Thất bại là mẹ thành công. Vậy bố của thành công là ông nào?

Thất bại là mẹ thành công – vậy ai là cha? Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn này được nêu ra dựa trên quan điểm âm dương: một người đàn bà sẽ không thể làm mẹ nếu thiếu người phối ngẫu.

Thất bại là mẹ thành công. Vậy ‘ai’ là cha?

Còn nói nghiêm túc, không lẽ người ta chỉ cần cố gắng thất bại thật nhiều là đủ để thành công, và thực tế vì sao lại có những người thất bại hoài mà không thành công?

Tôi đoán rằng cha của thành công không ai khác ngoài trí tuệ. Giả định này còn có thể đưa ta tới kết luận là người trí tuệ cũng hoàn toàn có thể sai lầm và thất bại. Thất bại không phải là một thứ mà con người có thể kiểm soát được dù anh ta có trí tuệ đến mấy đi nữa.

Trong hoạt động quản lý, hoạt động kinh doanh, chúng ta quan tâm và nói nhiều tới người con thành công, khuếch trương người cha trí tuệ và tránh nói tới người mẹ thất bại, âu cũng là lẽ đời, như người phụ nữ thường âm thầm đứng sau hào quang của chồng con vậy.

Một câu hỏi mà tôi và có lẽ nhiều người cũng từng nêu ra: liệu chỉ với người cha trí tuệ mà không cần người mẹ thất bại thì có thể sinh ra những người con thành công không? Nói một cách cụ thể và đơn giản là ta có thể dùng hiểu biết và trí tuệ tránh được mọi thất bại để có thành công không?

Câu trả lời là “có thể”, nhưng điều đáng buồn là những đứa con thành công trong trường hợp này hoàn toàn có thể có nhiều khiếm khuyết, không có nhiều cơ hội phát triển lành mạnh và lâu dài.

Không phải vô cớ mà khi được hỏi: “Ông lo ngại điều gì nhất ở con trai, một nhà doanh nghiệp trẻ thành đạt đang lên” thì một nhà tỉ phú người Mỹ đã trả lời rằng: “Điều tôi lo ngại nhất là đã ngoài 30 tuổi mà nó chưa gặp phải thất bại nào đáng kể”.

Có lẽ chẳng mấy ai ưa thất bại nhưng những người không chấp nhận sống chung với thất bại thì chẳng khác nào người muốn có gia đình hạnh phúc, con cái đàng hoàng mà lại không chịu kết hôn.

Là nhà kinh doanh, chúng ta cũng phải học cách chung sống với thất bại, chẳng thế mà trong nhiều sách quản lý Âu Mỹ người ta thường có nhóm thuật ngữ “how to survive in the market place”, dịch nôm là “làm cách nào sống sót được trong thương trường” khi nói tới sự khốc liệt của cạnh tranh chứ ít khi nói làm thế nào để thành công hoặc phát triển vượt bậc.

Câu này chứng tỏ họ rất coi trọng thất bại và coi việc vượt qua chúng mới là sống còn đối với nhà quản lý doanh nghiệp. Với họ, bạn “sống sót” có nghĩa bạn đã có thành công bước đầu quan trọng và có cơ hội phát triển. Việc chiến thắng 1-0 hay 10-0 không được coi trọng bằng việc có giành được đủ điểm để tiếp tục cuộc chơi ở vòng tiếp theo hay không.

Nhiều doanh nghiệp lớn của phương Tây không thiếu tiền bạc và trí tuệ, vậy họ thiếu thứ gì nữa để có thành công lớn hơn? Phải chăng là thiếu những bà mẹ thất bại tiềm tàng thường được gọi bằng một cái tên khác là những thử thách hoặc thách thức mới?

Nếu không phải vậy thì sao họ lại đầu tư vào chất xám (hay trí tuệ) nhiều như vậy để rồi cho ra đời những sản phẩm mới sau không biết bao nhiêu lần thất bại.

Có lẽ mục đích cuối cùng của con người là những đứa con thành công, nhưng để có một đứa con thành công họ không thể bỏ qua bà mẹ thất bại.

“Nếu bạn còn cảm thấy bị tổn thương hay bị xúc phạm khi nghe khách hàng từ chối mua hàng thì tốt nhất bạn đừng làm nghề bán hàng hoặc kinh doanh vì mỗi câu “không” của khách hàng này là một bậc thang dẫn ta lên câu “có” của khách hàng khác – đây là chiếc thang duy nhất đưa bạn lên các thành công” – Đây là câu tôi tâm đắc nhất khi tham dự một khóa đào tạo ở nước ngoài.

Và để đối mặt với câu trả lời “KHÔNG” này ta phải dùng trí tuệ, nói cách khác là sự hiểu biết của mình về sản phẩm, về thị trường, về con người, về đối thủ…

Trong thực tế, ta có thể thấy những ý tưởng, những dự định mà đa số, thậm chí trong số đó có cả những người được coi là chuyên gia và những người đầy kinh nghiệm cho là “sai bét” nhưng rồi lại rất thành công và ngược lại. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng nằm ở sự kết hợp giữa người cha trí tuệ với người mẹ thất bại?

Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: , ,