Trận Demyansk: Cuộc ‘diễn tập’ của Hồng quân Liên Xô trước trận Stalingrad

Tháng 2/1942, lực lượng Hồng quân ở phía tây bắc Liên Xô lần đầu tiên bao vây nhóm 95.000 quân Đức. Tuy nhiên sau đó họ đã không thể dồn ép kẻ địch đến cùng.

Trận Demyansk: Cuộc ‘diễn tập’ của Hồng quân Liên Xô trước trận Stalingrad lịch sử

Cuối năm 1941, Hồng quân Liên Xô đã khiến cho quân phát xít Đức thất bại thảm hại ở ngoại ô Moskva, sau khi đẩy lùi chúng ra khỏi thủ đô hàng trăm km. Do vậy, Bộ chỉ huy Liên Xô quyết định đã đến lúc phải thay đổi căn bản cuộc chiến, sau đó mở cuộc tấn công quy mô lớn trên tất cả các mặt trận.

“Quân Đức muốn câu giờ và có thời gian nghỉ ngơi. Nhiệm vụ của chúng ta là không cho chúng thời gian nghỉ này, đánh đuổi chúng về phía tây mà không dừng lại, buộc chúng phải tiêu hao hết lượng dự trữ trước khi mùa xuân đến… Phải đảm bảo đánh bại hoàn toàn quân đội Đức Quốc xã vào năm 1942”, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin khi đó nhận định.

Một trong những đòn đánh chính đã được lên kế hoạch nhằm vào Cụm tập đoàn quân Phương Bắc của Đức khi đó đang bao vây thành phố Leningrad. Ngày 7/1/1942, các lực lượng thuộc Mặt trận Tây Bắc dưới sự chỉ huy của Trung tướng Pavel Kurochkin đã tấn công vào các vị trí của địch tại khu vực hồ Ilmen và Seliger, mở rộng quy mô chiến dịch theo hướng Demyansk và Staraya Russa.

Chỉ huy Khẩu đội súng cối Cận vệ Vladimir Flankin viết: “Khu vực tây bắc có những bất lợi riêng. Tuy nhiên, ở đó hầu như không có băng giá khắc nghiệt và thời tiết cũng không quá nóng nực đến khó chịu. Khí hậu ôn hòa và quanh năm ẩm ướt. Nhưng xung quanh là những cánh rừng và đầm lầy…”.

Bất chấp địa hình hiểm trở và sự chống trả quyết liệt của quân Đức, Hồng quân Liên Xô vẫn tiến công theo nhiều hướng nhằm đẩy kẻ thù vào gọng kìm. Tư lệnh Quân đoàn 2 của quân đội Đức Quốc xã lo lắng xin phép Berlin được lui quân, nhưng nhận được câu trả lời dứt khoát: “Demyansk phải được bảo vệ đến người cuối cùng”. Kết quả là, ngày 20/2/1942, các đơn vị quân đội Xô viết đã khép chặt vòng vây gần làng Zaluchye, cắt đứt đáng kể lực lượng Quân đoàn 2 và Sư đoàn cơ giới “Dead Head” với tổng quân số lên đến 95.000 người.

Dưới sự kiểm soát của Cụm tập đoàn quân bị bao vây là một khu vực rộng 3.000 km vuông, nơi có ngôi làng lớn Demyansk và nhiều khu dân cư nhỏ. Ban lãnh đạo Đệ tam Đế chế Đức cấm gọi khu vực này bằng từ “nồi hơi”, mà thích sử dụng các cụm từ như “Pháo đài Demyansk” và “Thành trì ở phía Đông”.

Bộ chỉ huy Liên Xô nhận thức rõ rằng, kẻ địch khi đã rơi vào bẫy thì phải bị tiêu diệt càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Hồng quân nhằm xuyên thủng tuyến phòng ngự của Quân đoàn 2 hầu như không mang lại kết quả gì.

Trung tướng Pavel Kurochkin nhớ lại: “Kẻ thù chặn tất cả các con đường và lối tiến vào thuận lợi cho cuộc tấn công của chúng ta. Trong khi nếu di chuyển lượng lớn quân không theo những con đường đó thì sẽ rất khó để vượt qua tuyến phòng thủ này… Những cánh đồng yên tĩnh phủ đầy tuyết ở trước những ngôi làng có thể trong chốc lát biến thành địa ngục trần gian, ngay sau khi chúng tôi tiến hành cuộc tấn công. Mỗi mét không gian đều bị bắn xuyên bởi vô số súng máy và đại pháo nằm khuất trong các ngôi làng”.

Đối với Cụm tập đoàn quân Đức, việc bảo vệ “nồi hơi” cũng đòi hỏi toàn bộ các lực lượng phải căng hết sức mình. “Các cứ điểm được vũ trang và có nhân viên kiểm soát. Tất cả đều tham gia cho đến người lính cuối cùng, kể cả đầu bếp…”, Trung úy Martin Steglich viết trong nhật ký của mình.

Ivan Novokhatsky, chỉ huy Trung đội thông tin liên lạc của Trung đoàn pháo binh Cận vệ 37, kể lại cảnh tượng khủng khiếp trong hồi ký của mình: “Người Đức đã dựng những ụ chiến hào bằng thi thể của binh lính chúng ta, chất đống lại và dội nước lên…”.

Nếu không cung cấp thường xuyên lương thực, thực phẩm và đạn dược, thì quân của Tướng Đức Brockdorf-Ahlefeld sẽ không thể cầm cự được lâu, và chỉ huy Hermann Goering đã tung toàn bộ lực lượng hàng không vận tải tới để hỗ trợ “Pháo đài Demyansk”. Các nhóm không quân được rút khỏi Cụm tập đoàn quân Trung tâm và thậm chí khỏi cả Quân đoàn châu Phi. Do Không quân Đức vẫn kiểm soát trên không, nên Lực lượng không quân Liên Xô không thể ngăn chặn triệt để hoạt động của “cầu hàng không”. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp tế cho Demyansk, quân Đức đã mất hơn 100 máy bay vận tải Junkers-52 và oanh tạc cơ Heinkel-111.

Khi mùa xuân đến, quân Đức bắt đầu những nỗ lực phá vòng vây, và cuối cùng chúng đã thành công. Ngày 22/4/1942, tại khu vực làng Ramushevo, Tập đoàn quân của Trung tướng Walter von Seidlitz-Kurzbach đã gặp binh lính của Thiếu tướng Hans Zorn khi đó đang tìm đường thoát khỏi “nồi hơi”.

Cái gọi là “hành lang Ramushevsky” được hình thành có chiều rộng lên tới một km. Tuy nhiên, quân Đức đã mở rộng nó lên được 8km, đồng thời gia cố thêm các bãi mìn, hàng chục lô cốt và hỏa điểm. Những nỗ lực không ngừng của quân đội Liên Xô nhằm phá hủy đường tiếp tế này và khôi phục “nồi hơi” đã không thể dẫn đến bất cứ điều gì.

Thế nhưng, việc phòng thủ thành công tại “nồi hơi” Demyansk lại trở thành con dao hai lưỡi đối với Hitler. Tháng 11/1942, đội quân 300.000 binh của Thống chế Friedrich Paulus rơi vào bẫy ở Stalingrad, khiến trùm phát xít Đức cấm lực lượng này rời khỏi thành phố, vì hắn tin rằng Không quân Đức sẽ cứu nguy cho đội quân bị bao vây tại đây.

Tuy nhiên, Adolf Hitler đã không tính đến sự tích cực và hiệu quả hoạt động ngày càng tăng của Lực lượng không quân Liên Xô, cũng như điều kiện địa hình của Stalingrad hoàn toàn khác với Demyansk. Theo đó, phải bay hàng chục km qua những cánh rừng rậm và 200km trên thảo nguyên bao la, trong khi vượt qua sự phản công ác liệt của Lực lượng phòng không Liên Xô. Chẳng bao lâu sau, quân Đức Quốc xã phải trả giá đắt cho sai lầm này trong trận Stalingrad lịch sử.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN / RBTH

Tags: , ,