Tôn giáo học sinh thái – từ thế giới đến Việt Nam

Năm 1996, Trung tâm nghiên cứu tôn giáo thế giới thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã thành lập một dự án Harvard về Tôn giáo và Sinh thái để tạo lập một diễn đàn lớn cho đối thoại liên tôn giữa 10 tôn giáo lớn trên thế giới gồm Phật giáo, Kitô giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Do Thái giáo, Hindu giáo, Jaina, Khổng giáo, Đạo giáo, Shinto (Thần đạo) và các tín ngưỡng truyền thống bản địa.

Tôn giáo học sinh thái -từ thế giới đến Việt Nam

Tác giả: PGS, TS Đỗ Lan Hiền, Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017.

Dự án nhằm mục đích tìm hiểu những hàm ý tôn giáo liên quan đến các vấn đề môi trường. Giải thích các văn bản tôn giáo bàn về cách thức bảo vệ môi trường hoặc các dự án cụ thể mà các nhóm tôn giáo thực hiện như sáng kiến làm sạch sông hoặc tái trồng rừng, chủ trương xây dựng các cộng đồng sống theo nhịp điệu của tự nhiên. Trong khoảng ba năm, dự án Harvard về Tôn giáo và Sinh tháiđã tổ chức hàng loạt hội nghị với các chủ đề “Phật giáo và sinh thái”, “Kitô giáo và sinh thái”, đỉnh cao vào năm 1998, một cuộc họp báo tuyên bố thành lập Diễn đàn về Tôn giáo và Sinh thái.

Sau đó, Tổng thư ký Liên Hợp quốc (từ năm 2007- 2016) Ban Kimoon đã từng tuyên bố rằng, các cộng đồng tôn giáo là yếu tố quan trọng cho những nỗ lực toàn cầu trong việc giải quyết thách thức về khí hậu. Tôn giáo nhắc nhở chúng ta về những khía cạnh đạo đức của biến đổi khí hậu và về nghĩa vụ chăm sóc môi trường mong manh của trái đất và mối quan tâm trợ giúp đối với các nước láng giềng đang bị thảm họa của thiên nhiên. Stevent C. Rockefeller trong tác phẩmSpirit and Nature: Why the Enviroment is a Religious Issue – An Interfaith Dialogue(1) (Tâm linh và tự nhiên: Tại sao Môi trường là vấn đề tôn giáo – Đối thoại liên tín ngưỡng) đặt vấn đề rằng, cần huy động người đứng đầu các tôn giáo lớn trên thế giới sử dụng các nguồn lực tâm linh để ứng phó khi trái đất đang phải đối mặt với những đe dọa lớn chưa từng có hiện nay. Llewellyn Vaughan-Leetrong tác phẩm Spiritual Ecology: The Cry of the Earth(2) (Sinh thái học tâm linh: tiếng kêu của trái đất) thì cho rằng, sinh thái học tâm linh có thể giúp chữa lành “cơ thể” trái đất đang bị hư hỏng nặng nề do sự khai thác quá mức của con người.

Alister E. McGrath thì phản đối cách nhìn truyền thống đầy sai sót khi coi khoa học và tôn giáo là hai con đường khác nhau khi tìm hiểu thế giới. Cần thay đổi ngay lập tức trong nhận thức về vấn đề này, các nhà khoa học thường đả phá, phủ định tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế các tôn giáo luôn coi trọng và bảo vệ môi trường. Nếu chỉ xác định thế giới trong các giới hạn khoa học cụ thể và coi nó như tổng thể các nguyên tử và phân tử bị chi phối bởi các định luật không thể thay đổi, chúng ta sẽ mất khả năng hiểu rõ về những bí ẩn của thiên nhiên. Hãy nhìn nhận thế giới như một “tuyệt tác” của tạo hóa để đánh thức ý thức của con người trong việc bảo vệ thiên nhiên, nâng niu nó như nâng niu món quà của tạo hóa(3).

Những nhận định nêu trên của các chính trị gia, các học giả đồng nghĩa với việc khẳng định, cần nhận thức và giải quyết gốc rễ của sự suy thoái môi trường từ yếu tố tâm linh. Các vấn đề môi trường như cạn kiệt tài nguyên, thoái hóa giống loài, nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng, tiêu dùng quá mức,… đều phải kiểm tra và đánh giá lại thái độ, niềm tin của con người về trái đất và tinh thần trách nhiệm của chúng ta đối với hành tinh này.

Về phía các tôn giáo, Công giáo rất quan tâm đến vấn đề môi sinh, giáo hội Công giáo chủ trương xây dựng một xu hướng thần học riêng biệt về vấn đề bảo vệ môi trường gọi là thần học sinh thái (Ecotheology)dựa trên nền tảng thần học về Mạc Khải tạo dựng, Thần học ba ngôi, Thần học nhân chủng. Trong tương quan giữa ba ngôi Thiên chúa với tạo vật, Chúa Cha – là Đấng sáng tạo, Chúa Con – Đấng cứu chuộc, Thánh thần – Đấng Thánh hóa thì mọi tạo vật, vũ trụ, sinh thái, con người, các vật sống, các tế bào đều nằm trong mối tương quan hệ thống. Con người chỉ là một thành phần trong hệ thống đó, có tương quan với các tạo vật khác. Giáo Hoàng Ioannes Paulus II (Gioan Phaolô II)vào ngày 30-12-1987 đã phát đi Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis với nội dung “con người, qua bao thế kỷ đã lao động và cải tạo hoàn cảnh sống của mình, tự bản thân nó, hoạt động cải thiện này phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, và cũng là thay mặt Thiên Chúa được tham gia vào công trình sáng tạo của Chúa. Song, sự chinh phục đó phải bằng đức công chính và thánh thiện, phải biết tôn trọng con người và các loài sinh vật khác, ngay cả khi cần phải thay đổi điều gì đó nơi chúng thì cũng cần phải xét tới bản chất của chúng và những mối liên kết hỗ tương của hữu thể ấy trong một hệ thống đã được sắp đặt”(4). Vì thế, con người không được quên rằng, trong quá trình lao động không được sử dụng thiên nhiên một cách tùy tiện, không giới hạn như thể nó không có những yêu cầu riêng. Khi hành động như thế, con người thay vì cộng tác với chúa trong “công trình sáng tạo của người” mà là phản lại thiên nhiên, hành hạ nó hơn là chinh phục và chế ngự nó, và điều đó cũng chính là phản bội lại Chúa. Ngược lại, nếu con người can thiệp vào thiên nhiên nhưng không phá hoại hay lạm dụng nó, thì như vậy, con người đã tạo điều kiện cho nó phát triển theo sự sống riêng của nó và sự thụ tạo của thiên Chúa đã nhằm tới.

Theo cách hiểu như trên của thần học sinh thái (Ecotheology) thì khủng hoảng sinh thái là biểu hiện bề ngoài của khủng hoảng xã hội, do đó, giải quyết vấn đề sinh thái phải trên tiền đề giải quyết các vấn đề xã hội, chỉ có thể xóa bỏ những hiện tượng “tha hóa” trong xã hội mới có thể xóa bỏ được những hiện tượng “tha hóa” trong giới tự nhiên. Một khi con người vẫn còn đeo đuổi lợi nhuận “không đáy”, tiêu dùng vô độ, những cuộc chạy đua vũ trang thì xã hội và thiên nhiên thực sự sẽ nghèo đi. Thiếu thốn cũng làm cho con người dễ đi đến tha hóa, vi phạm đạo đức, nhưng nếu giàu có đạt được trên một nền kinh tế phi đạo đức, phi nhân bản thì cũng sẽ đưa xã hội đến sự băng hoại khác.

Đứng trước các vấn đề cấp bách về môi trường, thần học sinh thái không chỉ tồn tại trên lý thuyết mà đã đi vào giáo huấn của Hội thánh. Sinh thái học trở thành chủ đề quan tâm của Hội thánh. Giám mục Giampaolo Crepalidi, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã đưa ra 10 nguyên tắc (còn gọi là 10 điều răn về bảo vệ môi trường) tóm lược từ học thuyết xã hội của Giáo hội, trong đó khẳng định, thiên nhiên tuy là một sáng tạo của chúa nhưng không có nghĩa là một thực tại linh thiêng, tuyệt đối hóa, đặt trên phẩm giá và sự can thiệp của con người. Song, không được coi thiên nhiên là đối tượng có thể khai thác quá mức mà phải tôn trọng vị trí của chúng trong hệ sinh thái. Mọi chính sách phát triển phải được hài hòa với chính sách sinh thái. Năm 2015, Giáo hoàng Franciscus (Phanxicô) ban hànhThông điệp Laudato si(5) với chủ đề “Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”và ngày 1-9 hàng năm là ngày “thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình tạo dựng”.

Một đóng góp chưa từng có trong lịch sử của các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (năm 2015) tại Paris (Pháp), là các tôn giáo thế giới đã ra Bản tuyên bố chung cho hành động liên chính phủ về biến đổi khí hậu và đã kết hợp hơn 10.000 nhà hoạt động, giáo sư, hàng giáo phẩm và các nhà lãnh đạo từ 73 quốc gia và 50 đức tin để đối phó với biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, quan điểm sinh thái của tôn giáo đã được thực hành bằng những hành động thiết thực, cụ thể và hình thành những phong trào mới về sinh thái đang lan rộng khắp thế giới, cụ thể:

Ở Thái Lan, Srilanca, Myanma, các tăng sĩ Phật giáo thường sống trong rừng, ngoài ý nghĩa thực hiện nếp sống và phương thức truyền thừa của Phật giáo nguyên thủy, họ còn là những người trực tiếp tham gia bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Năm 1988, nhà sư Phrakhru Manas Natheepitak (Thái Lan) đã thực hiện cuộc “tấn phong/ thụ phong” cho 50 triệu cây ở Thái Lan trước sự chứng kiến của nhà Vua. Nạn phá rừng ở Thái Lan giảm hẳn. Phong trào tấn phong/ thụ phong cho cây lan rộng đến Campuchia, Lào, Myanma.

Nhữngnữ tusĩ Công giáo ở Bắc Mỹ đã có những hoạt động bảo vệ môi trườngrất cụ thể như canh tác thủ công xung quanh các tu viện, xây dựng các khu vườn hữu cơ, xây dựng nhà ở từ các vật liệu có khả năng tái sinh, sử dụng công nghệ xanh để làm nhà vệ sinh thân thiện với môi trường, tạo ra các tấm pin năng lượng mặt trời, đèn huỳnh quang và các loại xe thân thiện với môi trường, hiếntặng bất động sản thuộc quyền sở hữu củanhà thờ cho quỹ đất của các khu bảo tồn hoang dã. Những hoạt động đầy nhiệt huyết của nữ tu Công giáo trong “Green Sisters” góp phần thiết thực bảo vệ sinh thái.

Trong nhiều thập niên qua, Kitô giáo ở Anh đã thành lập các trang web như God the Green (Thiên Chúa Xanh),Christian ecology (Sinh thái Kitô giáo) để phổ biến, thông tin về các sự kiện môi trường ở Anh và nhiều nơi trên thế giới. Danh sách các sự kiện môi trường ở Anh được kết nối với các nhà thờ để xây dựng các bài giảng đạo và những hành động thiết thực trong đời sống tu trì của các giáo sĩ, giáo dân. Chương trình được vận hành ở nhiều quốc gia thông qua các tổ chức độc lập mà các trang web khác có thể truy cập được thông tin thông qua liên kết ở trên. Mạng lưới Môi trường Liên hiệp Anh giáo (Anglican Union Environment Network/ AUEN), Mạng lưới Môi trường Phúc âm (Evangelist Environment Network/ EEN), Mạng lưới Môi trường Thiên chúa giáo châu Âu (European Christian Environmental Network/ ECEN) đã trang bị và truyền cảm hứng cho các tín đồ của họ nhân danh Thiên Chúa trong nỗ lực chăm sóc tạo vật của Người. Hiệp hội Phúc lợi động vật của Kitô giáo (thành lập năm 1970) nhằm tuyên truyền cho người dân nhận thức được nhu cầu chăm sóc động vật (đặc biệt là động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng), ngăn chặn sự lạm dụng động vật trong các trại nuôi tập trung và các phòng thí nghiệm. Tổ chức phi lợi nhuận Plant With Purpose của Kitô giáo nhằm mục đích ngăn chặn nạn phá rừng và nạn nghèo đói trên toàn thế giới bằng cách làm thay đổi cuộc sống của người nghèo ở các vùng nông thôn. Chiến dịch của Kitô giáo ở Anh do Christian Aid tài trợ nhằm giúp các đảng chính trị thực hiện các tuyên bố và chính sách về biến đổi khí hậu trước các kỳ tổng tuyển cử. Bài giảng về gốc rễ của mọi sự khủng hoảng sinh thái theo quan điểm thần học Kitô giáo được biên soạn trong sách giáo khoa và giảng dạy cho sinh viên các trường đại học ở nhiều quốc gia trên thế giới, v.v..

Các phong trào nêu trên được khởi xướng đã ít nhiều làm thay đổi thái độ và hành vi của xã hội đối với các vấn đề liên quan đến môi trường.

Chính vì vậy, trong Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc, các tôn giáo được xem là các tổ chức phi chính phủ lớn nhất trên hành tinh và sẵn sàng hợp tác với các cộng đồng tôn giáo trong việc giải quyếtcác vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái.

Thực tế, hơn 90% các quốc gia trên thế giới hiện nay có liên hệ với một tôn giáonào đó. Sự phục hưng của Khổng giáo, Đạo giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Kitô giáo đang được tiến hành ở rất nhiều quốc gia phương Đông và cả phương Tây. Không gian tôn giáo đang hiện diện rộng lớn với gần 2 tỷ người Hồi giáo, gần 2 tỷ Kitô hữu, hơn 1 tỷ người Phật giáo, hơn 1 tỷ người Ấn giáo, hơn 1 tỷ theo Khổng giáo. Tôn giáo và tín đồ của nó chiếm hơn 90% dân số toàn cầu. Nhiều tôn giáo đã đưa ra các mệnh lệnh luân lý yêu cầu tín đồ phải chăm sóc trái đất. Nhiều tổ chức tôn giáo đã đi trước các tổ chức chính trị – xã hội trong việc thành lập các phong trào bảo vệ và cứu môi trường. Các tôn giáo còn quan tâm, chia sẻ kịp thời nỗi đau của những quốc gia, những nhóm người yếu thế bị tổn thương khi thảm họa môi trường xảy ra.

Thế giới đang trong một giai đoạn đầy thử thách, khi mà các nhóm khác nhau quyết liệt tuyên bố các đặc tính dân tộc, văn hóa, tôn giáo và quốc gia của mình. Sự biến độngvề môi trường, khí hậu mà chúng ta đang phảiđối mặt với một cảm giác bế tắc về lốithoát. Các thể chế kinh tế và chính trị dường như thất bại. Nhiều nhận định tiêu cực cho rằng đây sẽ là sự sụp đổ cuối cùng của chúng ta khi sinh thái bị đổ vỡ. Trong cơn bĩ cực và cảm giác lờ mờ về sự không chắc chắn của tương lai, người ta quay trở lại với truyền thống triết học và tôn giáo của nhân loại về sinh thái học không phải để làm trò chơi trí tuệ. Những truyền thống đó đang được tái tạo lại trong sự thay đổi và để đối phó với những thách thức sinh thái.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã biết tận dụng nguồn lực xã hội (nguồn vốn và nhân lực xã hội) từ các tổ chức tôn giáo trong các phong trào và hoạt động xã hội nêu trên, biết tận dụng các phong tràolấy cảm hứng từ tôn giáo để làm thay đổi xã hội.

Trong khi đó, ở các quốc gia theo chủ thuyết vô thần mác xít thường ít có các phong trào sinh thái tôn giáo. Có nhiều lý do, bản thân các tổ chức tôn giáo ở các quốc gia này cũng chưa thực sự nỗ lực dấn thân, còn xã hội và nhà nước chưa quan tâm khai thác và tạo cơ chế, chính sách cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội nói chung và hoạt động bảo vệ môi trường nói riêng.

Việt Nam có hơn 1/3 dân số có tôn giáo, số còn lại thừa nhận nền văn hóa dân gian và tín ngưỡng bản địa. Không gian tôn giáo cũng đang hiện diện rộng khắp trong không gian kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường ở Việt Nam hiện nay. Nhiều chương trình, hành động của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường ít nhiều thu được những kết quả nhất định và có xu hướng mở rộng về cả quy mô và phương thức thực hiện.

Truyền thống tam giáo (Nho, Phật, Đạo) của người Việt từ xa xưa đều cổ súy cho ý tưởng về sự hòa hợp với tự nhiên. Truyền thống đó đã trang bị cho người Việt một sự nhận thức bước đầu về tự nhiên, biết nắm lấy cái bản thể cốt lõi của thiên nhiên mà hành động cho phù hợp với cuộc sống mưu sinh của mình. Người Việt đã vận dụng những tri thức về tự nhiên trong các lý thuyết đó để vượt lên trên, làm chủ và tự do trước thiên nhiên, biết xây nhà theo hướng nào có lợi cho sức khỏe, biết điều hòa khí âm khí dương: trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với thiên nhiên khí hậu, biết cải tạo tự nhiên đến một mức độ nhất định…

Tuy nhiên, khi dân số tăng lên, nhu cầu mưu sinh ngày càng lớn, tất yếu dẫn tới khai thác và phá hủy môi trường thiên nhiên. Để tồn tại, con người hiện đại đã “quay lưng” lại với môi trường sống tự nhiên của chính mình.

Hậu quả, chúng ta đang phải đối diện với các vấn đề môi sinh và quản lý tài nguyên thiên nhiên: nước biển dâng cao, tăng lượng khí thải CO2, CFCs, ô nhiễm nguồn nước, không khí, phá rừng đầu nguồn, khai thác tài nguyên thiên nhiên vô lối dẫn đến nguy cơ cạn kiệt. Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới (2007), Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình của Việt Nam tăng 0,70C, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Dự báo, vào năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng thêm 30C, mực nước biển sẽ tăng thêm 1m. Khi đó, khoảng 40.000km2 đồng bằng ven biển của Việt Nam sẽ bị ngập, 90% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long bị mất trắng(6). Mỗi năm, rừng bị mất khoảng 200.000ha (trong đó 50.000ha do khai hoang để trồng trọt). Với tốc độ phá rừng như hiện nay, tính đến 2040, mỗi ngày sẽ có từ 20-70 loài động thực vật bị tuyệt chủng…

Khủng hoảng sinh thái ở Việt Nam sẽ làm thay đổi sinh kế và đời sống con người, phá vỡ các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và mục tiêu phát triển của đất nước. Môi trường khủng hoảng tác động đầu tiên đến sản xuất nông nghiệp và nhóm người tham gia sản xuất nông nghiệp (chiếm 86% dân số cả nước), làm giảm thu ngân sách và khả năng đáp ứng an sinh xã hội của nhà nước. Khủng hoảng sinh thái cũng sẽ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột xã hội; nghèo đói, nạn di dân tự do, xung đột sắc tộc – văn hóa ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các chuẩn mực, nguyên tắc trong quan hệ con người với môi trường sinh thái theo cách của các tôn giáo truyền thống là: giới hạn tăng trưởng, trở về với tự nhiên, không tạo tác, cuộc sống khép kín, hài hòa, tôn trọng thiên nhiên, tự điều chỉnh, đã ít nhiều thành công trong quá khứ nhưng đến nay không còn phù hợp. Phải chăng các lý thuyết sinh thái của các tôn giáo đó đã cạn kiệt khả năng vận dụng? Thực tế, các thuyết sinh thái của tôn giáo vấp phải những nghịch lý của sự phát triển xã hội: dân số tăng, con người thông thái hơn (khoa học kỹ thuật phát triển) dẫn đến trình độ chinh phục và cải tạo tự nhiên ngày càng tinh vi, càng làm tổn thương đến sự toàn vẹn của thiên nhiên, càng phá hoại và hủy diệt thiên nhiên một cách nghiêm trọng hơn. Nếu cắt giảm nhu cầu của con người để không khai thác tài nguyên và phá hủy môi trường thì sẽ phá hỏng quy luật cung – cầu, sản xuất ngừng trệ, kinh tế suy thoái, nhiều người thất nghiệp, xã hội bất an,…

Bài toán được đặt ra lúc này: người dân chỉ biết đến chuyện làm thế nào để sống, còn nhà quản lý thì ngăn chặn, giải quyết việc xâm hại thiên nhiên. Các khoa học, nhà quản lý, nhà chính trị tìm cách ứng phó với biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường. Song, cách giải quyết đó chỉ là “dọn dẹp” hậu quả. Việc bảo vệ môi trường từ gốc rễ, có lẽ cần phải chuyển hóa lối sống và ý thức về giá trị, về nhu cầu của con người. Ở giải pháp này, tôn giáo tham gia là khả dụng.

Trong khi giới khoa học chưa lên tiếng và vào cuộc, các cơ quan công quyền chưa kịp hoàn thiện hệ thống pháp luật để kiểm soát và bảo vệ môi trường thì các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đã đồng loạt thực hiện các chiến dịch bảo vệ môi trường.

Trước hết, các tăng, ni khuyến khích tín đồ thực hiện triết lý sống “thiểu dục, tri túc” (muốn ít, biết nhiều) giảm sức ép lên môi trường, tài nguyên, tập thiền để tiết chế tham, sân, si, tiết chế trong tiêu dùng và hưởng thụ để góp phần bảo vệ môi trường, gần gũi với thiên nhiên. Chăm sóc cỏ cây, chim muông, hạn chế sử dụng các phương tiện kỹ thuật số. Bằng các phương tiện thông tin đại chúng như sản xuất băng đĩa, cung cấp sách, tài liệu, truyền thông, giáo hội Phật giáo đã tổ chức các buổi tuyên truyền kêu gọi, quảng bá, giáo dục người dân ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, phát động phong trào trồng cây “phúc đức”, “chùa lâm viên”, sử dụng nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở. Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đã phát đi thông điệp thống thiết kêu gọi tín đồ thập phương bảo vệ môi trường nhân ngày Phật Đản năm 2011: “Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn tác hại do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người. Hơn lúc nào hết, tôi kêu gọi mỗi tăng, ni, Phật tử chúng ta cần hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật Đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối liên hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên để chung tay cùng cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất, đó là việc làm thiết thực để kính dâng đản sinh Đức Phật tử phụ của chúng ta”(7).

Cảnh quan, không gian tôn giáo hài hòa sinh thái, trồng nhiều cây xanh, có ao hồ nước trong xanh điều hòa. Tín ngưỡng còn giữ vai trò như “người canh gác” bởi nhiều khi, sự linh thiêng của tôn giáo, tín ngưỡng giúp hạn chế nạn phá rừng và thức tỉnh nội tâm con người trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên mạnh hơn các chế tài luật pháp, mệnh lệnh chính trị, giải pháp khoa học. Điều đó đã được ghi nhận ở Việt Nam. Nhiều cánh rừng nguyên sinh như rừng Và (Sơn Tây), rừng Y Tý (Lào Cai), rừng Cấm (Hà Giang), rừng Miếu cấm (Quảng Nam), rừng Cư HLăm (Đaklak), vì gắn với tên gọi “rừng thiêng” nên được bảo tồn không phải bằng luật pháp mà bằng các luật tục mang tính thần bí.

Một khảo sát thực tế ở làng Phùng Khoang (Hà Nội), nơi chung sống của hai cộng đồng người Công giáo và không Công giáo cho thấy, có sự khác biệt về quan điểm môi sinh. Những gia đình Công giáo hoặc các hộ gia đình “giáp giáo” khuôn viên trong nhà thường trồng nhiều cây xanh, ngăn nắp, sạch sẽ hơn. Việc xây cất nhà ở, khu vệ sinh cũng được quy hoạch bài bản. Ngay đến nghĩa trang của người Công giáo cũng quy củ, gọn gẽ. Sau các buổi sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ, nhà nguyện cảnh quan thường sạch sẽ, không có chai lọ, rác, tàn thuốc, đồ ăn thừa vứt bừa bãi(8).

Trước sự biến đổi của khí hậu và môi trường sinh thái hiện nay, các tín đồ Tin lành ở Việt Nam cũng nhận thức ngày càng rõ ràng hơn về mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ, chung sống hài hòa với chúng. Nhận thức này đã được các tín hữu Tin lành thể hiện ra bằng những hành động, chương trình bảo vệ môi trường thiết thực, đồng thời còn tích cực tuyên truyền những người khác về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Tại Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Bắc Âu trợ giúp, cộng đồng Tin lành Việt Nam gửi thông điệp: “Dừng ngay việc chặt phá rừng bừa bãi, thay đổi cách sống, từ việc ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt gia đình và nhiều thứ khác có ảnh hưởng đến việc hủy hoại môi trường. Bảo vệ môi tường là bảo vệ sự sống của chính mình, của mọi người và bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta”(9). Trên địa bàn Tây Nguyên, nơi có đông tín đồ Tin lành và cũng là địa bàn “nóng” về nạn chặt phá rừng đầu nguồn, liệu luân lý đạo đức của tôn giáo có chuyển biến hành vi của người dân trong việc bảo vệ môi trường hay không? Theo kết quả một khảo sát, trong 400 tín đồ được hỏi, có 374 người trả lời đã được nghe giảng về môi trường. Trong số các thông tin quan tâm như việc làm, nhà ở, dân chủ, luật pháp, kinh tế, môi trường thì sự quan tâm của người dân đến vấn đề môi trường cũng rất cao (83%). Kênh đón nhận thông tin về môi trường của người dân chủ yếu đều qua các bài giảng của chức sắc và thấm dần vào người dân, hình thành trong họ ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, hạn chế hẳn việc đốt rẫy, phá rừng. Các điểm nhóm Tin lành khi đăng ký sinh hoạt luôn kèm theo yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường. Một số hội thánh Tin lành, khi tổ chức hoạt động từ thiện xã hội ở các vùng có điều kiện sống thấp, vấn đề được chú ý đầu tiên là xây dựng các nhà vệ sinh hay các dự án cung cấp nước sạch cho gia đình tín đồ(10). Như vậy, mặc dù Tin lành ở Việt Nam không chủ trương xây dựng một xu hướng hay phong trào về môi trường, nhưng quan điểm của tín đồ trong cách ứng xử với môi trường thiên nhiên được thể hiện rõ qua hành động của họ ở mỗi địa phương mà Tin lành thâm nhập vào.

Như vậy, sinh thái đã trở thành một phần giáo lý và nghi thức thờ cúng của các tôn giáo ở Việt Nam. Các tôn giáo ở Việt Nam đã có đủ cơ sở đức tin để dấn thân vào sự nghiệp bảo vệ môi trường và ngăn chặn hành vi xâm phạm môi trường. Số lượng tín đồ ở Việt Nam đang gia tăng, ảnh hưởng của tôn giáo cũng ngày một lan tỏa trong đời sống xã hội. Do đó, việc huy động nguồn lực tôn giáo tham gia vào phong trào bảo vệ môi trường là cần thiết và hiệu quả. Liên tục trong mấy thập niên qua, khi vấn đề bảo vệ môi trường và quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên được đặt lên bàn nghị sự ở Việt Nam, tôn giáo học sinh thái không chỉ thể hiện trên lời nói mà bằng cả hành động.

Vậy, đã đến thời điểm chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận, bảo vệ môi trường không chỉ là vấn đề chính trị và kinh tế mà còn là vấn đề của tôn giáo, của lương tâm và trách nhiệm. Nhà nước cần chia sẻ một phần việc bảo vệ môi trường cho các tổ chức tôn giáo thực hiện và cần có một cơ chế, chính sách, pháp luật cho điều đóđể các tổ chức tôn giáo thực hiện bổn phận của mình một cách chính danh và có trách nhiệm, đồng thời xã hội có cơ sở để đánh giá về hiệu quả của các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.

————————-

Chú thích:

(1) Stevent C. Rockefeller, Spirit and Nature: Why the Enviroment is a Religious Issue – An Interfaith Dialogue (Stevent C. Rockefeller, Tâm linh và tự nhiên: Tại sao môi trường là một vấn đề tôn giáo – Đối thoại liên tín ngưỡng), Nxb Beacon, Boston, 1992.
(2) Llewellyn Vaughan-Lee,Spiritual Ecology: The Cry of the Earth (Llewellyn Vaughan-Lee, Sinh thái học tâm linh: Tiếng kêu của Trái Đất,Golden Sufi Center xuất bản, California, 2003).
(3) The Reenchantment of Nature: The Denial of Religion and the Ecological Crisis (Sự oán giận của tự nhiên: phủ nhận tôn giáo và khủng hoảng sinh thái), New York, Doubelday/ Galilee, 2003.
Chủ đề trên được phát triển hơn nữa trong các tác phẩm của Llewellyn Vaughan-Lee, Sandra Ingerman, Mary Evelyn Tucker và John Grim cùng nhiều học giả khác.
Tham khảo trang web: http://fore.research.yale.edu. Leslie Sponsel: http://spiritualecology.info.
(4) Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis,năm 1987.
(5)Laudato si là thông điệp thứ hai của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Thông điệp có phụ đề “Về chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”. Trong đó, Đức Thánh Cha chỉ trích chủ nghĩa tiêu thụ và phát triển vô trách nhiệm, than thở sự suy thoái môi trường và sự ấm lên toàn cầu, và kêu gọi mọi người trên thế giới hãy “hành động toàn cầu nhanh chóng và thống nhất”.
(6) Bộ tài nguyên và Môi trường: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Hà Nội, 2008.
(7) Thích Phổ Tuệ: Thông điệp Phật đản 2011.
(8) Nguyễn Quang Hưng: Vai trò của tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam, nguồn http://btgcp.gov.vn
(9) Nguồn http://dangcongsan.vn.
(10) Ngô Quốc Đông, Tác động của các tôn giáo đối với môi trường ở Tây Nguyên hiện nay,Kỷ yếu hội thảo: Tôn giáo với phát triển bền vững Tây Nguyên: Quan điểm và giải pháp, Hà Nội, 2014.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,