Vai trò của người Đức trong lịch sử đế chế Nga

Người Đức từng một thời cải cách quân đội đế chế Nga, sáng lập ra khoa học Nga, thậm chí cai quản cả nước Nga. Một số hoàng đế Nga có gốc gác Đức.

Vai trò của người Đức trong lịch sử đế chế Nga

Khu dân Đức ở Moskva vào đầu thế kỷ 18. Nguồn: A. Brickner/A. S. Suvorin.

Một tin đồn vẫn tồn tại ở Moskva là nhiều tòa chung cư của thập niên 1950 “do các tù binh Đức xây dựng”. Và dù vào thập niên 1950, hầu hết người Đức bị bắt trong Thế chiến 2 đã được hồi hương về Tổ quốc của họ và không còn xây nhà nào ở Liên Xô nữa, lời đồn trên vẫn còn, chủ yếu là vì tiếng thơm còn lưu lại của “chất lượng Đức”. Còn có một nguyên nhân nữa cho niềm tin này, đó là người Nga và người Đức có thể coi là các dân tộc song sinh từ thế kỷ 15 và 16.

Quá trình “giao lưu chiến tranh” trong lịch sử

Tất cả bắt đầu bằng chuyện chinh phục lãnh thổ. Vào năm 1147, khi các xứ của người Nga mới đang bắt đầu hình thành, còn Moskva chỉ là một thành trì nhỏ dù mạnh, các hoàng tử vùng Saxon đã tiến hành cuộc Thập tự chinh Wends, mục đích là biến các bộ lạc Baltic ngoại đạo thành người theo Kitô giáo, đồng thời chinh phục họ. Đội quân của một hoàng tử Nga nào đó cũng đã tham gia vào chiến dịch này.

Vào thế kỷ 13, Công tước Ba Lan Konrad I Mazowiecki yêu cầu cộng đồng Hiệp sĩ Teuton hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại những người Phổ ngoại đạo hiện đang nắm giữ đất đai Ba Lan. Lúc đó chính người vợ Nga của ông này đã gợi ý mời các hiệp sĩ Teuton.

Vài thế kỷ sau đó đến lượt chính người Nga phải chiến đấu chống lại các hiệp sĩ Livonia – một nhánh của nhóm hiệp sĩ Teuton.

Những người Đức ở các nước Baltic chủ yếu thuộc tầng lớp quý tộc cầm quyền và không mạo hiểm tiến vào đất Nga.

Nhưng từ thế kỷ 15, khi Moskva bắt đầu tự giải phóng mình khỏi quyền lực chính trị của Hãn Quốc Kim Trướng và thống nhất các xứ của người Nga, thì các hoàng tử của Moskva cần đến các chiến binh, kỹ sư, và nhà khoa học giàu kinh nghiệm – những yếu tố khiến xứ Đức nổi tiếng.

Tìm kiếm tiền bạc, chức vụ

Thế kỷ 17, người Nga sử dụng từ “nemtsy” để gọi không chỉ người Đức mà còn cả người Pháp, Anh, Thụy Điển, Hà Lan, và nhiều người nước khác nữa. Người Nga dành riêng một từ đặc biệt dành cho người Italy – họ gọi người Italy là “fryazi” hay “fryaziny”.

Từ “nemtsy” bắt nguồn từ chữ “nemoy” có nghĩa là “câm” – bởi vì người nước ngoài không biết nói tiếng Nga.

Các hoàng tử Nga cần thợ chế súng, kỹ sư quân sự, công binh, và lính pháo binh, cũng như chuyên gia về mỏ. Hai thợ mỏ được mời tới Nga vào năm 1491 đã phát hiện ra quặng bạc ở vùng Pechora.

Moskva cũng thiếu bác sĩ và dược sĩ. Các bác sĩ Niсolaus Bülow và Theophil Marquart đến từ Lübeck đã sống tại cung của các hoàng tử Moskva vào thế kỷ 15-16.

Vào năm 1551, Ivan Bạo chúa cử người của mình là Hans Schlitte sang Đức tuyển 123 người muốn làm việc ở Nga. Đó là các bác sĩ, dược sĩ, nhà thần học, và chuyên gia pháp lý, kiến trúc sư và thợ xây, thợ kim hoàn, chuyên gia đúc chuông, thậm chí cả hai nhạc công chuyên nghiệp. Sau này, trong cuộc chiến tranh Livonia, dân số Đức ở các thị trấn bị Moskva chinh phục cũng đã định cư trên các vùng đất của người Nga. Một số lính đánh thuê người Đức thậm chí còn trở nên nổi danh.

Sau khi Ivan Bạo chúa chết, ngày càng có nhiều thương lái người Đức sang Nga dưới thời Boris Godunov. Thế là một khu vực người Đức mới đã mọc lên ở khu vực dòng sông Yauza đi qua ở Moskva.

Vào giữa thế kỷ 17, có rất nhiều người Đức ở Nga đến nỗi mà Sa hoàng Aleksey Mikhailovich đã giới hạn quyền của những người này trong việc mua nhà và đất đai của dân Nga. Ông sợ rằng những người Đức chăm chỉ và táo bạo, năng động sẽ khiến cho người Nga không còn chỗ nương thân.

Người Đức sống trong cộng đồng đoàn kết chặt chẽ ở khu người Đức. Họ theo giáo hội Luther, có nhà thờ riêng và tổ chức nghi lễ tôn giáo riêng. Nhà cửa ở khu Đức được xây theo lối châu Âu, với mái nhọn dốc và vườn phía trước nhà được trang trí bằng các luống hoa, cây gỗ và ao. Dân địa phương ở đây mặc quần áo châu Âu và có lối sống Tây Âu. Dù nơi đây có cả người Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Pháp và Thụy Điển nhưng ngôn ngữ giao tế chính vẫn là tiếng Đức.

Các cư dân nổi bật trong cộng đồng Đức là bác sĩ Lavrenty Blumentrost, nhà chế tác nữ trang Yuri Forbos, dược sĩ Johann Guttemensch, mục sư Johann Gottfried Gregory, và viên tướng Franz Lefort. Riêng Franz Lefort đóng vai trò rất lớn trong lịch sử Nga, ông còn là chỗ bạn bè với Sa hoàng trẻ tuổi Pyotr, người về sau được biết đến với danh xưng Pyotr Đại đế.

Các Sa hoàng hâm mộ Đức

Franz Lefort, cùng với tướng Scotland, Patrick Gordon, trở thành người bạn đầu tiên và thân nhất của Sa hoàng Pyotr, người thường lui tới khu người Đức. Pyotr kế thừa từ cha mình tình yêu và lòng đam mê lớn đối với mọi thứ liên quan đến châu Âu. Nhờ có Pyotr, người đã tới châu Âu vào các năm 1697-1698 để tuyển các kỹ sư và nhân viên quân sự nước ngoài, mà một loạt công chức và lính đánh thuê của nước ngoài ồ ạt đổ vào nước Nga.

Một số nhân vật nổi bật bao gồm nhà tài phiệt Heinrich Claus von Fick, các nam tước Georg Gustav von Rosen và Carl Ewald von Rönne (đều là tướng), nhà thơ và dịch giả Johann Werner Paus, sĩ quan quân đội Ostermann, Thống chế và chính trị gia Burkhard Christoph von Münnich, kỹ sư và Thống chế Georg Wilhelm de Gennin…

Những người nói trên là những người bạn và đồng minh của Pyotr Đại đế và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành Đế chế Nga, và làm nhiều điều mang lại vinh quang cho đế chế này. Những con người này đều xuất thân gia đình nghèo khó và đã chứng minh cho một nguyên tắc mà Pyotr cổ xúy: Yếu tố làm lên tên tuổi của một người phục vụ cho nước Nga không phải gốc gác quý tộc hay quốc tịch mà là tài năng và công trạng.

Hệ thống nhà nước do Pyotr xây dựng, đặc biệt là Bảng cấp bậc – một danh sách các vị trí, cấp bậc trong chính quyền, quân đội, hải quân, tòa án… của đế chế Nga, đã được sao chép từ mô hình của Đức. Vì vậy người Đức cảm thấy thân thuộc với hệ thống của Nga.

Nữ hoàng Catherine Đại đế đi theo con đường của Pyotr. Bà là người tộc Đức. Bà lên nắm quyền ở nước Nga với tư cách là hoàng phi của Hoàng đế Pyotr Đệ tam (cũng là một người Đức) và sau đó nắm trọn quyền lực nhờ vào một cuộc đảo chính.

Vào năm 1762-1763, ngay sau khi lên ngôi, Nữ hoàng Catherine ban hành 2 tuyên ngôn mời các nhà khai hoang nước ngoài tới định cư ở Nga. Chính quyền hứa hẹn cung cấp trợ cấp tái định cư cho những người chuyển đến sống lâu dài ở Nga. Họ được trao quyền tự do cá nhân, tự do đi lại và tự do tôn giáo, rồi được miễn thuế, và nhất là được miễn nghĩa vụ quân sự. Các công quốc Đức khi đó thường xuyên phát động chiến tranh và để trốn chiến tranh, người Đức thuộc diện phải làm nghĩa vụ quân sự đã bỏ chạy sang Nga cùng với gia đình của mình.

Catherine mời những người này đến Nga còn vì một lý do khác: Nga thiếu nông dân để làm lụng trên cánh đồng và cung cấp lương thực cho quân đội. Bà hy vọng cải thiện tình hình nhờ vào những người khai khẩn.

“Lô” người khai hoang đầu tiên, có số lượng khoảng 25.000 người, được gửi tới vùng Volga. Điều kiện đi lại rất khó khăn và người Đức không quen với điều này. Cứ khoảng 1 trong 10 người không đi được tới đích. Dẫu vậy, vẫn có hơn 100 ngôi làng Đức mau chóng mọc lên ở vùng Volga.

Làn sóng di cư tiếp theo diễn ra sau tuyên ngôn 1804 của Alexander I. Một lần nữa, Sa hoàng Nga mời người Đức tới định cư ở các vùng đất trống. Ở Nga thế kỷ 18 và 19, người Đức định cư ở vùng Volga, Kazakhstan, Don, Krym, và Ukraina. Đến năm 1913, khoảng 2,5 triệu người tộc Đức sống trong Đế chế Nga, chưa tính tới những người Đức đã được Nga hóa và con cháu của họ.

Mỗi cộng đồng người Đức ở Nga có lịch sử riêng cùng các thăng trầm. Cộng hòa XHCN Xô viết Tự trị Đức ở vùng Volga từng tồn tại trong 18 năm như một phần của Liên Xô. Năm 1919, những người Đức ở Krym thậm chí cố gắng lập quốc gia của riêng mình. Nhưng chủ đề này sẽ được bàn trong dịp khác. Có một điều chắc chắn là lịch sử dân tộc Nga và dân tộc Đức xoắn xuýt với nhau và không thể tưởng tượng được dân tộc này mà thiếu dân tộc kia.

Theo VOV / RUSIAN BEYOND

Tags: , ,