Thân xác hoại diệt và quan niệm về hỏa táng trong Phật giáo

Thân tứ đại là đất, nước, lửa, gió, khi đã trút hơi thở cuối cùng thì cũng trở về với tứ đại, chẳng còn gì để suy viễn ở tương lai. Việc thiêu xác chết không ảnh hưởng gì đến gia đình, con cháu hiện tại cũng như kiếp lai sinh.

Thân xác hoại diệt và quan niệm về hỏa táng trong Phật giáo

Nguồn gốc hỏa táng tại Việt Nam

Hỏa táng hay hỏa thiêu tức là dùng lửa thiêu thi thể người chết thành tro bụi. Tro cốt này sau sẽ được đựng trong hũ, bình, hoặc thả xuống sông, xuống biển tùy theo di nguyện của người chết, hoặc theo tập dục, chủ ý của gia đình người quá cố. Bên cạnh hỏa táng, trên thế giới còn có địa táng, thiền táng, điểu táng, thủy táng, huyền táng…

Địa táng tức chôn thi thể người chết xuống đất, người chết được để trong áo quan. Tùy nơi mà người ta chôn một lần hoặc cải táng. Thường sau khoảng 3-5 năm trở nên, sau đó đào mộ lên, rửa hài cốt cho vào tiểu sành rồi chôn lại ở một nơi khác, hoặc gần đó.

Huyền táng là hình thức táng treo, tức để thi thể người chết lộ thiên hoặc trong quan tài rồi treo lên cành cây, vách núi. Điểu táng, tức để thi thể cho chim ăn trước sự chứng kiến của người thân để họ thấy sự vô thường của đời sống. Điểu táng xuất hiện ở Tây Tạng, Nội Mông (Trung Quốc). Thủy táng tức thả thi thể xuống sông, biển, hồ. Thiền táng hay còn gọi là tướng táng. Thi thể ngồi thiền cho đến khi ngừng mọi sự sống. Thiền táng thường thấy ở các nhà sư.

Ở Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu, tục hỏa táng đã có từ thời xa xưa. Căn cứ vào khảo cổ học, tục hỏa táng có thể đã có từ thời Hùng Vương, khi tìm thấy những mảnh thi thể cháy dở, cùng những vật dụng cháy dở khác nằm trong trống đồng, thạp đồng. Có người cho rằng, tục hỏa táng có từ thời Sa Huỳnh, khi tìm thấy các chum có chứa tro cốt. Tuy nhiên, đến nay thời gian cụ thể về nguồn gốc tục hỏa táng ở Việt Nam vẫn chưa nhất quán.

Tuy nhiên, do tập tục tín ngưỡng nên đến nay địa táng vẫn được nhiều người coi là cách thức tốt nhất với việc tiễn đưa người quá cố. Bởi người ta quan niệm rằng, mỗi con người luôn có phần linh hồn đồng hành cùng thể xác. Rồi lại còn có cả vía hay phách. Sau khi chết, thể xác mặc dù không còn linh hồn, nhưng linh hồn đó ít nhiều chịu ảnh hưởng từ thể xác. Mặt khác, còn do quan niệm về phong thủy, hướng, đất thấp cao, mộ kết… Lại còn quan điểm sống chỉ là tạm bợ, chết mới là bắt đầu một đời sống khác lâu dài…

Hỏa táng trong Đạo Phật

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập Đạo Phật. Có thuyết cho rằng, trước khi mất, Ngài dặn các đệ tử hỏa táng, sau đó thu các xá lợi và chia cho các nước. Các đệ tử đã làm theo di huấn của Ngài. Tuy nhiên, chưa thấy tài liệu nào nói rõ, Đức Phật có khuyến khích việc hỏa táng hay không.

Trả lời câu hỏi Phật giáo có chủ trương hoả táng không? Theo cuốn Cẩm nang cư sĩ: Phật Giáo là một tôn giáo tự do nên rất uyển chuyển trong vấn đề này. Không có luật lệ cứng rắn hay bắt buộc trong việc an táng. Tuy nhiên tại một vài xứ Phật Giáo, việc hỏa thiêu thuờng được đa số tín đồ thi hành.

Đối với Phật Giáo Ấn Độ, chết thì thiêu đó là làm theo phong tục sẵn có của Ấn Độ thời cổ chứ không phải là một sự bắt buộc gì cả và mang ý nghĩa theo triết lý của Ấn Độ nhằm nhắc nhở rằng khi chết rồi thì đừng nên luyến tiếc gì nữa, vì họ tin rằng tro cốt cuối cùng sẽ hợp nhất với lực đã khai sáng ra nó. Không riêng gì Phật Giáo mà đa số các tôn giáo bắt nguồn tại Ấn Độ như là Ấn Độ Giáo và Kỳ Na Giáo khi chết đều áp dụng phương cách Hoả Táng.

Theo quan điểm của Phật giáo, khi con người chết đi, tức thần thức không còn trên thân xác này nữa. Thân xác đã đến thời hoại diệt, nên thân này dù chôn xuống đất hay hỏa thiêu cũng không ảnh hưởng đến thần thức, đó là linh hồn hay nghiệp thức. Linh hồn tùy thuộc vào sự tạo lành ác khi thân xác còn sống mà chuyển nghiệp luân hồi tái sinh, hay thành Bồ Tát, Phật. Nên theo quan niệm của Phật giáo, việc hỏa táng không ảnh hưởng gì đến linh hồn.

Cũng như việc linh hồn này được về Trời hay xuống địa ngục là do chính bản thân ta quyết định khi còn sống trên thế gian, chứ không ai dám ép buộc hay quản được linh hồn này, dù là Diêm Vương. Tất cả đều do bản thân mình tự tạo ra. Các nước theo Phật giáo Nam Tông như Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam (phía Nam), Tích Lan, Lào thì vẫn giữ tục hỏa táng. Còn nơi theo Phật giáo Bắc Tông thì vẫn giữ tục chôn cất, do ảnh hưởng một phần bởi giáo lý của Khổng Tử.

Khi Phật giáo vào Việt Nam, đã có sự thay đổi uyển chuyển để thích ứng với tín ngưỡng dân gian bản địa. Mặc dù địa táng vẫn được duy trì, tuy nhiên, xét về các vị tu hành Phật giáo ở ta, khi viên tịch thì họ thường chọn cách hỏa táng. Như vua Trần Nhân Tông, sau khi dẹp yên giặc, đất nước thái bình, năm 1299, Ngài bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử (Quảng Ninh) tu Đạo Phật được gọi là Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Pháp tu của Ngài là khổ hạnh. Sau khi đi khai hóa chúng sinh và viết kinh sách, xây dựng chùa chiền, ổn định Phật giáo Việt Nam, Ngài chọn giờ Tý ngày 1 tháng 11 năm 1308 để tịch, thọ 51 tuổi. Bài kệ trước khi tịch còn được lưu lại như sau: “Tất cả pháp chẳng sinh/Tất cả pháp chẳng diệt/Nếu hay hiểu như thế/Chư Phật thường hiện tiền/Nào có đến đi vậy”. Di nguyện của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là hỏa thiêu. Sau đó, các đệ tử thu nhận được hơn 3000 viên xá lợi.

Cách đây chưa lâu, năm 1963, để phản đối chiến tranh cũng như phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu. Việc tự thiêu của hòa thượng đã để lại xá lợi trái tim được gọi là “trái tim bất diệt”.

Đó hai vị sư nổi tiếng của Việt Nam đã thực hiện việc hỏa táng, dù họ hỏa táng ở hai trạng thái khác nhau. Nhưng rõ ràng, trong Phật giáo Việt Nam, cách hỏa táng đã được chọn lựa, ít nhất là từ thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Còn ngày nay, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều gia đình đã chọn cách hỏa táng cho người quá cố.

Việc này theo các nhà nghiên cứu, nó không ảnh hưởng đến văn hóa tâm linh. Việc người quá cố có độ trì cho người sống hay không là tùy thuộc vào cách sống và cách chúng ta biết ơn, tưởng nhớ về họ, chứ không phải nhất nhất phải chôn cất mới được người mất phù hộ.

Theo Hòa thượng Thích Giác Quang: Thân tứ đại là đất, nước, lửa, gió, khi đã trút hơi thở cuối cùng thì cũng trở về với tứ đại, chẳng còn gì để suy viễn ở tương lai. Chỉ có chú trọng vào nghiệp thức, để khuyến cáo người đời lánh xa các điều ác, thực hiện các việc lành, tái sinh vào cõi thánh thiện. Nên lúc nào cũng khuyến khích các gia đình thiêu xác chết, quan trọng là chỗ phụng thờ, nhưng vì thời điểm chưa phù hợp nên người phật tử chưa thực hiện đó thôi. Thật ra việc thiêu xác chết không ảnh hưởng gì đến gia đình, con cháu hiện tại cũng như kiếp lai sinh.
.

Theo PHATGIAO.ORG.VN

Tags: , ,