Thép đã tôi thế đấy: Một cuốn sách, một số phận…

“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”.

Mùa thu năm 1927, Nikolai Ostrovsky bắt đầu viết tiểu thuyết tự truyện, thuật lại đoạn đời ở đơn vị kỵ binh, nửa năm sau bản thảo gửi đi bị thất lạc. Từ cuối năm 1930, ông khởi thảo tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy, ban đầu còn tự mày mò viết, sau đó phải đọc cho một người tự nguyện làm thư ký chép… Bản thảo đầu tiên gửi đến tòa soạn tạp chí Đội cận vệ trẻ và nhận được những nhận xét búa bổ “các mẫu nhân vật thiếu thực tế”, tác giả phải nài ban biên tập xem xét lại.

Tháng 2/1932, nhà văn Mark Kolosov – Phó tổng biên tập tạp chí Đội cận vệ trẻ khi đó – đã đọc liền một mạch bản thảo Thép đã tôi thế đấy và cùng Thư ký tòa soạn Anna Karavaeva ra tay nhuận sắc. Trong bản thảo hoàn chỉnh hiện lưu giữ được còn in bút tích của 19 người, trong đó có nhà văn Alexander Serafimovich (nổi tiếng về tiểu thuyết Suối thép). Nhiều người đã trực tiếp đến tận nhà N. Ostrovsky để làm việc, nhờ thế tác giả giữ lại được những đoạn quan trọng, như suy nghĩ của Pavel sau khi viếng thăm nghĩa trang đồng đội “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”

Tháng 4/1932, tác phẩm được ra mắt trong tạp chí Đội cận vệ trẻ, tháng 11 năm đó xuất bản thành sách. Năm 1935, N. Ostrovsky được tặng thưởng huân chương Lenin kèm theo một ngôi nhà nghỉ ở Sochi và một căn hộ ở Moskva. Những tháng cuối đời, nhà văn sống ở đường phố mang tên mình và quyết tâm thực hiện bộ tiểu thuyết ba tập Ra đời trong giông bão. Bản thảo được nhanh chóng xử lý và in thành sách tập đầu tiên, nhưng những cuốn sách vừa xuất xưởng chỉ kịp phân phát cho những người đến dự đám tang tác giả.

Thép đã tôi thế đấy từng được chép tay và lưu truyền trong những người bị giam giữ ở nhà tù Starozagor (Bulgaria), được người dân đòi tái bản để đọc trong thành phố Sevastopol, Leningrad bị giặc vây hãm, và, giữa mùa đông khắc nghiệt năm 1942, trong hoàn cảnh không có điện, phải in bằng phương pháp thủ công mà 10.000 bản sách đã ra đời và bán hết trong vòng hai tiếng đồng hồ!

Ngược dòng thời gian trở về trước nữa, năm 1934, chàng sinh viên văn khoa Marchenko ở Đại học Lugan được giao nhiệm vụ thuật lại cốt truyện Thép đã tôi thế đấy trong hội nghị bạn đọc, anh bèn đến thư viện để xếp hàng mượn sách và phải đứng nối đuôi một hàng dài 176 người đang chờ mượn đọc Thép đã tôi thế đấy. Những sự thực này bác bỏ ý kiến cho rằng cuốn sách “được phổ biến theo chỉ đạo của trên” và không chịu công nhận phẩm chất văn chương của tác phẩm.

Tác phẩm của N. Ostrovsky đã được nhiều lần đưa lên màn ảnh: năm 1942 – phim Thép đã tôi thế đấy do hai xưởng phim Kiev và Ashkhabad hợp tác sản xuất; năm 1956 – phim Pavel Korchaghin của xưởng Kiev; năm 1975 – bộ phim sáu tập Thép đã tôi thế đấy của xưởng Dovzhenko và gần đây, được Trung Quốc sản xuất thành bộ phim truyện truyền hình 20 tập (1999).

Thép đã tôi thế đấy nhận được nhiều khen ngợi của những bậc tượng đài văn chương. Về sau, M. Kolosov viết rằng: đọc từng dòng từng dòng, ông càng thấy rõ có một tài năng thông minh và dũng cảm đã đến với văn học, mang theo một nhân vật đã được chờ đợi từ lâu; một nhân vật có nghị lực không mệt mỏi, có ý chí kiên định đồng thời rất mẫn cảm với tất cả những gì thuộc tính nhân văn. Trước thời Pavel Korchaghin, trong văn học Xô Viết thường chỉ thấy những nhân vật tiêu cực thú vị hơn, lấn át những nhân vật tích cực. Nhà thơ Boris Pasternak (giải Nobel văn học 1958) trên chuyến tàu ra mặt trận năm 1943 đã ghi trong nhật ký về một lễ báo công tại Spas-Lutovinovo, nơi có khu điền trang của Turgenev, các đoàn viên của những đơn vị xuất sắc nhất đã tưởng nhớ văn hào Ivan Turgenev (1818 – 1883) và nhắc đến nhà văn hiện đại Nikolai Ostrovsky…

Trong Bách khoa thư của Anh xuất bản có dành cho tác phẩm những lời như sau: “Tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của N. Ostrovsky kể về câu chuyện thành công của một người tật nguyền trẻ tuổi”. Bên cạnh đó, sách dẫn lại lời của Andre Gide (1869 – 1951), nhà văn Pháp nhận giải Nobel 1947 từng đến tận nhà thăm và chứng kiến N. Ostrovsky đã bị cột chặt vào giường bệnh mà vẫn tiếp tục làm việc: “Tôi nhìn thấy một chúa Jesus hiện đại đang soạn cuốn sách Phúc âm Cách mạng”. 

Nếu căn cứ vào lượng sách bán được, thì tác giả Thép đã tôi thế đấy phải xứng đáng được xếp vào tốp 10 nhà văn uy tín nhất thế giới. Nhà văn Nga Xô Viết Nikolai Ostrovsky với Thép đã tôi thế đấy có lẽ chỉ thua nhà văn Anh John Ronald Reuel Tolkien (1892 – 1973) với tiểu thuyết bộ ba Chúa nhẫn. Cho đến thời điểm này, Thép đã tôi thế đấy đã được tái bản 772 lần bằng 75 thứ ngữ dân tộc thuộc các nước Liên Xô cũ với tổng ấn lượng 56 triệu bản, cộng với 3 triệu bản bằng 54 thứ ngữ các dân tộc khác trên thế giới. Ấy là còn chưa tính đến số phận của nó ở Trung Quốc: riêng đất nước hàng tỷ dân này đã dịch và in đến 15 triệu bản.

Có thể nhìn nhận nhân vật văn học Pavel Korchaghin theo những giác độ khác nhau, nhưng không ai không kính trọng tác giả của nó – Nikolai Ostrovsky (1904 – 1936). Chàng chiến sĩ kỵ binh của đơn vị Kotovsky năm 1920 bị chấn thương cột sống nên mất khả năng di chuyển, rồi bị mù lòa ở tuổi 24 mà vẫn sáng tạo được một nhân vật xứng đáng là biểu tượng cho cả một kỷ nguyên, một cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ tuổi trẻ!

Theo ĐĂNG BẢY / DAIBIEUNHANDAN.VN

Tags: , , , ,