Trận Marathon: Sự sống còn của văn minh phương Tây

Trận Marathon năm 490 TCN giữa quân Hy Lạp (do Mitiades chỉ huy) với quân Ba Tư (do Datis chỉ huy) là một trong những trận đánh quan trọng nhất lịch sử phương Tây cổ đại. Nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của nền dân chủ Hy Lạp cũng như nền văn minh phương Tây.

Trận Marathon năm 490 TCN: Sự sống còn của văn minh phương Tây

Nguồn: 50 trận đánh thay đổi lịch sử thế giới / William Weir.

Hoàn cảnh trước trận Marathon

Callimachus đã nghiên cứu kẻ thù Ba Tư của mình từ phía trên cao đồng bằng của Marathon. Đúng như ông nghĩ, có rất nhiều kị binh – hầu hết là các cung thủ trên ngựa. Có cả cung thủ đi bộ và lính bộ binh được trang bị giáo. Khó có thể ước tính số quân lính khi họ di chuyển. Ít nhất phải có khoảng 10 000 người Athens và 1000 người Plateans. Có lẽ còn nhiều hơn nữa, Vua Ba Tư có tiềm lực quân sự vô hạn. Lính bộ binh Ba Tư không được trang bị áo giáp như quân Hy Lạp và giáo của họ ngắn hơn, nhưng sức mạnh của quân Ba Tư là kị binh, cả kị binh đánh giáo và kị binh bắn cung. Địa hình vùng đồng bằng lớn như Marathon có thể dùng kị binh hiệu quả, nhưng ở Hy Lạp hiếm có đồng bằng. Có lẽ đó là lí do quân Ba Tư đã chọn dừng chân ở đây, hành quân từ Athens tới chỉ mất hai ngày. Giá như người Spartan đến sớm thì với quân tiếp viện của họ, quân Hy Lạp, dù tất cả là bộ binh, có thể sẽ đánh đuổi những “kẻ man rợ” ra biển. (Đối với người Hy Lạp, tất cả những người ngoại quốc đều là “kẻ man rợ”, vì họ phát ra âm thanh “bahbahbah” khác xa với tiếng Hy Lạp).

Quân Hy Lạp đã cử Pheidippides, một người chạy rất nhanh, tới yêu cầu người Spartan trợ giúp. Người Spartan đồng ý, nhưng họ nói vì một lễ hội tôn giáo địa phương nên họ buộc phải xuất phát chậm. Trong lúc đó, người Athens liên minh với người Platean đang chiếm giữ các lối đi lên núi. Mười vị tướng, mỗi người chỉ huy một đội quân, không nhất trí với nhau việc họ nên tiếp tục giữ khu đất của mình hay nên tiến công người Ba Tư. Mặc dù Callimachus giữ chức tướng chỉ huy, nhưng ông cũng chỉ có một phiếu bầu trong việc bàn bạc về trận đánh. Khi chiến đấu trên mặt trận, các vị tướng thay phiên nhau chỉ huy, mỗi người có một ngày chỉ huy toàn bộ quân đội. Miltiades là một trong các vị tướng kiên quyết chống lại quân Ba Tư. Miltiades đã thuyết phục Callimachus tán thành việc tiến công, nhưng cho đến thời điểm đó, vị chỉ huy này vẫn chưa đưa ra quyết định của mình.

Callimachus đã có thể nghĩ chưa có vị tướng người Athens nào từng đưa ra một quyết định quan trọng như vậy. Người ta có thể quyết định số phận của một ý tưởng hoàn toàn mới trong thế giới văn minh – một thế giới được nhân dân cai trị – đó chính là nền dân chủ. Miễn là bất cứ ai có thể nhớ, những vị hoàng đế – người từng tuyên bố có mối liên hệ với Chúa trời, đều đã cai trị Hy Lạp. Sau khi hầu hết các thành bang đã lật đổ hoàng đế và những kẻ cai trị (người có quyền lực được gọi là bạo chúa), đã tuyên bố không có mối liên hệ thần thánh nào. Lúc này, Athens đã hạ bệ kẻ bạo ngược cuối cùng, là Hippias, và thông qua luật chống bạo chúa của các thành bang.

Trước tình hình mới, Đại đế Darius đã ra lệnh cho con rể là Mardonius, hạ bệ bạo chúa của các thành bang Hy Lạp ở vùng Ionian của ông. Những kẻ bạo chúa này đã cầm đầu dân Hy Lạp trong một cuộc nổi dậy nhưng thất bại. Darius thay thế bạo chúa của các thành bang bằng nền dân chủ giả tạo. Những thần dân vùng Ionian có thể thực hiện các văn bản pháp luật riêng của họ, nhưng tất cả phải được Đại đế phê chuẩn. Một trong những người từng là bạo chúa của thành bang bị hạ bệ là Miltiades – vị tướng hăng hái muốn tiến công quân Ba Tư. Miltiades có một mối thù cá nhân. Sinh ra tại Athens, ông là một người dân Athens nhưng ông lại trở thành bạo chúa của thành bang Cheronese (vùng Gallipoli thời hiện đại). Khi ông trốn về Athens thì bị xét xử theo luật chống bạo chúa của thành bang. Nhưng trong lúc làm bạo chúa, Miltiades đã chinh phục đảo Lemnos và sáp nhập hòn đảo này vào thành bang quê hương ông. Nhờ việc này mà Miltiades được hưởng đặc ân ở Athens, ông không những được tha tội mà còn được bầu là một trong những tướng chỉ huy. Tuy nhiên, ở Athens vẫn còn một phe phái xem thường ông.

Quân Ba Tư lấy lí do thành bang Athens và Eretria đã giúp người Ionian nổi loạn nên họ đến để trừng phạt Athens và Eretria vì can thiệp vào việc nội bộ của họ. Nhưng Callimachus hiểu rằng Đại đế Darius muốn có toàn bộ Hy Lạp và nhiều thành bang Hy Lạp đã quy phục ông ta. Đối thủ lớn nhất của họ giờ là Athens và Sparta.

Bỗng nhiên, Callimachus thấy quân Ba Tư di chuyển. Những kẻ man rợ đã bắt đầu di chuyển ngựa về phía bờ biển, nơi có 600 con thuyền của họ đậu trên bãi cát. Callimachus đưa ra quyết định dứt khoát. Dù có người Spartans hay không thì bây giờ đã đến lúc tiến công.

Darius Đại đế

Người Hy Lạp gọi Darius – hoàng đế của người Ba Tư là “Đại đế”. Ở kinh đô Susa, Đại đế chờ tin tức từ Aegean. Đối phó với người Hy Lạp là một vấn đề đau đầu. Ngay cả khi có một vài người Hy Lạp ở bên ngoài đế quốc, kích động những người bên trong nổi dậy. Mardonius vẫn biết rằng chinh phục Hy Lạp không hề dễ. Sau khi dập tắt cuộc nổi dậy của vùng Ionian, Mardonius tiếp tục tiến sâu vào vùng đất Hy Lạp. Thessaly đã quy phục nhưng những người bán du cư Thracians vẫn chiến đấu kiên cường trước khi chịu để người Ba Tư cai trị. Sau đó quân Ba Tư gặp rắc rối trên biển. Một cơn bão khủng khiếp đã phá hỏng đoàn thuyền tiếp tế lương thực cho quân đội Ba Tư. Mardonius buộc phải rút quân.

Địa hình ở Hy Lạp hầu hết là đồng hoang và miền núi. Các thành bang Hy Lạp đều phụ thuộc vào nguồn thực phẩm qua giao thương. Không thể tiếp tế bằng đường bộ tại Hy Lạp, một đội quân lớn sẽ phải tiếp tế bằng đường biển. Nhưng biển thì đầy rẫy nguy hiểm và quân Hy Lạp còn dễ gặp nguy hiểm hơn. Cách đấy 45 năm, các thuyền chiến của Phocaea – một thành bang nhỏ ở Hy Lạp – đã phá tan một hạm đội đông gấp đôi của người Carthaginians. Người Carthaginians đã biến Phoenix thành thuộc địa của họ, và chính người Phoenicians đã tiếp tế cho hải quân Ba Tư. Trong khi đó, các thủy thủ Hy Lạp đã chiếm không chỉ vùng bờ biển Ionian của Tiểu Á mà còn chiếm Dardanelles, Krym, Cyrene ở châu Phi, Massillia (Marseille ngày nay) và cả Mediterranean cùng với vùng bờ biển Đại Tây Dương của Tây Ban Nha. Vì vậy, nếu các thành bang Hy Lạp liên kết lại, họ có thể đánh đuổi bất cứ hạm đội nào của Đại đế Darius.

Chiến đấu với người Hy Lạp trên đất liền không hề đơn giản. Những người Hy Lạp đã lập ra hệ thống quân đội lí tưởng cho những thung lũng núi hẹp của họ. Đó là bộ binh hùng mạnh được bảo vệ từ đầu đến chân bằng áo giáp dày. Bộ binh trang bị vũ khí hạng nặng (hoplite) của Hy Lạp đội một chiếc mũ bằng đồng trùm kín đầu chỉ để hở mắt và miệng, mặc áo giáp sắt và dùng một tấm khiên lớn bằng đồng che phía trước, phần chân hở ra sau tấm khiên được bảo vệ bằng phần giáp che ống chân. Những mũi tên không thể xuyên qua áo giáp của họ trừ khi ở cự li gần. Lính Hy Lạp cầm một thanh giáo dài và một thanh gươm ngắn là vũ khí phụ. Bộ binh Hy Lạp được trang bị vũ khí hạng nặng tiến công theo đường thẳng với nhiều hàng dài gọi là đội hình phalanx. Họ hành quân từng bước theo nhịp sáo. Lính bộ binh đánh thuê của Hy Lạp là những người lính bộ binh giỏi nhất thế giới.

Vậy thì, chỉ có thể chiến thắng Hy Lạp bằng số quân áp đảo, phải tiếp tế bằng đường biển. Nhưng đi thuyền thì dễ có nguy cơ gặp hải quân Hy Lạp và bão ở Aegean. Chinh phục Hy Lạp đòi hỏi sự khôn khéo.

Nhưng Darius không ngốc nghếch khi tới đây. Ông ta đã cướp ngôi ở Ba Tư, khôi phục đế chế đang sụp đổ của Đại đế Cyrus và mở rộng biên giới của nó đến Ấn Độ qua Hellespont vào châu Âu, tiến tới những thảo nguyên khô cằn của Thổ Nhĩ Kì và đi theo sông Nile xuống những sa mạc của Sudan. Darius không cố gắng dùng quân lính áp đảo Hy Lạp. Ông sử dụng chiến tranh tâm lí với họ.

Bằng cách ra vẻ như một người bảo hộ cho nền dân chủ, Darius đã thuyết phục được nhiều người Hy Lạp rằng để người Ba Tư làm chủ không phải là một việc xấu. Họ đã dâng đất và nước cho sứ giả của Darius để thể hiện dấu hiệu quy phục. Tuy nhiên, vẫn còn một số không chịu quy phục, người Spartans đã ném sứ giả của Darius xuống giếng nước, còn người Athens thì nhốt đại diện của Darius vào hầm đất.

Gần như không thể sử dụng chiến tranh tâm lí với Spartans. Thành bang này giống như một đội quân, không thể có sự bất hòa. Nhưng Athens thì có những bè phái chống đối. Darius đã cử tay chân đến gặp một số người Athens, những người căm ghét Miltiades. Những ”sứ giả” này đã nhấn mạnh một nền dân chủ thịnh vượng ở vùng Ionia và hứa nếu những người Athens ở ngoài quân đội mở cổng thành cho quân lính Ba Tư thì họ sẽ được nhập vào cùng hội. Những người Athens nói họ không thể thực hiện được việc này khi quân đội kiểm soát bên trong. ”Sứ giả” người Ba Tư hứa sẽ dụ quân đội Athens ra khỏi thành. Những kẻ phản bội người Athens đã đồng ý giúp quân Ba Tư.

Kế hoạch của Darius đòi hỏi một trận đánh chớp nhoáng tại Aegean. Lực lượng viễn chinh tương đối ít – được chở trên 600 con thuyền. Quân Ba Tư sẽ nhanh chóng chiếm thành Eretria bé nhỏ và sau đó dụ quân Athens rời khỏi thành. Khi quân Athens đi xa, những kẻ phản bội người Athens sẽ cho quân Ba Tư vào trong thành và họ sẽ chinh phục được Athens trước khi quân từ Spartans hay từ nơi khác đến tiếp viện.

Mardonius bị thương trong cuộc viễn chinh tới Hy Lạp và ông ta đã không giành được chiến thắng lớn. Do đó, Darius trao quyền chỉ huy cho cháu trai ông ta là Artaphernes và trung tướng Datis. Tuy nhiên, Datis – một nhà quân sự dũng cảm và giàu kinh nghiệm mới là người chỉ huy quân đội đích thực.

Tinh thần quân đội

Datis là một tướng giỏi. Ông được giữ chức chỉ huy mặc dù không phải là người Ba Tư. Tuy nhiên Datis đã không khôn ngoan khi ông tiến công thành Eretria trên đảo Euboea. Những cư dân Eretria đã kháng cự trong 6 ngày, sau đó những kẻ phản bội đã mở cổng thành cho người Ba Tư. Chúng ta không biết những tay sai người Ba Tư có gặp những kẻ phản bội người Eretria trước cuộc tiến công hay không, nhưng có vẻ việc đó đã xảy ra. Điều chắc chắn là ngay khi vào trong thành, Datis đã tiến hành mọi việc như thường lệ: cướp phá thành, đốt những ngôi đền và bắt người dân làm nô lệ. Sau đó, Datis đưa họ lên tàu đến Marathon.

Datis đợi quân đội Athens xuất hiện như dự kiến. Rồi ông đợi dấu hiệu cho biết cổng thành Athens sẽ mở. Datis kiên trì chờ đợi. Ông biết rằng nếu không sớm có dấu hiệu mở cổng thành, người Spartans sẽ đến và hậu quả thật khủng khiếp.

Nếu nghĩ sâu xa hơn, Datis hiểu rằng cướp phá thành Eretria sau khi những kẻ phản bội mở cổng thành không phải là cách hay để khuyến khích những nội gián người Athens.

Cuối cùng, cả người Ba Tư và người Hy Lạp đều thấy có người ra dấu hiệu cho quân đội Ba Tư bằng cách dùng một tấm khiên bằng đồng đã được đánh bóng để phản chiếu ánh nắng mặt trời. Datis đã ra lệnh cho quân của ông tiến vào.

Thất bại của Datis

Kị binh – đội quân mạnh nhất của người Ba Tư đi tiên phong. Trong lúc đó Callimachus đã bỏ phiếu ủng hộ việc tiến công quân Ba Tư. May mắn thay, hôm đó là ngày Miltiades nắm quyền chỉ huy. Miltiades đã sắp xếp quân lính ở khu trung tâm thành bốn hàng dài để ngang bằng với hàng của quân Ba Tư. Còn ở hai bên, ông xếp quân lính thành tám hàng dài để kị binh Ba Tư không thể tiến công từ bên sườn. Tiếng sáo liên hồi và những người lính bước đi chậm rãi, giữ thẳng hàng, mỗi người lính đi ngay sau tấm khiên của người ở bên phải anh ta.

Khi quân Hy Lạp đi được khoảng 200 mét, các cung thủ người Ba Tư bắt đầu bắn tên về phía họ. Những mũi tên của người Ba Tư bắn vào áo giáp của quân Hy Lạp đều bị bật ra ngoài. Quân Hy Lạp tiến lên dồn dập. Họ chuyển hướng nhanh chóng và lao vào quân Ba Tư.

Tộc người Ba Tư và Sakas (dân du cư Iran có họ với người Scythia) nắm giữ phòng tuyến trung tâm của quân Ba Tư. Họ liều lĩnh đánh vào chỗ yếu trong tuyến giữa của quân Hy Lạp và họ đã thất bại nặng nề. Giáo của người Hy Lạp dài hơn và áo giáp của họ cũng dày hơn của quân Ba Tư. Quân Ba Tư leo qua những tấm khiên của quân Hy Lạp để dùng rìu và dao găm chém người cầm khiên. Tuyến giữa của quân Hy Lạp lùi về phía sau.

Trong lúc đó, hai cánh bên của quân Hy Lạp với tám hàng dài thay vì bốn hàng tiếp tục tiến lên phía trước. Đồng thời, tuyến giữa của quân Hy Lạp tỏa ra theo hình vòng cung, hai cánh bên khép lại. Quân Ba Tư bị giữ trong hai vòng vây, chen chúc nhau trong một đám đông dày đặc và không thể sử dụng vũ khí của họ.

Quân Ba Tư quay lại và chạy về phía thuyền của mình. Quân Hy Lạp truy kích nhưng họ chỉ bắt được bảy chiếc thuyền, còn đại đa số quân Ba Tư đã chạy thoát. Bấy giờ, quân Ba Tư đi về hướng Athens, họ di chuyển bằng đường biển nhanh hơn hành quân qua những ngọn núi.

Cuộc chạy đua lớn

Miltiades, Callimachus và những người còn lại của quân Hy Lạp đều hiểu dấu hiệu đó. Có vẻ như dù đã hủy diệt thành Eretria, những kẻ phản bội vẫn sẵn sàng dâng Athens cho quân Ba Tư. Miltiades và Callimachus ra lệnh cho Pheidippides – người đã chạy tới thành Sparta để nhờ trợ giúp – thông báo tin chiến thắng cho Athens. Các vị tướng nhấn mạnh tốc độ là cực kì quan trọng. Chàng trai chạy rất nhanh này chưa khi nào chạy nhanh đến như vậy. Anh lảo đảo về đến Athens, khóc nấc lên “Chiến thắng, chiến thắng!” và ngã xuống tắt thở. Khi đó những kẻ phản bội biết rằng quân Athens đã đánh bại quân Ba Tư và đang trên đường quay trở về. Chúng từ bỏ mọi ý định chào đón quân lính của Datis.

Quân đội Athens buộc phải hành quân qua những ngọn núi trong một ngày. Người Ba Tư thấy cổng thành vẫn đóng và kẻ thù của họ đã sẵn sàng chiến đấu tiếp nên họ quay trở về Ba Tư.

Con trai của Darius là Xerxes quyết định tới Hy Lạp lần nữa. Lần này, ông ta đưa đến một đội quân khổng lồ. Người Ba Tư tập trung lực lượng tại bán đảo này với ý định áp đảo quân Hy Lạp và đốt cháy Athens. Nhưng thảm họa mà Darius dự đoán đã xảy ra. Một hạm đội Hy Lạp dưới sự chỉ huy của tướng Themistocles đã dụ quân Ba Tư vào những vũng nước cạn gần đảo Salamis và đánh bại họ. Xerxes phải rút phần lớn quân về nước. Ông ta chỉ để lại cho Mardonius một lực lượng nhỏ mà ông ta tin rằng có thể sống ở vùng đất này. Năm sau, đội hình phalanx do nhiều thành bang Hy Lạp liên kết đã tiêu diệt quân đội Ba Tư. Vì vậy, nền dân chủ đã không mất đi.

Theo VIỆT TRÍ

Tags: , , ,