Trận Xuân Lộc – cuộc tử chiến cuối cùng

Chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn.

Bài viết của Đại tá Đặng Việt Thủy.

Cuối tháng 3/1975, sau khi Đà Nẵng thất thủ, Mỹ ngụy vội vã tổ chức tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh.

Trong đó Xuân Lộc, một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 60km về phía Đông Bắc là điểm trọng tâm, nhằm ngăn chặn quân ta tiến theo đường số 1 và đường số 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn.

Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng John Wayne nói với Nguyễn Văn Thiệu và các tướng VNCH: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn” [1]. Từ nhận định như vậy, địch đã tập trung một lực lượng lớn phòng thủ.

Ở Xuân Lộc, địch bố trí lực lượng mạnh mà nòng cốt là sư đoàn 18 bộ binh, một đơn vị còn nguyên vẹn của quân đoàn 3 VNCH. Tuyến phòng ngự của sư đoàn này được xác định trên một chính diện khá rộng, từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Xuân Lộc đến ngã ba Tân Phong.

Cùng với chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Trị Thiên – Huế và chiến dịch Đà Nẵng, ở miền Đông Nam Bộ, ta đã mở thêm được một số vùng giải phóng lớn nối liền với các căn cứ giải phóng cũ, tạo thế, tạo lực, chuẩn bị một bước quan trọng cho giải phóng Sài Gòn – Gia Định.

Ngày 2/4, quán triệt tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng… một mặt cần cơ động nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động, không chờ đợi tập trung đầy đủ lực lượng mới làm ăn” của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh Miền đã quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm tiêu diệt sư đoàn 18 ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự củng cố Sài Gòn của địch, cắt giao thông, cô lập Sài Gòn, tạo thế có lợi để mở đường tiến công Sài Gòn.

Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4, được phối thuộc Sư đoàn bộ binh 6, hai tiểu đoàn xe tăng và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương.

Tham gia Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch gồm có các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, Tư lệnh, Chính ủy Quân khu 7. Đồng chí Hoàng Cầm được giao trọng trách làm tư lệnh chiến dịch, đồng chí Bí thư khu ủy Khu 7 làm chính ủy.

Địa bàn chiến dịch thuộc địa hình trung du, khá thuận lợi cho bộ đội tập kết, triển khai lực lượng. Song do một số điểm cao khống chế địch đang chiếm giữ như: núi Thị (cao 100 mét), điểm cao 396 án ngữ ngã ba Dầu Giây và Tây thị xã, núi Gió án ngữ phía Nam thị xã… nên việc đưa pháo vào gần bắn thẳng chi viện cho bộ binh của ta gặp nhiều khó khăn.

Ngày 3/4, tại sở chỉ huy ở đông cầu La Ngà, Bộ tư lệnh chiến dịch bàn phương án tiến công Xuân Lộc. Bộ tư lệnh chiến dịch có đề ra hai phương án [2]:

Phương án 1: Tập trung hai sư đoàn tiêu diệt sư đoàn 18 VNCH, giải phóng chi khu Xuân Lộc và từ ngã ba Dầu Giây đến núi Chứa Chan; một sư đoàn bao vây chia cắt địch ở Gia Kiệm, Túc Trưng tạo điều kiện diệt quân ứng cứu của địch, nắm thời cơ tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm – Dầu Giây, lộ 20.

Phương án 2: Nếu tình huống không có lợi thì tập trung lực lượng tiêu diệt địch ở bên ngoài, giải phóng hai chi khu Tân Phong và Gia Kiệm, tiêu diệt quân viện của địch tiến tới tiến công dứt điểm Long Khánh và tổ chức đánh địch rút lui.

Nhưng trước tình hình địch đang hoang mang dao động, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công thị xã Xuân Lộc theo phương án 1.

Bộ tư lệnh chiến dịch xác định:

– Sư đoàn 7 tiến công trên hướng chủ yếu từ phía đông thị xã, có nhiệm vụ đánh chiếm hậu cứ trung đoàn 5 thiết giáp, chiến đoàn 43, sở chỉ huy sư đoàn 18 VNCH, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đông thị xã;
– Sư đoàn 341 tiến công trên hướng thứ yếu từ phía Bắc thị xã, có nhiệm vụ đánh chiếm ty cảnh sát, khu cố vấn Mỹ, dinh tỉnh trưởng và cùng Sư đoàn 7 phát triển xuống phía Nam;
– Sư đoàn 6 chia cắt ở đường 1, đoạn ngã ba Dầu Giây, có nhiệm vụ tiêu diệt các chốt địch từ ấp Hưng Lộc – đèo Mẹ Bồng Con, đánh viện binh và đánh địch rút chạy.

Quân đoàn tổ chức bốn cụm pháo, hai cụm cao xạ chi viện và bảo vệ cho các hướng chiến đấu. Sở chỉ huy chiến dịch đặt ở Bắc sông La Ngà.

Sáng ngày 9/4, trên các hướng, ta đồng loạt nổ súng tiến công địch:

Trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 165 của Sư đoàn 7 được tăng cường tám xe tăng tiến đánh căn cứ sư đoàn 18 VNCH, khi đến cách cổng 300 mét bị địch chặn đánh quyết liệt, bắn hỏng ba xe tăng, trung đoàn phải chuyển hướng tiến công chiếm được một phần hậu cứ chiến đoàn 52 VNCH.

Hướng thứ yếu, Trung đoàn 266 của Sư đoàn 341 nhanh chóng đánh chiếm khu thông tin, khu cố vấn Mỹ, khu cảnh sát, khu chợ, khu bảo an, nhưng khi tiến vào dinh tỉnh trưởng thì bị địch ngăn chặn quyết liệt, phải dừng lại bên ngoài sở chỉ huy tiểu khu.

Ở vòng ngoài, Trung đoàn 270 Sư đoàn 341, Trung đoàn 209 Sư đoàn 7 đánh bại hai tiểu đoàn và diệt bảy xe tăng của hai chiến đoàn 43 và 48 từ Tân Phong và núi Thị vào cứu viện, giải phóng ấp Bảo Toàn, bắt 174 tên địch.

Tiểu đoàn địa phương Bà Rịa tiến công địch ở suối Cát, bắt tù binh thu vũ khí và phát triển về Bảo Toàn. Trên hướng chia cắt, Sư đoàn 6 tổ chức diệt năm chốt của địch trên đường 1 từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con, thu hai pháo 105mm, buộc chiến đoàn 52 VNCH phải bỏ Túc Trưng co về giữ ngã ba Dầu Giây.

Như vậy, trong ngày đầu ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đã đưa được ba tiểu đoàn vào bên trong và thực hiện cắt đường 1 ở đoạn ngã ba Dầu Giây – đèo Mẹ Bồng Con. Bộ tư lệnh chiến dịch đôn đốc các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết tâm.

Ngày 10/4, trên hướng chủ yếu, Sư đoàn 7 đưa dự bị là Trung đoàn 141 cùng một tiểu đoàn phòng không đột phá từ hướng Bắc xuống cùng Trung đoàn 165 tiến đánh căn cứ sư đoàn 18, bị địch ở hậu cứ chiến đoàn 52 và trung đoàn 5 thiết giáp phản kích quyết liệt.

Đến 11h30, Trung đoàn 141 mở được cửa và đánh chiếm chốt Bảo Vịnh A. Trung đoàn 209 tiến công vào thị xã từ phía Nam lên, đánh thiệt hại chiến đoàn 43 VNCH. Khi gặp tuyến phòng thủ dã ngoại của địch ở nam sân bay, trung đoàn phải dừng lại củng cố bàn đạp.

Trên hướng thứ yếu, Sư đoàn 341 đưa Trung đoàn 270 vào thị xã cùng Trung đoàn 266 đánh địch phản kích và giữ các khu vực đã chiếm.

Trung đoàn 266 sử dụng hai tiểu đoàn 5 và 7 bốn lần tiến công vào sân bay Cáp Rang nhưng không thành công. Các mũi khác đánh vào trại Lê Lợi, hậu cứ chiến đoàn 43 cũng bị địch chặn lại.

Trên hướng chia cắt, Trung đoàn 33 Sư đoàn 6 tiến công và làm chủ chi khu Dầu Giây, đánh bại phản kích của tiểu đoàn 1 thuộc chiến đoàn 52, một chi đội thiết giáp và một tiểu đoàn biệt động.

Ngày 11/4, ở thị xã Xuân Lộc, trên các hướng ta và địch giằng co quyết liệt. Ở hướng chia cắt, Sư đoàn 6 tổ chức tiến công tiểu đoàn 1 của chiến đoàn 52, nhưng diệt không gọn.

Quyết tâm giữ Xuân Lộc, ngày 12/4, địch vội vã đổ lữ đoàn 1 dù từ Sài Gòn xuống ngã ba Tân Phong, các ngày sau đó bố trí lại đội hình trong thị xã và điều lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 biệt động đến Trảng Bom, chiến đoàn 322 biệt động ở Bầu Cá, chiến đoàn 315 ở Bầu Hàn, điểm cao 122, trung đoàn 8 thuộc sư đoàn 5 từ Lai Khê sang Bầu Cá.

Như vậy, địch đã tập trung ở khu vực này 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của quân đoàn 3 cùng lực lượng tổng dự bị tương đương một sư đoàn.

Không quân ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất được huy động trung bình 80 lần chiếc mỗi ngày để chi viện trực tiếp cho các mũi phản kích. Địch còn sử dụng cả bom CBU, loại bom có sức hủy diệt lớn, thế giới cấm sử dụng để ngăn chặn ta tiến công.

Cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc diễn ra hết sức quyết liệt. Qua ba ngày chiến đấu, tuy ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt một bộ phận sinh lực địch và giữ được một số bàn đạp quan trọng, nhưng ta chưa diệt gọn được một tiểu đoàn nào của chúng, bộ đội bị thương vong nhiều (Sư đoàn 7 thương vong 300, Sư đoàn 341 thương vong 1.200, sáu xe tăng bị địch bắn hỏng và cháy, hầu hết pháo 85mm và 57mm bị hỏng vì bom đạn).

Xuất phát từ nhận định cơ bản: Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1, chặn đánh địch từ Trảng Bom lên, đánh chiếm Tân Phong, cắt đường số 2 đi Bà Rịa.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ tư lệnh đã ra lệnh ngừng tiến công thị xã, mỗi sư đoàn chỉ để lại một tiểu đoàn kiềm chế nghi binh địch, còn lại lui ra phía sau củng cố làm lực lượng cơ động.

Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B (vừa được trên tăng cường) tổ chức bao vây tiêu diệt chiến đoàn 52, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích.

Trung đoàn 209 triển khai trên dải ở phía bắc chi khu Tân Phong chặn đánh lữ đoàn 1 dù, không cho chúng vượt qua cầu Gia Liên để phối hợp với trung đoàn 43 trong thị xã. Ngày 13, các đơn vị của ta rút khỏi thị xã.

Trong khi ta chuyển thế trận, địch tưởng rằng chúng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta, tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên truyền rùm beng về “chiến thắng Xuân Lộc”, về “khả năng chiến đấu của quân lực VNCH đã được phục hồi” và hy vọng chúng “còn đủ mạnh để giữ vững chế độ” [3].

Rạng sáng ngày 15/4, pháo 130mm của chiến dịch bắn dồn dập vào sân bay Biên Hòa, cùng lúc bằng năm trận tập kích, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã tiêu diệt chiến đoàn 52, diệt gọn một tiểu đoàn pháo, một chi đoàn thiết giáp, giải phóng hoàn toàn chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt đường số 1 đoạn Xuân Lộc – Bầu Cá, đường 20 đoạn Túc Trưng – ngã ba Dầu Giây.

Trong hai ngày 16 và 17, sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 VNCH ở Trảng Bom đốc thúc lữ đoàn 3 thiết giáp cùng chiến đoàn 8 của sư đoàn 5 với hơn 100 khẩu pháo ở các căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An và 125 lần chiếc máy bay mỗi ngày chi viện, phản kích hòng chiếm lại khu vực Dầu Giây.

Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B chặn đánh địch quyết liệt ở Hưng Nghĩa và điểm cao 122, diệt gọn một tiểu đoàn, bắt hơn 100 tên, đẩy lùi quân địch xuống Bầu Cá.

Cùng thời gian trên, sau khi giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, cánh quân duyên hải mà nòng cốt là Quân đoàn 2 đã đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, tiến vào giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân và đã tiến tới Rừng Lá.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt và hơn nữa đã mất Dầu Giây, Xuân Lộc mất giá trị phòng thủ, địch quyết định rút khỏi Xuân Lộc để bảo toàn lực lượng.

Ngày 20, địch dùng pháo binh bắn vào các trận địa của ta để nghi binh cho cuộc rút lui. 17 giờ, trời mưa tầm tã, phát hiện thấy quân địch đi lại nhiều, phán đoán chúng có thể rút khỏi thị xã theo hướng đường số 2 về Vạn Kiếp, Bà Rịa và sở cao su Ông Quế về Nước Trong hoặc Trảng Bom, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho các đơn vị tiến công và truy kích địch.

Sư đoàn 341 tiến đánh vào thị xã rồi phát triển theo đường sở cao su Ông Quế; Sư đoàn 7 đánh chiếm nam Tân Phong, chặn đường số 2, Sư đoàn 6 tổ chức chặn địch ở sở cao su Ông Quế, các tiểu đoàn địa phương chốt chặn và truy kích địch trên đường 2.

Do phát hiện và tổ chức tiến công, truy kích chậm, tổ chức chốt chặn không tốt, mặt khác do trời tối, mưa to nên ta chỉ diệt được một bộ phận đi sau của địch, bắt sống tên đại tá tỉnh trưởng Long Khánh.

Ngày 21/4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc.

Kết quả, ta đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18, lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52 (sư đoàn 18), đánh thiệt hại trung đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, diệt hàng nghìn tên, bắt 2.785 tên địch, thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô. Giải phóng Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh [4].

Quyết định tiến công Xuân Lộc là đúng và cần thiết, chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” cửa ngõ phía đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh thêm tinh thần chiến đấu của quân VNCH.

Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông, một thế trận mới rất có lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

—————————

Tài liệu tham khảo:

[1] “Tổng kết những trận đánh then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2011, trang 1024-1025.
[2], [3], [4] “Năm 1975 – Những sự kiện lịch sử trọng đại”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2010, trang 137, 140, 142.

Theo GIÁO DỤC VIỆT NAM

Tags: , , , ,