Thị hiếu nghệ thuật của người Việt vẫn thấp một cách thê thảm

Phần đông tìm đến nghệ thuật để mua vui nhiều hơn là thưởng thức, tức là để đáp ứng nhu cầu giải trí nhiều hơn là thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, tìm kiếm cái đẹp trong cuộc sống, tâm hồn.

Có một thực trạng đáng buồn hiện nay, đó là văn hóa thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận không nhỏ công chúng Việt Nam vẫn chưa cao. Những năm gần đây, nhìn trên bề nổi, số lượng người xem đến các rạp hát, rạp chiếu phim, triển lãm… không ngừng tăng lên phần nào cho thấy sự quan tâm hơn của công chúng tới các lĩnh vực nghệ thuật.

Song xét kỹ mới thấy, phần đông tìm đến nghệ thuật để mua vui nhiều hơn là thưởng thức, tức là để đáp ứng nhu cầu giải trí nhiều hơn là thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, tìm kiếm cái đẹp trong cuộc sống, tâm hồn. Thế nên mới hay bắt gặp những hiện tượng, không ít người thản nhiên mặc đồ ngủ, đi dép lê loẹt xoẹt đến rạp xem nghệ thuật; thản nhiên “buôn” điện thoại di động oang oang trong khi người khác đang thưởng thức; hay vô tư ăn quà vặt và nói những chuyện chẳng liên quan gì đến nghệ thuật suốt từ đầu đến cuối chương trình. Có những người dám bỏ cả vài triệu đồng mua vé xem một buổi diễn nghệ thuật, nhưng lại đến muộn. Thậm chí, có nhiều đôi trẻ còn biến không gian nhà hát, rạp chiếu phim… thành nơi dành cho những chuyện yêu đương.

Công chúng không chỉ là chủ thể thưởng thức nghệ thuật mà còn có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phổ biến đại chúng của tác phẩm nghệ thuật.

Nền nghệ thuật của một dân tộc chỉ có thể phát triển và thăng hoa khi mỗi công dân biết tôn trọng những sáng tạo nghệ thuật và có thái độ thật sự nghiêm túc khi tiếp nhận, thụ hưởng các thành quả nghệ thuật đó. Ðây cũng chính là cơ sở để công chúng có thể tự khách quan sàng lọc, tôn vinh những giá trị nghệ thuật đích thực và phủ nhận những yếu tố phi nghệ thuật. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề giáo dục nghệ thuật cho công chúng, bao gồm cả việc giáo dục về nghệ thuật và giáo dục thông qua nghệ thuật. Những thế hệ tương lai phải được đào tạo cơ bản về cách cảm thụ những tác phẩm nghệ thuật ở mọi lĩnh vực từ cấp học mẫu giáo tới khi trưởng thành. Không chỉ trang bị những kiến thức về nghệ thuật, các em còn cần được dạy cách giao tiếp, ứng xử với nghệ thuật. Ðây là điều mà giáo dục Việt Nam đang còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, trong khi nhiều nước trên thế giới đã xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược “trồng người”. Thậm chí, để tạo thuận lợi cho việc phát triển giáo dục văn hóa nghệ thuật, nước bạn Hàn Quốc còn ban hành cả Luật hỗ trợ Giáo dục văn hóa và nghệ thuật (năm 2005) nhằm cung cấp khung pháp lý và các hướng dẫn cho việc thực thi chính sách giáo dục nghệ thuật, văn hóa.

Bên cạnh việc chú trọng giáo dục nghệ thuật cả ở bề rộng và chiều sâu trong nhà trường ở nước ta, nên đa dạng hóa các chương trình giáo dục văn hóa cho cộng đồng; phát triển nguồn nhân lực và đào tạo các nhà giáo dục nghệ thuật; xây dựng mạng lưới hợp tác về giáo dục văn hóa nghệ thuật; đồng thời chú ý xây dựng các thiết chế để hỗ trợ cho công tác giáo dục nghệ thuật được phát triển rộng khắp. Sự phối hợp giữa các ngành liên quan với những biện pháp thiết thực trong một chiến lược lâu dài, nhất định sẽ dần xây dựng được văn hóa thưởng thức nghệ thuật trong số đông công chúng, góp phần vào sự phát triển của đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung

Theo HỒNG TRANG / NHÂN DÂN ONLINE

Tags: , ,