận động trung lập, mở rộng hàng ngũ của mặt trận cách mạng, đòn tiến công chính trị mạnh mẽ phối hợp với mũi tiến công quân sự và giải pháp 10 điểm về ngoại giao của Mặt trận dân tộc giải phóng, nâng cao uy tín cách mạng miền Nam trên thế giới. Đây là một chính quyền nhà nước hợp pháp của nhân dân miền Nam, một thắng lợi trong quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về đấu tranh ngoại giao với địch và tiến tới thực hiện các quyền dân sinh dân chủ cho nhân dân miền Nam.

Chính phủ cách mạng lâm thời có vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế, đánh dấu một sự phát triển mới, đó là sự xuất hiện của hai hệ thống chính quyền ở miền Nam, đấu tranh toàn diện giữa ta và địch về các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa. Trung ương Cục miền Nam khẳng định “Đặc điểm lớn nhất của việc xây dựng chính quyền cách mạng ở miền Nam hiện nay là do những điều kiện đặc biệt về đối nội và đối ngoại, ta phải xây dựng một hệ thống chính quyền cách mạng hoàn chỉnh từ trung ương xuống địa phương trong phạm vi một nửa nước. Việc Đại hội Quốc dân miền Nam Việt Nam đặt ra chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam và thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có nghĩa là xác nhận Cộng hòa miền Nam Việt Nam không phải là một nước mà là một chính thể…”(13).

2. Vai trò của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Chính phủ Cách mạng lâm thời được thành lập giáng đòn mạnh vào âm mưu của đế quốc Mỹ duy trì chính quyền tay sai, vạch trần cái gọi là “hợp hiến, hợp pháp” của chính quyền địch ở miền Nam, khoét sâu mâu thuẫn trong hàng ngũ địch. Chính phủ Cách mạng lâm thời được thành lập tạo điều kiện cho ta tranh thủ hơn nữa tầng lớp trung gian ở miền Nam, thúc đẩy phong trào đô thị.

Trong phiên họp đầu tiên sau khi thành lập, Chính phủ cách mạng lâm thời đã công bố chương trình hành động 12 điểm nhằm động viên toàn quân, toàn dân miền Nam Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, hòa hợp dân tộc, đảm bảo quyền tự do dân chủ cho nhân dân, khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa. Bốn ban đại diện của Chính phủ ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ được thành lập đáp ứng yêu cầu quản lý vùng giải phóng liên hoàn. Ủy ban nhân dân cách mạng được thành lập và củng cố ở 44 tỉnh, 6 thành phố, 182 huyện và hơn 1.500 xã(14).

Chính phủ có hệ thống chính quyền chặt chẽ từ trên xuống bao gồm thành phố, tỉnh, huyện, xã, khu phố hợp thành cơ cấu thống nhất hoàn chỉnh. Mặt trận dân tộc giải phóng, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình miền Nam và các đoàn thể cách mạng khác hoạt động mạnh mẽ, hậu thuẫn cho Chính phủ cách mạng lâm thời. Chính phủ cách mạng lâm thời trên thực tế là người đại diện chính thức của nhân dân miền Nam; thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, xu hướng chính trị, miễn là tán thành hòa bình, độc lập, trung lập. “Sức mạnh không gì ngăn cản nổi của nhân dân ta là đại đoàn kết toàn dân trong tinh thần hòa hợp dân tộc… Những ai là người Việt Nam trước đây chưa có cơ hội tham gia cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, từ nay sẽ được góp phần cống hiến vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân. Mặt trận dân tộc giải phóng và Chánh phủ cách mạng lâm thời nhiệt liệt hoan nghênh các bạn và sẵn sàng hợp tác với tất cả mọi người bất kể quá khứ như thế nào, miễn là từ nay đến với hòa bình, độc lập, dân chủ và hòa hợp dân tộc”(15).

Chính phủ cách mạng lâm thời nêu mục tiêu tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập là những mục tiêu phù hợp để thu hút các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo, ngoại kiều, tư sản dân tộc và quan chức lớp dưới trong bộ máy chính quyền địch… vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ bằng phương pháp hòa bình. Chính phủ cách mạng lâm thời không chỉ tập hợp lực lượng chống Mỹ và tay sai vào các tổ chức chính trị – xã hội mà còn có các hình thức “ngoài Mặt trận”, “ngoài Chính phủ” như Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, các hội (nhóm) độc lập của những người có cảm tình với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thậm chí cả những phần tử thân Pháp, phần tử không chống Mỹ triệt để nhưng có khuynh hướng chủ hòa. Chính phủ thực hiện các chính sách ruộng đất, phát triển sản xuất, công thương nghiệp, đẩy mạnh công tác giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội.

Chính phủ cách mạng lâm thời nhanh chóng tạo được vị thế pháp lý, hoạt động với tư cách là thực thể chính trị độc lập. Lãnh đạo Chính phủ đã đi thăm hữu nghị nhiều nước, với tinh thần “hòa bình, hòa hợp, trung lập”, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước trên thế giới. Đấu tranh ngoại giao, đàm phán và vận động quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời và Mặt trận Dân tộc giải phóng có thêm thuận lợi mới, tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của cả nước. Miền Nam Việt Nam có điều kiện phát huy sự phối hợp giữa ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. “Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, tuyên bố giữ vững và phát triển quan hệ hữu nghị với các nước đã đặt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa miền Nam Việt Nam và sẵn sàng lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước khác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và hai bên cùng có lợi”(16).

Chính phủ Cách mạng lâm thời nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước và bạn bè trên thế giới. Trong tháng 6/1969, 23 nước đã công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời, trong đó 21 nước kiến lập quan hệ ngoại giao. Bên cạnh đó, Mặt trận Giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp tục vận động sự ủng hộ của các nước XHCN, của Lào, Campuchia, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế.

Chính phủ cách mạng lâm thời là một đối trọng với chính quyền Sài Gòn tại Hội nghị Pari, làm thất bại âm mưu xưng danh “đại diện hợp pháp duy nhất” cho miền Nam mà chính quyền địch tuyên truyền. Tại Hội nghị, Chính phủ cách mạng lâm thời chủ động, linh hoạt, sắc sảo trong đấu tranh đàm phán, khai thác triệt để các vấn đề mà nhân dân Mỹ, nhân dân thế giới và miền Nam quan tâm. Trong giải quyết các mục tiêu đàm phán, Chính phủ cách mạng lâm thời đều thể hiện thiện chí hòa bình, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và tìm ra một giải pháp hòa bình thích hợp, buộc đối phương phải chấp nhận một giải pháp chính trị có lợi cho nhân dân miền Nam, cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

Với những nỗ lực to lớn, tích cực, chủ động, hoạt động ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời đã góp phần thúc đẩy và hình thành một Mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam. Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam bị dư luận rộng rãi trên thế giới lên án mạnh mẽ.

Đến đầu năm 1972, có thêm 11 nước đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ cách mạng lâm thời. Sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa Chính phủ cách mạng lâm thời với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới càng góp phần thúc đẩy xu hướng chống Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, tiếp tục tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến quá trình đàm phán tại Hội nghị Pari. Hoạt động ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời ở các nước tư bản đồng minh Mỹ có tác dụng phân hóa và cô lập Mỹ mạnh mẽ. Tháng 8/1972, Hội nghị ngoại trưởng các nước không liên kết họp tại Guyanna đã công nhận địa vị hợp pháp của Chính phủ cách mạng lâm thời trong khối 59 nước Không liên kết(17). Đây là một thành công tiêu biểu của Chính phủ cách mạng lâm thời, góp phần mở rộng hậu phương quốc tế cho cuộc kháng chiến chính nghĩa. Từ tháng 6/1969 đến cuối năm 1975, có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ cách mạng lâm thời. Ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời phối hợp chặt chẽ với ngoại giao của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa có chung mục tiêu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chính thức ký kết tại Pari giữa bốn bên tham gia hội nghị. Hiệp định Pari được ký kết mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, phản ánh những thắng lợi to lớn, toàn diện của cuộc kháng chiến. Hoa Kỳ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam. Thắng lợi lớn nhất của nhân dân ta là đã buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, thừa nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, tạo nên một thế trận mới, một so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Việt Nam, để hai năm sau đó, ta giành thắng lợi cuối cùng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

——————————-

Chú thích:

(1), (12) Xem Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 2 (1955-1976), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.428, 428.
(2) Ngày 23/10/1955, Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc “trưng cầu dân ý” ở miền Nam Việt Nam, thành lập “chính thể Việt Nam Cộng hòa”, Ngô Đình Diệm làm Tổng thống; ngày 26/10/1956 ban hành Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa.
(3) Liên Xô với tư tưởng “ba hòa”, “chung sống hòa bình”, muốn Việt Nam giữ nguyên hiện trạng chia cắt; Trung Quốc thuyết phục Việt Nam “trường kỳ mai phục”, nêu quan điểm: “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm…”. Xem Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979, tr.39.
(4) Hội nghị họp 2 đợt tại Hà Nội, đợt 1 từ ngày 12 đến 22/1/1959, đợt 2 từ ngày 10 đến 15/7/1959.
(5) Xem ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.62-63.
(6) Đến 25/6/1969, trong số 44 tỉnh miền Nam Việt Nam, đã có 34 tỉnh và bốn thành phố đã bầu xong Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh và bốn thành phố từ cơ sở lên. Theo Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng, t. 5, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.242.
(7) Hội nghị bốn bên về vấn đề Việt Nam chính thức khai mạc tại Pari (Cộng hòa Pháp) ngày 25/1/1969, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia với tư cách là một trong bốn bên tại Hội nghị.
(8), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.30, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.132, 422.
(9) Hội nghị Hiệp thương được tổ chức ngày 25/5/1969, quyết định triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam.
(10) Một tổ chức chính trị đại diện cho tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở các thành thị, thành lập ngày 20/8/1968.
(11) GS,TS Trịnh Nhu (chủ biên): Lịch sử Biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.917.
(14)Tài liệu của Uỷ ban Thống nhất thuộc Hội đồng Chính phủ, lưu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, VTCCB, C16.T2.
(15), (16) Thắng lợi lịch sử vĩ đại của nhân dân miền Nam anh hùng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1973. tr11-16, 11-16.
(17) Sơ thảo lịch sử nhà nước và pháp luật, Viện Luật học KHXH, Hà Nội,1983, tr.207, 267.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , ,