Tổng quan về nền điện ảnh Ấn Độ

 Điện ảnh Ấn Độ hiện dẫn đầu thế giới về số lượng phim truyện sản xuất mỗi năm, được thế giới biết đến với biệt danh Bollywood.

Nói một cách chính xác, biệt danh này chỉ dành cho những bộ phim tiếng Hindi/Hindustani sản xuất tại Mumbai, nơi sản xuất phim lớn nhất tại Ấn Độ. Ngoài ra, cũng có những nhà sản xuất phim lớn khác trong khu vực làm phim tiếng Tamil, Telugu, Malayalam, Bengal, Bhojpuri, Marathi và Gujarati. Chắc chắn là trong tương lai không xa, nhiều nền điện ảnh vùng miền non trẻ cũng ra đời.

Ấn Độ không chỉ là quốc gia sản xuất phim lớn nhất mà còn là một quốc gia có nền điện ảnh lâu đời nhất trên thế giới. Năm 1895, hai anh em nhà Lumiere đã phát minh ra kỹ thuật điện ảnh và trình chiếu một bộ phim ngắn đầu tiên tại Paris. Chỉ sáu tháng sau đó, họ đã có chiếu một bộ phim ngắn tại Rạp Brown’s Bombay, Ấn Độ. Tiếp sau đó là sự phát triển ồ ạt phim một cuộn và hai cuộn nghiệp dư của Ấn Độ. Năm 1911, đạo diễn D.G.Phalke làm bộ phim không lời có độ dài truyền thống đầu tiên với tựa đề Raja Harishchandra, dựa trên một câu chuyện thần thoại. Ông đã từng xem bộ phim nước ngoài dựa trên cuộc đời của Chúa Jesus và quyết định lấy làm công thức để thành công. Và thực tế đã chứng minh là như vậy.

Bất kể cốt truyện là về đề tài thần thoại, lịch sử hay xã hội, điện ảnh Ấn Độ tự hào xây dựng phim trên cốt truyện thường hay được lưu truyền. Nhưng trong quá trình làm phim, cốt truyện được chuyển thể và chỉnh sửa phương cách thể hiện. Khi đất nước phát triển, cũng vẫn câu chuyện cổ kia được thay đổi để phản ánh khuynh hướng và tư tưởng cận đại. Trước năm 1947, nền công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ chủ yếu tập trung tại Calcutta, Lahore, Madras, Pune và Bombay, trong đó Lahore là trung tâm sản xuất phim lớn nhất. Đến sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Ấn Độ giành được độc lập và chia cắt thành hai đất nước: Pakistan và Ấn Độ, Lahore đã suy thoái không còn là trung tâm điện ảnh của Ấn Độ, thay vào đó là Bombay.

Là một quốc gia đa ngôn ngữ, đa tín ngưỡng, người dân hội ngộ trong công nghiệp điện ảnh theo một cách hài hòa đặc biệt. Người Hindu, Hồi giáo, Parsi (Bái Hỏa giáo) và Công giáo hợp tác với nhau với tư cách là nhà tài trợ, nhà soạn nhạc, nhà biên kịch, nhà kỹ thuật. Người Gujaratis, Ấn Độ giáo cũng như người Hồi giáo và người nói tiếng Marathi đến từ Bombay cùng với người Parsi, người Punjara di cư đến từ phương Bắc và người Bengal, mang theo tài năng nghệ thuật và thơ ca, người Anh lai Ấn với tài năng về âm nhạc, tất cả cùng bắt tay nhau vào công cuộc biến ngành điện ảnh thực sự mang tầm quốc gia.

Những người phụ nữ Ấn lai Anh được trả thù lao cao hơn bởi làn da trắng và đôi mắt xanh có sức lôi cuốn mạnh mẽ với khán giả. Nữ diễn viên gốc Do Thái, Sulochana (Ruby Myers) có sự nghiệp điện ảnh kéo dài nhiều thập kỷ là một ví dụ điển hình. Nhân vật nam chính có người xuất thân từ Pathans và Punjabis, người Bà la môn Maharashtrian da trắng, mắt xanh rám, Parsi và đôi khi còn có người Châu Âu.

Ngành điện ảnh được cấu thành bởi các công ty nhỏ hay còn được gọi là các xưởng phim hiệp lực với nhau để làm ra một hay hai bộ phim cùng với một vài nhà sản xuất lớn như Madan Theatres- một nhà triển lãm cũng nhảy vào làm phim.

Âm nhạc dần trở thành một phần quan trọng của bộ phim. Những bộ phim Ấn Độ chưa bao giờ có sự phân loại về ca kịch, tất cả đều xếp vào nhóm ca kịch. Thực tế rất hiếm có bộ phim nào mà không có bài hát. Bộ phim đầu tiên có tựa đề Alam Ara, do Ardeshar Irani xây dựng, nhưng bộ phim nói thứ 2 với tựa đề Indra Sabha có hàng tá bài hát và điệu múa. Phim thường được xây dựng trên nền các vở kịch của Nhà hát Parsi-Urdu ở Bombay hay nhà hát Bengal ở Calcutta. Lời thoại trong phim thường rất bóng bẩy và diễn theo kiểu kịch Melo.

Cốt truyện chính trong các bộ phim Ấn Độ những năm 1940 là bi kịch thì trong đó nhân vật chính thường tỏ ra bất lực. Đến giai đoạn 1960-1970, tâm trạng lạc quan, trong sáng trở thành yếu tố chủ đạo. Bước vào những năm 1970, chính phủ Ấn Độ bắt đầu thể hiện quan điểm tích cực đến phim ảnh. Chính phủ cho lập Viện Điện ảnh – Truyền hình Quốc gia tại Pune để đào tạo diễn viên, đạo diễn, nhà quay phim. Chính phủ còn lập nguồn tài trợ là Tổ hợp phát triển Điện ảnh Quốc gia để giúp các đạo diễn trẻ làm phim thử nghiệm. Shyam Benegal, Kumar Shahani và Mani Kaul trở thành những đạo diễn có danh tiếng và Jaya Bhaduri (sau gọi là Bachchan) và Naseeruddin Shah là những diễn viên nam khởi nghiệp từ đây. Bài toán kinh tế của điện ảnh cũng có nhiều thay đổi so với sự ra đời của vô số phim truyền hình.

Ngày nay, các gia đình ngồi ở nhà và xem Tivi với hệ thống kênh phát sóng quốc gia Doordarshan. Sự xuất hiện của VCR làm cho xu hướng này trở nên mạnh mẽ hơn. Khán giả không trực tiếp đến rạp chiếu bóng chủ yếu là tầng lớp thấp trong xã hội, không đủ tiền mua tivi cho gia đình, vì vậy buộc các nhà sản xuất phim phải hạ thấp tầm nội dung để đáp ứng thị hiếu của đối tượng người xem mới. Phim ảnh trở nên bạo lực hơn, dâm tục hơn và những năm 1980 điện ảnh Ấn Độ bị cuốn sâu vào vòng xoáy này. Những năm 1990 được coi là giai đoạn Phục hưng của điện ảnh Bollywood. Ở đây nói tới cải cách kinh tế tự do trong nước cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế lên cao. Một bộ phận lớn người dân Ấn Độ đòi hỏi Bollywood cần phải có những bộ phim tinh tế hơn và ngành điện ảnh đáp ứng lại một cách tuyệt vời.

Đội ngũ diễn viên mới xuất hiện Shah Rukh Khan trở thành siêu thần tượng trong bộ phim Dilwale Dulhaniya Le Jayenge và Madhuri Dixit, Salman Khan với bộ phim Hum Aapke Hain Kaun… Các minh tinh cũng trở nên danh tiếng hơn trong các bộ phim tiếng Tamil. Các nam diễn viên gạo cội như Rajnikant và Kamal Hassan tiếp tục có số lượng người hâm mộ cực lớn ở Ấn Độ và nước ngoài.

Điện ảnh Ấn Độ rất sôi động và tràn đầy sức sống. Các rạp tổng hợp tiếp tục phát triển cũng như các rạp chiếu bóng-sân khấu I-Max. Hằng năm, hơn 1000 bộ phim tiếp tục được sản xuất, bất chấp triển vọng chỉ 10%, trong số đó gặt hái được thành công lớn. Các thế hệ các biên kịch, đạo diễn nhạc, diễn viên, đạo diễn mới tiếp tục bước vào làng điện ảnh. Cặp đôi đạt giải Oscar mới đây A.R.Rahman và Gulzar cho lời bài hát và nhạc phim trong phim “Triệu phú Ổ chuột” đã đưa Bollywood lên bản đồ điện ảnh toàn cầu. Điện ảnh Ấn Độ trở thành một hiện tượng khi Hãng phim Twenthieth Century Fox, Sony và Steven Spielberg tìm đến Bombay để hợp tác. Thể kỷ tới của điện ảnh Ấn Độ còn hứa hẹn nhiều thành công hơn nữa.

Theo VASS.GOV.VN

Tags: , ,