Thuyết Địa tâm lý học trong nghiên cứu quan hệ quốc tế

Thuyết địa tâm lý học (Geopsyche) có thể coi là lăng kính địa lý về mô hình hành vi và thái độ của một dân tộc đối với các dân tộc khác, bắt nguồn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, quá trình lịch sử, cấu trúc văn hóa và cấu trúc xã hội.

Trích đăng bài viết của Tiến sĩ B.M. Jain, Giáo sư Khoa học Chính trị, Tổng Biên tập Tạp chí Asian Affairs, Ấn Độ.  

Học giả người Đức Willy Hellpach đã sử dụng thuật ngữ “Geopsyche”[1] trong công trình đột phá của mình. Được đào tạo cơ bản về bác sĩ y khoa và tâm lý học môi trường, ông đã giải thích rõ ràng những tác động của các vật thể tự nhiên như trái đất, mặt trăng và mặt trời đối với con người và môi trường xã hội. Tuy nhiên, ông không xem xét địa tâm lý học một cách khoa học và toàn diện. Ông cũng không dự tính áp dụng nó vào quan hệ quốc tế. Tương tự, Ronald W. Scholtz, một nhà toán học và tâm lý học, đã khám phá cách nhận thức của con người bị ảnh hưởng bởi các điều kiện môi trường. Scholtz và Hellpach đã nghiên cứu “màu sắc và hình dạng của phong cảnh” ảnh hưởng đến hành vi của con người, trong khi trong chính trị quốc tế, hành động của con người vượt qua biên giới quốc gia và thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Trong bối cảnh này, địa tâm lý học được cấu thành từ trạng thái tinh thần và kiểu hành vi của các nhà lãnh đạo cầm quyền và chế độ toàn trị, bao gồm quần chúng của một khu vực cụ thể hoặc quốc gia. Nói cách khác, địa tâm lý học mang dấu ấn của những nhận thức chung, định kiến, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo, sắc tộc và kinh nghiệm lịch sử.

Nhìn chung, địa tâm lý học phản ánh môi trường văn hóa xã hội trong một khu vực địa lý nhất định. Nói cách khác, có sự liên kết giữa các môi trường và tâm lý đại chúng. Hơn nữa, khung nhận thức của mỗi xã hội khác nhau giữa các vùng, hoặc quốc gia, tùy thuộc vào cấu trúc xã hội và sự nuôi dưỡng văn hóa của quần chúng và các chủ thể cầm quyền hoặc phi nhà nước – những người tiếp thu “các quy tắc và định hướng giá trị” do cộng đồng hoặc nhóm địa phương sống trong một “môi trường xã hội hóa” vận hành.

Về ý nghĩa, địa tâm lý học là một la bàn chính sách hay ngọn hải đăng trong các hành trình của chính sách đối ngoại. Nó đặt ra để lấp đầy lỗ hổng kiến thức trong các lý thuyết quan hệ quốc tế chính thống (IR) thống trị ở phương Tây vốn phần lớn bỏ qua vai trò của kinh nghiệm lịch sử, giá trị xã hội và văn hóa, và hệ thống niềm tin của các xã hội châu Á và các tác nhân khu vực trong việc hình thành hành vi chính sách đối ngoại. Điều này đặc biệt đúng với Nam Á, Trung Đông và Đông Bắc Á. Trên thực tế, địa tâm lý học vẫn là một “người anh em bị ghẻ lạnh” thuộc nhánh của IR, điều này không có nghĩa nó không thuộc tâm lý học. Trong bối cảnh này, Joshua Kertzer và Dustin Tingley thuộc Đại học Harvard đã phát hiện ra một sự chuyển đổi đáng kể của tâm lý học chính trị (PS) trong IR. Họ đã xác định các lĩnh vực nghiên cứu chính về sự phát triển ở PS – “Sự dâng trào mối quan tâm về cảm xúc và nhận thức, sự tăng lên của các lý thuyết thông tin tâm lý về dư luận ở IR, một chương trình nghiên cứu non trẻ [tác động của IR đối với cá nhân] [được gọi là] ‘hình ảnh đảo ngược đầu tiên’, và công trình sinh học thần kinh và tiến hóa.”[2] Tuy nhiên, tâm lý chính trị không đủ chẩn đoán sự phức tạp của địa tâm lý học của các tác nhân nhà nước và phi nhà nước.

Các nhà lý luận IR bị chia rẽ sắc về tính hợp lệ và độ tin cậy của các mô hình IR. Có lẽ, họ đã không thể đưa ra những lời giải thích súc tích, rõ ràng và thuyết phục về lý do tại sao hành vi chính sách của giới tinh hoa quốc gia và quốc tế không thể được nghiên cứu một cách khoa học. Chẳng hạn như, Kenneth Waltz lập luận rằng các quốc gia không chỉ quan tâm đến việc bảo tồn phần quyền lực của họ mà còn mở rộng và củng cố nó với ý định thay thế cấu trúc quyền lực hiện tại, cho dù bị chi phối bởi một hay nhiều cường quốc. Tuy nhiên, “chủ nghĩa hiện thực mới cũng giống như chủ nghĩa hiện thực cổ điển, không thể giải thích thỏa đáng cho những thay đổi trong chính trị thế giới…Họ cho rằng chủ nghĩa hiện thực mới bỏ qua cả quá trình lịch sử trong đó bản sắc và lợi ích được hình thành cũng như đã bỏ qua nhiều khả năng mang tính phương pháp luận.”[3] Chủ nghĩa hiện thực giả định rằng các quốc gia “nghĩ và hành động theo lợi ích được định rõ là quyền lực.” Đó là một tuyên bố chung về tâm lý của các quốc gia. Địa tâm lý học chủ yếu thể hiện đặc thù quốc gia và khu vực – ví dụ, đặc trưng của Trung Quốc trong trường hợp của Trung Quốc.[4] Không phủ nhận rằng các quốc gia hành động để tăng cường quyền lực nhưng tâm lý của họ chỉ ra mức độ và cách tiếp cận theo đuổi quyền lực của họ. Lý thuyết địa tâm lý học nhằm mục đích nghiên cứu, giải thích và phân tích hành vi của các chủ thể nhà nước chuyên quyền và phi nhà nước, những người có khả năng gây ảnh hưởng đến trật tự toàn cầu và khu vực.

Lý thuyết địa tâm lý học là một tập hợp vô số các mối tương quan như địa lý, lịch sử, chủ nghĩa dân tộc, giá trị văn hóa, định hướng tôn giáo, hệ thống tín ngưỡng và niềm tin hình thành nhận thức, quan điểm và cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo cầm quyền và các chủ thể phi nhà nước đối với chính trị khu vực và toàn cầu. Ví dụ, các câu chuyện lịch sử là một công cụ nổi bật của “kí ức xã hội”, giúp hiểu được tâm lý của giới tinh hoa quốc gia hay đặc biệt là chế độ toàn trị. Nhận thức văn hóa tâm lý, được hình thành trong quá trình xây dựng quốc gia dân tộc, có xu hướng ảnh hưởng đến tâm lý của những người sống trong ranh giới quốc gia. Điều quan trọng cần lưu ý là không chỉ những người có mối quan hệ văn hóa với nhau tạo ra sự hiềm khích đại chúng mà cả chiến tranh cũng được lý tưởng hóa, sự thù địch được thể chế hóa, và xung đột tôn giáo được hợp pháp hóa. Đây là cách các mối quan tâm trừu tượng của văn hóa dần dần biến thành “sự thù ghét hiện đại”, và sự cạnh tranh lịch sử được dự đoán là một nhu cầu chính trị để vượt qua đối thủ.

Địa tâm lý học vẫn là một lĩnh vực bị lãng quên trong quan hệ quốc tế (IR). Một phần, nó được cho là do ưu thế của địa chính trị trong thời Chiến tranh Lạnh khi các nhà lý luận IR quan tâm nhiều hơn đến việc nghiên cứu các liên minh vì ảnh hưởng của nó đối với sự cân bằng quyền lực. Họ nhấn mạnh vào “các điều kiện cấu trúc bên trong mà các quốc gia hành động thay vì đặc điểm của từng quốc gia, chẳng hạn như các thể chế chính trị trong nước của họ.”[5] Có lẽ, họ đã quá bận tâm nghiên cứu về các tranh chấp liên bang được quân sự hóa nên không thể suy ngẫm về hiệu quả của địa tâm lý học như là một phương thức quản lý khủng hoảng ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Hơn nữa, các học giả phương Tây đã tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu các tổ chức Liên Hợp Quốc và Bretton Woodsm, là các thể chế chủ yếu phục vụ cho lợi ích quân sự và an ninh trong việc tối đa hóa quyền lực hơn là hỗ trợ một nhà nước đạo đức[6] trong chính trị lưỡng cực.

Tình cờ là ngành IR đã trải qua sự chuyển đổi căn bản với sự kiện bi thảm xảy ra ngày 11/9. Các học giả IR tham gia vào các nghiên cứu về ý thức hệ, quân sự và an ninh, giờ đây có trách nhiệm lớn hơn trong việc hiểu thấu đáo các kiểu đe dọa mới xuất phát từ các chủ thể phi quốc gia và toàn trị – những người có khả năng tác động đến quỹ đạo của kiến trúc an ninh khu vực và toàn cầu ngày nay. Henry Kissinger, thuộc trường phái tư tưởng hiện thực, đồng ý rằng khái niệm cân bằng quyền lực truyền thống không còn có thể định nghĩa các “khả năng” hay “nguy cơ” nữa.[7] Theo nhận thức của ông, các mô hình quốc tế cũ đang sụp đổ và các giải pháp cũ không còn khả thi do ảnh hưởng của công nghệ và truyền thông khiến mọi người nhận thức được những gì đang diễn ra trên thế giới. Bởi vậy, lý thuyết địa tâm lý học là một nỗ lực để thu hẹp khoảng cách kiến thức hiện có trong các lý thuyết IR bằng cách làm sáng tỏ các đặc điểm khác biệt của một khu vực về địa lý, lịch sử, dân tộc, tôn giáo, văn hóa (đặc biệt về phương diện văn hóa), và thế giới quan của giới tinh hoa quốc gia và các chủ thể cá nhân. Nó có khả năng phân tích các nguyên nhân cơ bản của xung đột, bạo lực và chiến tranh trong trật tự thế giới hiện tại cũng như đóng vai trò là kim chỉ nam nhằm giảm thiểu cường độ tương tác của vô số xung đột. Sự thích đáng của nó có thể được tóm gọn như sau.

Đầu tiên, các mô hình chủ đạo của IR như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực mới, chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa kiến tạo đã không thể đưa ra những lý do chính đáng về nguyên nhân gốc rễ của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như phong trào ly khai, nội chiến, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và xung đột tôn giáo trên khắp thế giới. Ngược lại, lý thuyết địa tâm lý học giúp hiểu cách những lực lượng quyết định chủ nghĩa dân tộc, những bất bình lịch sử và văn hóa định hình các cách tiếp cận chính sách và chiến lược của các chế độ độc đoán; trong khi đối phó với cái gọi là quyền bá chủ siêu cường trong bối cảnh thời kỳ bá quyền đã kết thúc trong một trật tự thế giới phụ thuộc lẫn nhau.

Thứ hai, lý thuyết địa tâm lý học rất hữu ích trong việc tìm hiểu chính sách đối ngoại và hành vi ngoại giao của các chế độ toàn trị, do tính không khả thi của mô hình lựa chọn hợp lý trong quá trình ra quyết định của họ.

Thứ ba, chủ nghĩa hiện thực cấu trúc, chủ nghĩa tự do mới và chủ nghĩa kiến tạo đã không thể chẩn đoán và chi tiết hơn về cách hành xử của các tác nhân phi nhà nước bạo lực đôi khi đe dọa và thách thức hơn so với các tác nhân nhà nước.

———————————

Chú thích:

[1] Willy Hellpach, Geopsyche, Leipzig: Engelmann, 1911.
[2] Joshua D. Kertzer and Dustin Tingley, “Political Psychology in International Relations: Beyond the Paradigms,” Annual Review of Political Science, Vol. 21, 2018, 1-23, https://scholar.harvard.edu/files/dtingley/files/psyir.pdf.
[3] W. Julian Korab-Karpowicz, “Political Realism in International Relations,” Stanford Encyclopedia of Philosophy, Summer 2018, https://plato.standford.edu/entries/realism-intl-relations/.
[4] Xem Joseph Tse-Hei Lee, Lida V. Nedilsky and Kelvin C.K. Cheung, China’s Rise to Power: Conceptions of State Governance (New York: Palgrave MacMillan, 2012); Weixing Hu, Gerald Chan và Daojiong Zha, “Understanding China’s Behavior in World Politics: An Introduction” trong Weixing Hu, Gerald Chan and Daojiong Zha, China’s International Relations in the 21st Century: Dynamics of Paradigm Shifts (Maryland: University Press of America, 2000); Zhiqun Zhu, China’s New Diplomacy (Surrey: Ashgate, 2013).
[5] John R. Oneal, “Transforming Regional Security through Liberal Reforms,” in T.V. Paul (ed.), International Relations Theory and Regional Transformation (Ch. 7, pp. 158-180), Cambridge: Cambridge University Press, 2012.
[6] Xem Robert O. Keohane, After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy. Princeton, N.J: Princeton University Press, 1984; Mearsheimer, John J., The Tragedy of Great Power Politics (New York, NY: W.W. Norton, 2014).
[7] Henry Kissinger, World Order (Penguin Press, 2014).

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: ,