Trường đua Phú Thọ – chốn ‘đỏ đen’ một thời của dân Sài Gòn

Được người Pháp xây năm 1932, Phú Thọ từng là trường đua ngựa lớn nhất nhì châu Á mà giới ăn chơi thượng lưu vùng Nam kỳ Lục tỉnh thường xuyên lui tới.Trường đua Phú Thọ – chốn ‘đỏ đen’ một thời của dân Sài Gòn

Năm 1893, nhóm người Pháp lập “Hội đua ngựa Sài Gòn” và xây trường đua nhỏ (Vườn Bà Lớn) ở góc ngã tư đường Verdun với Le grand de la Liraye (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám – Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM). Vào ngày cuối tuần, các sĩ quan và binh lính Pháp thường tổ chức những đợt tập dượt mã quân với sự tham gia của đội kèn để thúc nhịp.

Năm 1906, thương gia người Pháp Jean Duclos đem loại hình đua ngựa từ quê nhà sang kinh doanh. Ông mang 8 con ngựa giống Ả-rập tốt mã, lớn con, chạy đua giỏi đến vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn, tổ chức đua. Giới ăn chơi thượng lưu ở Sài Gòn bắt đầu làm quen với môn chơi quý tộc này rồi say mê theo kiểu cờ bạc. Trò đua ngựa của Duclos đã tạo cơn sốt khi có gần 200 cuộc đua chỉ trong vòng nửa năm, mang về cho thương gia này rất nhiều tiền.

Khi xảy ra chiến tranh Thế giới lần I (1914-1918), trường đua ngựa tạm ngưng hoạt động cho đến năm 1920. Dù nhiều người đã tán gia bại sản do ham hố đua ngựa, song cơn sốt trường đua không vì thế mà suy giảm.

Trường đua Phú Thọ – chốn ‘đỏ đen’ một thời của dân Sài Gòn

Năm 1932, thấy người Việt ở Nam kỳ Lục tỉnh rất “máu me” môn thể thao quý tộc này, Hội đua ngựa Sài Gòn mua khu đất rộng hơn 44 hecta tại khu vực Phú Thọ (thuộc các tuyến đường Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, quận 11 ngày nay) để xây dựng trường đua mới. Đây là khu đất nghĩa địa, sau khi mua xong, hội cho bốc dỡ hài cốt đem cải táng nơi khác. 4 năm sau trường đua mới hoàn thành và trở thành địa điểm lui tới quen thuộc của dân Sài Gòn và Nam kỳ Lục tỉnh.

Trong tác phẩm Ở theo thời viết năm 1935, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã miêu tả rất rõ cảnh nhộn nhịp xem đua ngựa ở Phú Thọ xưa: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa”.

Nói về cảnh cá cược ở trường đua, ông mô tả: “Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm”.

Ngựa đua theo các cự ly 800 m, 1.000 m, 1.200 m, 1.700 m, 2.400 m và dài nhất là 3.000 m. “Đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhất, người cá về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót chạy đi lãnh tiền, còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu lấy chương trình ra ngồi tính coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ”, nhà văn Hồ Biểu Chánh viết.

Lúc bấy giờ Phú Thọ được xếp hạng là một trong những trường đua lớn nhất nhì châu Á. Vào những ngày tổ chức thi tài, người ta nô nức đến xem nghẹt cứng khán đài. Đến năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý trường đua và giao cho ông Bùi Duy Tiên quản lý.

Dân cá cược ở trường đua được gọi là “tuyệt phích” (tức “turfiste”: tiếng Pháp, nghĩa là dân cá ngựa). Họ cá theo hai kiểu: Cá cặp, tức là cá con nhất con nhì; cá chiếc, tức là cá một con nào đó về nhất.

Trước khi cuộc đua bắt đầu, các “nài lang” dắt ngựa vài vòng chào khán giả, cho dân cá cược so chân. Nài ngựa không được nặng quá 40 kg, mặc đồng phục như kỵ sĩ, đội nón kết. Nài ngựa phải có tính can đảm, gan lì và kinh nghiệm trận mạc. Khi lượt đua bắt đầu, nài oai phong với áo màu, quần trắng… cầm roi quất liên tục giục ngựa lao về trước. Chỉ trong vòng hơn một phút, ngựa cán đích. Nài chiến thắng được tung hô. Dân “tuyệt phích”, chủ ngựa săn đón nài như một ngôi sao.

Các tờ thông tin số trận tham gia, thành tích của ngựa được bán nhan nhản cho dân “tuyệt phích” ở lối vào trường đua, nhằm lựa chọn con mà mình ưng ý để cược. Thế nhưng để thắng không là chuyện đơn giản.

Thời ấy, giới cá cược người Hoa ở Chợ Lớn được cho là thắng thế ở trường đua Phú Thọ. Bí quyết của họ là “Phóng tài hóa, thu nhân tâm”, nghĩa là hào phóng ban phát tiền bạc và hàng hóa để chinh phục lòng người. Với họ, chinh phục giới nài và chủ ngựa là một trong những bí quyết để thắng lớn mỗi khi đến trường đua.

Theo thống kê, những năm 60, trường đua Phú Thọ có khoảng 200 ngựa đua chính hiệu với nhiều lượt đua, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của dân “tuyệt phích”. Để duy trì hoạt động hàng tuần, người ta phải thuê thêm ngựa cỏ kéo xe ở các nơi để tổ chức cho đủ 10-12 ngựa mỗi đợt.

Đến năm 1975, trường đua tiếp tục bị gián đoạn vì thời cuộc. 14 năm sau nơi này được phục hồi dưới tên gọi CLB thể thao Phú Thọ, lợi nhuận mang lại cho TP HCM mỗi năm khá lớn.

Đến tháng 6/2011, theo chủ trương của UBND TP HCM, trường đua bị đóng cửa để xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Sau 80 năm ra đời, trường đua một thời được xếp hạng nhất nhì châu Á cùng quá khứ lẫy lừng của nó giờ chỉ còn trong ký ức người Sài Gòn.

Theo VNEXPRESS 

Tags: , , , ,