Thô mộc, hồn nhiên như nghệ thuật cổ Việt Nam

Thô mộc, hồn nhiên, chất phác, nếu người nào nghệ thuật đó thì có lẽ nghệ thuật Việt chính là vậy…

Thô mộc, hồn nhiên như nghệ thuật cổ Việt Nam

1. Phong cách chính là cách kể, cách hát, cách múa, cách vẽ, cách đẽo, cách tạc. Đề tài thì chung. Tượng Phật ở Việt Nam khác hẳn với tượng Phật của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… cũng là do cách tiếp nhận rất đặc sắc trong quá trình giao lưu với bên ngoài, như đã nêu trên của người Việt.

Phong cách suy cho đến cùng chính là người. Người nào nghệ thuật đó, phong cách của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt Nam chính là bản tính người Việt. Là sự thô mộc, hồn nhiên, chất phác. Là cái sự lỏng, sự cởi mở, là buông, là hỉ xả. Là có không, không có. Kỹ mà lại không, buông chùng nhưng khối vẫn căng mọng. Tượng thờ nhưng vẫn rất đời. Chải chuốt nhưng không bóng bẩy…

Cách làm thì tự nhiên, không bị cái chuyên nghiệp, tỉ mẩn, cầu kỳ làm cho khô khan, lạnh lẽo. Làm đến đâu hay đến đó. Có những pho tượng chỉ kỹ ở đôi chỗ, chỗ nào thích thì kỹ, còn thì bỏ ngỏ, phần nào thích thì làm to, không thì làm nhỏ, bất chấp quy tắc của giải phẫu cơ thể học. Có tiền thì thếp vàng trần toàn bộ, nếu không thì bạc dát phủ hoàn kim cũng không sao.

Chân dung của các pho tượng không bị thần thánh hóa, không cao siêu mà gần gũi, quen thuộc. Đó cũng là triết lý Phật giáo. Dù các pho tượng đó là Thích Ca sơ sinh hay là Quan Âm toạ sơn, Quan Âm chuẩn đề hoặc Văn Thù, Phổ Hiền hay bộ ba Tam Thế cũng vậy. Phật giáo không chủ trương thần tượng hóa. Kiến tính thành Phật, tùy nhân duyên, ai ai cũng có thể trở thành Phật dù đó là người nông dân hay trí thức…

Có cảm giác những nghệ nhân thời xưa phỏng theo khuôn mặt của bà con hàng xóm hoặc người trong họ mạc nhà mình mà đẽo, mà tạc, mà tô vẽ. Khác hẳn với tượng Phật của Lào, của Thái Lan trông thần thánh quá, tượng của Nhật cao to, uy nghi quá, tượng của Trung Quốc kỹ lưỡng đến mức khô khan, không còn tinh thần của đời sống.

2. Muốn hiểu người Việt thì cứ đi xem đình là đủ. Đặc điểm tính tình người Việt, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… tất tần tật là ở đó. Chẳng có đình nào giống đình nào. Do nhiều hiệp thợ cùng làm, lại không có bản vẽ, làm theo thói quen, theo tay nghề là chính. Gỗ lạt, gạch đá thứ thì mua, thứ do cung tiến. Thợ làm thuê và nhân công trong làng, nam phụ lão ấu đều có thể tham gia, có nghề hay không. Đình là của làng, phép vua không chòi xuống được nên chất dân gian của nghệ thuật đình rất đậm đặc.

Tôn giáo từ bên ngoài tự đến với người Việt chính thế lại hóa hay. Khách phải nhập gia tùy tục. Đền cũng là chùa. Lẫn lộn ở chung cũng được. Không quá khắt khe, cứng nhắc, buông là chính, lỏng là chính. Điêu khắc trang trí của đình thì tứ linh, tứ quý, bát bảo trộn với cảnh sinh hoạt đời thường như tắm sen, vật nhau, săn bắn, cày bừa ngay trong nơi lý ra phải tôn nghiêm.

Không chỉ long, ly, quy, phượng mà thêm hổ, báo, ngựa, thậm chí cả thạch sùng. Tất cả đều quan trọng mà cũng không quan trọng bằng chính cuộc sống với bao lo toan hi vọng, bao hạnh phúc khổ đau, bao được mất, bảy nổi ba chìm đang diễn ra hằng ngày. Đề tài thì tự do như vậy, phong cách thì thô mộc, ngô nghê, hồn nhiên, chất phác.

3. Chính cái tính không triệt để, không đến đầu đến đũa, không kỹ lưỡng, thô sơ một chút, vụng về một chút mới tạo ra vẻ đẹp của gốm Việt. Từ Lý, Trần, Lê đều vậy. Hơi méo mó, hơi vẹo vọ, hơi nặng, hơi dày, hơi nghiêng, chẳng cái nào giống cái nào, đó là cái đẹp của đơn bản. Mỗi mẻ mỗi khác. Men thuốc thì đều ang áng, khuôn cốt không chính xác tuyệt đối, than củi cũng đại khái về liều lượng nên mỗi lần ra lò lại thành một màu khác nhau. Đều là men xanh ngọc Celadon nhưng lúc thì xanh ngọc nước dưa, lúc thì xanh ngọc màu nước rau muống luộc, lúc lại màu xanh ngọc bí.

Không biết có phải cái tính không thích trật tự, không thích niêm luật khuôn phép cùng với cách nhìn hiện thực bằng con mắt ngây thơ, mộc mạc nên các pho tượng trong chùa Việt lại đẹp đến vậy, riêng đến vậy. Kỹ lưỡng quá, chính xác quá, phẳng phiu quá, nhẵn bóng quá, nuột nà gọn ghẽ quá thì không phải là bản tính của người Việt, không phải nghệ thuật Việt. Người Việt duy cảm hơn duy lý, trực giác hơn lý trí.

Thế là cái đẹp, cái hay, cái độc đáo lại chính là do không quá cầu kỳ, nỗ lực tỉ mẩn, chăm chút, tinh xảo, khéo léo tạo nên. Tính tình của mình thế nào thì làm ra sản phẩm như vậy. Mình làm cho mình dùng phải hợp cho mình trước tiên. Thật thà và đôn hậu.

Theo LÊ THIẾT CƯƠNG / TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: , ,