Tinh thần Nhật Bản trong bức tranh ‘Sóng lừng’ của Hokusai

Không chỉ là một tác phẩm kinh điển của hội họa Nhật Bản, Sóng lừng của Hokusai còn là một biểu tượng cho tinh thần và văn hóa đặc biệt của người Nhật.

Tinh thần Nhật Bản trong bức tranh ‘Sóng lừng’ của Hokusai

Bút pháp hiện đại và giai điệu của sóng

Bức tranh Sóng lớn của Hokusai, còn có tên gọi là Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa (Kanagawa-oki nami ura), nằm trong loạt tranh in khắc gỗ Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ (sau này Hokusai sáng tác thêm 10 tác phẩm bổ sung) được công bố từ 1830 tới 1833. Đây là một tác phẩm bắt mắt, nhưng không phải dễ xem. Thoạt nhìn người ta có thể sẽ gắn tác phẩm với những cụm từ như “trang trí”, hay “đèm đẹp”. Bút pháp trong tranh của Hokusai rất chính xác, điêu luyện, nhưng không có được tính tự do nhẹ nhõm của Hiroshige. Vì vậy mà khi mới nhìn qua tác phẩm, ai đó có thể cảm thấy sự khô cứng như thể là sản phẩm của một người thợ vẽ hơn là một nghệ sỹ.

Tuy nhiên, càng xem lâu Sóng lừng, ấn tượng về tác phẩm sẽ càng biến hóa, thậm chí khiến chúng ta phải kinh ngạc bởi tính hiện đại của nó. Không phải vô cớ mà khi nhìn sâu vào những vệt nước xanh thẫm ta không chỉ cảm thấy sức mạnh những con sóng, mà cả giai điệu dập dồn của chúng. Những vệt màu xanh này vừa phản ánh cấu trúc của ngọn sóng, vừa biểu đạt hướng chuyển động. Tiết tấu song song và đan cài đầy hiệu quả của chúng rất gần với bút pháp của những nghệ sĩ Ấn tượng của châu Âu, đặc biệt là hai bậc thầy Hậu Ấn tượng là van Gogh và Cezanne. Hai bậc thầy này là những người đã chuyển hóa các điểm màu li ti thành những vệt màu quả quyết mạnh mẽ, để không chỉ đem lại các ấn tượng về bề mặt, mà còn hình thành một cấu trúc rõ rệt cho tác phẩm. Mấu chốt này chính là mầm mống ảnh hưởng sâu sắc tới các trường phái nghệ thuật Hiện đại phương Tây sau này, từ Lập thể tới Trừu tượng.

Như vậy, có thể nói rằng Hokusai đã đi trước phương Tây một bước. Ông sống ở một nước phương Đông xa xôi, nơi mà nền hội họa khi ấy còn chưa mấy phát triển, phải chập chững học hỏi từ những họa phẩm Hà Lan nhập cảng vào. Nhưng ông đã làm được những điều mà cả thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ sau ở phương Tây mới xuất hiện.

Nếu để ý ngọn sóng thấp hơn ở góc dưới, chúng ta thấy rằng những đường gấp khúc thoạt nhìn chỉ để mô tả cấu trúc bề mặt của con sóng, nhưng tiết tấu gấp khúc liên tiếp tạo ra nhịp điệu gấp gáp, tương phản với tiết tấu duỗi dài với những vệt song song ở ngọn sóng trung tâm đang vươn đến đỉnh điểm cao nhất. Sự tương phản này giúp làm nên nhịp điệu đặc trưng của biển cả.

Tiếp theo hãy để ý bố cục hình tam giác của chúng, trong đó hướng dịch chuyển và vị trí của chúng tạo thành hai cung tròn mà điểm giao nhau là ở mũi thuyền bên trái. Thoạt đầu bố cục này không có vẻ gì là đặc biệt, nhưng ngay khi người xem tìm cách nắm bắt toàn cảnh bức tranh, đôi mắt họ không tránh khỏi dao động, dịch chuyển qua lại trên hai cung tròn. Điều này tạo thêm một yếu tố làm thành giai điệu dập dồn cho biển cả.

Cái nhìn chiêm nghiệm của phương Đông

Ngọn sóng cao nhất trong bức tranh Sóng lừng khiến người ta thường liên tưởng tới bối cảnh sáng tác. Đó là một giai đoạn đời sống cá nhân của Hokusai đang đi xuống, gặp nhiều khó khăn trở ngại. Nhưng thực tế là những con sóng lớn luôn thu hút sự quan tâm của họa sĩ từ trước đó rất lâu. Vì vậy, có lẽ Sóng lừng không đơn thuần chỉ để biểu đạt một tâm tư cụ thể nhất thời nào đó, mà là kết quả của một quá trình chiêm nghiệm.

Một trong những ấn tượng dễ thấy nhất ở bức tranh Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa của Hokusai là hòa sắc trầm và dịu, tương phản với nội dung là khung cảnh những con thuyền đang vật lộn sinh tử trong cơn biển động dữ dội. Hòa sắc trầm dịu này cũng thể hiện một sự chiêm nghiệm trong tâm tưởng rất đặc trưng của phương Đông, đối diện với những gian nguy bằng con mắt tĩnh tại nhiều chiều sâu.

Từ hai tác phẩm được Hokusai sáng tác những năm 1803 và 1805 tới tác phẩm Sóng lừng cho thấy đã có một quá trình phát triển để đạt tới chín muồi. Hokusai bị ám ảnh bởi sự thô, nặng của ngọn sóng, phản ánh những thách thức lớn lao mà con người phải trải qua, nhưng tới Sóng lừng thì ông bổ sung thêm tính biểu cảm qua những bọt nước. Những bọt nước nhẹ nhõm giữa lưng chừng không gian càng tương phản với con sóng to lớn, tạo chất thơ cho khung cảnh. Trong tác phẩm Kaijo no Fuji được sáng tác năm 1834, chúng ta thấy Hokusai không sử dụng hình ảnh các bọt nước, mà phát triển thành những cánh chim chao lượn tự do.

Sự phát triển thể hiện qua bốn tác phẩm, mà cuối cùng cô đọng lại ở tinh thần mạch lạc và tự do trong tác phẩm Kaijo no Fuji khiến chúng ta không khỏi liên tưởng tới những dòng suy nghiệm của Hokusai vài năm trước khi ông qua đời:

“Tôi bắt đầu có thói quen vẽ từ năm 5 tuổi. Tới tuổi 50, tôi đã vẽ được khá nhiều, nhưng phải tới năm 70 tuổi, tác phẩm của tôi vẽ ra mới thực có giá trị. Tới năm 73 tuổi, cuối cùng thì tôi cũng học được điều gì đó về bản chất chân thật của sự vật, chim, thú, côn trùng, cá, và cỏ cây. Để rồi tới năm 80 tuổi, tôi sẽ tiếp tục tiến bộ, và tới năm 90 tuổi tôi thấu tỏ được ý nghĩa sâu xa nhất trong vạn vật…”.

Bức tranh Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa không có được tinh thần tự do tự tại như bức Núi Phú Sĩ nhìn từ biển khơi (Kaijo no Fuji). Nó đi theo mạch của hai tác phẩm trước đó, phản ánh sự tương tranh căng thẳng giữa tạo hóa và con người, mà cụ thể ở đây là con người Nhật Bản.

Nhân vật trong tranh là những ngư dân, tầng lớp nghèo khổ phía dưới của xã hội. Khác với hai bức tranh đầu tiên, trong đó hình ảnh các con thuyền tìm cách chạy thoát khỏi những ngọn sóng lớn, ở Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa chúng ta thấy những con thuyền đang lao trực diện vào sóng dữ. Hình ảnh con thuyền ngoài cùng bên phải được ngọn sóng nâng lên trong tư thế chúc xuống rất thú vị, một mặt phản ánh nhịp điệu lên xuống của biển cả, mặt khác thể hiện giữa con người với thiên nhiên không đơn thuần chỉ có sự đối đầu mà còn có cả sự nương tựa và tùy biến linh hoạt. Những ngư dân trong tranh không thể hiện ra ngoài sự hoảng loạn. Tư thế gò lưng đều tăm tắp cho thấy tinh thần kỷ luật và đoàn kết vượt qua khó khăn, một đặc trưng của tinh thần con người Nhật Bản.

Khi nói về bức tranh Sóng lừng của Hokusai, người ta vẫn thường đề cập đến hình ảnh núi Phú Sĩ nom nhỏ bé ở phía xa, tương phản với ngọn sóng cao lừng lững trước mắt. Nhưng có một sự tương phản khác mà ít người để ý hơn, giữa hình ảnh ngọn núi thiêng tĩnh tại, với những bọt nước treo lơ lửng giữa lưng chừng không gian. Điều đó tạo ra ấn tượng về tính nhất thời của khoảnh khắc sẽ qua đi. Ấn tượng này cũng rất liên quan đến tư thế chông chênh cheo leo của con thuyền ngoài cùng bên phải, mũi thuyền đẩy ngang qua núi Phú Sĩ.

Có lẽ, thông điệp mà họa sĩ gửi gắm ở đây là mọi khó khăn dù có thể vô cùng lớn lao ngay trước mắt nhưng rồi sẽ qua đi, và sau những cố gắng bền bỉ của con người thì những điều thiêng liêng, tốt đẹp sẽ còn lại mãi mãi. Sự lạc quan và kiên cường hẳn cũng là một đặc trưng khác của tinh thần Nhật Bản.

>> Hokusai – huyền thoại của nền hội họa truyền thống Nhật Bản
.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG 

Tags: , , , ,