Từ trận chiến Phan Rang đến hồi kết của VNCH

Đòn tiến công chiến lược giải phóng Sài Gòn – Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam (tháng 4/1975) là hệ quả của nhiều chiến dịch, trận đánh đặc biệt quan trọng. Đập tan “lá chắn thép Phan Rang”, mở đường cho cánh quân Duyên hải thần tốc tiến về Sài Gòn từ hướng Đông là một trong những trận đánh như vậy.

Bài viết của Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

“Lá chắn thép” Phan Rang bị phá vỡ đã làm rung chuyển cả một hệ thống phòng thủ của Quân đội Sài Gòn nhằm bảo vệ cho đô thành từ xa; cùng với việc “cánh cửa thép Xuân Lộc” bị bao vây, chia cắt, nó đã đe doạ trực tiếp số phận của chính quyền Việt Nam cộng hoà (VNCH); đồng thời làm suy sụp thêm tinh thần của cả sỹ quan và binh lính quân đội Sài Gòn – một đội quân vốn đang trong tình trạng rệu rã, tinh thần sa sút nghiêm trọng, bị truy kích, tháo chạy một cách vô tổ chức.

Hạ tuần tháng 4/1975, sau khi Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng…bị thất thủ, đặc biệt là từ bi kịch của cuộc triệt thoái khỏi Tây Nguyên, một bộ phận lớn binh lực thiện chiến của quân đội VNCH bị tiêu diệt đã dẫn đến sự tan rã dây chuyền của các tiền đồn, cứ điểm quân sự dọc các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Sự mất còn của chế độ VNCH lúc này chỉ còn là vấn đề thời gian. Trước tình hình nguy ngập đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu buộc phải tính đến việc thu gom và tập trung lực lượng co cụm về lập các tuyến phòng ngự từ xa để giữ Sài Gòn và các phần đất còn lại. Để làm được điều này, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) quân đội VNCH xây dựng và trình lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu 2 phương án. Phương án 1 : Đề nghị nên co cụm sớm về phòng thủ ven đô; Phương án 2: Mở rộng vành đai phòng thủ từ xa, lấy Phan Rang làm phòng tuyến ngoài cùng với các hướng Tây Ninh, Xuân Lộc – Long Khánh. Tuy nhiên, trong quá trình bàn thảo, nhiều tướng lĩnh Sài Gòn cho rằng Phương án 1 là biểu hiện của tư tưởng chủ bại; Nguyễn Văn Thiệu với tư cách là Tổng Tư lệnh quân đội, được sự cổ suý của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn – Tư lệnh Quân khu 3, Quân đoàn 3 và một số tướng lĩnh khác đã quyết định thực hiện kế hoạch phòng thủ Sài Gòn và phần đất còn lại theo Phương án 2. Nguyễn Văn Thiệu cho rằng sau khi chiếm được các tỉnh thuộc Quân khu 1 và Quân khu2, đối phương buộc phải để lại mỗi tỉnh ít nhất là một trung đoàn để canh giữ và vì vậy khó mà tập trung đủ lực lượng để đánh lớn vào Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Cùng với đó thì việc vận chuyển tiếp tế cho các đơn vị tác chiến, công tác hậu cần gặp nhiều khó khăn; chính vì vậy mà ít nhất cũng phải hơn 2 tháng nữa, đối phương mới có khả năng mở cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ; lúc đó mùa mưa bắt đầu sẽ là một thử thách mà đối phương không dễ gì vượt qua. Đánh giá về so sánh tương quan lực lượng, cả Nguyễn Văn Thiệu và Bộ tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn đều cho rằng không có chênh lệch lớn vì đối phương tuy có 8 sư đoàn ở chung quanh Sài Gòn nhưng lực lượng và trang bị hao hụt lớn sau nhiều chiến dịch, trận đánh chưa được bổ sung kịp thời; sức chiến đấu và yếu tố tinh thần bị giảm sút do tính chất ác liệt của trận chiến.

Trong khi bộ máy quân sự VNCH đang khẩn trương thực hiện phương án lập tuyến phòng thủ từ xa để ngăn chặn bước tiến quân thần tốc của Quân Giải phóng thì ngày 26/3, Phái đoàn quân sự Mỹ do Đại tướng F.C. Weyand – Tổng tham mưu trưởng lục quân đến Sài Gòn nhằm tìm hiểu tình hình thực tế Nam Việt Nam để làm cơ sở cho Nhà Trắng có những biện pháp cứu chế độ VNCH tránh bị sụp đổ; đồng thời trực tiếp giúp bộ máy quân sự của Thiệu hoạch định kế hoạch phòng giữ Sài Gòn và phần đất còn lại. Trong cuộc gặp cuối cùng trước khi trở về Mỹ với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại tướng Cao VănViên, Weyand đã đặc biệt lưu ý đến tầm quan trọng của việc nhanh chóng thiết lập tuyến phòng thủ từ xa với các mắt xích Xuân Lộc – Phan Rang . Theo hồi ức của nguyên Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ thì trong cuộc gặp với Đại sứ Martin sau khi Nha Trang thất thủ, ông ta cũng đã đề xuất thiết lập một tuyến phòng thủ ở Bắc Cam Ranh với hy vọng “kìm chân đối phương tại đây; chờ có một ban lãnh đạo mới và mạnh. Khi đó, VNCH sẽ ở trong thế mạnh để thương thuyết với đối phương”. Cũng theo Nguyễn Cao Kỳ thì do tập trung ưu tiên cho việc lập “lá chắn thép” Phan Rang mà ông ta và phe cánh đã phải “tạm hủy bỏ việc đảo chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu như đã dự định”. Như thế để thấy rằng tuyến phòng thủ Phan Rang có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với số phận của VNCH.

Để thiết lập tuyến phòng thủ này, BTTM quân đội VNCH cho tái phối trí thế trận phòng ngự ở đây bằng việc đưa Trung đoàn 5 ra lập trận địa phòng ngự ở hướng Tây – Tây Nam che chở cho sân bay Thành Sơn và đại bản doanh của BTL Tiền phương Quân đoàn 3; đưa Trung đoàn 11 ra bảo vệ khu vực Ngã ba Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 11; Lữ đoàn dù 2 trực tiếp bảo vệ Sở chỉ huy tiền phương và sân bay Thành Sơn; Liên đoàn 31 Biệt động quân được đưa ra Du Long, cách Thành Sơn 20 km để lập tuyến bảo vệ từ xa cho sân bay này. Lực lượng đồn trú và hỏa lực tại các vị trí xung yếu trên tuyến phòng thủ này cũng được tăng cường đáng kể. BTTM Quân đội Sài Gòn quyết định đưa hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận – hai phòng tuyến cuối cùng của Vùng 2 về đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân đoàn 3 kể từ ngày 4/4/1975. Lữ đoàn dù 2 cũng được cấp tốc điều ra tăng cường cho phòng tuyến Phan Rang. BTL tiền phương của Quân đoàn 3 do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi trực tiếp chỉ huy được thiết lập ngay trong căn cứ Thành Sơn.

Với những cố gắng nêu trên, BTTM Quân đội Sài Gòn hy vọng tuyến phòng ngự Phan Rang có thể cản phá, hoặc chí ít cũng làm chậm được tốc độ tiến công của Quân Giải phóng (Trên thực tế thì nó cũng đã vãn hồi được tình hình ở Phan Rang trong mấy ngày đầu tháng 4).

Tuy nhiên, giữa lúc “lá chắn thép” Phan Rang đang được gia cố thì ngày 14/4/1975 đã bị quân Giải phóng mà nòng cốt là Sư đoàn 3 Sao Vàng và Trung đoàn 25 Tây Nguyên cùng với lực lượng vũ trang Ninh Thuận nổ súng tiến công. Trận chiến Phan Rang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là ở khu vực nội ô và sân bay Thành Sơn. Chỉ sau 2 ngày đêm, chiều 16/4, tỉnh Ninh Thuận và một phần phía Bắc tỉnh Bình Thuận đã được giải phóng. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang cùng BTL tiền phương Quân đoàn 3 VNCH ở Phan Rang đã bị bắt sống khi đang trên đường chui lủi lẩn trốn. Phan Rang được giải phóng, từ sân bay Thành Sơn, phi công Nguyễn Thành Trung đã chỉ huy một biên đội máy bay vào ném bom dinh Độc Lập, gây một cú sốc ngay trong sào huyệt của VNCH.

“Lá chắn thép” Phan Rang bị phá vỡ mở ra điều kiện thuận lợi cho cánh quân Duyên hải nhanh chóng cơ động hướng về Sài Gòn – sào huyệt cuối cùng của VNCH. Chỉ sau gần hai ngày, trong hành tiến, Quân đoàn 2 đã lần lượt giải phóng các quận lỵ Phan Rí, Tuy Phong, Sông Mao, Hòa Đa…và làm chủ hoàn toàn thành phố Phan Thiết vào ngày 18/4/1975.

Cùng thời điểm này thì ở Xuân Lộc, trận chiến cũng đang đi vào hồi kết. “Cánh cửa thép Xuân lộc” đang bị bao vây cô lập và đứng trước nguy cơ bị chọc thủng.

Như nhiều người đã biết, sau khi Tây Nguyên, một loạt các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và nhiều địa bàn chiến lược quan trọng ở miền Đông và Tây Nam bộ được giải phóng; thế bao vây tiến công sào huyệt cuối cùng của chính quyền VNCH đã hình thành. Tranh thủ nắm bắt thời cơ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh B2 nhanh chóng tập trung pháo lớn, một phần xe tăng và bộ binh, nhân lúc địch hoang mang, tiêu diệt lực lượng bại binh mới chạy về, tiêu diệt một bộ phận Sư đoàn 18, đánh chiếm Xuân Lộc, áp sát Biên Hòa. Khống chế được sân bay Biên Hòa thì không quân (địch) mất tác dụng, địch ở Sài Gòn sẽ hoang mang tột độ. Có thể thấy, cùng với “lá chắn thép” Phan Rang, “cánh cửa thép” Xuân Lộc cũng là một trong những mục tiêu tiến công quan trọng nằm trong sự tính toán của các cơ quan chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu tận dụng thời cơ, đánh địch bất ngờ để nhanh chóng mở đường giải phóng Sài Gòn – Gia Định.

Tầm quan trọng của trận chiến Phan Rang và Xuân Lộc không những được thể hiện rất rõ trong mục tiêu của cả hai bên; mà còn được minh chứng qua tính chất, mức độ quyết liệt, diễn biến chiến sự và tác động của nó.

Do vị trí đặc biệt quan trọng của Xuân Lộc đối với Sài Gòn nên địch tập trung ở đây một lực lượng rất mạnh, bao gồm 3 chiến đoàn của Sư đoàn bộ binh 18, Trung đoàn 5 thiết giáp, 8 tiểu đoàn bảo an, 20 đại đội địa phương và hàng ngàn cảnh sát, phòng vệ dân sự. Về mặt lợi thế, không giống như phòng tuyến Phan Rang, phòng tuyến Xuân Lộc được chi viện rất nhanh và nhiều; quân địch ở đây bị dồn vào thế “chân tường” nên chống cự rất quyết liệt. Ngày 10/4, chỉ một ngày sau khi bị tiến công, địch đã ném vào đây thêm 2 lữ đoàn Thuỷ quân lục chiến, 1 liên đoàn Biệt động quân, một trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn tăng. Mỗi ngày chúng huy động 80 lần/chiếc máy bay dội bom ngăn chặn các mũi tiến công của ta; liều lĩnh và tàn bạo hơn thế, địch còn sử dụng cả bom CBU và Daisy Cutter – những loại vũ khí cấm (chỉ đứng sau vũ khí nguyên tử).

Trận chiến Xuân Lộc diễn ra vô cùng quyết liệt. Sau 3 ngày tiến công trực diện vào thị xã Xuân lộc không thành công, lại bị thương vong nhiều ( Sư Đoàn 7: 300, Sư đoàn 341 là 1.200; 3 xe tăng bị cháy, 3 xe bị hỏng; phần lớn pháo 57 ly và 85 ly đều bị hỏng hóc …), BTL chiến dịch đã quyết định thay đổi cách đánh; theo đó rút lực lượng ra bao vây thị xã Xuân Lộc; tiến công vào Trảng Bom, đón đánh quân địch tăng viện cho Xuân Lộc, hoặc rút lui từ Xuân Lộc về Trảng Bom, Biên Hòa; tranh thủ thời cơ thọc vào chiếm thành phố Biên Hòa, đánh chiếm và chốt giữ cầu Đồng Nai… Với cách đánh này, ta đã tiêu diệt Lữ đoàn 22 và Chi đoàn 3 Thiết giáp tại Gia Kiện, đánh bại các đợt phản kích của quân VNCH, giữ vững khu vực Ngã 3 Dầu Giây, chia cắt cô lập Long Khánh với Biên Hòa. Lúc này, Cánh quân Duyên hải sau khi đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, vượt qua Phan Thiết rầm rộ tiến vào tập kết ở khu vực rừng Lá – ngã ba Ông Đồn. Sự xuất hiện “đột ngột” của cánh quân này ở ngay sát của ngõ Xuân lộc đã tạo nên một sức ép đáng kể lên tinh thần chiến đấu của binh lính Sài Gòn đang “tử thủ” ở đây. Đêm 20/4, quân địch buộc phải rút chạy khỏi Xuân Lộc theo đường liên tỉnh 2 Ngã ba Tân Phong – Bà Rịa.

Trên chiến trường hướng Đông, sau khi các tuyến phòng thủ từ xa bị phá vỡ, nhiều tướng lĩnh Sài Gòn đã cảm nhận được “áp lực của đối phương càng lúc càng gia tăng về hướng Sài Gòn. Các đoàn quân Giải phóng với sự yểm trợ của thiết giáp rầm rập tiến về Sài Gòn mà không còn cần phải ngụy trang…Trong khi đó thì tinh thần chiến đấu của quân lực VNCH lại đang bị xao động mạnh…”.

“Lá chắn thép” Phan Rang và tiếp theo đó là “Cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá vỡ đồng nghĩa với việc đường vào Sài Gòn từ hướng Đông về cơ bản đã được khai thông. Dẫu còn nhiều cửa ải sinh tử mà cánh quân hướng Đông còn phải vượt qua ở phía trước, nhưng không còn trở lực nào có thể ngăn cản được bước chân thần tốc của cánh quân này trên chặng cuối tiến về Sài Gòn. Chiều ngày 26/4, cùng với bốn cánh quân trên các hướng tiến công khác, cánh hướng Đông đã nổ súng mở màn đòn tổng công kích cuối cùng mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm vào sào huyệt của chính quyền VNCH, giải phóng Sài Gòn-Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối.

Trên chính trường Sài Gòn lúc này, điều gì đến đã phải đến. Sáng 21/4/1975, sau khi phòng tuyến Phan Rang và phòng tuyến Xuân Lộc bị phá vỡ, trên các hướng, Quân Giải phóng đang tiến về áp sát Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên Đài Phát thanh tuyên bố từ chức. Trần Văn Hương lên thay. Ông ta nhậm chức đúng lúc từ Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Schelessinge bắn tin dù ai thay Thiệu lúc này thì viện trợ thêm cho Sài Gòn cũng bằng “ném tiền qua cửa sổ”. Chính quyền VNCH không còn cơ may để tự cứu sống mình được nữa. Một phóng viên phương Tây có mặt ở Sài Gòn thời điểm đó đã nhận xét: “Thiệu đã thua. Hoa Kỳ đã thua. Sự sụp đổ của chính quyền VNCH là hoàn toàn chắc chắn”. Ngày 28/4, Dương Văn Minh thay Trần Văn Hương ngồi vào chiếc ghế Tổng thống VNCH. Ngay sau khi nhậm chức, Dương Văn Minh đã yêu cầu người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ ngày 29/4. Chính quyền Sài Gòn hy vọng Dương Văn Minh là quân cờ duy nhất lúc này có thể tồn tại trên bàn cờ chính trị mà ở đó có sự tham gia của Pháp và một đồng minh lớn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thế nhưng, tình hình Sài Gòn kể từ sau khi các tuyến phòng thủ Phan Rang và Xuân Lộc bị phá vỡ đã trở nên hết sức tồi tệ. Vòng vây Sài Gòn đã dần bị quân Gải phóng siết chặt. Với Mỹ, “cuộc chiến tranh Việt Nam xem như đã kết thúc”. Phái đoàn Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Sài Gòn sang Mỹ cầu viện trở về mà không đạt được kết quả như mong đợi. Tình hình trên các chiến trường đều xấu đi một cách nhanh chóng. Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn bi quan thừa nhận: “Quốc gia đang trong tình trạng nguy ngập thực sự. Sự sống còn chỉ có thể tính từng ngày, từng tuần, chứ không thể tính từng tháng được nữa”. Người Mỹ bắt đầu ồ ạt triển khai kế hoạch di tản. Nội các chính quyền Sài Gòn lâm vào cảnh rối ren, một số phe phái muốn nhảy ra tranh giành chức Tổng thống và nắm quốc phòng, nguy cơ đảo chính rình rập. Chiều ngày 29/4/1975, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 – người chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ huy Quân đội Sài Gòn tổ chức phòng thủ đã bỏ chạy. Thành phố Biên Hòa gần như bị bỏ ngỏ. Cũng trong buổi chiều hôm đó, tại Phủ Thủ tướng ở số 7 đường Thống nhất, Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền đã quyết định đơn phương tuyên bố bàn giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong ngày 29/4, một số nhân vật thuộc “Lực lượng thứ ba” đã được phái vào Trại Davis để trao đổi với đại diện Quân đội cách mạng về việc ngưng bắn nhưng bất thành. 17 giờ cùng ngày, Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Huyền lên Đài phát thanh đọc lời chấp nhận Bản tuyên bố ngày 26/4 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sài Gòn thực sự chìm trong hỗn loạn của “cơn sốt di tản”. Tờ mờ sáng 30/4/1975, Đại sứ Martin đáp chuyến máy bay cuối cùng mang theo một số cộng sự đắc lực rời khỏi Sài Gòn. 9 giờ 30 phút cùng ngày, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố trên Đài phát thanh chấp nhận đầu hàng không điều kiện.

Rõ ràng là việc đập tan “lá chắn thép” Phan Rang và tiếp theo đó là chọc thủng “cánh cửa thép” Xuân Lộc đã tạo ra một thế trận mới, một khu vực bàn đạp rất có lợi cho cánh quân hướng Đông trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định; nó làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ còn lại của quân đội VNCH ở xung quanh Sài Gòn, làm suy sụp thêm một bước tinh thần chiến đấu của binh sỹ Sài Gòn; góp phần thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Đúng như Đại tướng Cao Văn Viên đã thừa nhận: “Sau khi các tuyến phòng thủ Phan Rang và Xuân Lộc bị phá vỡ, quân đội VNCH đã phải triệt thoái lui dần từ phía Bắc về phía Nam. Quân giải phóng trên đường đuổi theo đã tiến gần về Sài Gòn. Hoàn cảnh quân sự nguy ngập hơn bao giờ hết. Tình hình chiến trường bây giờ phải tính theo từng ngày, từng giờ”.

Việc đập tan “lá chắn thép Phan Rang” và “cánh cửa thép Xuân Lộc” đã góp phần quan trọng đảm bảo cho quân và dân ta thực hiện thành công quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975 – điều mà trước khi các sự kiện này diễn ra, vẫn đang còn là một băn khoăn của các cấp chỉ đạo chiến lược, của BTL Chiến dịch Hồ Chí Minh và cũng là điều mà cả Mỹ và chính quyền VNCH trước đó không ngờ tới. Sự sụp đổ của hai tuyến phòng thủ từ xa này – nỗ lực mang tính chiến lược cuối cùng của quân đội VNCH – báo hiệu sự cáo chung đang đến gần đối với chính quyền Sài Gòn. Chỉ có điều giới quan chức Mỹ, cả dân sự lẫn quân sự, đều không thể ngờ rằng sự sụp đổ của chính quyền VNCH lại có thể đến nhanh như vậy. Tại cuộc Họp báo diễn ra ở Wasington ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, Ngoại trưởng H.Kissinger đã phải chua chát thốt lên rằng: “Tôi cứ tưởng họ (chính quyền Dương Văn Minh) có thể thương lượng về một cuộc đầu hàng, chứ có biết đâu họ lại tuyên bố đầu hàng… Tôi không ngờ sự đầu hàng lại diễn ra nhanh như thế…”.

Thao BÁO NINH THUẬN

Tags: , , , ,