Tham nhũng hủy hoại tiềm lực phát triển của quốc gia như thế nào?

Tham nhũng là việc lạm dụng quyền lực để đạt được các mục tiêu về tiền bạc hay quyền lực theo cách bất hợp pháp, không trung thực, không công bằng. Các nền kinh tế có mức độ tham nhũng cao sẽ không thể phát triển thịnh vượng như những nền kinh tế có mức tham nhũng thấp.

Tham nhũng hủy hoại tiềm lực phát triển của quốc gia như thế nào?

Tác giả: Lê Vĩnh Triển, khoa Quản lý nhà nước – trường Đại học Kinh tế TPHCM

Bài viết này sẽ trình bày các vấn đề chung về tham nhũng, tác hại của nó với nền kinh tế của một quốc gia, sau đó đi sâu phân tích vấn nạn tham nhũng như một hệ lụy của các chính sách tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và cuối bài là một vài gợi ý để giải quyết vấn đề.

Những tác hại của tham nhũng đối với nền kinh tế

Các nghiên cứu và khảo sát cho thấy ở các nước có mức tham nhũng cao, các nguồn tài nguyên không được phân phối và sử dụng hiệu quả do các doanh nghiệp trúng thầu hay có giấy phép thường dưới chuẩn nhưng giành được lợi thế nhờ nhóm lợi ích hay qua hối lộ. Mua sắm và đầu tư công bị thất thoát.

Tham nhũng dẫn đến tình trạng chung là giá cả cao so với mức sống, nhưng chất lượng sản phẩm và dịch vụ thì kém. Tham nhũng tại các nước đang phát triển cũng là nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và tài sản.

Tại các nước có mức độ tham nhũng cao, sở hữu trí tuệ không được tôn trọng, bản quyền các sản phẩm mới thường bị ăn cắp và những người sáng tạo không được luật pháp bảo vệ hữu hiệu. Tham nhũng vì thế góp phần lớn triệt tiêu phát minh và sáng tạo của nền kinh tế nói riêng và của một quốc gia nói chung.

Tham nhũng cũng được cho là có tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục của các quốc gia, làm cho các quốc gia tham nhũng càng khó vươn lên.

Tóm lại, các quốc gia có nền kinh tế với mức độ tham nhũng cao sẽ tự làm chậm sự phát triển của chính họ. Toàn bộ xã hội bị ảnh hưởng do sự phân bổ nguồn lực không hiệu quả, sự hiện diện của một nền kinh tế ngầm, khoảng cách giàu nghèo gia tăng và giáo dục chất lượng thấp. Do đó, tham nhũng làm cho các xã hội tồi tệ hơn và làm giảm mức sống của hầu hết người dân.

Tăng trưởng và tham nhũng

Tăng trưởng cao và liên tục luôn là mục tiêu kinh tế được cho là sẽ đưa đất nước vượt lên từ thu nhập thấp sang công nghiệp và hiện đại, phát triển. Từ đó, các giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế, có thể nói là bằng mọi giá, thường được áp dụng.

Tuy nhiên, chính sách tăng trưởng cao và liên tục có thể dẫn đến các hệ lụy. Đó là tài nguyên cạn kiệt – môi trường bị hủy hoại, tham nhũng bùng phát, nhất là khi tăng trưởng được kích thích bằng gia tăng đầu tư công và khai thác ồ ạt tài nguyên. Nghịch lý này luôn tồn tại, nhưng càng trầm trọng ở những nền kinh tế đang phát triển mà ở đó sự minh bạch của thể chế và trách nhiệm giải trình của quan chức nhà nước không được đề cao.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhà nước phải liên tục tạo nguồn thu cho đầu tư. Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vừa tăng nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư, vừa thúc đẩy hiệu quả của chính các doanh nghiệp này để đến lượt họ tác động tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nếu thiếu minh bạch, sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển. Việc định giá thấp DNNN để bán cổ phần ra công chúng, nhưng thường tạo điều kiện cho “tay trong” mua lại trong điều kiện không minh bạch sẽ biến nhiều tài sản công thành tài sản của một số quan chức tham gia cổ phần hóa. Các công ty sân sau được thành lập nhằm hợp thức hóa việc bán rẻ tài sản nhà nước từ các DNNN chuẩn bị cổ phần hóa và mua đắt tài sản từ các doanh nghiệp sân sau, là tình trạng không hiếm.

Tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên có sẵn có thể nói là biện pháp ít phức tạp, dễ hình dung nhất, nhưng đó là nơi giao thoa rõ nhất của tham nhũng và tàn phá môi trường. Không ít dự án khai thác không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ triền miên, làm thất thu ngân sách nhà nước nặng nề, dù đã được cảnh báo nhưng vẫn diễn ra. Cấp phép khai thác tràn lan nhưng thiếu quy hoạch và minh bạch trong quản lý là hai vấn đề song hành và khá phổ biến.

Vấn đề chiến lược đặt ra là hậu quả của các dự án này về dài hạn, sự cạn kiệt tài nguyên và không thể hồi phục về môi trường, có thể được xem như những khoản “ghi nợ” vào tương lai cho thế hệ con cháu.

Các chính sách kinh tế nêu trên đều được thi hành nhằm hướng tới tăng trưởng kinh tế mà về cơ bản là tạo nguồn thu cho ngân sách để từ đó đầu tư cho tăng trưởng. Còn đầu tư công là giải pháp trực tiếp chi ngân sách để tạo tăng trưởng.

Tuy nhiên, đầu tư công cũng là nơi dễ phát sinh tham nhũng và việc một loạt cán bộ, cả cấp cao và cấp thấp, đã và đang phải nhận kỷ luật hoặc bị đưa ra xét xử tại tòa án là minh chứng rõ nét cho nguy cơ hiện hữu này.

Thực tế đã cho thấy, tham nhũng xảy ra trong mọi khâu của một dự án đầu tư công, từ khâu lập hồ sơ dự án, quy hoạch, đến phê duyệt thẩm định. Đây cũng là lý do chính mà đầu tư công Việt Nam tuy chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, nhưng hiệu quả được đánh giá là rất thấp so với nhiều nước.

Chống tham nhũng nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến chất lượng tăng trưởng là điều Đảng và Chính phủ đang tỏ ra rất mạnh mẽ và quyết liệt.

Một số gợi ý chính sách

Để tiếp tục tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng có chất lượng, chính quyền đã tỏ ra quyết tâm chống tham nhũng. Tuy nhiên, cũng như một số nước có nền kinh tế chuyển đổi, tác giả cho rằng chính quyền phải đối phó với các thế lưỡng nan trong chính quá trình chống tham nhũng, và mức độ thành công của việc chống tham nhũng tùy thuộc vào cách xử lý các lưỡng nan hay mâu thuẫn nội tại này.

Trước hết, để chống tham nhũng, thất thoát nảy sinh trong việc thực hiện các giải pháp tăng trưởng kinh tế như cổ phần hóa DNNN, đầu tư công hay khai thác tài nguyên, việc tôn trọng các nguyên tắc minh bạch, đòi hỏi giải trình và quy trách nhiệm đối với các quan chức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế liên quan có ý nghĩa quyết định.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích và bảo vệ người dân tham gia chống tham nhũng sẽ hỗ trợ hữu hiệu chính quyền trong mục tiêu này, đồng thời gia tăng uy tín của chính quyền vì sự gắn kết với người dân cho mục tiêu chung.

Các quan chức tham nhũng được đưa ra xử lý như những tên trộm bị phát hiện và bị bắt. Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân tại sao lại có nhiều tên trộm và tại sao điều kiện lại quá thuận lợi cho việc trộm cắp mới là vấn đề cần trả lời.

Có thể nhận thấy, có ba yếu tố căn bản có quan hệ tương hỗ làm động cơ cho việc tham nhũng. Đó là lợi ích kinh tế cá nhân từ tham nhũng, quyền lực được tùy tiện sử dụng và văn hóa cá nhân của các quan chức. Yếu tố thứ hai và ba mang tính nền tảng.

Thật vậy, đối với việc tham nhũng hàng triệu đô la, hàng ngàn tỉ đồng, lý do thu nhập thấp và tham nhũng để đủ trang trải chi phí cá nhân và gia đình có thể được loại trừ. Nên có thể nói yếu tố quyền lực không được kiểm soát và văn hóa cá nhân là điều cần quan tâm.

Vấn đề kiểm soát quyền lực đã được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không ít lần nhấn mạnh và điều đó cũng đã được cụ thể hóa trong quyết tâm chống tham nhũng mạnh mẽ của Đảng trong những năm qua, như nỗ lực làm trong sạch nội bộ, trong sạch bộ máy nhà nước và xây dựng một đất nước mạnh mẽ do nhân dân làm chủ.

Cần phải xác định rằng, một số quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực không phải vì pháp luật quy định như vậy, mà sự rối rắm của chính pháp luật vô hình trung đã giúp những con người này có cơ hội để lạm dụng quyền lực.

Các thiết chế giúp nhân dân giám sát, tuýt còi đối với bộ máy nhà nước cũng cần được hoàn thiện. Người dân lên tiếng chống tham nhũng, chỉ trích các sai trái trong quản lý nhà nước qua các phương tiện báo chí truyền thông là thể hiện quyền giám sát của họ. Sự minh bạch thông tin và quyền trong vai trò giám sát của người dân càng cao thì đất nước càng thu hút được các nguồn lực để phát triển.

Ngoài ra, để giám sát và hạn chế sự thao túng quyền lực của các quan chức tham nhũng, bảo vệ các tổ chức xã hội cũng có vai trò rất quan trọng. Bảo vệ quyền lợi của người dân khỏi sự xâm hại. Các tổ chức này còn cảnh báo và hạn chế sự thao túng của các nhóm lợi ích liên kết với các quan chức tham nhũng trong hoạch định chính sách cũng như phân bổ các nguồn lực và tài nguyên quốc gia.

Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: , ,