Thủ đô hành chính Putrajaya của Malaysia: Một hình mẫu đô thị xanh

Không nhiều du khách biết đến thủ đô hành chính Putrajaya ở Malaysia, nơi ít hào nhoáng hơn Kuala Lumpur.

Thủ đô hành chính Putrajaya của Malaysia: Một hình mẫu đô thị xanh

Mahathir Mohamad là một trong những chính trị gia để lại dấu ấn lớn nhất tại Malaysia. Nền độc lập của Malaysia tồn tại được 64 năm, Mahathir Mohamad đã làm thủ tướng trong 24 năm và nhiệm kỳ thứ hai của ông đã kết thúc vào năm 2020.

Dù còn gây tranh cãi về những quyết sách trong 2 nhiệm kỳ làm thủ tướng, Mahathir Mohamad đã giúp Malaysia trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Á vào thập niên 1990. Trong đó, những công trình mang tính biểu tượng như sân bay quốc tế Kuala Lumpur hay tòa tháp đôi Petronas cao 452 m là minh chứng cho tham vọng của cựu Thủ tướng Malaysia.

Dự án thể hiện tầm nhìn táo bạo nhất của Mahathir Mohamad là Putrajaya, một thủ đô “khác” của Malaysia.

Thủ đô bình lặng

Năm 1999, Putrajaya trở thành nơi đặt trụ sở mới của Chính phủ Liên bang Malaysia để giải quyết tình trạng quá tải của Kuala Lumpur. Thành phố mới được quy hoạch hiện đại từ những khu đất ngổn ngang trồng cao su và cọ dầu. Nằm cách Kuala Lumpur 25 km về phía nam, Putrajaya hiện đóng vai trò là thủ đô hành chính và tư pháp của Malaysia.

Ban đầu, Chính phủ Liên Bang Malaysia dự dịnh quy hoạch Putrajaya trở thành thành phố thân thiện với môi trường và gìn giữ bản sắc đất nước với quy mô dân số khoảng 350.000 người, đáp ứng nhu cầu của 500.000 người đi lại thường xuyên. Tuy nhiên, việc nằm giữa Kuala Lumpur, một trong những đô thị được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới và thành phố lịch sử Malacca khiến tăng trưởng dân số ở Putrajaya chậm hơn dự kiến. Ngày nay, Putrajaya vẫn là đô thị bình yên với chỉ 120.000 cư dân.

Khách du lịch đến Putrajaya có thể chiêm ngưỡng những công trình tọa lạc tại khu vực trung tâm thành phố kết hợp giữa nghệ thuật kiến trúc đương đại với thiết kế truyền thống của đạo Islam.

Những tòa nhà chọc trời được tô điểm bởi hoa văn Arabesque đặc trưng; thánh đường Islam Tuanku Mizan Zainal Abdin (Thánh đường Sắt) là niềm tự hào của Putrajaya với kiểu kiến trúc bằng thép và kính hiện đại; trung tâm hội nghị quốc tế có thiết kế lấy cảm hứng từ Pending Perak, chiếc thắt lưng bằng bạc đại diện cho vương quyền Malaysia hay mái vòm xanh bạc của Perdana Putra, khu phức hợp văn phòng Thủ tướng Malaysia, là những công trình độc đáo tại thủ đô Putrajaya.

Ngay cạnh Perdana Putra là điểm du lịch nổi tiếng nhất của thành phố, Masjid Putra. Thánh đường Putra được hoàn thành vào năm 1997 và có thể đón tiếp hơn 10.000 tín đồ cùng một lúc.

Công trình gồm 3 khu chức năng chính: Nhà nguyện đơn giản nhưng trang nhã, sân trong và tòa tháp cao 116 m. Thánh đường là sự kết hợp tuyệt vời giữa phong cách truyền thống Malay và Trung Đông. Điểm nhấn của Masjid Putra là mái vòm màu hồng phấn tinh tế nên công trình còn được gọi “Thánh đường màu hồng”.

Thành phố xanh

Mục tiêu của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad là xây dựng Putrajaya trở thành đô thị hiện đại và thân thiện với môi trường. Do vậy, 37% diện tích đất của thành phố dành cho công viên và khu vực công cộng.

Các camera quan sát (CCTV) được lắp đặt khắp Putrajaya để xác định nhanh chóng và cảnh báo cho nhân viên trong trung tâm chỉ huy về các vấn đề giao thông, tội phạm, ô nhiễm môi trường hoặc liên quan đến cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, trung tâm chỉ huy cũng theo dõi dữ liệu thời tiết của thành phố, hệ thống giao dịch điện tử cho phép người dân thanh toán bằng ứng dụng điện thoại, biết được mực nước hồ Putrajaya…

Theo tiến sĩ Sundari Ramakrishna từ Hiệp hội Bảo vệ Môi trường Malaysia, Putrajaya là môi trường thích hợp cho động vật hoang dã sống và sinh sản. Có rất nhiều khu rừng yên tĩnh và hồ nước trong lành xung quanh thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Hiện nay, có gần 100 loài chim di trú, 1.800 loài côn trùng, 16 loài lưỡng cư, 22 loài bò sát, 16 loài động vật có vú đang sinh sống tại Vườn bách thảo, Công viên Rừng Tự nhiên và Công viên Đầm lầy Putrajaya, vùng đầm lầy nước ngọt nhân tạo lớn nhất ở Malaysia. Ngoài ra, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy những đàn chim vỗ cánh một cách duyên dáng trên những con đường, tuyến phố tại thủ đô Putrajaya.

Chính phủ Liên Bang Malaysia cũng thi hành nhiều chính sách nhằm bảo vệ môi trường xanh của Putrajaya như xây dựng 10 khu vườn cộng đồng, nơi người dân có thể trồng trái cây và rau củ, một cơ sở nuôi ong mật và giảm thiểu chất thải giúp thành phố tăng 15% lượng rác có thể tái chế so với năm 2020.

Các chính sách xanh của Putrajaya, bao gồm trung tâm xử lý nước mưa ở các tòa nhà, viện ung thư sử dụng hệ thống quang điện đã giành giải thưởng Thành phố Du lịch Sạch ASEAN.

Khi Fazley Fadzil 12 tuổi, gia đình anh chuyển từ Subang Jaya đến thủ đô Putrajaya. Thành phố mới của gia đình Fadzil thật bình dị khi so sánh với “khu rừng bê tông” ở Subang Jaya. Nhưng Putrajaya lại có không khí trong lành với rất nhiều mảng xanh như công viên Rimba Alam, Saujana Hijau để gia đình Fadzil có thể thư giãn bằng cách đi bộ, đạp xe, khiến thành phố trở thành một nơi tuyệt vời để sinh sống.

“Putrajaya không phải là môi trường sống hoàn hảo, nhưng thành phố đang tốt lên từng ngày. Putrajaya là minh chứng rõ nét cho những thành tựu phát triển kinh tế của đất nước Malaysia”, tiến sĩ Ramakrishna khẳng định.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,