Thói ma lanh của người Việt nhìn từ những ‘chuyện nhỏ’ ở sân bay

Những mánh lới gian dối theo kiểu khôn vặt như vậy quá nhiều trong xã hội. Đó là một trong những thói hư tật xấu của không ít người Việt. Ăn gian được một chuyện như vậy nhiều người thấy thỏa mãn, sung sướng và tự khen mình khôn ngoan, lanh lợi, biết ứng biến để tìm cái lợi cho mình. Thậm chí, họ chỉ cho con cái mình những mưu chước lừa gạt như một kỹ năng sống để ứng xử trong cộng đồng.

Ở các sân bay Việt Nam, tình trạng hành khách mắng chửi, sỉ vả nhân viên làm thủ tục, thậm chí dọa nạt đòi đánh diễn ra thường xuyên. Chuyến bay trễ, chưa biết vì lý do gì, hành khách đã mắng chửi nhân viên của các hãng máy bay như tát nước. Phần lớn nhân viên làm thủ tục là nữ, họ quá sợ hãi những hành khách hung dữ.

Một tình trạng khá phổ biến là cãi nhau liên quan đến gửi hành lý. Nhiều người có ý thức, khi đi máy bay giá rẻ, họ chủ động thu xếp để hành lý không vượt quá số cân quy định. Nếu mang hành lý nhiều, họ sẽ gửi và trả cước. Nhưng có nhiều người cứ mang hành lý “vô tư”. Đến khi làm thủ tục, họ cậy thế “thượng đế” cãi nhau với nhân viên, cho rằng không linh động giải quyết, họ mắng hãng máy bay cố tình làm khó để chặt chém hành khách. Chỉ vì một vài người thiếu ý thức như vậy, dẫn đến mất trật tự và ảnh hưởng đến hành khách khác.

Tệ hơn, có người giấu hành lý hay nhờ người khác cầm. Sau khi cân xong, ra ngoài nhét vào thêm. Hoặc làm thủ tục xong, lấy túi nhỏ lồng vào túi to giấu sẵn. Thế là túi xách cồng kềnh, vượt quá kích cỡ quy định hành lý xách tay. Bị phát hiện thì phản ứng, như trường hợp của nữ hành khách vừa bị phạt. Người viết bài này nhiều lần chứng kiến hành khách sau khi làm thủ tục, cân hành lý xách tay xong, đi ra ngoài lấy thêm hành lý người nhà cầm sẵn để nhét vào túi xách.

Những mánh lới gian dối theo kiểu khôn vặt như vậy quá nhiều trong xã hội. Đó là một trong những thói hư tật xấu của không ít người Việt. Ăn gian được một chuyện như vậy nhiều người thấy thỏa mãn, sung sướng và tự khen mình khôn ngoan, lanh lợi, biết ứng biến để tìm cái lợi cho mình. Thậm chí, họ chỉ cho con cái mình những mưu chước lừa gạt như một kỹ năng sống để ứng xử trong cộng đồng.

Sáng kiến đem lại lợi ích cho xã hội thì thiếu, nhưng “sáng kiến” mánh khóe lừa lọc lại quá nhiều.

Câu chuyện cái túi xách thêm cân ở sân bay chỉ là một trong vô số những điều không trung thực diễn ra hằng ngày trong xã hội. Nhiều người dễ dàng thỏa hiệp với chính mình khi thực hiện những hành vi không trung thực đó. Cân một ký thịt phải gian một ít, bán một lít xăng cũng tìm cách ăn gian… đến chuyện lớn như gian lận thi cử, bằng cấp. Đi xin việc thì chạy chọt, thi công chức, viên chức thì mua bằng, mua chứng chỉ. Thi cử thì quay cóp…Khi sự dối trá đã có từ trong trường học tràn ra xã hội thì sự dối trá ở sân bay là không khó hiểu.

Chúng ta đang sống trong một môi trường không ít sự dối trá, thiếu vắng sự trung thực.

Các nước văn minh ít có trường hợp hành khách ăn gian thêm một cân hành lý ở sân bay hay xén bớt lạng thịt ở chợ. Họ sống tự giác, tôn trọng các quy tắc xã hội, quy định của các dịch vụ mà họ tham gia. Sự trung thực là một nét đẹp văn hóa, là tiêu chuẩn của dân trí, là nền tảng của văn minh.

Hãy kêu gọi cộng đồng về sự trung thực, từ những chuyện đơn giản như cái túi xách ở sân bay.

Theo DÂN TRÍ

Tags: , ,