Tản mạn về tinh thần dân tộc và tiếp biến văn hoá của người Việt

Chúng ta đã tiếp biến văn hóa ngoại lai nhưng không chấp nhận sự đồng hóa. Người Việt Nam dễ dàng hòa nhập, biến đổi mọi cái mới, nhưng không chịu đựng sự nô dịch và lệ thuộc.

Tản mạn về tinh thần dân tộc và tiếp biến văn hoá của người Việt

Lịch sử cho thấy, nước ta đã trải qua nhiều cuộc tiếp biến văn hóa lớn.

Với hơn một ngàn năm Bắc thuộc và gần trăm năm thực dân phương Tây đô hộ, nền văn hoá nước nhà đã phải trải qua nhiều cuộc “đụng độ” mãnh liệt với các nền văn hóa bên ngoài, làm thay đổi sâu sắc và tạo nên bộ mặt phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam. Nước ta có nền văn hóa phát triển lâu đời, được bảo lưu qua nhiều thế hệ; những cuộc đụng độ dữ dội ấy đã không làm mất đi bản sắc văn hóa con người Việt; mà ngược lại, dân tộc ta đã tiếp thu, cải biến những cái mới làm phong phú thêm cho nền văn hóa vốn rất phong phú của mình. Chúng ta – những thế hệ hôm nay, được thừa hưởng một nền di sản văn hóa phong phú mà cha ông để lại với 54 dân tộc anh em và rất nhiều các công trình kiến trúc văn hóa lịch sử, phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng,…

Về phương diện ngôn ngữ, trong thời kì Bắc thuộc, chữ Hán của người Trung Quốc được dùng làm ngôn ngữ chính. Sau đó, chúng ta đã sáng tạo ra chữ Nôm từ chữ Hán của họ có kết hợp với ngôn ngữ bản địa. Rồi thực dân Pháp đến đô hộ nước ta, chữ Quốc Ngữ bắt đầu hình thành và phát triển, thay thế hoàn toàn chữ Nôm và chữ Hán. Công lao này thuộc về những nhà truyền giáo đầu tiên đã tìm cách Latinh hóa chữ Nôm để tiện cho việc truyền Đạo và khai thác thuộc địa. Chữ Quốc Ngữ dần chiếm ưu thế nhờ sự thuận tiện, đơn giản, và dễ phổ cập. Ngày nay chữ Quốc Ngữ đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam bởi sự phong phú, giàu có, gắn với nhiều tác phẩm văn chương bất hủ.

Về tôn giáo tín ngưỡng, đạo Nho, Phật, Lão từ Ấn Độ và Trung Hoa đã du nhập vào nước ta hơn ngàn năm trước và có thời gian dài được xem là quốc giáo. Sau này các tôn giáo khác như đạo Thiên Chúa, đạo Hồi theo chân bè lũ Thực dân hòa vào đời sống tinh thần người Việt. Ngay ở Việt Nam cũng hình thành những tôn giáo của riêng mình (đạo Hòa Hảo, Cao Đài,…). Những tôn giáo này chung sống hòa bình bên nhau và cùng với tín ngưỡng bản địa tạo nên một bức tranh tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng, phong phú.

Có thể thấy rằng, trong các cuộc kháng chiến chống Phong kiến phương Bắc, thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, bên cạnh những cuộc đấu tranh vũ trang chống quân xâm lược, còn một cuộc đấu tranh khốc liệt không kém: chống lại sự đồng hóa văn hóa và xâm lược văn hóa. Cuộc đấu tranh trên bình diện văn hóa diễn ra gay go, dai dẳng đến tận ngày hôm nay và đang còn tiếp tục. Điều này có nghĩa là trong tương lai sẽ còn nhiều cuộc đụng độ, giao thoa văn hóa nữa; và nền văn hóa Việt Nam cũng như các quốc gia khác có tồn tại, phát triển tiếp tục hay không tùy thuộc vào bản lĩnh của mỗi dân tộc.

Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử chúng ta đã trải qua nhiều lần tiếp biến văn hóa lớn, một quá trình tất yếu và không thể cưỡng lại. Quá trình đó, chúng ta đã gánh chịu những tổn thất to lớn và buộc phải đánh đổi một số giá trị, song về mặt tích cực, chúng ta cũng thu được khá nhiều từ những lần giao thoa như vậy. Tuy nhiên, nền văn hóa Việt Nam vẫn còn đó, không hề mất đi, trái lại nó còn phong phú và giàu có hơn.

Trong thời gian khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã bóc lột đất nước ta đến tận xương tủy, cuộc sống người dân vô cùng lầm than, khổ cực, tuy nhiên quá trình “cày xới” ấy đã hé lộ biết bao kho báu mà chính người Việt Nam còn chưa biết rõ về mình. Sau khi rút đi, họ cũng để lại khá nhiều di sản từ nền văn minh của họ: chữ viết, nền móng của một số ngành khoa học, nghệ thuật, hệ thống cơ sở hạ tầng kiến trúc, giao thông, đô thị,…. Trong lĩnh vực nghệ thuật, nhờ người Pháp mà chất liệu sơn ta đã được nghiên cứu, bảo tồn và phát triển trở thành một chất liệu sáng tác hội họa tuyệt vời, gắn với những tác phẩm sơn mài nổi tiếng như ta thấy ngày nay.

Chúng ta đã tiếp biến văn hóa ngoại lai nhưng không chấp nhận sự đồng hóa. Người Việt Nam dễ dàng hòa nhập, biến đổi mọi cái mới, nhưng không chịu đựng sự nô dịch và lệ thuộc.

Lịch sử đã chứng minh cha ông ta từng tiếp biến văn hóa rất tốt. Văn hóa ngoại lai được chấp nhận và chung sống hòa bình bên cạnh văn hóa bản địa. Mặc dù những lần như vậy đã để lại “những vết thương”. Có hề chi, trong cuộc chiến sinh tồn một mất một còn, những “đụng độ” ấy là hết sức bình thường, khó tránh khỏi và càng làm cho nền văn hóa Việt Nam vững mạnh hơn bởi nó trải qua nhiều lần “va đập”.

Thời đại ngày nay – hòa bình và cơ sở vật chất đầy đủ hơn trước, tinh thần đó của cha ông chưa được phát huy đầy đủ và kịp thời. Một bộ phận giới trẻ quá dễ dàng trong việc tiếp nhận những cái mới, thiếu sự chọn lọc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị truyền thống. Họ chỉ tiếp nhận một cách thụ động các thứ văn hóa ngoại lai mà không biết có tiêu hóa được hay không. Hậu quả là văn hóa của ta ở khía cạnh nào đó đang bị lai căng, thiếu tính dân tộc. Có thể nói, văn hóa đang bị “ngộ độc” bởi những thứ như: KFC, fastfood, MacDonald… minh chứng cho mặt trái của quá trình toàn cầu hóa. Vấn đề thuộc về con người, trong đó, giáo dục và rộng hơn là văn hóa có ý nghĩa quyết định.

Nhận xét của một giám đốc người nước ngoài tại Việt Nam sau đây rất đáng để xem xét: người Việt Nam thông minh, dễ gần và chịu khó học hỏi, điều đó rất đáng quý nhưng cũng cần thận trọng, đấy có thể là một nhược điểm của họ. Trong cuộc sống cũng như công việc, người Việt Nam quá dễ dàng tiếp thu cái mới thì đồng thời cũng dễ quên cái cũ (tiếng Anh có câu tương tự “easy come, easy go” – cái gì dễ đến thì cũng dễ đi). Một ưu điểm và cũng là nhược điểm của họ.

Trong thời kì chiến tranh, tinh thần dân tộc của chúng ta là những đợt sóng thần thì ngược lại bấy nhiêu ở thời bình. Một sự đối lập ngạc nhiên cần được lí giải. Lúc thì dâng cao ngút trời, lúc thì xẹp lép không phải là điều mà chúng ta mong muốn. Một dân tộc tiến bộ, văn minh thì ở mọi thời điểm tinh thần dân tộc ấy đều phải có. Cuộc sống là đấu tranh, con người luôn phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn. Ở thời bình, khó khăn còn lớn hơn gấp bội thì tinh thần ấy không bao giờ được mất đi.

Với sự dễ dãi tiếp nhận cái mới, sự thờ ơ của con người, sự xuống cấp của đạo đức xã hội đã vô tình dung túng cho quá trình biến đổi theo chiều hướng tiêu cực diễn ra nhanh hơn. Bản sắc Việt có nguy cơ bị biến mất. Những công trình kiến trúc, văn hóa cổ đang bị “trẻ hóa”, bị văn hóa ngoại lai chèn ép bởi sự vô tâm, dễ dãi, thương mại hóa.

Trong một lần trở lại thăm đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội, tôi bị bất ngờ khi thấy quần thể di tích trước đây trang nghiêm, cổ kính là thế, mà nay đã đổi khác nhiều. Con đường vào đền lát mới ngay ngắn, hành lang đá đồ sộ,… sạch thì có sạch nhưng cái cổ kính rêu phong đã mất nhiều, chẳng còn nhận ra đâu là bảo tồn, đâu là tôn tạo. Chưa kể phần sửa chữa được làm hết sức vô cảm, chẳng ăn nhập gì với khung cảnh bình dị, mộc mạc làng quê xung quanh.

Một điều dễ dàng nhận thấy là sự na ná nhau giữa các công trình kiến trúc được trùng tu, xây mới gần đây, có lẽ cùng được làm ra từ một kiểu quen thuộc, bất chấp bối cảnh xung quanh. Một lối tư duy đại khái: hễ cổng thì phải thế này, hành lang thì phải thế kia; bất chấp niên đại, tập quán, phong tục, môi trường, sự tôn trọng với lịch sử,… Đáng buồn đây lại là công trình quan trọng mang tính quốc gia.

Điều tương tự cũng diễn ra ở đền thờ Hai Bà Trưng – Hà Nội và nhiều công trình kiến trúc khác trên cả nước, trước cửa điện thờ chễm chệ hai con sư tử Tàu to lớn và trụ đèn đá kiểu vườn Nhật. Người dân xây dựng lấn chiếm, tập thể dục rất dung tục, mất hết tính tôn nghiêm, mỹ quan.

Đời sống tâm linh, giá trị tinh thần, sự linh thiêng chỉ có ở những gì cổ kính, nguyên gốc. Một công trình xây mới khó hấp dẫn được du khách, bởi cái linh thiêng đã không còn nữa.

Tiếp biến văn hóa có tính hai mặt của nó. Một mặt, nó mang lại nhiều thuận lợi và cơ hội cho sự phát triển. Mặt khác, nó như những trận lũ cuốn đi bao lớp trầm tích, cào bằng tất cả mọi thứ trên con đường của nó. Giữ gìn những giá trị truyền thống cho thế hệ mai sau là tương lai và hưng thịnh của dân tộc.

Theo VŨ TUẤN DŨNG / TẠP CHÍ TUYÊN GIÁO

Tags: