Tính cách con người qua các học thuyết tâm lý

Tính cách con người được thể hiện qua hành vi của họ, đôi khi chỉ cần quan sát một hành động cũng giúp chúng ta phán đoán được tính cách.

Tính cách con người qua các học thuyết tâm lý

Nguồn: Trích sách Bí Quyết Đọc Tâm / Trần Bác Nam, Minh Long Book dịch.

Tuyển thủ bóng chày nổi tiếng Nhật Bản Katsuya Nomura có óc quan sát rất nhạy cảm và sắc bén, là một ví dụ về điều này. Trước khi vào phòng, người tháo và đặt giày ngay ngắn là cầu thủ sân trong. Chỉ cần có chỗ trống sẽ tiện tay để giày ở bất kỳ chỗ nào là cầu thủ sân ngoài. Còn những người không cần quan tâm đến ai, sẵn sàng đặt giày của mình lên trên giày của người khác là cầu thủ ném bóng. Nomura Katsuya chỉ quan sát những hành vi vô thức trong cuộc sống hằng ngày mà phát hiện ra những đặc điểm đặc trưng của từng người, sau đó đưa ra những suy luận về nội tâm của họ, đây quả thực là điều không hề đơn giản, khiến ai cũng thấy khâm phục.

Do vậy, có thể thấy rằng mỗi người đều có những tính cách riêng biệt, có thể được biểu hiện qua sự khác nhau trong hành vi. Vấn đề về tính cách con người là một chủ đề thú vị được nghiên cứu thông qua rất nhiều học thuyết và quan điểm khác nhau. Vậy tính cách được hình thành từ đâu và có đặc điểm gì, dưới đây là một vài góc nhìn.

TÍNH CÁCH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA DI TRUYỀN / MÔI TRƯỜNG

Tính cách con người được quyết định bởi yếu tố di truyền hay do môi trường?

Đối với câu hỏi này, luôn tồn tại song song 2 câu trả lời, có người cho rằng đó là yếu tố di truyền, lại có người nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường. Đây cũng là vấn đề “giáo dục hay di truyền”.

Di truyền tạo ra sự khác biệt ở mỗi cá thể người, trước hết ở các loại hình khí chất, các kiểu hoạt động thần kinh, sau đó cùng với các yếu tố khác tạo nên những đặc điểm riêng không chỉ về mặt sinh học mà cả về tính cách, năng lực của mỗi cá nhân.

Theo nhà tâm lý học người Đức Erich Seligmann Fromm (1900-1980) thì “khí chất” là cái gốc của “cơ thể”, còn “tính cách” là cái gốc của “tinh thần”.

Về môi trường, có thể phân thành các dạng như môi trường tự nhiên mang tính địa lý, môi trường xã hội, tính cách của cha mẹ, cách dạy dỗ con cái. Gia đình của tội phạm thường sẽ sản sinh ra tội phạm, điều này có thể chứng tỏ khuynh hướng phạm tội không hoàn toàn do di truyền, chúng ta phải xem xét đến cả sự ảnh hưởng do môi trường gia đình nữa. Còn các nhà Tâm lý học cá nhân như Alfred Adler (1870-1937) khi bàn đến sự hình thành tính cách lại chú trọng đến ảnh hưởng của môi trường, cho rằng di truyền không phải yếu tố quan trọng.

Do vậy, yếu tố giáo dục quan trọng hơn di truyền trong việc hình thành tính cách.

TÍNH CÁCH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA PHÂN TÂM HỌC

Sigmund Freud chia những yếu tố cấu thành nên tính cách con người là tự ngã, bản ngã và siêu ngã.

Tự ngã (id) là cấp độ thấp nhất và cũng là bộ phận sơ khai nhất của tính cách con người, nơi chứa đựng những bản năng gốc của con người, còn thứ nắm giữ nguyên tắc đạo đức là siêu ngã (superego). Bản ngã (ego) giữ vai trò điều hòa hai yếu tố trên.

Tự ngã là cội nguồn của tinh lực mang tính bản năng, sinh ra từ những khoái cảm, dục vọng, mưu cầu mù quáng, do đó quá trình hình thành tự ngã còn được gọi là “nguyên tắc khoái cảm”.

Bản ngã bắt nguồn từ nguyên lý hiện thực, kiềm chế, hoặc giải phóng tự ngã, có năng lực khống chế với phương thức được gọi là “phòng vệ”. Xét trên phương diện tính dục, nếu ai cũng tùy tiện sàm sỡ phụ nữ xung quanh thì xã hội sẽ không thể vận hành bình thường được. Khi ấy, mỗi người cần phải tự kiềm chế dục vọng tự ngã, phát tiết vừa phải đồng thời nghiêm túc khống chế ham muốn bản thân.

Siêu ngã có thể được gọi một cách đại khái là “lương tâm”, gồm các yếu tố đại diện là luân lí và đạo đức xã hội, các quy phạm về xã hội, văn hóa được hình thành trong thời thơ ấu, thông qua sự dạy dỗ của cha mẹ. Siêu ngã phụ trách kiểm soát bản ngã, khống chế tự ngã.

Do đó, bản ngã sẽ không ngừng nhắc tới siêu ngã, xử lí những yêu cầu không suy nghĩ và mang tính bản năng của tự ngã. Tự ngã thể hiện điều ta “muốn làm”, siêu ngã nhắc nhở điều ta “không được làm”, còn bản ngã là “trọng tài” dàn xếp mâu thuẫn giữa tự ngã và siêu ngã.

THỨ TỰ RA ĐỜI CỦA CÁC ANH CHỊ EM RUỘT VÀ TÍNH CÁCH CÁ NHÂN

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng, thứ tự ra đời có ảnh hưởng nhất định đến tính cách và trí tuệ của con người. Người ta thường nói đến sự khác nhau giữa “con dạ” và “con so”, hay con út trong nhà thường nhõng nhẽo. Nhà tâm lý học người Áo Alfred Adler đã chỉ ra khuynh hướng chính sau đây:

Con trưởng từ khi mới ra đời thường được cha mẹ và mọi người xung quanh kỳ vọng rất nhiều, đương nhiên cũng được yêu chiều từ nhỏ. Từng hành động, lời nói của con trưởng đều được mọi người chú ý và cổ vũ, khiến họ cho rằng “Mình được coi trọng”, đồng thời luôn có suy nghĩ “Mình là con cả, mình phải thể hiện tốt hơn mấy đứa em”. Những suy nghĩ này chi phối con trưởng trong suốt quá trình trưởng thành, kết quả hình thành nên tính cách độc lập, gia trưởng, luôn cho mình là trung tâm.

Con thứ không phải là trung tâm chú ý của mọi người, tuy nhiên lại không cần gánh vác quá nhiều trách nhiệm như con trưởng, ngược lại, do đã có con trưởng làm gương nên con thứ chỉ phải chịu áp lực vừa phải. Con thứ có thể giải quyết mọi việc một cách ổn thỏa, có thể phát huy tài năng tốt hơn con trưởng. Tuy nhiên, con thứ cũng sẽ có lúc nảy sinh suy nghĩ chống đối với con trưởng, từ đó trở nên khinh rẻ quyền uy, chống đối quyền lực.

Con út thường được cha mẹ và các anh chị yêu thương, hơn nữa, do bé nhất nhà nên thường được nuông chiều, khiến con út thường ít kinh nghiệm, kém độc lập hơn.

Con một ở hoàn cảnh đặc biệt hơn, do không có anh chị em nên mọi kỳ vọng cũng như sự yêu thương, nuông chiều, bảo vệ của cha mẹ đều dồn hết lên họ, dẫn đến một phong cách sống với phẩm chất tiêu biểu là phụ thuộc và coi mình là trung tâm.

Theo TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG

Tags: