Tổng quan về tác động của con người đến môi trường sinh thái

Con người là một thành viên trong các hệ sinh thái tự nhiên quanh mình, có quan hệ tương hổ thông qua các mắt xích thức ăn, các hoạt động lao động sản xuất nhưng đặc biệt là hành vi cư xử của con người.

Tổng quan về tác động của con người đến môi trường sinh thái

Trong quá trình phát triển, con người đã tác động vào hệ sinh thái tự nhiên rất nhiều như khai thác sinh vật thủy sinh, chăn nuôi, trồng trọt, khai thác các sản phẩm của rừng…. Ngoài ra, con người còn tạo ra những hệ sinh thái nhân tạo như kết hợp trồng trọt, trồng rừng, chăn nuôi và con người tích cực tham gia bảo vệ môi trường, chống lại quá trình ô nhiễm môi sinh và quản lý các nguồn tài nguyên tự nhiên và môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, con người đã để lại những tác động xấu đến môi trường gây những hậu quả khác nhau.

Gây ô nhiễm môi trường

Một số hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến toàn cầu như:

– Mưa acid; Hiệu ứng nhà kính; Lỗ thủng tầng ozone…
– Công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp, sinh hoạt thải ra môi trường đủ dạng chất thải rắn, nước, khí với hàng triệu tấn/năm.
– Nước mặt tràn lên mặt đất, sông hồ, ngấm sâu xuống đất, chất khí độc cũng dâng lên cao, gây hại cho tầng ozone.
– Mặt đất bị xói mòn, lớp phủ đất – dinh dưỡng cho thực vật cũng bị mất dần, đồng thời trở thành bãi chôn rác và phóng xạ.
– Đất nông nghiệp bị thâm canh bằng đủ các loại hóa chất gây chai cứng đất. Diện tích canh tác bị thu hẹp hàng năm 5 – 7 triệu ha.
– Nguồn nước sạch bị thu hẹp do khai thác bừa bãi, do ô nhiễm. 60% dân đô thị và nông thôn không có nước để dùng.
– Nitrat trong nước ngầm tăng nhanh.
– Hàng triệu tấn dầu/năm tràn trên mặt biển.
– Phóng xạ α lên đến 1500 curi, β đến 5000 curi.
– CO2 trong không khí tăng hàng năm 440 ppm.
– NOx: 30 triệu tấn/năm, CH4: 550 triệu tấn/năm.
– Chlor-Fluor-Cacbon (CFC’s): 400 nghìn tấn/năm.
– Hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ tăng 1,5 – 4,5oC.
– Nước biển dâng cao…

Gây suy giảm đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là thuật ngữ để chỉ sự phong phú của các sinh vật sống từ tất cả các nguồn, bao gồm lục địa, biển và các hệ sinh thái thủy sinh khác cũng như tổ hợp sinh thái, bao gồm sự đa dạng trong các chủng loài và hệ sinh thái.

Đa dạng sinh học cung cấp nguồn thực phẩm cho con người, cung cấp nguồn gen quý hiếm, là tác nhân điều hòa sinh học, cung cấp các sản phẩm tự nhiên như thuốc trừ sâu, dược phẩm và các nguyên vật liệu khác, đồng thời còn phục vụ cho môi trường cũng như nhu cầu giải trí của con người.

Nguyên nhân chính gây suy giảm đa dạng sinh học là những hành động phá hoại môi trường sống làm hủy diệt các loài động thực vật, mất tính đa dạng, số cá thể còn lại ít sẽ không đủ sức hỗ trợ cho sự tồn tại của một quần thể, quần thể dễ bị tiêu diệt, tuyệt chủng vì những thay đổi bất thường. Tính đa dạng di truyền của những quần thể này thấp nên khó thích nghi với các biến động khí hậu hoặc các bệnh truyền nhiễm.

Hoạt động săn bắt của con người cũng đã gây sự tuyệt chủng của nhiều thú lớn. Nhập cư của các loài ngoại lai từ khu vực khác cũng dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều giống loài vì gây sự mất cân bằng của chuỗi thức ăn – con mồi.

Mọi hoạt động của con người nhằm tồn tại và phát triển kinh tế-xã hội, nên bên cạnh những tác động xấu đối với môi trường, còn có những tác động tích cực đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý đến những tác động tiêu cực đối với môi trường để có những giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại cần tránh.

Gây suy giảm chất lượng sống của chính mình

Khái niệm

Chất lượng của cuộc sống là sự thỏa mãn của cá nhân hay sự hạnh phúc với cuộc sống ở một lĩnh vực mà con người cho là quan trọng.

Chất lượng cuộc sống là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa các điều kiện xã hội, sức khỏe, kinh tế và môi trường mà chúng ảnh hưởng tới sự phát triển của môi trường và con người.

Chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào trình độ phát triển xã hội, mức thu nhập, môi trường sống, quan hệ xã hội …

Chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình phụ thuộc trực tiếp vào việc làm ổn định, thu nhập trung bình đầu người, an sinh xã hội (học hành của con cái, chăm sóc sức khỏe, an ninh khu vực …).

Một số biểu hiện có tính toàn cầu như sau:

– Nhịp điệu tăng của nông nghiệp giảm dần: Thập kỷ 30 là 3,1%; thập kỷ 60 là 2,5%; năm 1985 là 2,1%. Sản lượng ngũ cốc tăng không đáng kể trong khi đó hoa quả, thịt sữa không tăng; củ giảm. Nạn đói còn diễn ra ở nhiều nơi.
– Năng lượng hấp thu theo đầu người ở các nước nghèo chỉ có 2.380 kcal/ngày chủ yếu từ thực vật; các nước giàu 3.380 kcal/ngày chủ yếu là động vật; 730 triệu người không đủ calo bù đắp cho hoạt động hàng ngày.
– Năng lượng sử dụng (điện và các nguồn nhiên liệu khác) ở 42 nước giàu (chiếm 1/4 dân số) đã chiếm tới 4/5 tổng năng lượng thế giới.
– Bệnh tật tràn lan. Hơn 100 triệu người bị sốt rét; 200 triệu người bị bệnh giun sán. Bệnh AIDS đang lan tràn, nhiều bệnh lạ mới xuất hiện (Ebola …).

Ðánh giá chất lượng môi trường sống

Hiện nay có 3 cách đánh giá chất lượng môi trường sống như:

– Tiêu chuẩn tối cao đánh giá chất lượng môi trường là đảm bảo hoạt động bình thường của con người với tư cách là một thực thể sinh học nên các hoạt động của con người phụ thuộc chặt chẽ vào nhiều yếu tố tự nhiên như nước, ánh sáng, không khí, thức ăn. Con người có thể chịu đựng tối đa được 50 ngày không ăn, 5 ngày không uống, 5 phút không thở. Như vậy, chất lượng môi trường sống trước hết là nước sạch và không khí sạch.
– Gián tiếp thông qua trạng thái của chính các hệ sinh thái trong môi trường với tư cách là một “dụng cụ sống”. Ví dụ: cây cối có xanh tươi không, sâu bọ sinh sản mạnh hay yếu, động vật béo tốt hay ốm yếu .v.v…. Dấu hiệu tổng hợp để đánh giá là sức sản xuất của hệ sinh thái và sự đa dạng của các loài trong hệ sinh thái.
– Căn cứ vào sức khỏe của người dân trong môi trường sống đó vì con người chính là một “dụng cụ sống” nhạy bén nhất đối với những thay đổi diễn ra trong môi trường. Các chỉ số quan trọng là số lượng người bệnh, các loại bệnh. Tình trạng sức khỏe của trẻ em và người già là nhóm nhạy bén nhất đối với diễn biến của môi trường cộng đồng.

Chỉ số được dùng để đánh giá chất lượng cuộc sống

Những chỉ số được dùng phổ biến trong đánh giá chất lượng cuộc sống là:

GDP (Gross domestic product): Tổng sản phẩm trong nước/ đầu người.
GNP (Gross national product) : Tổng sản phẩm quốc dân/ đầu người.

Hai chỉ số trên chưa phản ánh được tình trạng phân phối các thành tựu phát triển giữa các thành viên trong xã hội, quá trình nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

HDI (Human Development Index). Chỉ số phát triển nhân lực, phản ánh thành tựu của quốc gia trên mặt trận quan trọng nhất của sự phát triển con người. Nó bao gồm 3 loại chỉ số: Tuổi thọ con người nói lên khả năng được sống trong cuộc sống lành mạnh lâu dài; Trình độ giáo dục nói lên khả năng được tiếp thu kiến thức, được đào tạo; Thu nhập thực tế trên đầu người nói lên khả năng được tiếp cận với các nguồn lực cần thiết để duy trì mức sống thỏa đáng.

Theo VOER.EDU.VN

Tags: ,