Tổng quan về trường phái tâm lý học phát triển

Cây cỏ được sinh ra từ đất mẹ khởi nguồn từ hạt giống, lớn dần lên thành cây non, cây trưởng thành cho hoa trái quả ngọt, rồi già cỗi và nhường chỗ cho cây non khác lớn lên. Cuộc đời của mỗi con người cũng trải qua các giai đoạn tương tự như vậy.

Tổng quan về trường phái tâm lý học phát triển

Nguồn: https://www.verywell.com/developmental-psychology-4013399

Phát triển là quá trình sinh trưởng của con người trong suốt vòng đời, từ lúc được thụ thai cho đến khi chết đi. Các nhà tâm lý học luôn cố gắng tìm hiểu và giải thích sự thay đổi này và tại sao lại có sự thay đổi đó. Nhiều thay đổi bình thường và dự đoán trước được, tuy nhiên chúng vẫn đặt ra một số thách thức cần nhất định cần giải quyết.

Hiểu rõ quá trình phát triển bình thường, các chuyên gia có thể phát hiện ra những vấn đề tiềm ẩn và can thiệp sớm giúp cải thiện kết quả.

Các nhà tâm lý học phát triển có thể làm việc với con người ở mọi lứa tuổi để giải quyết các vấn đề xảy ra trong quá trình phát triển. Một số người khác lại tập trung vào một số giai đoạn chuyên biệt như thời thơ ấu, thời kỳ trưởng thành và thời cao tuổi.

Tâm lý học phát triển là gì?

Tâm lý học phát triển là một nhánh của tâm lý học, tập trung vào quá trình lớn lên và thay đổi của con người trong suốt cuộc đời. Các nhà khoa học trong lĩnh vực này không chỉ quan tâm đến những thay đổi sinh lý trong quá trình sinh trưởng mà còn xem xét sự phát triển về mặt xã hội, cảm xúc và nhận thức xuất hiện trong suốt cuộc đời.

Một số vấn đề các nhà tâm lý học phát triển có thể giúp bệnh nhân xử lý bao gồm:

– Phát triển kỹ năng vận động.
– Nắm bắt ngôn ngữ.
– Phát triển cảm xúc.
– Sự xuất hiện của tự nhận thức và quan niệm về bản thân.
– Phát triển nhận thức trong suốt thời thơ ấu và thời gian còn lại.
– Ảnh hưởng văn hóa và xã hội lên sự phát triển của trẻ.
– Phát triển nhân cách.
– Tư duy về đạo đức.
­- Các thách thức trong quá trình phát triển và khiếm khuyết về học tập.

Các nhà khoa học dành phần lớn thời gian để tìm hiểu, quan sát các quá trình này diễn ra trong hoàn cảnh bình thường và cả những tác nhân cản trở nếu có.

Bằng cách hiểu rõ lý do và cách thức con người thay đổi, ta sẽ thu được những kiến thức có thể ứng dụng để giúp đỡ mọi người phát huy tối đa nhất tiềm năng của bản thân. Hiểu rõ sự phát triển bình thường của con người và sớm nhận ra những vấn đề tiềm ẩn là rất quan trọng vì nếu không được điều trị kịp thời, những vấn đề nghiêm trọng như trầm cảm, lòng tự trọng thấp, thật vọng, và thành tích yếu kém tại trường học sẽ xuất hiện và khó kiểm soát hơn.

Các nhà tâm lý học phát triển thường tận dụng nhiều học thuyết để xem xét những khía cạnh khác nhau của sự phát triển ở người. Ví dụ, một nhà tâm lý học khi đánh giá sự phát triển trí tuệ ở trẻ có thể sử dụng học thuyết về phát triển nhận thức của Piaget, học thuyết này vạch rõ các giai đoạn quan trọng trong quá trình học tập của trẻ. Một người khác khi làm việc với trẻ cũng có thể xem xét sự tác động từ mối quan hệ của trẻ với người chăm sóc lên hành vi của nó, vậy nên học thuyết gắn bó của Bowlby có thể được sử dụng làm nền tảng chủ chốt.

Họ cũng quan tâm xem xét cả sự ảnh hưởng của các mối quan hệ xã hội lên sự phát triển ở trẻ lẫn người lớn.

Học thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erikson và học thuyết phát triển văn hóa xã hội của Vygotsky là khung lý thuyết phổ biến, nhấn mạnh sự ảnh hưởng từ xã hội lên quá trình phát triển. Mỗi cách tiếp cận lại nhấn mạnh vào nhiều khía cạnh khác nhau của sự phát triển như sự ảnh hưởng về mặt tinh thần, xã hội và gia đình lên quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ.

Khi nào bạn (hay con bạn) cần tìm đến một nhà tâm lý học phát triển?

Mặc dù sự phát triển thường đi theo một khuôn hướng định sẵn, nhưng đôi lúc mọi thứ vẫn có thể chệch “làn”. Cha mẹ nên tập trung vào cái gọi là các cột mốc phát triển của trẻ, thể hiện các khả năng mà hầu hết trẻ đều có được trong một mốc thời gian nhất định nào đó. Những cột mốc này tập trung vào một trong 4 khía cạnh khác nhau: sinh lý, nhận thức, xảm xúc/xã hội và giao tiếp. Ví dụ, biết đi là một trong những cột mốc sinh lý mà hầu hết trẻ đạt được vào khoảng từ 9 đến 15 tháng tuổi. Nếu trẻ từ 16 đến 18 tháng tuổi mà vẫn chưa biết đi, gia đình cần trao đổi với bác sĩ để xem liệu trẻ có gặp vấn đề phát triển gì không.

Mặc dù tốc độ phát triển ở mỗi trẻ là khác nhau nhưng khi một đứa trẻ không thể chạm đến được một số cột mốc nhất định tại một số giai đoạn tuổi nhất định thì ta cần tìm hiểu nguyên nhân. Thông qua việc nắm rõ các cột mốc này, cha mẹ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể thực hiện các can thiệp giúp trẻ vượt qua sự chậm trễ bất thường này.

Các nhà tâm lý học phát triển có thể hỗ trợ một người vào bất kỳ lúc nào trong cuộc đời nếu người đó có nguy cơ đối mặt với các vấn đề phát triển hoặc vấn đề liên quan đến tuổi phát triển. Họ sẽ tiến hành các đánh giá cần thiết trên trẻ để xác định xem chúng có vấn đề trì trễ gì về phát triển hay không. Họ cũng trợ giúp cả những bệnh nhân lớn tuổi đang đối mặt với các vấn đề về sức khỏe liên quan đến tuổi già như suy giảm nhận thức, khó khăn về thể chất, khó khăn về cảm xúc hoặc các rối loạn thoái hóa của não.

Những mối lo bạn có thể gặp phải trong các giai đoạn phát triển khác nhau

Như bạn đã biết, các nhà tâm lý học phát triển thường chia quá trình phát triển ra thành nhiều giai đoạn khác nhau. Mỗi một giai đoạn phát triển là lúc các cột mốc phát triển đặc trưng đạt được.

Người ta có thể gặp nhiều khó khăn ở mỗi thời điểm, và các nhà tâm lý học sẽ hỗ trợ giúp đỡ họ quay trở lại bình thường.

Giai đoạn Tiền sản: các nhà tâm lý học sẽ tìm hiểu sự ảnh hưởng của giai đoạn phát triển đầu tiên lên quá trình phát triển sau này trong thời thơ ấu.

Giai đoạn ấu nhi: đây là khoảng thời gian chứng kiến sự sinh trưởng và thay đổi đáng kể của trẻ. Các nhà tâm lý học sẽ xem xét các vấn đề về phát triển sinh lý, nhận thức và cảm xúc diễn ra trong suốt giai đoạn quan trọng này. Bên cạnh can thiệp giải quyết các vấn đề xảy ra, các nhà tâm lý học cũng sẽ tập trung giúp đỡ trẻ đạt được những tiềm năng của bản thân. Cha mẹ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe luôn mong muốn đảm bảo trẻ phát triển bình thường, nhận đầy đủ dinh dưỡng, và đạt được các cột mốc nhận thức phù hợp với tuổi trong giai đoạn này.

Giai đoạn thơ ấu – nhi đồng: Đây là giai đoạn được đánh dấu bởi sự phát triển dần hoàn thiện về sinh lý và sự tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các yếu tố xã hội, đại diện bằng mốc trẻ bắt đầu vào tiểu học. Trẻ bắt đầu tạo dấu ấn của bản thân lên thế giới khi chúng kết bạn, nâng cao năng lực của bản thân qua việc học tập ở trường và tiếp tục xây dựng cảm quan về bản thân. Cha mẹ có thể nhờ các chuyên gia hỗ trợ để giúp trẻ đương đầu với những vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra trong giai đoạn này bao gồm các vấn đề về cảm xúc, xã hội và sức khỏe tâm thần.

Giai đoạn Thanh thiếu niên: Thời gian vị thành niên thường là mối quan tâm lớn khi trẻ sẽ trải qua các xáo động và chuyển biến tâm lý đặc thù. Nhà tâm lý học Erik Erikson đặc biệt quan tâm đến việc tìm hiểu làm thế nào mà việc định hướng trong giai đoạn này có thể đưa đến sự hình thành nhân dạng của từng người. Ở tuổi này, trẻ thường suy tư về các giới hạn và khám phá những nhân dạng mới của bản thân khi đặt ra các câu hỏi bản thân là ai và người chúng muốn trở thành. Các nhà tâm lý học có thể hỗ trợ các bạn trẻ xử lý những vấn đề khó khăn đặc trưng của tuổi này như dậy thì, các xáo trộn cảm xúc và áp lực xã hội.

Giai đoạn Mới trưởng thành: Đây là giai đoạn thường được đánh dấu bằng sự hình thành và duy trì các mối quan hệ. Tạo lập các kết nối, các quan hệ thân thiết và bắt đầu xây dựng gia đình thường là những cột mốc quan trọng trong giai đoạn này. Những người có thể xây dựng và gìn giữ được những mối quan hệ như vậy thường trải nghiệm cảm giác được kết nối và có được sự hỗ trợ từ phía xã hội. Ngược lại, những người chật vật xây dựng các mối quan hệ có thể cảm thấy bị cô lập và cô đơn. Những người đối mặt với các vấn đề như vậy có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà tâm lý học để giúp xây dựng những mối quan hệ lành mạnh hơn và giải quyết những khó khăn về mặt cảm xúc.

Giai đoạn Trung niên: Đây là giai đoạn mà con người ta có xu hướng tập trung vào việc định hướng mục đích và đóng góp cho xã hội. Erikson mô tả đây là một cuộc xung đột giữa khả năng giáo dục thế hệ sau và sự trì trệ. Những người gắn kết được với thế giới, đóng góp bền vững cho xã hội, để lại dấu ấn cho thế hệ sau sẽ có cảm quan về một cuộc sống có mục đích. Những hoạt động liên quan đến sự nghiệp, gia đình, thành viên các nhóm hội, và gắn kết cộng đồng là những thứ có thể đóng góp vào cảm quan này.

Giai đoạn Cao tuổi: Những năn sau cùng này thường được xem là giai đoạn sức khỏe suy yếu, tuy nhiên nhiều người vẫn giữ được sự năng động và bận rộn cả khi họ bước sang tuổi 80, 90. Gia tăng mối quan tâm về sức khỏe chính là mốc đánh dấu cho giai đoạn này, một số người có thể gặp phải sự suy yếu về tinh thần liên quan đến bệnh mất trí và Alzheimer. Erikson cũng xem những năm cao niên là thời gian người ta nhìn lại cuộc đời. Những người có khả năng nhìn lại và thấy mình đã sống trọn và sống đáng sẽ có cảm giác bản thân thông thái và sẵn sàng đối mặt với cái chết, tuy nhiên vẫn có những người nhìn lại và thấy hối hận và cay đắng và tuyệt vọng. Các nhà tâm lý học có thể hỗ trợ các bệnh nhân cao tuổi này và giúp họ đương đầu với những vấn đề liên quan đến tuổi già.

Nếu bị chẩn đoán mắc các vấn đề phát triển

Để xác định liệu một người có gặp các vấn đề về phát triển hay không, các nhà tâm lý học hoặc các chuyên gia có thể thực hiện công tác sàng lọc hoặc đánh giá. Đối với trẻ em, những đánh giá như thế này thường được thực hiện dưới dạng các cuộc phỏng vấn với cha mẹ hoặc người chăm sóc để nắm được những hành vi mà họ quan sát được, xem xét lại toàn bộ lược sử bệnh án và chuẩn hóa các bài test để đo lường chức năng hoạt động của cơ thể như giao tiếp, các kỹ năng cảm xúc/ xã hội, phát triển sinh lý/ vận động, và kỹ năng nhận thức. Nếu một vấn đề nào đó xuất hiện, bệnh nhân có thể được giới thiệu và chuyển gửi tới các chuyên gia như chuyên gia bệnh học về ngôn ngữ-lời nói, hoặc các chuyên gia điều trị.

Kết luận

Bị chẩn đoán mắc các vấn đề trên thường khiến con người ta cảm thấy bối rối và sợ hãi, đặc biệt là khi bản thân người được chẩn đoán là con bạn. Một khi bạn hay người thân gặp phải vấn đề như thế này, hãy dành thời gian tìm hiểu càng nhiều càng tốt về căn bệnh/ vấn đề được chẩn đoán và các phương thức điều trị. Chuẩn bị một danh sách các câu hỏi và thắc mắc để trao đổi với bác sĩ, các nhà tâm lý và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác trong nhóm điều trị. Bằng cách chủ động tìm hiểu và chuẩn bị, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và bớt bối rối hơn khi thực hiện những bước tiếp theo trong quá trình điều trị.

Theo LINDANGA.COM

Tags: