Trận Chư tan Kra 1968: Cuộc tử chiến giữa lính mũ sắt Hà Nội với Anh Cả Đỏ Mỹ

Buổi sáng ngày 26/3 năm ấy, mấy người lính anh nuôi bầy cơm nắm ra la liệt mà chẳng thấy mấy người về ăn, hu hu khóc: “Chúng mày ơi, đi đâu hết cả rồi?”. 70% lính mũ sắt Hà Nội tham gia trận đánh đầu đời đã không trở về nơi dấu quân, một số người đã chết trong bệnh xá tiền phương, còn tuyệt đại đa số họ, hơn 200 người đã nằm lại đỉnh Chư tan Kra trước lúc bình minh lên.

Loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra” đăng trên báo Thể thao & Văn hóa năm 2009.

Đất nước đã thống nhất 34 năm, nhưng với không ít người, chiến tranh vẫn còn đó, nguyên vẹn, day dứt, ám ảnh như vừa mới ngày nào. Một ngày cuối tháng ba, 5 “Việt Cộng Bắc Việt” giờ đã là những thương binh tóc hoa râm trở lại Trường Sơn tìm mồ chôn tập thể do Mỹ chôn cất, nơi hơn 200 lính người Hà Nội gốc – đồng đội của họ – đã cùng nằm lại miền đất đỏ Tây Nguyên ngay trong trận đầu nổ súng, mà 41 năm qua, vì nhiều lý do, hiu quạnh chưa một người thăm viếng, chưa một nén nhang của người còn sống.

1. Một chiếc xe Ford Everet đổ đầy xăng, khởi hành từ Hà Nội lúc trời còn tranh tối tranh sáng, xuyên đường Hồ Chí Minh thẳng hướng Tây Nguyên. Trên xe gồm có 5 người lính cũ của tiểu đoàn 7, trung đoàn 209, sư 312: Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, Phạm Minh Ngọc, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Văn Vĩnh, có thêm tôi cùng rất nhiều tăng võng, dao phát, đèn pin… và vô số đồ lễ chuẩn bị từ Hà Nội: vàng hương, thuốc lá, cam, có cả can rượu ngon gửi ra từ Hà Tĩnh do tự tay mẹ anh Đồng nấu, khi biết con đi tìm mộ bạn. Đường Trường Sơn xa xôi diệu vợi, thay nhau lái triền miên không nghỉ, để đến kịp giờ nổ súng năm nào làm giỗ, trong cái bồn chồn, nôn nóng được gặp lại đồng đội, cho dù giờ họ đã là người của các thế giới khác nhau. Đêm trước không ai ngủ được. Lật bên nọ, bên kia. 3h sáng, anh Ngọc còn trở dậy nấu cơm ăn một mình, rồi ngồi đợi. Hóa ra, đây mới chỉ là đêm đầu tiên trong chuỗi đêm dài mất ngủ suốt cả cuộc hành trình.

Chuyến đi này được ấn định một cách tình cờ từ cuối năm 2008, khi anh Vĩnh tìm được số di động của anh Đồng – một giám đốc đang làm ăn ở tận Lai Châu. “A lô, có phải Đồng lính mũ sắt Hà Nội đấy không”. “Vâng”. Rồi cúp máy. Hai tiếng sau anh Đồng gọi lại: “Ai vừa gọi lính mũ sắt đấy? Xin lỗi, tôi bị choáng…”. Và những câu đầu tiên hỏi nhau là mấy trăm anh em lính trẻ nằm xuống trong trận đánh đầu đời do Mỹ chôn đã được quy tập về chưa? Chưa thì phải đi tìm, không tìm thấy thì chắc kiếp này bọn mình chết không nhắm mắt.

Lính trận đánh đêm hôm, có lệnh là nổ súng, các chiến trường đều sử dụng ký hiệu bí mật, đâu có biết trận đánh xưa trong rừng thẳm giờ ở nơi nào? Thật may, sau trận đánh M2 – gọi theo tên quân sự, những người còn sống sót được nghe ca sĩ Y Moan da đen trũi tóc quăn tít, khi đó mới chỉ là một cậu bé vị thành niên, hát một bài “Mừng chiến thắng Chư tan Kra”, do nhạc sĩ nào đó soạn vội. Chư tan Kra, Chư tan Kra, cái tên ấy lập tức ăn vào nỗi nhớ, đi theo suốt cả những đời người. Chúng tôi vào Tây Nguyên mà chỉ có trong tay một tờ A4 in ra từ trang web travelingluck.com hướng dẫn khách du lịch, trong đó ghi tọa độ dãy núi này: 14.4o – 107.7o. Chư tan Kra ở đâu giữa Trường Sơn xanh thẳm núi rộng sông dài?

“Lính mũ sắt” là một trong những đơn vị được tuyển chọn đặc biệt, sức khỏe A2 trở lên, lý lịch ít nhất phải là Đoàn viên, và đều là người Hà Nội gốc. Sau khi luyện quân kỹ lưỡng ở Thái Nguyên như cõng đá ngay cả lúc nghe điều lệnh để rèn sức bền thể lực, đánh trận giả ở Hòa Bình… đơn vị bộ binh này được trang bị tối đa các quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó, như mũ sắt của Liên Xô, là đơn vị đầu tiên được sử dụng B41, và chuyển quân bằng xe Giải phóng vào chiến trường. Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27/3/1967, cùng đánh trận đầu tiên trong đời ở Chư tan Kra ngày 26/3/1968 và không ít người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại tại dải núi này.
.

2. Đường trường biết bao là chuyện. Nghe đâu Chính phủ sắp cho lính phục viên mỗi người một khoản tiền, như tớ 7 triệu, cậu chắc được 10 triệu đưa cho vợ. Chán quá nhỉ, bọn mình ra quân chẳng đứa nào vượt qua được cái đại úy. Các cậu biết không, dạo luyện quân tớ lén lấy mủ xương rồng xát vào cà cho sưng phồng lên, được về thăm nhà mấy ngày đấy. Tớ để lại cho thầy tớ cái mũ sắt để thầy ở nhà tránh bom, còn tớ cứ thế đầu trần mà quay lại đơn vị. Sao hồi ấy cậu không bầy chiêu đó cho tớ? Tớ bầy cho cậu để mà chết cả đôi à? Băng đạn AK tớ toàn lắp một viên phá đi kèm với một viên cháy, thằng nào vô phúc dính phải một loạt của tớ thì chỉ có toi. Tớ còn vác ra suối bắn thử, đạn cháy bắn xuống nước sáng xanh lè, chạy loằng ngoằng các cậu ạ. Mà cái vỏ đạn AK nó bằng thép, tớ ghè thử rồi. Nó không như đạn AR15 nhọn, nhỏ, nhẹ. Mấy chú lính mới cầm súng cũng không biết cách. Phải cầm ngang ra, khi bắn nó mới không nảy lên trời. Mà này, có ai còn nhớ mấy câu thơ về bọn mình hồi ấy không nhỉ? Đầu đội mũ thép/Chân đi dép lốp/ Không được về phép/ Không được ăn thêm.

Ôi mẹ ơi, đi thì hoành tráng thế, vào chiến trường rồi thì khóc này, sốt rét, hắc lào lở loét nữa này, mấy cái băng cứu thương khi rũ ra, giòi rơi ra con nào con nấy cứ béo nung núc. Nhưng nghe bảo vết thương mà có giòi thì lại nhanh lành, lạ thế. Tớ có 3 huân chương dũng sĩ, một diệt máy bay, hai diệt chiến xa, kể mà cho gộp lại thì mình có khi thành anh hùng cũng nên. Còn tớ có cái Huân chương chiến công, thằng cháu bị nhốt ở nhà buồn, nó gấp máy bay liệng luôn qua cửa sổ, không biết rơi đi hướng nào. Không khéo mình thức đêm riết đến bây giờ đâm quen. Dạo ở rừng cao su, cứ đúng 4h sáng là tớ “giải quyết nỗi buồn” phải xong, rồi lại nhảy xuống hầm. Chậm chút là đụng chúng nó lấp ló cũng “giải quyết” bên kia, rồi lại chơi lựu đạn vào nhau, thế có phải khổ ra không? Cho nên cứ phải là đúng giờ. Tớ có kinh nghiệm thế này: mùi nước hoa, mùi thuốc lá thơm là mùi Mỹ, mùi phân ị không lấp là mùi Ngụy, cái bọn ấy sao mà mất vệ sinh thế, ha ha. Này, trong người tớ giờ vẫn còn rất nhiều mảnh đạn nhỏ li ti mổ không hết, không biết là loại gì? Tớ chỉ nghe tiếng nổ “cóc” một cái là đã ngất đi. Cậu dính phóng lựu M79 rồi. Cái tiếng “cóc” ấy chỉ có của “thằng” M79 thôi.

Anh Ngọc kể: vào chiến trường, đi qua thấy một cô người Hoa đẹp quá, tớ còn bỏ hành quân ngồi thụp xuống 1 giờ, chỉ để ngắm cô ấy. Mà này, bọn ở Hà Nội vừa gọi điện chửi tớ. Bảo là mấy thằng “đại gia” trốn đi tìm anh em, không cho chúng nó đi theo, khinh bọn mình mỗi thằng 15 phút; tớ bảo, khuyến mại thêm cho 5 phút nữa đấy, tiền trạm đã rồi khi về tớ kể cho mà nghe. Anh Vĩnh kể: nhập ngũ, mẹ tớ còn dấm dúi cho một đồng cân vàng phòng thân, khâu vào trong cổ áo. Cái áo ấy tớ mặc cho đến tận ngày ra quân, vàng ở chiến trường thì biết tiêu vào việc gì? Anh Chúc kể: mẹ tớ thì cho tớ một củ sâm Cao Ly, bảo là khi thật nguy cấp thì hãy dùng đến. Ai ngờ ngay trận đầu đã dính đạn, dùng sạch.



3. Thoắt vui, rồi lại thoắt buồn. Anh Đồng nói: hòa bình rồi mà tớ vẫn phải lủi thủi gác cái kho đạn suốt cả năm trời không ai đến nhận bàn giao, cho mãi tới 1976 tớ mới nhìn thấy mặt đường nhựa. Anh Vĩnh kể: Có ai biết bài thơ tâm lý chiến thả xuống từ máy bay không? Đây: Con nhớ ngày lên đường xa mẹ/ Theo anh em dấn bước vào Nam/ Non xanh nước biếc chập trùng/ Sớm nắng chiều mưa rừng cơm vắt/ Tuổi thanh xuân cuộc đời như hoa nở/ Vì hòa bình đâu có ngại bước gian nguy… Ý là muốn mình nhớ mẹ, nhớ quê mà trốn ra Bắc hoặc chịu chiêu hồi. Rải đầy rừng, dầy cả gang tay. Hồi ấy có lệnh cấm đọc, có cậu ở đơn vị tớ chấp hành nghiêm chỉnh đến nỗi, đi ị nhưng không dám lấy truyền đơn chùi, dùng nhầm lá han nên bỏng rộp hết cả, lúc hành quân nó chỉ mặc mỗi áo thôi. Ừ, hồi ấy bọn mình chuyển quân bằng cả lối voi đi, cây rẽ sang hai phía hình chữ V, phân còn nóng hôi hổi. Anh Ngọc nói: tớ vào đến Sài Gòn, một bà má nấu cơm cho mấy đứa ăn. Nhìn lên bàn thờ thấy ảnh con má là lính Ngụy, tớ hỏi anh nhà ở đơn vị nào? Bà bảo, nó ở chiến đoàn 52. Tớ rùng mình, chiến đoàn này với bọn tớ quần nhau cả năm trời ở miền Đông, chết không biết bao nhiêu mà kể, ngồi ăn mà cứ lo hão không khéo bà cụ… bỏ thuốc độc! Tôi hỏi: các anh đều là thương binh cả? Anh Ngọc nhìn tôi bằng con mắt phải còn lại: tôi nói thế này để cậu hiểu, mình đã cầm súng lên rồi thì sao bản thân mình lành lặn được? Anh Đồng lại nói: đến bây giờ thì tớ cho rằng, bọn mình đi qua chiến tranh, cứ được sống thêm được một ngày là đã lãi một ngày rồi.

Chiến lệ là các trận đánh, có thể thành hay bại, được tổng kết và biên soạn lại thành bài giảng cho các sĩ quan học, minh hoạ cho một chiến thuật hay một vấn đề nào đó trong trong thực hành chỉ huy chiến đấu, đầy đủ sa bàn, lực lượng hai bên, diễn biến trận đánh cũng như thương vong và dư luận sau đó. Nhưng Chư tan Kra – trận đánh chấn động nước Mỹ (xin nhấn mạnh) – không có chiến lệ. Nó chỉ có trong ký ức mãi mãi không thể nào quên của chừng một trăm người còn sống của tiểu đoàn 7, sư 312 ngày ấy.

4. Anh Ngọc kể: các cậu biết không, trước mỗi trận chống càn, nghe tiếng cánh quạt trực thăng lạch phạch bay lấm chấm như ruồi trên đường chân trời dội tới, hoặc tiếng pháo bầy rít trong gió, tim tớ như thắt lại. Xe tăng đi sau, xe ủi đi trước, bao nhiêu mìn chống tăng bọn tớ cài đều bị ủi tung lên cả. Loại mìn này phải đủ trọng lượng đè lên thì mới nổ, không thì phải dùng kíp. Còn loại mìn định hướng DH 10 mà tớ mất toi con mắt trái, ông mãnh đi cùng tớ để dây cháy chậm dài quá, đã thế lại chôn cách hầm có 2m, tớ thụp xuống đếm đúng đến 5 thì chồm dậy quạt AK, ai ngờ 2 giây sau mới nổ, thổi bay cả trung đội địch phía trước nhưng dội mảnh về sau toi luôn cả con mắt trái của tớ.

Nghe tiếng nghiến của xích sắt, nhìn lính lố nhố đi sau, bộ binh có, bắt tỉa thi thoảng cũng có, mười trận cái cảm giác sợ ban đầu ấy giống như nhau cả mười. Nhưng khi đạn bắt đầu nổ thì tớ bình tĩnh lại, đầu hoàn toàn trống rỗng. Đánh địch vận động, mình cứ nổ súng xong là trực thăng nó ùa tới. Anh em túm tụm chạy một đường, còn tớ thì chạy một đường. Bao giờ nó chả đuổi theo đám đông? Không biết có phải thế mà tớ sống sót không? Lỡ có lạc, tớ phải kiếm chỗ nào ngủ phát cho tỉnh táo đã, rồi 1h chiều bắt đầu đổ bóng mặt trời tớ cứ cắt hướng Tây mà về, là tới đơn vị. Đi giữa trưa, la bàn không có thì chỉ có lạc thôi. Chống càn chính mắt tớ trông thấy anh em có đứa bị sập hầm, xe tăng của nó biết bên dưới có lính mình, cứ chà đi chà lại trên nóc. Bây giờ thi thoảng bố nó lại đến hỏi tớ, cậu có tin gì về em nó không? Tớ toàn phải trốn, không dám gặp. Hòa bình rồi mà tớ vẫn còn phải nghe tiếng súng đấy. Dạo tớ mới ra quân, đi câu cá trộm, bị một chú bắn chỉ thiên. Đòm được một phát thì thấy chú ta loay hoay loạch xoạch. Tớ đứng bên này hồ cười to: bị kẹt đạn là khổ lắm em gì ơi. Anh Đồng nói: bọn mình có đi như thế này mới hiểu về nỗi ám ảnh chiến tranh của các cựu binh.

Anh Vĩnh kể: Hồi bọn mình nhập ngũ phiên hiệu đơn vị là C5, D7, E209, F312, nhưng vào đến chiến trường thì đổi tên thành Công trường 320, Nông trường 1. Công trường là tiếng lóng của cấp Trung đoàn, Nông trường là của Sư đoàn. Tớ nằm trong đại đội hỏa lực B41, nhưng ban đầu chỉ được phân công vác tòng teng mỗi ba quả đạn cùng mấy trái lựu đạn và thủ pháo. B41 bắn khiếp thật, tầm bắn 500 – 600m trên mặt đất, nóng tới 4.000 – 4.5000C. Các con giời bên kia cứ nghe tiếng B41 là biết ngay đang ở gần các Anh Hai Bắc Kỳ. Đoành tiếng nổ đầu nòng, rồi không cần nhìn, chỉ cần nghe bùng một phát là trúng rồi. Cứ mỗi lần bóp cò xong là một lần bị lộ vị trí, pháo của nó dập tới như mưa, bọn tớ toàn phải đặt súng lên cái chạc rồi buộc giây vào cò giật nổ, rồi chui ngay vào hầm. Vãn tiếng pháo lại chui lên làm phát nữa. Không biết có phải vì thế mà tớ còn sống không, chứ bom đạn mù trời có tránh mình thì tránh chứ mình làm sao mà tránh được? Nó không tránh thì giờ cũng xanh cỏ cả rồi.

5. Lại anh Vĩnh kể: Bọn tớ vào Kon Tum đợt ấy là được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Kleng – một trung tâm huấn luyện biệt kích, thám báo của Việt Nam Cộng Hòa. Không hiểu trong lúc hành quân để lại nhiều dấu chân hay có ông nào đánh rơi vỏ bao thuốc lá Bắc gì đó khi bò vào trinh sát hay không, nhưng bị lộ. Mỹ lập tức pháo kích, điều B52 ném bom rải thảm vào những chỗ nghi bọn tớ ém quân, rồi khoảng 10h sáng nhảy ra tạo một cứ điểm chặn đường tấn công. Đó chính là Chư tan Kra. Chúng thả chất độc hóa học trên các đỉnh núi xung quanh, còn cứ điểm chính thì ném bom phát quang trước để đào công sự và ném bom cháy để không bị rừng cây rậm rịt hạn chế tầm nhìn. Sau đó, chúng cho cần cẩu bay CH 47 Chinook trước hết cẩu máy ủi tới, rồi cẩu pháo tới lập trận địa, sau đó là dây thép gai và cả lô cốt di động đúc sẵn. Chỉ trong hai ngày, cứ điểm đã xong, chót vót trên đỉnh núi khoảng 1 tiểu đoàn lố nhố cả da trắng lẫn da đen. Bọn tớ nấp trên sườn đồi bên này còn nghe rõ tiếng xì xồ của công binh Mỹ. Buổi chiều, trực thăng mang nước tới, cả tiểu đoàn Mỹ thay nhau trần như nhộng tắm dưới nước thả từ trên không xuống. Rất ngạo mạn. Về sau này mới biết, đó là lính của Sư đoàn Anh Cả Đỏ Mỹ. Bọn tớ lính mới, trang bị tới tận chân răng, dọc đường hành quân thương binh chuyển ngược ra Bắc ai cũng bảo, các ông không đi nhanh thì vào Sài Gòn nhặt ông bơ à, nhìn thế nóng máu lắm.

Thời điểm này Mỹ thường xông ra tiền tuyến để “làm gương” cho lính Việt Nam Cộng Hòa. Tiểu đoàn 7 xin nổ súng vì nhận định rằng, nếu không đánh Chư tan Kra sẽ không thể đánh được Kleng, và nếu không đánh sớm thì đỉnh núi này sẽ ngày càng kiên cố hơn, hàng rào dây thép gai mỗi lúc một bò xuống sát chân núi hơn. Càng đánh sớm, càng bớt xương máu. Trên cho phép 3 đại đội của tiểu đoàn 7 mật tập, công kiên vào Chư tan Kra. Anh Đồng nói: nguyên tắc công kiên – tấn công trận địa kiên cố – là lực lượng phải từ 3 đến 5, thậm chí là 10 đánh 1. Vậy mà lính mũ sắt Hà Nội xin đánh một tiểu đoàn Mỹ trong lô cốt, chiến hào, công sự. Dám “chơi” như thế cơ mà! Có lẽ sau Tết Mậu Thân, truyền thông Mỹ thổi phồng việc Việt Cộng đã kiệt quệ trên mọi chiến trường, nên cũng không ngờ có thể bị đánh một trận vỗ mặt như vậy.



6. Đó là đêm 25/3/1968. Các đơn vị của tiểu đoàn 7 im lìm nằm phục trên các triền đồi của đỉnh Chư tan Kra, hướng lên phía cứ điểm Mỹ trên cao. Trong tay là súng, trước ngực là cơ số đạn cá nhân, thắt lưng là lựu đạn, buộc chéo trên vai là chiếc võng dù bất ly thân, chiếc “áo quan di động” sẽ được quấn quanh người nếu chẳng may chủ nhân nằm xuống. Thời gian như dài cả trăm năm. Cỏ Chư tan Kra mọc trên đất đỏ thật sắc, nhưng đọt cỏ vẫn ngọt và mềm. Chỉ có tiếng súng bắn cầm canh hú họa từ lô cốt, và vài quả đạn pháo từ hướng sân bay Kleng vu vơ bay tới. Khoảng 2h sáng ngày 26/3/1968, một phát pháo hiệu của chỉ huy trận đánh bay vụt lên bầu trời đêm, ngay sau đó vang lên tiếng kèn xung phong, đúng như bài tập. Lập tức tiếng mìn DH10 dựng chếch để thổi tung hàng rào dây thép gai thi nhau nổ. Cửa mở. Đồng loạt những tiếng thét xung phong vang lên bốn phía. Tiếng cối 60, cối 82 thi nhau rót vào cao điểm, tiểu liên AK nổ đanh gọn từng loạt ngắn, tiếng đại liên bắn lên như xé vải, tiếng lựu đạn, rồi tiếng thủ pháo chuyên dùng để diệt hầm ngầm thi nhau nổ. B41 bắt trượt lô cốt phụt thẳng lên trời, súng phun lửa tạo nên các quầng sáng chói mắt, chạy loằng ngoằng trong công sự. Xung phong, lớp nọ đến lớp kia.

Tiểu đoàn Mỹ trên Chư tan Kra hỗn loạn. Tiếng hét, tiếng tiểu liên cực nhanh AR15, tiếng các ụ đại liên khai hỏa. Pháo dù bắn tứ tung bốn phía sáng như ban ngày, mìn định hướng Claymore thổi ngược xuống chân núi. Chỉ ít phút sau pháo bầy ùa tới dập xuống khắp bốn phía chân cao điểm, rồi máy bay tiêm kích Mỹ lao tới cắt bom. Một chiếc máy bay vận tải C130 chở súng máy có tốc độ bắn 6.000 phát/phút được điều tới, điên cuồng vãi đạn xuống xung quanh Chư tan Kra theo hình xoáy trôn ốc, càng lúc càng thu dần lên đỉnh. Ai đó ở tiểu đoàn đã chĩa thẳng đại liên lên trời bắn C130 mà không biết rằng không bắn tới.

Ròng rã tới khi trời hửng sáng, cả tiểu đoàn Mỹ giờ chỉ còn co cụm lại duy nhất trong chiếc lô cốt mẹ trên đỉnh Chư tan Kra. Trực thăng Mỹ bắt đầu ùa tới đổ thêm quân, tái chiếm cao điểm. Pháo bầy vẫn không ngừng bắn, thêm cả bom B52 rải rung chuyển các hẻm núi xung quanh.

Buổi sáng ngày 26/3 năm ấy, mấy người lính anh nuôi bầy cơm nắm ra la liệt mà chẳng thấy mấy người về ăn, hu hu khóc: “Chúng mày ơi, đi đâu hết cả rồi?” 70% lính mũ sắt Hà Nội tham gia trận đánh đầu đời đã không trở về nơi dấu quân, một số người đã chết trong bệnh xá tiền phương, còn tuyệt đại đa số họ, hơn 200 người đã nằm lại đỉnh Chư tan Kra trước lúc bình minh lên.

Một sỹ quan của huyện đội Sa Thầy, Kon Tum khẳng định, Chư tan Kra ở đây chứ không thể ở huyện nào khác cả. Bản đồ quân sự tuyệt mật được mở ra để cùng nhau xác định lại cao điểm mà, Mỹ đã từng đổ quân chặn hướng tấn công. Hóa ra Chư tan Kra hùng vĩ dài tới gần chục km, và có tới 7 đỉnh núi lớn. Chiến trường xưa ở chỗ nào? Huyện cắt cử hai trung úy và hai binh nhất vừa để dẫn đường vừa mang vác hộ đồ đạc tới bất cứ nơi nào mà các anh muốn tới. Dốc ngược. 5 người thương binh dè sẻn từng bước một. Nắng gắt, xói đỏ những phần da thịt để trần. Ngày 25/3/2009, chúng tôi chia nhau thành hai hướng, lang thang trên triền Chư tan Kra, đi qua hết cơn mồ hôi này đến cơn mồ hôi khác. Các ký ức được lục soát, mọi giác quan được đánh thức. Hồi ấy tớ chuyên lấy góc phương vị cho cối 82 từ dưới chân ngắm lên đỉnh, sau trận này tớ còn đi vòng quanh nã hơn trăm phát vào cứ điểm trả thù, tớ nhớ thế này; tớ đi điều nghiên trinh sát tớ nhớ thế này; hôm ấy tớ là liên lạc cho thủ trưởng đại đội, tớ nhớ thế này… Có phải đây không, giữa vùng đất bạt ngàn cổ thụ ngày nào giờ chỉ còn là một thung lũng hoang tàn đất đỏ. Chỉ còn 24h nữa thôi, phải tìm cho được, ngày mai đã là cái giỗ đầu tiên sau 41 năm hiu quạnh của “tụi nó” rồi.

Trên một con dốc, tôi quay lại thấy anh Ngọc đứng thở dốc và lẩm bẩm với một con châu chấu voi đang giã gạo trên tay: Châu chấu voi ơi, mày có biết đồng đội tao nằm ở nơi nào không? Sóng di động chập chờn. Anh Đồng gọi: hẻm bên này dân sơn tràng bảo từng nhặt được hàng trăm mũ sắt, chắc chắn là nơi bọn mình đã ém quân. Cuối chiều, anh Vĩnh gọi về từ một mỏm núi: tớ tìm thấy công sự của Mỹ rồi.

7. Tờ tin “Lập công” của các lực lượng vũ trang giải phóng Tây Nguyên số ra ngày 28/3/1968 viết: “Đêm 25 rạng sáng ngày 26/3/1968, K4 (mật danh Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209) đã đánh một trận tập kích tốt, tiêu diệt gần hết một Đại đội bộ binh, một đại đội pháo binh và một tiểu đoàn bộ Mỹ. Giặc Mỹ đã phải thừa nhận: “Đây là một trận đánh rất táo bạo, phía Mỹ đã bị thiệt hại vừa”. (Thiệt hại nặng phía Mỹ mới thừa nhận như vậy). Để đánh thắng, các chiến sỹ K4 đã nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường vượt qua hy sinh ác liệt, quyết tâm xốc tới tiêu diệt quân thù.

Cuốn “Lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, NXB QĐND năm 1980, trang 135 viết: “Nổi bật trong đợt này là trận Chư tan Kra ngày 26/3/1968, diệt gọn 2 đại đội và một trận địa pháo Mỹ. Tại đây diễn ra nhiều cuộc giáp chiến giữa ta và địch. Chiến sĩ ta dùng lựu đạn, thủ pháo giành giật với địch từng khẩu pháo, từng mỏm đồi dưới tầm bom đạn ác liệt để giữ vững các điểm cao”.

Cuốn “Lịch sử trung đoàn 209, Sư đoàn 7”, NXB QĐND 2004, trang 94 – 95 viết: “Trong trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc núi Chư tan Kra), 204 lính Mỹ đã bị tiêu diệt, ta bị thương và hy sinh hơn 200 đồng chí. Trận đánh Mỹ đầu tiên tại cao điểm 995, trung đoàn không dứt điểm nhưng là trận đánh mở màn của trung đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ. Trận đánh đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu gan dạ, không sợ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 209, đó chính là truyền thống của một trung đoàn đã được xây dựng từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Hôm nay, truyền thống đó lại tiếp tục phát huy trên chiến trường chống Mỹ. Nhiều gương chiến đấu anh dũng đáng được nêu gương học tập như đồng chí Nhạc (đại đội phó đại đội 1) bị thương lòi ruột, tự tay mình nhét ruột vào để tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu; như đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm một mình ôm bộc phá xông lên diệt lô cốt địch cho bộ đội xung phong, rồi sau đó chỉ huy bộ đội chiến đấu liên tục cho đến lúc hy sinh”.

Cũng trong cuốn sách trên, trang 99 viết: “Ngày 28/3/1968, trung đoàn được lệnh cơ động về vị trí tập kết ở dọc sông Sa Thầy để củng cố, bổ sung quân, rút kinh nghiệm và nhận thêm súng đạn, lương thực, thuốc men… Trong khi trung đoàn đang tập trung rút kinh nghiệm thì trên thông báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường trực Quân ủy Trung ương “nhiệt liệt khen ngợi những thành tích vừa qua của quân dân Tây Nguyên”, đồng thời chỉ thị “hãy thừa thắng xông lên, đánh mạnh, đánh trúng, đánh giòn giã hơn nữa”.

8. Tại thôn 4 thị trấn Sa Thầy, Kon Tum, chúng tôi gặp Ka Pa Rối, 62 tuổi, cựu cán bộ của huyện đội H67, thương binh ¼ cụt cả hai chân, đang ngồi hóng mát trên xe lăn ở hiên nhà. Ka Pa Rối hỏi ngay, mấy cậu vào đây tìm anh em hả? Tớ biết đêm tháng 3 năm ấy anh em mình hi sinh ghê gớm lắm, bò vào đến hàng rào thứ 3 chúng nó mới biết. Đã có cựu chiến binh Mỹ về đây tìm hài cốt, qua hỏi tớ có chôn ai người Mỹ không, tớ bảo đồng đội tao còn chưa chôn được kia kìa. Quanh Sa Thầy đây, mà tớ quen gọi là “Sa Lầy”, B52 rải ác liệt vô kể, một nhát xẻng xúc lên thấy 3 – 4 anh cùng nằm dưới một gốc cây. Ka Pa Rối bắt cả đoàn vào nhà uống rượu cần, rồi giải thích bằng tiếng Gia Rai: Chư tan Kra nghĩa là “núi chính giữa”.

9. Sáng sớm 26/3/2009, chúng tôi qua chợ Sa Thầy sắm đồ lễ cho đám giỗ tập thể đầu tiên sau 41 năm. Mấy anh đã đặt nhà hàng ở huyện hai nồi xôi nếp, hai con gà luộc, ở chợ mua thêm hương nến, vàng mã, hai nải chuối còn xanh, bó cúc vàng, túm muối, mấy gói thuốc lá Ngựa, cân chè… Lính chết trẻ chưa biết yêu là gì, bọn mình có nên mua trầu cau không? Cái gì cũng hỏi nhau, bàn bạc cẩn thận. Chúng tôi leo lên một chiếc xe Reo chuyên đi nương của bà con để thuê chở tới nơi cùng kiệt của đường mòn. Lại dốc ngược. Lại nắng đổ lửa. Lại những cơn mồ hôi thấm đẫm sống lưng. Chiến trường đi vẫn khó nhọc như xưa, chỉ khác là hòm đạn pháo vác trên vai ngày nào giờ được thay bằng thùng bia Hà Nội. Anh Vĩnh chia cho các bạn mấy lát sâm Hàn, còn anh Đồng thì chia thuốc viên tăng lực. Đường rừng lúc bạc phếch nắng, lúc bóng ngả âm u. Những triền đồi rải chất độc hóa học, sau bao năm tháng vẫn vàng ệch một mầu cỏ cháy. Tiếng cưa bằng máy của lâm tặc liên tục dội tới, xót xa. Hẳn thợ sơn tràng không biết nơi này từng thấm máu biết bao người. Dãy nhà những người Thái – người Mường Thanh Hóa di cư vào ở giữa thung lũng Chư Mom Ray mỗi lúc một bé lại sau lưng. Càng lên gần tới đỉnh cao 995, công sự, hố bom, lô cốt, hầm cá nhân càng dầy đặc. Mưa rừng Tây Nguyên dù dữ dội, vậy mà bao nhiêu năm tháng qua nơi đây dấu tích vẫn còn nguyên, dường như các vong hồn vẫn có ý chờ đồng đội tới.

Ở một rừng cây gần sát đỉnh, chúng tôi hạ trại, mắc võng theo cách mắc thời chiến, càng ngồi càng chắc, nếu có lệnh di chuyển chỉ cần với tay giật đầu dây cuốn lại là có thể tiếp tục hành quân. Chúng tôi chọn nơi có hai thân cây đổ vắt lên nhau, chặt cành xếp lên thật chắc chắn, làm một cái bàn thờ dã chiến. Hương nhanh chóng bay lan tỏa. Năm người lính mũ sắt Hà Nội đều chảy nước mắt, xếp hàng khấn: bọn tớ là Đồng, Chúc, Ngọc, Vĩnh, Tứ, xin được thay mặt anh em trung đoàn 209 vào thắp nén nhang cho các cậu. Ngày mai 27/3, anh em ở Hà Nội sẽ họp để tập hợp danh sách các cậu còn nằm lại ở đây. Các cậu bàn nhau xem, nếu muốn được quy tập về thì bọn tớ sẽ công bố thông tin, làm việc với các cơ quan chính quyền, quân đội, nhờ giúp đỡ. Còn nếu chỉ muốn ở đây với nhau thì bọn tớ sẽ dựng một tấm bia dưới chân núi đề tên từng người một.

Sau trận đánh Chư tan Kra, Mỹ giữ quyền làm chủ trận địa nên đã thu gom xác lính Hà Nội lại một chỗ, dùng xăng đốt để giữ vệ sinh chiến trường, rồi ủi hố chôn tất cả ngay trên đỉnh núi. Vong hồn hơn 200 người các anh chỉ quanh quẩn ở đâu đây thôi, dưới lớp đất này, hoặc gốc cây kia, lặng lẽ như một bí mật trong lòng đất mẹ. Tôi không biết xương người cháy, lại chôn tập thể, liệu còn có thể xét nghiệm được AND hay không? Và tôi khó mà có thể quên được cái giật mình của một cán bộ huyện Sa Thầy: ở Chư tan Kra này mà mấy anh chết nhiều đến thế ư? Sự kinh ngạc đó không hề có lỗi. Thời gian mà. 41 năm cũng đủ dài để một đời cây xum xuê tỏa bóng, ngay trên gốc rễ bị bom phát quang phạt cụt ngày nào. Tôi sinh ra trong thời bình, và chưa bao giờ cảm thấy mình “ở gần chiến tranh” đến vậy. Tôi xin được là người hóa vàng mã, tại đỉnh Chư tan Kra hôm ấy. Trên mấy tấm lá chuối rừng, suốt gần một giờ đồng hồ, vàng mã cháy mãi. Trời đột nhiên ngưng gió. Các tàn hương cong trĩu nặng. Kể từ ngày hôm nay, các anh không còn là những vong hồn nữa. Vì bè bạn vẫn còn đây, đồng đội vẫn còn đây.



10. Biết chúng tôi ở Chư tan Kra về, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, Giám đốc Học viện Quốc phòng vừa nghỉ hưu, nhắn qua nhà. Ông nói: các cậu vào tận Tây Nguyên tìm anh em, ở lại ăn với anh chị bữa cơm, vừa ăn ta vừa nói chuyện.

Cùng luyện tập, cùng hành quân với nhau vào Nam, thời điểm xảy ra trận chiến Chư tan Kra, tướng Trị là chính trị viên đại đội của tiểu đoàn 8. Ông nói: Ai có vào Nam ngày ấy mới thấy câu thơ này chính xác: Trường Sơn mây núi lô xô/ Quân đi, sóng lượn nhấp nhô, bụi hồng. Bọn mình phải gọi là lính trung đoàn mũ sắt mới phải, toàn giục nhau đi nhanh nữa lên, không mũ sắt chưa bong sơn thì đã giải phóng rồi.

Chư tan Kra có lẽ là trận đánh duy nhất ở miền Nam thổi kèn đồng xung phong, và là trận đánh đầu tiên của cả trung đoàn, chủ công là tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 9 dự bị, tiểu đoàn 8 không tham gia, do còn cách khoảng 1 – 2 trạm giao liên. Nếu tổng công kích Mậu Thân đợt 1 là đánh vào sào huyệt diệt Ngụy ở các thành phố lớn, thì trận này là đánh Mỹ, mở ra một hướng không chỉ đánh địch vận động bên ngoài đồn bốt mà ngay cả trong căn cứ, buộc Mỹ phải tung quân ra ngoài sông Sa Thầy, tạo điều kiện cho các đơn vị khác đánh vận động, đánh điểm diệt viện.

Tướng Trị ngậm ngùi: Sau trận này, B52 ném bom phá đường tiếp tế, anh em bị bao vây đói nửa tháng trời. Lính Hà Nội mà phải bắt cua, hái môn thục, đọt sắn, lá tàu bay, rau dớn để ăn. Không chỉ có người dương đi tìm người âm đâu các cậu ạ, mà người âm cũng đi tìm người dương đấy. Khi các cậu đi tìm mộ, tôi ở nhà cũng bàn với cậu Toàn – trợ lý quân lực trung đoàn, phải lấy cho được hồ sơ của anh em nằm lại ở trận này.

Cách tiến hành là lọc danh sách qua ngày hy sinh (26/3/1968) và ngày nhập ngũ (27/3/1967), lại là con em gốc Hà Nội thì đúng rồi. Tôi sẽ vào Kon Tum làm bia, đưa vong linh anh em về nghĩa trang liệt sĩ.

Tướng Trị đưa các đồng đội cũ qua nhà vị Trung tướng Lê Hữu Đức, người nổi tiếng với biệt danh “hổ cụt Tây Nguyên”. Tướng Đức ngày ấy là Sư phó, trung tá, và là người trực tiếp đốc chiến  trận Chư tan Kra. Ông nói: Tôi được gọi về để chuẩn bị cho trận đánh Kleng, tôi và 3 đặc công bò vào trinh sát, đến đêm thứ 3 thì bị lộ, một trinh sát bị pháo hi sinh. Mỹ thấy động, nhảy ra tạo cứ điểm Chư tan Kra. Tôi điện cho anh Hoàng Minh Thảo, tư lệnh mặt trận Tây Nguyên: “cá đã vào lờ, xin đánh”. Khi trung đoàn 209 vào, anh em báo với tôi là có đơn vị chân đi ghệt, đầu đội mũ sắt, mặc áo Tô Châu, tưởng là địch. Khi tôi nhìn thấy ông Toàn thì mới biết là không phải, bí mật tới cỡ đó. Sau Mậu Thân đợt 1, tướng tá Mỹ ở miền Nam rêu rao, chiến tranh chỉ cần 5 – 6 tháng nữa là kết thúc.

Chư tan Kra phải gọi đúng là tập kích chiến lược, trận đánh hay nhất của toàn miền Nam đợt 2, đánh bại đơn vị con cưng địch; kết quả của nghệ thuật quân sự và ý chí quyết thắng vượt sự tưởng tượng này đã khiến cho nước Mỹ chấn động, và từ đây bắt đầu bùng nổ phong trào phản chiến.

11. Trong quá trình ráp nối tư liệu, chúng tôi gặp lại khá nhiều lính mũ sắt Hà Nội đã tham gia trận Chư tan Kra, mà mỗi người trong số họ thực sự là một cuốn tiểu thuyết sống.

Đinh Tiên Phong, người bị Mỹ bắt trong trận này kể: “Sau khi đơn vị nổ súng khoảng 30 phút, tớ qua được hàng rào thì dính đạn AR15 vào tay trái. Khi cậu Linh đang băng cho tớ thì pháo dập tới, tớ gãy tiếp cả hai chân. Tớ bảo Linh đi đi, tớ chắc không sống được. Khi tớ tỉnh dậy khoảng lờ mờ sáng thì đã thấy xác lính ta, lính Mỹ nằm đầy xung quanh. Tớ cố bò xuống chân núi, bò qua cả xác ta và xác Mỹ, được khoảng 100m. Tớ cứ bò được mấy mét thì lại một lần ngất. Đến lòng suối cạn, tớ bị vướng một cái cây đổ không bò qua nổi, cứ trườn lên lại trượt xuống. 4h chiều ngày 26/3/1968, tỉnh lại tớ thấy mình đang nằm dưới rệ, xung quanh có tiếng Mỹ xì xồ. Nhắm mắt nằm im, thôi thế này mình chết chắc rồi. Lật lên thấy tớ còn thở, 4 thằng cắt võng sau lưng tớ, khiêng ngược lên đỉnh. Xung quanh không thấy xác Mỹ nữa, chỉ thấy xác anh em. Tụi nó tiêm cho tớ một mũi, rồi quẳng lên trực thăng đưa về bệnh viện Pleiku, khoảng 7h tối thì bác sĩ Mỹ gây mê và làm phẫu thuật. Sáng hôm sau tỉnh dậy thì đã thấy quấn băng đầy mình, nằm giữa không biết bao nhiêu là lính Mỹ, cả da trắng lẫn da đen, cũng quấn đầy băng như tớ. Hai ngày sau, tớ bị chuyển về Quy Nhơn. Thằng Mỹ hỏi cung qua phiên dịch người Việt, thi thoảng lại vặn cái chân bị thương của tớ một cái, nhưng bác sĩ Mỹ đứng cạnh can thiệp, không cho làm như thế. Tớ khai tên là Vũ Thế Hải, người Hà Nam, lính mới chả biết gì. Cái tên ấy tớ phải cố mà nhớ lấy nó, lần sau khai khác đi thì chết. Sau 5 tháng, các vết thương của tớ lành thì bị chuyển về nhà tù Biên Hòa, rồi nhà tù Phú Quốc. Vào tù rồi thì bị cai ngục Việt Nam Cộng hòa đánh cho cẩn thận, chi tiết lắm. Tớ được trao trả tù binh năm 1973, bay bằng C130 từ Phú Quốc ra vĩ tuyến 17. Đời mình kể cũng lạ, vào chiến trường bằng xe Giải phóng, ra khỏi chiến tranh bằng máy bay. Lính Mỹ mà không tìm thấy thì tớ cũng đã chết trên đỉnh Chư tan Kra ấy rồi”.

Đặng Nhiên, Trung đội phó trinh sát trung đoàn kể: “Tớ bò vào trinh sát Chư tan Kra, thấy hớ hênh lắm, và còn tranh thủ lôi ra được một tải đồ hộp đánh chén. Không biết tiếng Anh nên tớ đưa nhầm cho ông Cảnh một thùng thìa, bị ông ấy mắng mỏ là tớ chơi đểu. Trận này mình diệt gọn nhưng cũng chết gần gọn, riêng 5 trinh sát bọn tớ đã lôi được gần 10 anh em bị thương ra khỏi trận địa, dọc đường gặp vận tải Miền lôi đỡ. Trên đài quan sát M2, tớ nhìn thấy Mỹ sau đó đã đánh bom suốt gần 3h, thả cả bom xăng để hủy trận địa, rồi lại cẩu máy ủi lên, làm lại chiến hào, công sự”.

Đỗ Đức Văn, trung đội đại liên K57 kể: “Tớ bị thương nằm ở trận địa gần 3 ngày mới được anh em đi mò xác lôi ra. Tớ thấy anh em tử sĩ bị thu gom lại, đẩy xuống hố bằng máy ủi, rồi dùng xăng đặc đốt, sau đó lấp đất. Độ sâu anh em nằm khoảng 2m”.

Đến thăm nhà, những người lính mũ sắt vẫn gọi ông Hoàng Đăng Dỹ, chính trị viên phó tiểu đoàn 7 năm ấy là “thủ trưởng”, như ngày nào còn trong đơn vị. Trong giải phóng Điện Biên, ông Dỹ là chính trị viên của đại đội bắt sống tướng De Castries. Trận Chư tan Kra, ông Dỹ khi đang ra lấy thương binh ngay đêm ấy cùng trưởng ban tác chiến trung đoàn thì cảm thấy ngực trái bị đập rất mạnh, sờ thấy máu. Khương ơi, tao bị pháo rồi. Rồi phải lần theo đường dây thông tin về hầm chỉ huy trận đánh.

Râu tóc bạc phơ, ông Dỹ vẫn giữ được phong độ thủ trưởng ngày nào. Như tướng Trị, ông Dỹ lắng nghe anh em báo cáo chuyến đi, rồi bảo với các cấp dưới của mình: Chúng ta nhìn lên thì thiệt thòi rồi, nhưng phải nhìn xuống đồng đội mà sống. Còn sức thì đi tìm anh em đi, chưa đưa về được thì phải vào gặp già bản, cho gửi đồng đội mình ở đó. Đồng đội mình nghĩ về trận này đều hận, vì chết nhiều quá, nhưng phải có lúc tìm và nói lại để thấy rằng, mạng đổi mạng, 204 Mỹ lấy hơn 200 Việt Cộng, anh em đã không nằm xuống vô ích.

Mà này, có đứa nào thích cây cảnh ra vườn mà đánh. Vợ tớ thích hoa, nhưng tớ chỉ thích xương rồng. Xương rồng phải trồng trong cối đá mới gọi là xương rồng đá, nhé.

12. Chư tan Kra là trận đánh đầu đời của lính mũ sắt Hà Nội. Nhiều người còn sống sau đó đã đi sâu mãi vào chiến trường miền Nam, rồi sang Campuchia, lên biên giới phía Bắc đánh tiếp cả trăm trận, người thì khi ra quân lao vào kinh doanh trở thành Tổng giám đốc, có người chỉ đơn giản làm nghề lái xe ôm. Họ giản dị, lẫn vào đám đông, lẫn vào dòng đời vĩ đại. Nhìn bề ngoài không thể nào đoán được họ đã một thời hào hùng, máu lửa.

Có người kể với tôi rằng: Tớ ra quân năm 1979, xin đi học lái xe, hồ sơ của tớ tụi phường ỉm béng đi phần tớ đã đi lính, chỉ còn trơ trụi mỗi bản khai và tờ đơn. Mất một năm ở nhà suông, bạn tớ thấy tớ đang đứng lơ ngơ ở bản tin phường, mới hỏi ngọn ngành, rồi xui lên đòi lại giấy tờ. Tớ lên phường, hồi ấy vẫn còn hay đội chiếc mũ vải mềm gắn sao, thằng bảo vệ nó bảo, các ông tưởng các ông là cái đếch gì, rồi giật mũ tớ vứt xuống đất. Tớ chỉ mặt: Này, Tổ quốc tao đội trên đầu, sao mày dám làm thế? Rồi tớ nhảy lên bàn đấm nó.

Có người kể: Con tớ thi đại học thiếu nửa điểm, nó xin tớ đưa hồ sơ thương binh cho nó. Tớ lục tủ, bày tất cả lên bàn và nói, con hãy đứng trên đôi chân của mình, chứ đừng dựa dẫm vào quá khứ của bố. Đời bố vì chiến chinh đã bị coi là thất học rồi, con phải có thành quả học vấn từ học lực của chính mình. Nó không dám cầm cậu ạ. Giờ nó làm cho Pháp, thu nhập cũng ổn lắm. Cũng lại có người để yên tất cả kỷ niệm đời lính trong hộp sắt, chưa một lần mở ra xem lại.

Lính mũ sắt Hà Nội như tôi biết là như vậy, một chút về những người còn sống và cả những người nằm xuống.

Theo THỂ THAO & VĂN HÓA

Tags: , ,