Truyện Heike – tác phẩm văn học bất hủ của xứ Phù Tang thời loạn lạc

Có thể nói Truyện Heike là áng văn đứng đầu các tác phẩm thuộc thể loại chiến ký (ký sự chiến tranh) và là tác phẩm tiêu biểu cho văn học Nhật Bản thời trung cận đại.

Áng văn hào hùng thời phong kiến Nhật Bản Truyện Heike (平家物語 – Heike Monogatari) ra đời trong những năm giữa thế kỉ 13, trong bối cảnh lịch sử cuối thời Heian lừng lẫy, đầu thời kỳ Kamakura lúc bấy giờ. Trong kho tàng văn học Nhật Bản, song song với Genji Monogatari, Truyện Heike cùng với Hogen Monogatari và Heiji Monogatari hợp thành bộ ba tác phẩm kinh điển nói về sự thịnh suy của thế lực quân sự do dòng họ Taira lãnh đạo.

Lật giở từng trang truyện kể, người đọc như được trở thành nhân chứng sống về cuộc chiến tranh Genpei (源平合戦 1180 – 1185) nhằm phân quyền cai trị nước Nhật, diễn ra giữa hai dòng họ Taira (平) tức Heike và dòng họ Minamoto (源) hay còn gọi là Genji, với sự thắng thế của dòng họ Minamoto và sự bại vong của dòng họ Taira vào cuối thời đại Heian.

Trong lịch sử Nhật Bản, Taira là một dòng họ cha truyền con nối từ thời Heian được Thiên hoàng ban họ cho các cựu thành viên hoàng tộc khi họ trở thành dân thường. Gia tộc Taira thường được gọi là Heishi (平氏) hay Heike (平家). Khi cuộc chiến Genpei xảy ra, nhà Taira là một trong bốn gia tộc uy quyền bề thế thống trị nền chính trị Nhật Bản và người đứng đầu dòng họ Taira bấy giờ là Kiyomori.

Cũng như Taira, Minamoto là một dòng họ danh giá được Thiên hoàng ban họ cho những người con và cháu không đủ tư cách thừa kế ngai vàng. Gia tộc Minamoto còn được gọi là Genji (源氏). Khi người đứng đầu gia tộc là Minamoto Yoritomo khởi quân đánh Heike, Minamoto Yoshitsune vốn là người em trai thất lạc của ông bấy lâu cũng hội ngộ và được phong là phó tướng cầm quân đánh giặc.

Truyện Heike dựa trên sự thật lịch sử và thêm vào các tình tiết hư cấu nhằm tăng phần kịch tính. Bên cạnh cha con quyền thần Taira no Tadamori và Taira no Kiyomori nhà Taira, phó tướng Minamoto no Yoshitsune nhà Minamoto, truyện cũng nhắc đến các nhân vật khác là hai nàng con hát Gio và Hotoke, các nhà sư Shunkan, Mongaku, các vũ tướng Kiso Yoshinaka, Taira no Tadanori, Taira no Tomomori, đều được mô tả bằng những từ ngữ sinh động không kém.

Qua 12 quyển chính và một quyển phụ, truyện Heike đưa người đọc về khung cảnh cuộc sống vinh hoa của dòng họ Taira trước khi nổ ra chiến tranh. Người đọc thấu cảm nỗi bi ai trước cảnh ngộ của người đẹp Gio khi bị Kiyomori thất sủng, cảnh ngộ nàng ái cơ Kogo của thiên hoàng Takakura phải lẩn trốn ở Sagano vì sợ Kiyomori hãm hại. Rồi cả những cảnh thương tâm mà con cháu nhà Taira phải chịu đựng sau khi binh đoàn của họ bị tiêu diệt…

Dưới thời Heian, thời đại được lịch sử đánh giá là giai đoạn vinh quang của văn hoá vương triều Nhật Bản, văn hoá cung đình phát triển rực rỡ nhất, chín muồi nhất trước khi đi vào con đường tàn lụi. Đây là thời kỳ văn học nữ lưu như một yếu tố kiến tạo nên một giai đoạn văn học tao nhã và ủy mị, mọi trạng thái của tình cảm đều được tái tạo không ngừng.

Bên cạnh đó, Heian cũng được nhắc tới là thời kỳ yêu cái đẹp đến mức tôn sùng, đến mức có thể nói rằng cái không đẹp không thể được chấp nhận. Người thời Heian tôn thờ nó mà không quan tâm hoặc cố ý phớt lờ sự thật rằng hiện thân của cái Đẹp lại phù du, chỉ là khoảnh khắc, là hư vô. Hơn thế nữa, sự quay lại và phát triển mạnh mẽ rực rỡ của Phật giáo với triết lý vô thường của nó cũng góp phần làm cho văn học giai đoạn này thấm đẫm nỗi buồn sự vật (mono no aware).

Trong bối cảnh đó, tác phẩm lấy quan điểm vô thường của Phật giáo và tư tưởng võ sĩ đạo của tầng lớp samurai làm cơ sở, thông qua các trường phái Phật giáo khác nhau miêu tả sống động khung cảnh chiến tranh và tâm tình đẹp đẽ nhưng thảm thiết của con người trước sinh ly tử biệt, thịnh suy vô thường và phù du của vận may, dù có uy nghiêm, danh giá đến đâu cũng sẽ diệt vong trong tương lai. Nền tảng tư tưởng cốt yếu của truyện là vô thường và nghiệp quả.

Ở một khía cạnh khác, Truyện Heike kể về chủ nghĩa anh hùng thượng võ, về lòng dũng cảm, sự tàn ác, quyền lực, vinh quang, sự hy sinh và mất mát. Người ta tôn vinh tinh thần anh hùng, lòng can đảm, quyết tâm bảo vệ điều mình cho là lẽ phải. Sự tàn bạo thực tế và sự tàn bạo của chiến tranh khiến con người khổ đau không ai mong mỏi điều đó. Tính thẩm mỹ về cái chết cũng là đề tài khai thác trong một số loại hình nghệ thuật sau này.

Kể đến Truyện Heike mà không kể đến aware, phạm trù mỹ học đặc trưng của văn học thời Heian thì quả là một thiếu sót lớn. Dưới dạng những xúc cảm nguyên sơ và rất đỗi hồn nhiên, chân thành, aware miêu tả tất cả những xúc cảm sâu sắc, mãnh liệt trào lên từ cõi sâu hồn người. Đi cùng với triết lý nhà Phật và tinh thần yêu cái đẹp mang tính thời đại, aware đi sâu vào từng câu chữ tác phẩm, trở thành nỗi buồn dịu dàng trước sự mong manh, phù du của cái đẹp.

Nếu hỏi Truyện Heike chính xác do ai viết ra thì hẳn sẽ chẳng có câu trả lời thoả đáng. Bởi câu truyện được tập hợp từ các phiên bản truyền miệng khác nhau, ban đầu từ những khúc heikyoku (平曲) do các biwa hoshi tức những nhà sư mù vác đàn tỳ bà đi khắp đo đây đàn và kể, sau được tăng bổ và cải biên, nhân đó mà đậm đà và phong phú hơn.

Phiên bản Truyện Heike được đọc nhiều nhất do một thầy tu mù tên Kakuichi biên soạn vào năm 1371. Ngoài ra, tác giả Hideo Furukawa cũng đã dịch Truyện Heike từ nguyên bản tiếng Nhật trung đại sang tiếng Nhật hiện đại như ngày nay trong ấn phẩm năm 2016 của ông.

Có thể nói Truyện Heike là áng văn đứng đầu các tác phẩm thuộc thể loại chiến ký (ký sự chiến tranh) và là tác phẩm tiêu biểu cho văn học Nhật Bản thời trung cận đại. Truyện Heike đã cung cấp tư liệu cho nhiều tác phẩm nghệ thuật sau này từ kịch Noh hay kịch Kabuki, đến các bản in khắc gỗ, từ tranh vẽ đến thơ haiku và cũng được tham khảo kể cả trong các tác phẩm hiện đại ngày nay.

Theo WAPPURI.COM

Tags: , , ,