Trần Quốc Toản – người anh hùng nhiều bí ẩn trong sử Việt

Đây là nhân vật được rất nhiều ngưỡng mộ của đông đảo người yêu sử. Bởi lẽ, anh hùng này là một võ tướng thiếu niên, sớm có ý thức bảo vệ Tổ quốc của non sông và có nhiều chiến công hiển hách, góp công đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông.

Trần Quốc Toản – người anh hùng nhiều bí ẩn trong sử Việt

Có rất nhiều công trình lớn nhỏ nghiên cứu về vị danh tướng Trần Quốc Toản, tuy nhiên nhiều bài viết về ông dựa trên cảm tính, suy diễn. Trần Quốc Toản với năm sinh – năm mất như thế nào, cha mẹ là ai, hy sinh trong trường hợp nào… vẫn là những vấn đề cần nghiên cứu. Có điều, chúng ta có thể khẳng định: Anh hùng này được chính sử nghi lại là người có những đóng góp to lớn trong đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông.

Sự kiện bóp nát quả cam

Năm 1279, Mông Cổ xâm lược Trung Quốc, tiêu diệt nhà Nam Tống, lập ra nhà Nguyên. Đầu năm 1281, hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt sai Sài Xuân (có sách chép là Sài Thung) đem nhiều lính hộ tống nhóm Trần Di Ái về nước. Năm 1282, nhà Nguyên sai Toa Đô mang 50 vạn quân vượt biển đánh Chiêm Thành ở phía nam Đại Việt, trước đó nhiều lần đòi “mượn đường” đánh Chiêm… Đây là những dấu hiệu quân Nguyên Mông lăm le đánh chiếm Đại Việt lần thứ 2.

Hội nghị Bình Than (theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Bình Than là tên bến đò ở địa phận xã Trần Xá, huyện Chí Linh) tập hợp những vị tướng lĩnh, những nhà quý tộc có quyền lực, diễn ra vào tháng 10/1282, tức hơn 2 năm chiến tranh Đại Việt – Nguyên Mông lần thứ 2 xảy ra. Điều đó cho thấy, nhà Trần luôn đề cao cảnh giác trước hiểm họa xâm lăng.

Tại hội nghị, các sách lược chống giặc được đề ra, nhà vua phân công nhiệm vụ cho các tướng lĩnh đóng giữ những nơi trọng yếu. Trước tình hình cấp bách rất cần nhân tài, vua cũng cho phục chức phó tướng với Trần Khánh Dư… Nghĩa là không khí chuẩn bị nghênh chiến đã vô cùng nóng bỏng. Sau đó cũng trong tháng 10/1282 (không rõ ở trong hội nghị hay hội nghị xong), nhà vua cử Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân, động thái nhằm thống nhất lực lượng…

Quay trở lại hội nghị Bình Than. Lúc này Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản cũng đến hội nghị nhưng không được vào dự vì nhỏ tuổi. Sách sử nghi lại vua đã ban cho Trần Quốc Toản một quả cam để an ủi.

Hội nghị Bình Than tổ chức vào tháng 10/1282, Trần Quốc Toản lúc đó nhỏ tuổi và được đoán định là khoảng 15 hay 16 tuổi; khi giặc Nguyên Mông xâm lược vào tháng 1/1285, vị anh hùng này khoảng 17 – 18 tuổi. Sách sử viết: “Lại khi ấy, vua thấy Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Hoài Nhân Vương Kiện đều tuổi còn bé, không cho dự bàn.

Quốc Toản lấy làm xấu hổ, tức giận, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Đến khi lui về, huy động gia nô và thân thuộc được hơn nghìn người, đóng chiến thuyền, đề sáu chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân” vào lá cờ” (Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học 2009, trang 302).

Như vậy, vị thiếu niên anh hùng này do “xấu hổ và tức giận” vì không được dự hội nghị, vì nhà vua chưa tin vào sức mạnh, tài năng của mình nên bóp nát quả cam chứ không phải vì căm tức giặc như một số bài viết sau này nêu. Điều này cũng có lý vì hội nghị Bình Than chủ yếu để bàn về kế hoạch chống giặc, phân công nhiệm vụ, cần không khí trầm lắng chứ không hừng hực khí thế đánh giặc như hội nghị Diên Hồng.

Điều quan trọng, từ thái độ quyết tâm này, Trần Quốc Toản đã chiêu tập binh mã và trực tiếp ra trận tiền hơn 2 năm sau đó.



Chiến công hiển hách

Cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2, như đã từng đề cập trong bài viết của tôi trước đây, vô cùng khốc liệt. Quân Nguyên Mông cử lực lượng tướng tài, binh mạnh và rất đông tiến đánh Đại Việt theo ba mũi tấn công, đặc biệt: Vừa tấn công từ mạn Bắc xuống, vừa đánh từ phía Nam ra theo thế gọng kìm hòng nhanh chóng bóp nát quân đội nhà Trần.

Trong tình thế này, quân nhà Trần vừa chống đỡ vừa khôn khéo lui binh thoát thế gọng kìm của địch rồi tìm cơ hội phản công. Đặc biệt trong hàng ngũ tướng lĩnh nhà Trần có vị tướng trẻ tuổi Trần Quốc Toản rất giỏi võ nghệ. Sử thần Ngô Sĩ Liên miêu tả Trần Quốc Toản: “Đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải tránh lui, không kẻ nào dám đối địch”.

Trong cuộc chiến bằng gươm đao, “không kẻ nào dám đối địch” với Trần Quốc Toản đủ để nói võ nghệ, sức khỏe phi thường của vị tướng trẻ này. Xin bàn thêm: Trần Quốc Toản được cha mình (có thuyết nói cha ông là Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt – con của Trần Thái Tổ Trần Thừa, em của Trần Thái Tông Trần Cảnh; cũng có thuyết mới đây cho rằng là con của Vũ Uy Vương Trần Nhật Duy – con của Trần Thái Tông) cho tự chiêu binh mãi mã chứng tỏ là phải có thực lực.

Trần Quốc Toản tham gia các trận đánh lớn với vai trò là một trong những vị tướng chủ chốt. Tháng 4/1285: “Vua sai bọn Chiêu Thành Vương (không rõ tên), Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đem binh nhẹ đón đánh ở bến Tây Kết” (Sđd, trang 308). Theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Trần Quốc Toản không chỉ với các tướng nói trên mà còn cùng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đánh trận Tây Kết, rồi đánh trận Hàm Tử quan.

Ngày 10/5/1285: “Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp với em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương, quân giặc vỡ tan” (Sđd, trang 308)… Theo một số nhà nghiên cứu, trong Nguyên sử có ghi lại Trần Quốc Toản còn được cử truy kích giặc và đánh giặc ở sông như Nguyệt.

Như vậy, mặc dù Trần Quốc Toản có tập hợp lực lượng riêng, nhưng lực lượng này đã gia nhập với quân đội của triều đình và chịu sự chỉ huy chung của bộ máy chỉ huy chiến đấu.

Trần Quốc Toản hy sinh trong trận đánh nào chưa thực sự rõ ràng. Có một số thuyết khác nhau nói về sự kiện này.

Có thuyết cho rằng vị anh hùng này hy sinh trong trận chặn đánh giặc bên bờ sông Như Nguyệt; có thuyết cho rằng ông mất ở trong trận đánh Tây Kết lần thứ 2, trận chém đầu Toa Đô… Thậm chí có người còn đi xa hơn, cho rằng Trần Quốc Toản không chết mà còn tham gia đánh quân Nguyên ở Trung Quốc, thọ hơn 90 tuổi.

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư có nghi Trần Quốc Toản chết và nhà vua vô cùng thương tiếc, đích thân vua làm văn tế, gia phong cho tước Vương. Như vậy, Trần Quốc Toản có tước Vương chứ không còn là tước Hầu như thời niên thiếu. Sách sử không còn nhắc đến vị anh hùng trẻ tuổi này ở trận chiến Đại Việt – Nguyên Mông lần thứ 3 chỉ vài năm sau đó nữa. Điều này thêm khẳng định Trần Quốc Toản đã hy sinh.



Trần Quốc Toản tuổi trẻ đã lo nghĩ về việc lớn bảo vệ Tổ quốc, rồi chiêu tập binh mã, xông trận với phong thái và bản lĩnh của vị tướng khiến quân giặc không dám đối mặt so gươm. Dù thời gian có làm mờ nhòe đi dấu tích danh tướng trẻ tuổi này hy sinh như thế nào, nhưng tên tuổi của ông vẫn in đậm trong lòng người dân nước Việt, trong sử sách nói về thời Trần oai hùng, trong dòng chảy lịch sử giữ nước, chống giặc ngoại xâm của Việt Nam.

Trần Quốc Toản tuổi trẻ đã lo nghĩ về việc lớn bảo vệ tổ quốc, rồi chiêu tập binh mã, xông trận với phong thái và bản lĩnh của vị tướng khiến quân giặc không dám đối mặt so gươm. Dù thời gian có làm mờ nhòe đi dấu tích danh tướng trẻ tuổi này hy sinh như thế nào, nhưng tên tuổi của ông vẫn in đậm trong lòng người dân nước Việt, trong sử sách nói về thời Trần oai hùng, trong dòng chảy lịch sử giữ nước, chống giặc ngoại xâm của Việt Nam.
.

Theo NGUYỄN HƯNG / KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: , , ,