Trào lưu hiện sinh trong văn học hiện đại Nhật Bản và Việt Nam

Chủ nghĩa hiện sinh ra đời như là một kết quả tất yếu sau các cuộc chiến tranh đẫm máu, hướng mọi suy tư, mọi câu hỏi về thân phận con người.

Trào lưu hiện sinh trong văn học hiện đại Nhật Bản và Việt Nam

>> Đôi nét về chủ nghĩa hiện sinh
.

Trần Thị Thục (Khoa Văn học – Trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội)

1. Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á

Châu Á bao gồm các khu vực: Đông Á, Bắc Á, Trung Á, Tây Á, Nam Á và Đông Nam Á. Trong đó, Đông Á hay Á Đông có thể được định nghĩa theo các thuật ngữ địa lý hay văn hóa. Theo quan điểm chính thống hiện nay, Đông Á bao gồm các nước là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Đài Loan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhưng ngoài ra, người ta cũng coi các dân tộc và cộng đồng sau có nền văn hóa Đông Á: cộng đồng người Hán, cộng đồng người Việt, cộng đồng người Triều Tiên và cộng đồng người Nhật. Sự không đồng thuận trong cách phân chia như thế chủ yếu là do sự khác biệt giữa các định nghĩa về địa lý và văn hóa của thuật ngữ “Đông Á”. Ngày nay, các nhà nghiên cứu văn hóa thường nhìn nhận vấn đề này dưới các góc độ mang tính chất kết hợp: địa – chính trị, địa – văn hóa, tuy rằng sự phân chia chưa thật rạch ròi, mạch lạc.

Nhật Bản là một nước thuộc khu vực Đông Á, điều này hiển nhiên, không cần phải bàn tới. Nhưng Việt Nam có thuộc khu vực Đông Á hay không (hay là thuộc khu vực Đông Nam Á), cho đến nay, vẫn là một vấn đề đang được giới học giả, giới nghiên cứu quan tâm, luận bàn. Về vị trí địa lý, trước nay người ta vẫn xếp Việt Nam là thuộc khu vực Đông Nam Á. Nhưng về mặt địa – văn hóa, càng ngày càng có nhiều người cho rằng Việt Nam thuộc khu vực Đông Á. Cho dù thế nào, trên thực tế,Nhật Bản và Việt Nam cùng nằm trong khu vực văn hóa đồng văn truyền thống (cùng với Trung Quốc, Triều Tiên), nên hai nước có những điểm tương đồng về văn hóa; bên cạnh đó cũng có cả những nét dị biệt. Đồng thời, trong tiến trình hiện đại hóa, với sự giao lưu và tiếp biến văn hóa phương Tây, mỗi nước đã có những bước đi riêng biệt của mình và phát triển đất nước theo những xu hướng khác nhau. Trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, Nhật Bản tuy chịu nhiều tổn thất nhưng đã làm một cuộc phục hưng thật thần kỳ, họ vươn dậy mạnh mẽ và trở thành một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Nhưng Việt Nam chúng ta vẫn còn đang chập chững “tìm đường”, dù đã đạt được những thành tựu đáng kể suốt thời gian qua về kinh tế, văn hóa, chính trị… Nền văn học hiện đại của Việt Nam và Nhật Bản, do đó, cũng phát triển theo những khuynh hướng khác nhau, làm nên diện mạo riêng của văn học mỗi nước. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu về trào lưu hiện sinh chủ nghĩa trong văn học hiện đại Nhật Bản và Việt Nam, ít nhiều dưới góc nhìn so sánh.

2. Trào lưu hiện sinh chủ nghĩa trong văn học hiện đại Nhật Bản và Việt Nam

Chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện đầu tiên ở Đức vào cuối những năm 20-30 của thế kỉ XX với các đại diện tiêu biểu như: M. Heidegger (1889-1976), K. Jaspers (1883-1969); sau đó được J.P. Sartre, A. Camus, G. Marcel, M. Merleau Ponty… đưa vào Pháp. Trong đó, Sartre được tôn xưng là cây đại thụ của chủ nghĩa hiện sinh trong ba thập kỉ 50-70 của thế kỉ XX. Kế thừa tri thức của nhiều thế hệ nhà tư tưởng, chủ nghĩa hiện sinh ra đời như là một kết quả tất yếu sau các cuộc chiến tranh đẫm máu, hướng mọi suy tư, mọi câu hỏi về thân phận con người.

Chủ nghĩa hiện sinh lấy con người làm trung tâm, làm đối tượng và mục tiêu để hướng tới. Triết học hiện sinh coi con người là một nhân vị, nhờ đó mà con người mang một bộ mặt riêng biệt, khác với mọi tính cách mang tính phổ quát. Con người tự do lựa chọn cách sống, thái độ sống của mình, nghĩa là con người có ý thức để trở thành hiện sinh; và do đó mà con người luôn đau khổ, dằn vặt, lo âu trong cuộc kiếm tìm và lựa chọn tự do.Ra đời với tính cách là một trào lưu triết học, chủ nghĩa hiện sinh đã lan rộng ở Đức, Pháp và nhiều nước khác trên thế giới. Kêu gọi con người quay về với cá nhân mình, triết học hiện sinh cho ta thấy, không gì tha thiết với con người bằng chính con người. Bởi thế, tiếng nói của hiện sinh đã được mọi người, nhất là thanh niên, lớp người nhiều lo âu về thân phận mình, chào đón nồng nhiệt. Trào lưu triết học chủ nghĩa hiện sinh đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến văn học và các ngành nghệ thuật khác, thậm chí ở nhiều nơi và nhiều lúc trở thành mốt, có xu hướng tách xa với các quan điểm của chủ nghĩa hiện sinh. Các nhà hiện sinh thế kỉ XX không chỉ trình bày những quan điểm của mình thông qua sách báo lý luận tư biện thuần túy mà họ còn chuyển tải tới đông đảo quần chúng bằng cả hình thức các tác phẩm văn chương (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, nghiên cứu văn học..). Do vậy mà mức độ phổ biến của triết học hiện sinh ngày càng trở nên sâu rộng. Và như thế, triết học hiện sinh đã đi được vào đời sống và văn học một cách tự nhiên nhất có thể. Con đường đi vào văn học của triết học hiện sinh, do đó, có thể coi là con đường trực tiếp mà các triết thuyết khác hầu như không có được. Cũng từ đó xuất hiện một trào lưu văn học hiện sinh ở châu Âu, trước hết là ở Pháp vào những năm trước và sau chiến tranh thế giới thứ II với các đại diện là những nhà văn đồng thời là những triết gia hiện sinh: G. Marcel, J.P. Sartre, A. Camus; và tiếp đó, nhanh chóng lan rộng sang một số nước khác trên thế giới. Bên cạnh văn học Pháp là văn học Tây Ban Nha (M.de Unamuno), văn học Anh (Iris Murdoch, W. Golding), văn học Tây Đức (H.E. Nossaeck, A. Doeblin), văn học Nhật Bản (Abe Kobo) và nhiều nền văn học khác nữa.Triết học hiện sinh thường gắn với văn học, có lẽ bởi vì nó cùng có một đối tượng chung với văn chương, nó là thứ triết học gắn liền với con người, với cuộc sống và cái chết của con người.

Làn sóng phương Tây hóa đã có tác động lớn lao đến sự chuyển biến của nền văn học Nhật Bản thời kì cận – hiện đại. Trong khi tiếp thu ảnh hưởng của các nhà văn phương Tây, văn học Nhật Bản đã hình thành những trào lưu, những trường phái khác nhau. Một số nhà văn Nhật Bản, đặc biệt là thế hệ những người trưởng thành trong và sau chiến tranh, có nhiều cơ hội tiếp xúc với các tác gia phương Tây (Abe Kobo, Oe Kenzaburo…) đã chịu ảnh hưởng bởi các nhà văn hiện sinh tiêu biểu như J.P. Sartre, A. Camus hay F. Kafka… Có thể nói, chủ nghĩa hiện sinh là triết học của sự khủng hoảng, nảy sinh trong thời kì của những chấn động và tai biến xã hội. Kiểu thức sinh tồn cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh là trạng thái con người tha hóa trong cái thế giới thù địch với nó, với các biểu hiện: lo âu, chán chường, hoảng loạn. Oe Kenzaburo là con đẻ của thời đại mà tư tưởng hiện sinh đang lan khắp toàn cầu. Thêm vào đó, đất nước Nhật Bản thời ông sinh ra và trưởng thành đang ở trong thời kỳ hậu chiến khốc liệt, nhiều khủng hoảng và đổ vỡ, rất thích hợp cho sự du nhập và phát triển của tư tưởng hiện sinh. Nhưng người ta thường nhắc đến Abe Kobo với tư cách là tác gia có tư tưởng hiện sinh tiêu biểu của nền văn học Nhật Bản hiện đại.

Thêm vào đó, trong quỹ đạo chung của sự biến đổi toàn cầu và những chuyển biến trong lịch sử thời kì hiện đại, các nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản cũng không nằm ngoài quy luật. Cuộc chiến tranh thế giới có tác động trực tiếp đến đất nước này trên mọi lĩnh vực của đời sống. Những cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị diễn ra, thậm chí trên cả lĩnh vực tinh thần. Chiến tranh làm con người hoang mang trước số phận cuộc đời mình, họ không hiểu cuộc đời sẽ đi về đâu và con người sẽ là gì trong cái vòng xoáy của vũ trụ, nơi những biến thiên lịch sử diễn ra triền miên, dai dẳng.

Đất nước Nhật Bản bước vào thời kì hiện đại và thực hiện quá trình hiện đại hóa một cách nhanh chóng cũng đã tạo nên những biến đổi lớn lao trong đời sống xã hội Nhật Bản. Con người bị đẩy vào guồng quay của xã hội ấy, khiến nhiều khi họ mất đi bản ngã của mình. Chiến tranh chà đạp lên số phận con người, biến cuộc đời con người thành bể khổ. Không ít những nhà văn đã cất lên tiếng nói đau đớn cho thân phận con người, lên án chiến tranh, lên án xã hội là những nguyên nhân trực tiếp đẩy con người vào những cảnh huống trớ trêu ấy. Cũng không ít trong số họ đã trực tiếp chứng kiến những cảnh ngộ thương tâm, bi đát của kiếp người trong khi vật lộn với cuộc chiến tranh để sinh tồn, với cả những biến chuyển liên hồi của xã hội. Dấu hỏi lớn về thân phận con người, về số kiếp người dường như là không có lời giải đáp.

Nếu như ở Pháp, văn học hiện sinh phát triển mạnh mẽ nhất và trở thành một trào lưu được phổ biến rộng khắp vào những năm trước và sau chiến tranh thế giới thứ II, thì ở Nhật Bản, văn học hiện sinh không phát triển đến độ mạnh mẽ như thế. Nó không quy tụ vào một nhóm tác giả, một trường phái hay khuynh hướng văn chương cụ thể nào. Chủ nghĩa hiện sinh trong văn học Nhật Bản không nở rộ như một trào lưu trong văn học phương Tây mà nó tồn tại riêng lẻ như những yếu tố trong tác phẩm hay trong phong cách của một tác giả. Tuy vậy, những yếu tố của chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện trong tác phẩm của một số tác giả lại mang tính chất tiêu biểu và có những biểu hiện đặc sắc. Nhật Bản là một quốc gia phương Đông. Và trong một thời gian dài trước đó, đã chịu ảnh hưởng của văn hóa, văn minh Trung Hoa. Vì vậy, nó vẫn mang trong mình những nét riêng về lịch sử, về văn hóa, khác biệt rõ rệt với Tây phương. Cho nên, quan niệm về con người, về cá nhân trong văn học cũng có những nét khác biệt so với phương Tây. Cần phải thấy rằng ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh trong văn học phương Tây khi vào Nhật Bản đã tạo ra những nét riêng, mang hồn cốt của con người, của dân tộc này – một dân tộc dù đã Âu hóa nhiều song vẫn còn những bản sắc Á Đông rõ rệt. Mặc dù không phát triển thành trào lưu văn học hiện sinh mạnh mẽ và phổ biến như ở Pháp, nhưng văn học hiện sinh Nhật Bản đã tồn tại và đạt được những thành tựu nổi bật ở một số tác giả. Trong đó, nổi bật nhất là nhà văn Abe Kobo.

Văn học hiện sinh bao giờ cũng miêu tả đời sống như như một thảm kịch, một hư vô, như những bờ vực thẳm mà con người bị treo chơi vơi và lơ lửng. Ở đó, họ hoàn toàn bất lực. Thế nhưng, trong tác phẩm của Abe Kobo, ta vẫn thấy có một điểm tựa để con người không sa vào bế tắc tuyệt đối, mà lúc nào họ cũng có ý chí vùng vẫy để thoát ra – bằng hành động của chính mình. Điểm tựa ấy chính là bản thân con người, bản thân cuộc sống mà Abe Kobo đã tìm thấy. Đó chính là sắc thái riêng của chủ nghĩa hiện sinh trong tác phẩm của Abe Kobo. Ôngđược coi là nhà văn có tư tưởng tiên phong, đi trước thời đại của văn đàn Nhật Bản thế kỉ XX. Ông sinh ra và lớn lên trong thời kì nước Nhật có nhiều biến động về chính trị, kinh tế và xã hội. Trải qua cuộc chiến tranh thế giới thứ II với từng bước vươn lên của đất nước và con người ở đó, Abe Kobo thấm đẫm những nỗi niềm về thân phận con người trong xã hội công nghiệp. Vấn đề thân phận con người không chỉ nổi lên trong cuộc chiến tranh thê thảm của sự chết chóc, bần cùng; mà còn đặc biệt lộ rõ trong quá trính nước Nhật trở nên một cường quốc tư bản ngày càng giàu mạnh. Khi đó, mọi giá trị dường như bị đảo lộn, con người mất đi bản ngã của chính mình, bị dồn vào guồng quay của xã hội công nghiệp. Vấn đề cá nhân, con người được các nhà văn thế hệ sau chiến tranh đặc biệt quan tâm. Cùng với sự tiếp nhận những ảnh hưởng của sách báo và văn hóa phương Tây, Abe Kobo đã sáng tạo nên một cách viết thật độc đáo, riêng biệt. Tác phẩm của ông tạo nên sự tò mò và những tìm tòi, suy ngẫm sâu sắc trong lòng độc giả.Nếu như Oe Kenzaburo, qua những biểu hiện của con người tha hóa trong tác phẩm, muốn gửi gắm tới độc giả thông điệp về tâm trạng của thế hệ người Nhật sau chiến tranh với nhiều đổ vỡ và mất mát; thì Abe Kobo, thông qua các biểu tượng và ẩn dụ, muốn đặt vấn đề cái hiện tồn, hiện sinh của con người trong xã hội tư bản công nghiệp. Sự hiện tồn của con người trong tác phẩm của ông trở thành một vấn đề nhức nhối, có khi con người bị rơi vào trạng thái bi đát, không lối thoát. Các tác phẩm cũng chứng tỏ tài năng độc đáo của nhà văn với nhiều thủ pháp nghệ thuật hiện đại.

Abe Kobo không trực tiếp chịu ảnh hưởng của các tác giả hiện sinh phương Tây (đến mức như Oe say mê tác phẩm của Sartre) nhưng những vấn đề mà ông đặt ra trong một số tác phẩm của mình đã cho thấy lối viết hiện sinh chủ nghĩa thấm đẫm trong sáng tác của ông. Với lối viết siêu thực đi trước thời đại, ông đã sáng tạo nên những tác phẩm đặc sắc, đi sâu vào các vấn đề con người và thân phận con người trong đời sống xã hội Nhật Bản thời kì đó với không khí thật ngột ngạt, trong đó con người phải gắng đi tìm tự do và sự lựa chọn cho chính bản thân mình.Ông được coi là nhà văn hiện sinh tiêu biểu của nền văn học hiện đại Nhật Bản. Trong tác phẩm của mình, nhà văn đã thể hiện những vấn đề của chủ nghĩa hiện sinh với một bút pháp nghệ thuật độc đáo, mới mẻ và hấp dẫn, đặc biệt trong hai tác phẩm Người đàn bà trong cồn cát và Khuôn mặt người khác của nhà văn. Ở đó, Niki Jimpei và nhân vật chủ nhiệm phòng thí nghiệm phải trải qua những tâm trạng đầy dằn vặt, suy tư, trăn trở khi đối mặt với sự phi lý của tồn tại, sự trốn chạy khỏi thực tại và quá trình tìm kiếm, lựa chọn tự do cho bản thân mình.Thế giới nhân vật, không gian, thời gian cùng với các bút pháp nghệ thuật khác của nhà văn Abe Kobo đã góp phần tạo nên thành công cho hai cuốn tiểu thuyết của ông. Đặc biệt, trong các tác phẩm đó nổi trội lên vấn đề về sự hiện tồn, hiện sinh của con người. Con người cố gắng hết sức để đấu tranh chống lại cái phi lý của tồn tại, tìm cách thoát ra khỏi hoàn cảnh phi lý ấy và cuối cùng đạt đến sự tự do của mình. Hai tác phẩm biểu hiện được những sắc thái đa dạng của văn học hiện sinh, thể hiện tài năng độc đáo của nhà văn Abe Kobo.

Các vấn đề về nhân vật, không gian, thời gian và lối sử dụng những bút pháp nghệ thuật độc đáo khác đã làm nổi bật vấn đề trung tâm trong tác phẩm của Abe Kobo là vấn đề hiện sinh.Cái khác biệt lớn nhất của chủ nghĩa hiện sinh trong hai tác phẩm của Abe Kobo là con người – chủ thể tính – người đàn ông luôn luôn gắn chặt trong mối quan hệ với người đàn bà. Họ là hiện thân của đời sống, là sợi dây níu giữ người đàn ông với cuộc đời. Abe Kobo không đề cập một cách đơn thuần đến hiện tồn cá nhân hoặc hiện tồn xã hội, mà chúng ta thấy ông bắt đầu nhấn mạnh cái hiện tồn cá nhân trong mối quan hệ với hiện tồn xã hội, và sự xung đột nảy sinh khi chúng tương chiếu với nhau. Trong tác phẩm của mình, Abe Kobo đã đề cập đến vấn đề về sự xung đột giữa cá nhân và xã hội, và nhà văn dần dần giải quyết mối xung đột đó theo cách riêng của mình.Abe Kobo thường được so sánh với Franz Kafka. Điều đó có lẽ đúng. Nhưng phải thấy được rằng, ông là một người Nhật, và ông mang vào tác phẩm của mình một sự đa cảm mang đậm tính Nhật Bản.

Trong nền văn học Nhật bản hiện đại, Oe Kenzaburo cũng thường được nhắc đến qua mối quan hệ giữa nhà văn này và chủ nghĩa hiện sinh. “Chủ nghĩa hiện sinh đã có nhiều ảnh hưởng tới văn học hơn bất kỳ một thứ triết học nào của thế kỉ XX, và nhà văn nổi tiếng nhất có liên quan tới triết học này là Jean Paul Sartre. Sartre cũng là nhà văn mà tác phẩm được Oe tìm đọc nhiều nhất và thấu hiểu nhất. Oe đã thừa nhận rằng tác phẩm của Sartre, cùng với tác phẩm của Norman Mailer và những nhà văn Nhật nổi lên ngay sau chiến tranh là ba nguồn ảnh hưởng lớn tới việc sáng tạo nghệ thuật của ông” [5]. Trong tác phẩm của Oe, con người với quá trình đi tìm bản thể, nhân cách và tự trưởng thành luôn là một vấn đề quan trọng được ông đề cập tới. Oe chịu nhiều ảnh hưởng từ tinh thần hiện sinh, từ quan niệm nghệ thuật đến phong cách viết tiểu thuyết hiện đại, độc đáo của Sartre. Ở đó ta thấy được đặc tính đa nghĩa của thời đại hậu chiến Nhật Bản. Sự xung đột giữa phát triển và hủy hoại, thành tựu vật chất và tha hóa tâm hồn đã khiến nhân vật của ông luôn căng thẳng trong những sự chọn lựa. Đối với ông, nghệ thuật là dấn thân. Đây là một trong những yếu tố tích cực của tư tưởng hiện sinh: “cần phải dấn thân, cần phải đấu tranh chống lại tính phi lý của thế giới này, chống lại mọi hình thức bần cùng và áp bức” [1]. Oe kế thừa một cách tích cực tinh thần dấn thân ấy. Sáng tác của ông ngay từ đầu đã gắn bó với con người, cuộc sống, xã hội.

Trong nền văn học Nhật Bản hiện đại, Oe và Kawabata là hai cực đối lập. Nếu như Kawabata là nhà duy mỹ chủ nghĩa, đứng xa không can dự xã hội thì Oe lại là gương mặt tiêu biểu, đại diện cho nền văn chương nhập cuộc, can dự xã hội một cách mạnh mẽ, phê phán xã hội. Tác phẩm của ông là bức tranh chân thực về đời sống tinh thần của người dân Nhật Bản thời hậu chiến. Oe đi tìm bản thể của hiện sinh với bóng tối và nỗi u buồn. Đi sâu vào bản thể của cái “tôi” cá nhân, Oe phát hiện ra bản thể của con người Nhật Bản thời hậu chiến và bản thể của con người thời đại, của nhân loại với những mảng sắc tối tăm, hỗn độn, u buồn. Oe đã lựa chọn cho thế giới nghệ thuật của mình một chủ đề trung tâm: “sự tha hóa của con người trong xã hội Nhật Bản hiện đại” [2]. Con người lâm vào trạng thái cô đơn, bế tắc và bất lực. Trong thời hiện đại, cô đơn đã hiện hữu như một định mệnh của hiện sinh. Cùng với sợ hãi, cô đơn chính là một trong những kiểu thức sinh tồn cơ bản ở chủ nghĩa hiện sinh. Cô đơn làm nên một trong những gam màu chủ đạo trong bức tranh tâm hồn con người Nhật Bản thời hậu chiến. Vấn đề con người tha hóa, đánh mất ý nghĩa hiện sinh đã được Oe thể hiện rõ trong tác phẩm Một nỗi đau riêng. Ở đó con người không thể hi vọng, trông chờ vào thực tại nhiều biến động mà chỉ có thể chịu đựng hoàn cảnh. Đó là cách mà con người thời đại Oe đương đầu với hiện thực của xã hội thời hậu chiến. Con người tha hóa trong tác phẩm của Oe mang màu sắc hiện sinh: con người bị xa lánh, ghẻ lạnh, con người lo âu, chán chường, bất lực trước số mệnh, con người bị lấy mất nhân dạng và tính người.

Đất nước Nhật Bản thời hậu chiến với quá nhiều sự đổi thay khiến con người ngày càng hoài nghi vào một trật tự do Thượng đế sáng lập. Và con người ngày càng xác tín ở niềm tin Thượng đế đã chết. Cuộc đời không có Thượng đế mà chỉ còn trơ lại sự hiện sinh, chỉ còn lại những con người trơ trọi, cô đơn, lơ ngơ đi tìm bản thể của chính mình. Mỗi nhà văn phản ánh hiện thực xã hội với những cách nhìn nhận khác nhau. Nếu như với Kawabata, vẻ đẹp truyền thống của xứ Phù Tang luôn luôn hiện diện với Thiền, thơ Haiku, truyện Genji, tranh mặc hội, vườn đá, trà đạo… đó là “thế giới của cái đẹp, là chiếc gương soi của cái đẹp”; còn với Oe, Nhật Bản soi mình với sắc thái đa nghĩa, tính chất phân cực mạnh mẽ, khốc liệt vừa bắt nguồn từ truyền thống, lại vừa mang âm hưởng của thời đại hậu chiến; thì phong cách của Abe Kobo rất gần với Oe Kenzaburo, với lối viết mới mẻ, độc đáo, đi trước thời đại. Ông cũng đào sâu vào những vấn đề về sự hiện tồn của con người: nỗi cô đơn, lo âu, chán chường, bất lực trước hoàn cảnh, cố tìm cách để thoát ra… Trong tác phẩm của Abe Kobo, chúng ta không thấy dáng dấp của vẻ đẹp truyền thống, mà ông miêu tả một xã hội với đầy rẫy những sự biến chuyển, đổi thay mà trong đó, mọi giá trị dường như bị đảo lộn. Các mối quan hệ xã hội bị biến đổi, con người bị ghẻ lạnh. Họ rơi vào sự cô đơn, muốn đi tìm lại bản thể của chính mình.

Luồng gió phương Tây đã thổi vào nước Nhật một thứ sinh khí mới, làm cho những yếu tố nội sinh thức dậy quật cường, đưa đất nước phát triển theo xu thế hiện đại. Nhưng mặt khác, Nhật Bản cũng mang trong mình một cốt lõi văn hóa phương Đông rắn chắc, luôn hấp thụ các nhân tố bên ngoài và tái sinh ở những dạng thức khác chứ không sao chép y nguyên. “Sự định hướng mang tính chất hai mặt đó của Nhật Bản đã dẫn nước này tới chỗ là đối với châu Á, nó trở thành yếu tố xâm kích xa lạ. Mặt khác nền văn hóa của Nhật Bản hiện nay, như người ta giả định, đã được khám phá hoàn toàn đối với phương Tây, tuy vậy trong suốt một thời gian dài nó được phương Tây nhìn nhận như một cái gì tù mù, bao giờ cũng khó hiểu hay chí ít, là một cái gì phức tạp đối với sự nhận thức” [3].

Như vậy, nguồn sách dịch văn học phương Tây vào Nhật Bản và ảnh hưởng của trào lưu hiện sinh chủ nghĩa trong văn học thế giới đã nhanh chóng lan rộng và vào nước Nhật, tạo nên những tên tuổi có thể coi là tiêu biểu của dòng văn học này như Abe Kobo, Oe Kenzaburo. Còn trong văn học hiện đại Việt Nam, trào lưu này có ảnh hưởng như thế nào? Có thể thấy rằng, chủ nghĩa hiện sinh có ảnh hưởng rộng rãi ở miền Nam Việt Nam từ những năm 60 của thế kỉ XIX, hình thành nên một đội ngũ khá đông đảo những nhà nghiên cứu về chủ nghĩa hiện sinh. Trong các công trình nghiên cứu về triết học hiện sinh của mình, các tác giả trong nước đã đi sâu phân tích quan niệm của Kierkegaard, Nietzsche, Husserl, Jaspers, Marcel, Sartre và Heidegger. Tiêu biểu là Cuốn Triết học hiện sinh (NXB Thời mới, Sài Gòn, 1967, tái bản 1968) của Trần Thái Đỉnh; hai công trình của Lê Tôn Nghiêm: Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương (NXB Lá Bối , Sài Gòn, 1970); Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger (NXB Trình Bày, Sài Gòn, 1970); những bài viết của Phạm Công Thiện (Hiện tượng học và hiện tượng học Husserl), Ngô Trọng Anh (Vấn đề thực tại trong hiện tượng học Husserl) và Lê Tôn Nghiêm (Môi trường tiên nghiệm trong hiện tượng học Husserl về cuộc đời); công trình Những vấn đề triết học hiện đại (NXB Ra khơi, Sài Gòn, 1971) của Lê Tôn Nghiêm. Lê Thành Trị đã biên soạn chuyên khảo Hiện tượng luận về hiện sinh (Sài Gòn, 1969; tái bản 1974). Đặc biệt, những tác phẩm của Nguyễn Văn Trung có một tiếng vang lớn trong những năm tháng đó. Ông được coi là “nhịp cầu chính dẫn chủ nghĩa hiện sinh đi vào xã hội miền Nam và toả ra đến tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên” [4].

Đó là về mặt lý thuyết, về mặt tiếp nhận và quảng bá, còn thực tế sáng tác văn học thì ra sao? Cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam phải trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, đau thương, thấm đẫm máu và nước mắt. Bối cảnh bi đát của chiến tranh đã đẩy con người vào bước đường cùng, không lối thoát. Con người khát khao tự do, khát khao quyền làm chủ chính bản thân mình. Nhiều nhà văn đã đi qua hai cuộc chiến tranh, chứng kiến tận mắt những đau thương, mất mát, những tàn tích nặng nề của nó đè nặng lên thân phận con người. Họ thấu hiểu và cầm bút sáng tác để cảm thông, chia sẻ với nỗi niềm thống khổ của con người. Sau chiến tranh, hoàn cảnh xã hội thay đổi cho nên chủ nghĩa hiện sinh không còn chỗ đứng trong văn học.

Thế nhưng đến cuối những năm 80, vấn đề con người lại thu hút các nhà văn trẻ, âm hưởng hiện sinh lại thấy được trong các sáng tác của họ. Tuy nhiên người ta thường nhắc đến hiện tượng hai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài là nhà văn theo chủ nghĩa hậu hiện đại chứ không hẳn là theo chủ nghĩa hiện sinh. Âm hưởng hiện sinh cũng thảng hoặc xuất hiện trong các sáng tác của Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái… nhưng đã thực sự không trở thành cái gọi là trào lưu văn học hiện sinh trong văn học hiện đại Việt Nam.

Trong văn học Việt Nam hiện đại, tác giả Nguyễn Huy Thiệp cũng đã đề cập sâu sắc đến những vấn đề về thân phận con người, liên quan đến chủ nghĩa hiện sinh. Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp là thế giới của những con người bất ổn, luôn luôn di động, đi tìm tự do, đi tìm cái đẹp, đi tìm bản thân. Đó là những nhân vật mang tính đa chiều, nhiều tầm vóc, không đơn điệu, không nhất phiến. Cuộc sống hiện đại hối hả khiến cho con người như những ốc đảo cô đơn, không hòa nhập được vào đó. Trong các truyện ngắn của ông như Con gái thủy thần, Tướng về hưu, Đời thế mà vui…, chúng ta tìm thấy những ám ảnh, những day dứt mang tính hiện sinh về sự tồn tại của kiếp người, nỗi bơ vơ của con người tồn tại trong cõi hiện sinh, sự băn khoăn về tương lai của con người và cả sự dấn than trong hành trình tìm kiếm bản thể. Trước giải phóng Miền Nam, dấu ấn hiện sinh cũng xuất hiện trong tác phẩm của Phạm Thị Hoài nhưng không được đậm nét (Thiên sứ, Man nương…).

Thuyết hiện sinh đã du nhập vào Việt Nam và ảnh hưởng khá sâu sắc đến lý luận và sáng tác văn học Việt Nam từ cuối những năm 50 của thế kỉ trước. Trên thực tế, trào lưu hiện sinh chủ nghĩa đã ảnh hưởng đến nước ta với tư cách là một lý thuyết để người ta nghiên cứu, quảng bá và đọc sách dịch về văn học hiện sinh (của Albert, Camus…) là chủ yếu, chứ chưa hướng nhiều tới các sáng tác văn học thực thụ theo khuynh hướng hiện sinh. Do vậy mà câu hỏi ai là tác giả tiêu biểu của văn học hiện sinh Việt Nam cho đến giờ vẫn dường như không có câu trả lời. Ngoài Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài là hai nhà văn có những dấu ấn hiện sinh trong tác phẩm, các tác giả khác hầu như không có. Văn học hiện sinh lại đứt quãng và đến khoảng những năm 80 của thế kỉ XX mới xuất hiện trở lại ở nước ta, do những thay đổi về xã hội và nhận thức của con người trước cuộc đời, trước thời đại mà rất nhiều vấn đề được đặt ra.

Vậy tại sao, tuy cùng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán (thuộc khu vực văn hóa đồng văn) và trong quá trình hiện đại hóa cũng tiếp xúc với văn hóa phương Tây mà văn học hiện sinh ở Nhật phát triển, còn ở Việt Nam lại không phát triển?Vấn đề này thực sự khó lý giải cho cặn kẽ, nhưng theo chúng tôi, đó chủ yếu là do cá nhân người cầm bút. Mỗi người chọn cho mình những khuynh hướng văn chương khác nhau. Đồng thời, hoàn cảnh kinh tế, xã hội của nước Nhật cho phép những ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh vào đất nước mình một cách nhanh hơn và thuận lợi hơn. Không chỉ văn học hiện sinh ở Việt Nam không mấy phát triển, mà trong khu vực châu Á, văn học hiện sinh Ấn Độ cũng khôg phát triển, bởi vì thế giới quan, nhân sinh quan của người Ấn Độ luôn hướng tới sự hài hòa, hòa nhập con người vào vũ trụ, khác hẳn với triết thuyết của chủ nghĩa hiện sinh là đề cao con người cá nhân.

Kết luận:

– Văn học hiện sinh Nhật Bản tuy không phát triển thành trào lưu nở rộ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn học trong nước và thế giới như văn học hiện sinh Pháp nhưng cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể mà tên tuổi đáng chú ý nhất là Abe Kobo (ngoài ra còn có Oe Kenzaburo). Tác phẩm của hai nhà văn này được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được nhiều độc giả trong và ngoài nước biết đến.

– Văn học hiện sinh ở Việt Nam kém phát triển hơn, cho đến giờ có thể coi là không có tên tuổi nhà văn nào nổi trội, tiêu biểu cho khuynh hướng văn chương này. Tuy nhiên ta cũng thấy được những dấu ấn hiện sinh hay ám ảnh hiện sinh trong các tác phẩm của một số nhà văn trẻ.

– Tuy cùng nằm trong khu vực văn hóa Đông Á nhưng do cách thức tiếp xúc, tiếp nhận và ứng dụng chủ nghĩa hiện sinh vào văn học có những nét khác nhau nên trào lưu văn học hiện sinh chủ nghĩa ở Nhật Bản và Việt Nam có những bước phát triển khác nhau.

________________________

Tài liệu tham khảo

1. Henri Bénac (2005), Dẫn giải ý tưởng văn chương (Nguyễn Thế Công dịch), Nxb Giáo dục, Hà Nội
2. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên, 2001), Văn hóa Nhật những chặng đường phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nộ
3. Nhiều tác giả (1998), Văn học Nhật Bản, Viện thông tin khoa học xã hội, Hà Nội
4. Huỳnh Như Phương (2008), Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình diện lý thuyết), Tạp chí Nghiên cứu văn học số 9
5. John Whittier Treat (1995), Writing ground zero, The university of Chicago press

Theo ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Tags: , ,