Vài nét về lịch sử hình thành và phát triển của truyện tranh phương Tây

Truyện tranh, nhất là thể loại comic có giới hạn tuổi độc giả rộng nhất, từ trẻ học mẫu giáo đến người già tuổi về hưu. Tạp chí truyện tranh Tintin dưới tiêu đề có in dòng chữ “dành cho từ 7 tuổi đến 77 tuổi”. Nhưng ít người biết lịch sử phát triển của nó.Vài nét về lịch sử hình thành và phát triển của truyện tranh phương Tây

Hình vẽ ở hang động Lacaux, Pháp.

Nếu hiểu truyện tranh là những truyện kể bằng hình vẽ thì những hình vẽ trên các hang động như Lacaux thuộc loại “truyện tranh” cách đây 35.000 năm. Còn cho rằng truyện tranh là truyện được kể lại bằng hình ảnh kết hợp với chữ viết thì những bức bích họa trong lăng mộ Ai Cập cổ đại mới được gọi là truyện tranh cổ nhất. Thời xa xưa người ta rất coi trọng việc thể hiện các đề tài tôn giáo qua hình vẽ nhằm truyền đạt cho người xem một cách dễ dàng. Truyện tranh thật sự theo đúng nghĩa phải được thể hiện trên giấy hoặc da và được đóng thành sách. Nó ra đời vào thời Trung Cổ, đó là các cuốn sách có minh họa kể lại các sự tích trong Kinh thánh.

Trong lịch sử truyện tranh có hai vấn đề tác động đến nó: đó là hình thành lối vẽ hài hước và sự ra đời của máy in do Johann Gutenberg phát minh năm 1436 (đã mở ra một chương mới cho nghề in và xuất bản sách). Lối vẽ biếm họa (cartoon) xuất hiện từ các xung đột trong đời sống và chính trị xã hội, với cách vẽ khái quát nêu bật đặc điểm, các hành động tiêu biểu mang tính hài hước nhằm châm biếm, đả kích một vấn đề nào đó. Người được coi là mở đầu cho tranh châm biếm là Annibale trong gia đình họa sĩ Carraci ở Bologna vào thế kỷ 16, tranh biếm họa của ông có cái nhìn sắc bén với lối thể hiện táo bạo. Sau Anniabale Carraci nhiều họa sĩ cũng vẽ tranh biếm họa bằng cách vẽ đồ họa của mình. Từ các họa sĩ vùng Bologna như Guercino, Domenechio (học trò của Annibale) cho tới các họa sĩ về sau như Bernini, Pier Leone Ghezzi, Gillray, Rowlandson, George Cruikshank… đều vẽ tranh biếm họa. Kể cả các họa sĩ nổi tiếng cận đại và hiện đại như Monet, Dore, Daumier, Tieplo, Puvis … Picasso cũng vẽ biếm họa. Sự xuất hiện của những tờ báo châm biếm như tuần báo Punch (Anh) năm 1841, nhật báo Charivari (Pháp) góp phần hình thành một nhu cầu thẩm mỹ mới làm nền tảng cho sự ra đời của truyện tranh.

Bìa tạp chí trào phúng Punch, xuất hiện lần đầu tiên tại Anh.

Nếu chỉ là sự hài hước thì chưa thể gọi là truyện tranh, nó cần có cốt truyện được thể hiện qua sự tiếp nối của hình vẽ. Năm 1731, William Hogarth một họa sĩ tranh khắc nổi tiếng của Anh xuất bản một loại tranh “trường đoạn” gồm nhiều bức tranh kể lần lượt một câu chuyện, được trình bày như một vở kịch có tựa đề “Sự tiến bộ của kẻ phóng đãng”. Đầu thế kỷ 19, Hokusai la một họa sĩ tranh khắc nổi tiếng của Nhật, ông là người được coi là tổ sư của loại truyện tranh “manga” khi ông cho in những bức tranh khắc độc đáo về phong tục, con người và phong cảnh nước Nhật.

Truyện tranh được in thành sách từ Perter Mark Roget khi ông xuất bản cuốn Persistence of Vision with Regard to Moving Objects vào năm 1824. Vào năm sau, một họa sĩ người Thụy Sĩ là Rodolphe Topffer thực hiện các truyện tranh đầu tiên của mình. Các tác phẩm của ông được xuất bản vào các năm sau đó như Những cuộc đời đi theo đường dích dắc (1832), Ong Vieux-Bois (1837). Tiếp theo Topffer là Wilhelm Buch, một họa sĩ người Đức, ông cho ra đời rất nhiều tranh truyện mang tính hài hước, ngắn gọn, súc tích. Tranh của Buch thường chỉ có một trang, cốt truyện đơn giản nhưng hình vẽ thật sinh động, tính hành động cao và rất ít lời. Người Pháp thì có họa sĩ Georges Colombe với bút danh Christophe đã vẽ những truyện tranh đầu tiên vào năm 1889, bên kia đại dương tại Braxin thì có họa sĩ Angelo Agostini.

Cho đến lúc này, truyện tranh vẫn ghi lời riêng, hình vẽ riêng cho đến năm 1884, một họa sĩ người Anh là Thomas đã đưa ô ghi lời vào trong hình vẽ, một bước đến gần với hình thức comic. Năm 1861 Richard Fenton Outcault xuất bản những truyện tranh ngắn mang tính hài hước chiếm nửa trang báo (comic strip) như Chú bé vàng trên tờ The New York World. Năm 1905 Winsor McCay vẽ truyện Nemo bé nhỏ ở Slumberland đăng trên tờ The New York Herald. Các truyện tranh được tập hợp thành sách thì gọi là comic book.

Năm 1929 ra đời một loạt các nhân vật truyện tranh nổi tiếng như Tarzan (Rex Mason), anh chàng thuỷ thủ Popeye. Buck Rogers (Dick Calkins) cho ra mắt các nhân vật anh hùng siêu hạng. Cũng trong năm này Hergé (Georges Remi) một họa sĩ người Bỉ đã bắt đầu vẽ truyện tranh về chàng phóng viên Tintin với chú chó Milou trên tạp chí truyện tranh Petit Vingtième, mở ra một dòng truyện tranh comic theo kiểu Châu Au mà người Pháp gọi là bande dessinée.

Năm 1931, Cherter Gould sáng tác truyện tranh về Thám tử Tracy đăng trên New York Daily News, đưa truyện tranh Mỹ từ thời kỳ hài hước sang giai đoạn mới với loại chuyện phiêu lưu. Cùng thể loại này 3 năm sau, Alex Raymond sáng tác ra nhân vật Flash Gordon, Agent X-9, Jungle Jim. Milt Caniff có truyện Terry và Hải tặc. Lee Falk với loại chuyện thần thánh hóa như Mandrake năm 1934, Con ma năm 1936.

Lần đầu tiên sách truyện tranh hàng tháng Famous Funnies #1 được bán ra với giá 1 dime (10 xu). Và sau đó vào năm 1937 tạp chí truyện tranh Detective Comics #1 lần đầu tiên xuất hiện trước độc giả. 1938, phát hành tạp chí truyện tranh Action Comics #1, trong số đầu đã in chuyện Superman (Siêu nhân). Thời kỳ của anh hùng siêu nhân trong truyện tranh đã bắt đầu, nối tiếp Superman là Batman của Bob Kane và Bill Finger, nhân vật nổi tiếng này được in lần đầu tiên vào năm 1939 trong tạp chí truyện tranh Detetive Comics #27. Tiếp theo là The spirit của Will Eisner năm 1940 và Wonderwoman đăng trong tạp chí truyện tranh All-Star Comics năm 1941. Cũng trong năm 1941, Joe Simon và Jack Kirby đã đưa Captain America lên tờ Timely Comics, Người plastic của Jack Cole được đăng trên Police Comics #1.

Năm 1952, Harvey Kurtzman và một vài họa sĩ comics khác đã tạo ra tạp chí truyện tranh Mad Comics, truyện tranh Mỹ chuyển sang xu hướng những chuyện rùng rợn. Tại phương Đông, họa sĩ Nhật Osamu Terzuka vẽ truyện Tetsuwan Atomu (Atom mạnh mẽ) nhân vật này ở lần xuất bản sau bằng tiếng Anh có tên là Astro Boy, từ đây manga là tên gọi của thể loại truyện tranh Nhật, từng bước khẳng định mình và đến cuối thế kỷ 20 nó đã thống trị thế giới.

Tại Pháp, năm 1959, Rene Goscinny và Albert Uderzo bắt đầu xuất bản truyện tranh Asterix trên tạp chí truyện tranh Pilote, truyện tranh này sớm được hoan nghênh và đã phổ biến trên toàn thế giới. Sau nhiều nỗ lực của mình, truyện tranh của Pháp với trường phái Bỉ đã có chỗ đứng xứng đáng trong thế giới truyện tranh. Ngoài Các tác giả như Hergé, Rene Gosciny, Albert Uderzo truyện tranh Pháp còn có các tác giả lớn khác như Tillieux và Peyo với nhân vật Xì trum, Franquin (Spirou), Morris (Lucky Luke), Charlier, Giraud (Blue – berry), Greg (Achille Talon)… cùng các tạp chí truyện tranh nổi tiếng như Tin Tin, Spirou, Barbarella, Epoxy…

Vài nét về lịch sử hình thành và phát triển của truyện tranh phương Tây

Truyện tranh Tin Tin.

Sau một thập niên có phần lắng dịu vì các điều luật hạn chế truyện tranh, đến năm 1960 truyện tranh ở Mỹ phát triển trở lại với các hình thức mới. Đó là đề tài mới, các nhân vật anh hùng siêu nhân kết hợp với chuyện phiêu lưu, khoa học viễn tưởng. Bác sĩ Banner của Stan Lee và Jack Kirby trong The Incredible Hulk, Người sắt (Ironman) của Donald Heck, bác sĩ Strange, Silver Surfer … Năm 1961 Stan Lee và Jack Kirby lập ra tạp chí Fantasic, từ số 1 nó đã mở ra “thời kì Marvel”, thời kì của thể loại truyện tranh kì thú (marvel comics). Vào năm sau 1962, trên tạp chí Fantasic #15 xuất hiện một tuyệt tác của truyện tranh, đó là Người nhện. Cũng thể loại trên, năm 1964 The Uncanny X-Men được xuất bản.

Các tạp chí truyện tranh mới xuất hiện như nhóm “Underground” gồm Kurtzman, Jay Linch, Wiliamson, Shelton … lập ra tạp chí Help, tạp chí Hara – Kiri do Cavanna, Reiser, Bernier và Fred thành lập. Với các loại chuyện tranh đề cập tới nhiều đề tài cấm kỵ như bạo lực, ma tuý và tính nhục dục… Năm 1965, Robert Crumb một họa sĩ truyện tranh “underground” xuất bản truyện Fritz the Cat. Sách truyện tranh “underground” Zap Comix #1 được xuất bản. Năm 1975, các họa sĩ truyện tranh Pháp Jean Giraud, Jean Pierre Dionet và Phillip Druillet xuất bản Metal Hurlant, một tuyển tập truyện tranh khoa học giả tưởng Châu Au. Tạp chí L’Echo des Savanes được thành lập với Gotlib, Brétécher, Mandryka thiên về khoái cảm. Năm 1977, một họa sĩ truyện tranh người Canada Dave Sim tự xuất bản cuốn Crebus, cách làm này gợi mở cho nhiều họa sĩ vẽ truyện tranh độc lập đứng ra tự làm sách cho mình.

Teenager Mutant Ninja Turles.

Năm 1984, Kevin Eastman và Perter Laird tự xuất bản cuốn truyện tranh Những chú rùa Ninja đột biến (Teenager Mutant Ninja Turles), cuốn truyện tranh này hấp dẫn bạn đọc bởi sự pha trộn các giá trị văn hóa Đông Tây, trong cuộc chiến giữa cái thiện và ác ở xã hội hiện đại.

Truyện tranh từ thập niên 80 đến nay ngày càng phát triển, nó trở thành một hiện tượng văn hóa của thế kỷ 20. Đối tượng của nó không chỉ dừng ở thiếu nhi mà đã phát triển tới mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi thành phần của xã hội. Nó phù hợp với một xã hội hiện đại, nơi văn hóa nghe nhìn phát triển, đọc nhanh, xem nhanh.

Thap THẠCH LINH / TẠP CHÍ MỸ THUẬT

Tags: ,