Tầm quan trọng của lãnh đạo nữ nhìn từ các lý luận hiện đại

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các nhà lãnh đạo nữ có phong cách lãnh đạo có thể giống hoặc khác với nam giới, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên coi vấn đề tăng số lượng phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý là quan trọng không? Cần làm như vậy cho “phải phép” hay việc nhiều phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thực sự mang lại lợi ích cho quá trình phát triển của đất nước? Bài viết phân tích những lợi ích và tầm quan trọng của lãnh đạo nữ dựa trên lý luận hiện đại về đại diện chính trị: đại diện chính thức, đại diện mô tả, đại diện biểu tượng và đại diện thực chất.

Tầm quan trọng của lãnh đạo nữ nhìn từ các lý luận hiện đại

Tác giả: TS Lương Thu Hiền, Trung tâm Nghiên cứu giới và lãnh đạo nữ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018.

1. Lý luận về tăng số lượng phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý dựa trên quan niệm về đại diện chính thức và đại diện mô tả

Các nhà hoạt động và những học giả nghiên cứu về phụ nữ và chính trị đã đưa ra những lập luận liên quan đến tính đại diện chính thức và đại diện mô tả của Pitkins để bảo vệ sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo. Các lập luận chính bao gồm:

a. Phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo chính thức đại diện cho nhu cầu, lợi ích, các mối quan tâm của những người phụ nữ khác trong xã hội

Lãnh đạo là sự đại diện cho lợi ích và tiếng nói của mọi giai cấp, tầng lớp, và giới tính. Đại diện chính thức là những người trở thành lãnh đạo do họ được bầu hoặc bổ nhiệm vào một vị trí lãnh đạo, quản lý cụ thể trong hệ thống chính trị theo đúng quy trình, thủ tục, luật pháp quy định. Những người lãnh đạo là đại diện chính thức như thế có tầm quan trọng đối với những người đã bầu ra họ hoặc cấp dưới của họ vì họ sẽ bảo vệ nhu cầu, lợi ích của cử tri hoặc cấp dưới trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách công.

Theo cách tiếp cận đại diện mô tả, lãnh đạo là sự đại diện mô tả cho cử tri, người lãnh đạo là người đại diện cho những người có chung những đặc điểm, những lợi ích, nhu cầu và thay mặt cử tri nói lên nhu cầu, lợi ích, các mối quan tâm của họ trong quá trình hoạch định, thực thi chính sách công.

Cách tiếp cận đại diện chính thức kết hợp với cách tiếp cận đại diện mô tả giải thích rằng, người lãnh đạo nữ ở những vị trí lãnh đạo chính thức trong hệ thống chính trị là người đại diện cho nữ giới vì họ mang nhiều đặc điểm về sinh học – xã hội, có những nhu cầu, lợi ích, kinh nghiệm tương đối tương đồng với những người phụ nữ khác và sẽ thay mặt những người phụ nữ trong xã hội nói lên nhu cầu, lợi ích của nữ giới trong quá trình hoạch định chính sách công. Những mối quan tâm và quyền lợi đa dạng nhưng đặc thù của phụ nữ (như thai sản, chăm sóc con cái, tình trạng dễ bị lạm dụng tại gia đình và công sở, bạo lực dựa trên cơ sở giới, thiếu đại diện trong các vị trí lãnh đạo kinh tế và chính trị cấp cao…) không được những người đại diện nam giới phản ánh đầy đủ trong quá trình chính sách. Tính đại diện mô tả sẽ tạo cơ hội để những quyền lợi thật sự của phụ nữ được nêu ra trong những chương trình nghị sự bàn luận công khai. Do đó, thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong hệ thống chính trị sẽ góp phần bảo đảm tính toàn diện và tính bao trùm của chính sách công, nâng cao chất lượng của chính sách công. Tính đại diện mô tả sẽ làm tăng tính công bằng, khắc phục sự bất công trong việc loại trừ hoặc hạn chế phụ nữ ra khỏi vị trí quyền lực khi người lãnh đạo được bầu có nhiều điểm giống với những người được đại diện vì nữ giới chiếm ít nhất 50% dân số.

b. Có nhiều phụ nữ hơn trong các vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức trong hệ thống chính trị sẽ bảođảm luật pháp, chính sách công có chất lượng tốt hơn, giúp giải quyết các vấn đề đặt ra trong lãnh đạo, quản lý

Dựa trên tính đại diện mô tả, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, nữ giới và nam giới có những kinh nghiệm, trải nghiệm sống, kiến thức, kỹ năng, góc nhìn và cách giải quyết khác nhau đối với những vấn đề đặt ra cho lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo tổ chức. Khi những kiến thức và kinh nghiệm, cách tiếp cận khác nhau này được phản ánh đầy đủ trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách thông qua các đại diện lãnh đạo của từng giới thì chính sách trở nên toàn diện hơn, phù hợp hơn, đặc biệt là với những chính sách có ảnh hưởng tới phụ nữ. “Những vấn đề toàn cầu ngày nay đòi hỏi những nhà lãnh đạo có nhiều kỹ năng và sự đổi mới mà những kỹ năng và sự đổi mới này chỉ có thể đến từ những ý tưởng và người tham gia đa dạng. Phụ nữ mang đến các kỹ năng, các quan điểm khác nhau và sự khác biệt về cấu trúc và văn hóa để đưa ra các giải pháp hiệu quả. Tóm lại, các nhà lãnh đạo nữ thay đổi cách tạo ra những giải pháp toàn cầu”(1). Cụ thể:

– Lãnh đạo nữ mang đến kiến thức mới

Chính sách công vẫn được nói theo ngôn ngữ phổ biến là nó được áp dụng cho tất cả mọi người một cách bình đẳng và công bằng; nhưng các học giả nữ đã chứng minh rằng, ngôn ngữ trung tính về giới thường tạo ra và duy trì hệ thống thứ bậc bất hợp pháp trao đặc quyền cho những người thuộc một chủng tộc, dân tộc, giới tính, tầng lớp, hoặc khuynh hướng tình dục nhất định. Thông qua lập chương trình, cũng như xây dựng, thực hiện, và đánh giá chính sách, lãnh đạo nữ đã chú ý tới những chính sách phổ biến mà có lợi hơn cho những thành viên nhất định trong xã hội so với những người khác, và các cơ chế được soạn thảo để khắc phục những lợi thế không công bằng như vậy.

Coi những hệ thống này là bất hợp pháp tự nó là một phương pháp mới được đặt nền tảng trên lý thuyết quan điểm nữ quyền. Các học giả nữ đã lập luận rằng, kiến thức được công nhận thường phản ánh lợi ích của những người có quyền lực. Kết quả từ các nghiên cứu chính sách dựa trên kinh nghiệm của những người đàn ông có thể vô tình khác với các nhu cầu và kinh nghiệm của phụ nữ. Ví dụ, trong thế kỷ XX, đa số các nghiên cứu y tế sử dụng hình mẫu nam, người phụ nữ đã bị bỏ qua trong các thử nghiệm lâm sàng. Do vậy, nhiều hiệp ước y tế gắn trong chính sách y tế cung cấp thông tin sai lệch về một nửa dân số. Tương tự như vậy, nhiều chính sách được thiết kế để giải quyết bạo lực dựa trên niềm tin rằng khả năng lớn nhất của bạo lực xuất phát từ những người xa lạ. Nhưng năm thập kỷ nghiên cứu về kinh nghiệm của phụ nữ đã ghi nhận rằng, phụ nữ và trẻ em gái có nhiều khả năng chịu bạo lực thể xác và tình dục bởi những người mà họ biết và thường là bởi người thân. Nhiều nữ lãnh đạo rút ra châm ngôn “cá nhân là chính trị”, để chia sẻ những hiểu biết của mình trong hoạch định chính sách.

– Lãnh đạo nữ xác định được các vấn đề mới trong chính sách

Trong bối cảnh hiện nay, các lãnh đạo nữ có thể chọn cách tập trung vào các vấn đề khác nhau hơn so với các lãnh đạo nam, ví dụ như sự bất bình đẳng về chủng tộc và giới tính, dịch vụ chăm sóc trẻ em, biết chữ, cải cách luật gia đình, lương hưu và xóa đói giảm nghèo. Phụ nữ chiếm 70% số người nghèo trên toàn cầu. Mặc dù giảm nghèo không phải là một vấn đề chính trị mới, nhưng những nỗ lực xác định và tháo gỡ các khía cạnh về giới nhằm khắc phục các tác động sâu sắc mà cái nghèo gây ra cho cuộc sống của nữ giới là mới. Một số lãnh đạo nữ đã đặt trọng tâm mạnh mẽ vào quyền sinh sản và chống phân biệt đối xử theo cách mà những người lãnh đạo nam tiền nhiệm của họ không làm. Nghiên cứu của các học giả đã chứng minh phụ nữ ở vị trí lãnh đạo của đảng có hướng nhấn mạnh hơn vào các vấn đề công bằng xã hội.

Ngoài ra, những hiểu biết mới về nữ giới và nam giới đã đưa ra vấn đề bạo lực giới như một lĩnh vực quan tâm lớn đối với các nhà lãnh đạo nữ. Những lãnh đạo nữ nhận thấy sự an toàn và toàn vẹn thân thể là các yêu cầu cơ bản để có sự tham gia và đóng góp bình đẳng cho xã hội. Tương tự như vậy, toàn bộ lĩnh vực quyền tình dục và sinh sản đã được các nhà lãnh đạo nữ nêu ra. Chúng tôi thấy rằng đó chính là nhờ kiến thức mới mà các nhà lãnh đạo nữ đã xác định được các vấn đề mới và đã đưa những vấn đề mới đó vào các nghị trường chính trị chính thức.

– Lãnh đạo nữ tạo ra các công cụ mới để xác định các vấn đề quan trọng trong chính sách

Các nữ học giả, nhà hoạt động, và nhà lãnh đạo không chỉ tạo ra các kiến thức mới để nhận diện các vấn đề mới, họ còn tạo ra công cụ để tạo ra kiến thức đó và xác định các vấn đề quan trọng. Các học giả về nữ quyền đã đưa ra khái niệm giới như một công cụ phân tích và các nhà hoạt động và lãnh đạo nữ đã kêu gọi cho ngân sách trên cơ sở giới, phân tích tác động về giới và lồng ghép giới. Cuộc điều tra phân tích tác động khác nhau của chính sách đối với các giới được thiết kế để chỉ ra các chính sách đặc biệt có ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ khác nhau như thế nào. Khi mở rộng đến các hạng mục phân tích khác như chủng tộc, tuổi tác, giới tính, địa lý, v.v., việc phân tích giữa các lĩnh vực đã tạo ra một kho dữ liệu đồ sộ từ đó xây dựng cơ sở để hoạch định chính sách nhạy cảm giới. Khi phụ nữ được tham gia vào hoạch định chính sách, họ xác định các vấn đề mới làm mở rộng phạm vi của chính sách công, và tạo các công cụ mới để lập ra các chính sách công bằng hơn. Nhiều nhà lãnh đạo nữ đã ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện các chính sách bình đẳng. Bằng việc sử dụng kiến thức mới của họ ở tầng sâu thực sự của các nguyên tắc bình đẳng và thách thức hầu hết mọi mối quan hệ quyền lực truyền thống, các chính sách đó nỗ lực loại bỏ những phân cấp bất hợp pháp, khắc phục sự đối xử không công bằng, giảm thiểu tác động khác nhau, phân bổ lại nguồn lực và cơ hội.

2. Lý luận về tăng cường số lượng phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức dựa trên quan niệm về đại diện thực chất

Đại diện thực chất là hoạt động của những người đại diện với tư cách thay mặt cho người được đại diện, vì lợi ích của người được đại diện. Cốt lõi của đại diện thực chất tập trung vào vấn đề người đại diện có phát triển, thúc đẩy các ưu tiên chính sách phục vụ lợi ích của người được đại diện không? Các tiêu chuẩn ngầm để đánh giá những người đại diện là mức độ mà các kết quả chính sách mà một người đại diện đã phát triển phục vụ tốt nhất lợi ích của các cử tri mà họ đại diện. Để bảo đảm những nhà lãnh đạo nữ tạo ra được kết quả chính sách phục vụ lợi ích cho những người mà họ đại diện, các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng cần có một số lượng tối thiểu phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chính thức trong các cơ quan dân cử để bảo đảm tiếng nói của họ được chuyển hoá thành chính sách. Liên Hợp quốc đã đề nghị một con số tối thiểu là 30% đại diện lãnh đạo nữ. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có gần 25 quốc gia đáp ứng tiêu chí này. Hiện nay, trong giới nghiên cứu còn có nhiều quan điểm khác nhau về đại diện thực chất:

– Lãnh đạo nữ ưu tiên phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường và những thành tố quan trọng khác đóng góp cho phát triển bền vững

Nâng cao năng lực và vị thế cho phụ nữ tiến tới đạt được bình đẳng giới là một trong tám mục tiêu Thiên niên kỷ mà Liên Hợp quốc đặt ra vào năm 2015. Đây cũng là tiền đề để hoàn thành bảy mục tiêu còn lại trong đó xoay quanh những thách thức đang tồn tại bao gồm: HIV/AIDS, sức khỏe, giáo dục, hợp tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững(2). Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi phụ nữ được trao quyền làm lãnh đạo chính trị, các quốc gia có mức sống cao hơn, có sự phát triển tích cực hơn trong giáo dục, cơ sở hạ tầng và y tế…

– Phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo chính thức giúp phát triển và cải thiện chất lượng các chính sách bảo vệ phụ nữ

Một số học giả cho rằng, phụ nữ sẽ biến đổi chính trị bằng việc hành động dân chủ hơn hoặc tập trung nguồn lực chính sách hơn cho việc khắc phục sự bất bình đẳng. Hay phụ nữ có thể quan tâm đến những lợi ích bị phớt lờ mà các nhà lãnh đạo nam bỏ qua, chẳng hạn như các chính sách liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ, tiếp cận đất đai, tín dụng bình đẳng, tuổi nghỉ hưu bình đẳng. Mặc dù chỉ có 14% số đại biểu, nhưng các nữ nghị sĩ Argentina đã giới thiệu ít nhất 78% các dự luật liên quan đến quyền của phụ nữ(3). Nhiều học giả khác, như nhà lý luận chính trị người Anh Anne Phillips, thận trọng hơn khi nói rằng chỉ có thông qua sự hiện diện trong giới chính trị thì phụ nữ mới có thể theo đuổi lợi ích của họ, mà không cần biết trước những hình thức lợi ích nào mình sẽ được hưởng. Tất cả những tuyên bố đã được nêu nhằm ủng hộ sự tăng cường số lượng phụ nữ trong các cơ quan bầu cử.

– Lãnh đạo nữ tham gia duy trì và tái thiết hòa bình hiệu quả

Phụ nữ phải chịu đựng nhiều trong những xung đột vũ trang và thường ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc ổn định, tái thiết và ngăn ngừa xung đột. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy sự tham gia của phụ nữ vào các quá trình giao thời và các chính phủ hậu xung đột có thể “tăng tính hợp pháp của các tổ chức mới ra đời, giảm tham nhũng của chính phủ, mở rộng chương trình nghị sự chính trị, thúc đẩy hoạch định chính sách tư vấn và khuyến khích hợp tác giữa các dòng ý thức hệ và các lĩnh vực xã hội”(4). Các nghiên cứu tình huống chỉ ra rằng các thỏa thuận hòa bình, tái thiết và quản trị sau xung đột có cơ hội thành công lâu dài hơn khi phụ nữ tham gia(5). Hơn nữa, có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc thiết lập hòa bình bền vững đòi hỏi phải chuyển hóa các mối quan hệ quyền lực, bao gồm việc đạt được những mối quan hệ giới bình đẳng hơn(6).

3. Lý luận về tăng số lượng phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức dựa trên quan niệm về đại diện biểu tượng

Đại diện tượng trưng là cách thức mà một người đại diện đại diện cho những người được đại diện – nghĩa là ý nghĩa của một người đại diện đối với những người được đại diện. Vấn đề cốt lõi của đại diện tượng trưng là người đại diện gợi lên phản ứng nào cho những người được đại diện? Dựa trên quan niệm về đại diện tượng trưng như thế, nhiều học giả và chính trị gia đã đưa ra các lập luận thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ như sau:

– Sự gia tăng số lượng và chất lượng phụ nữ làm lãnh đạo trong khu vực công làm tăng nhu cầu tham gia vào đời sống chính trị của phụ nữ

Sự tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới mang tính biểu tượng vì những nhà lãnh đạo nữ mang lại ý nghĩa về vai trò, năng lực của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý đối với phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội. Phụ nữ làm lãnh đạo có ý nghĩa truyền khát vọng, hy vọng, nhu cầu và sự tự tin cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái vươn lên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý trong tương lai(7).Các nghiên cứu về nữ đại biểu dân cử cũng chỉ ra rằng, việc có phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý có thể có ảnh hưởng về văn hóa. Ở những quốc gia có những nhà nữ chính trị gia cấp cao và năng động, thì phụ nữ trẻ được mong chờ tham gia nhiều hơn vào chính trị. Hơn nữa, phụ nữ lãnh đạo trong khu vực công làm tăng sự quan tâm đến chính trị của phụ nữ ở mọi lứa tuổi, góp phần vào sự tham gia ngày càng nhiều hơn của phụ nữ vào các tranh luận chính trị.

– Việc có nhiều phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo cấp cao góp phần thay đổi văn hóa mang tính định kiến giới về vai trò của phụ nữ, từng bước xây dựng văn hóa bình đẳng giới ngoài xã hội

Nhiều phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trên thực tế góp phần xây dựng nhận thức về vị trí và vai trò của phụ nữ ngoài xã hội với tư cách là những nhà lãnh đạo, quản lý. Nhờ vậy, việc thúc đẩy phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong xã hội thực chất góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội, cộng đồng và trong gia đình.

– Sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong hệ thống chính trị làm tăng niềm tin của công dân vào nền dân chủ đại diện của Đảng và Nhà nước

Sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ cũng củng cố tính hợp pháp của cơ quan quản lý vì cơ quan quản lý trở thành đại diện cho xã hội mà nó phục vụ thông qua các đại diện đa dạng về giới tính, dân tộc, tầng lớp khác nhau.

4. Lý luận về tăng số lượng phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức dựa trên tính hiệu quả kinh tế

– Tăng cường phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức thể hiện việc sử dụng hiệu quả nguồn lực con người cho phát triển đất nước

Lãnh đạo nữ có vai trò quan trọng vì đó là sự huy động và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao làm lãnh đạo phát triển đất nước hiệu quả. Một quốc gia muốn phát triển thành công cần phải có lãnh đạo giỏi. Lãnh đạo cần được lựa chọn từ tất cả các người tài giỏi trong nước – cả nam và nữ.

– Sự tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới mang lại lợi ích kinh tế cho tổ chức và cho quốc gia

Có nhiều nữ giới làm lãnh đạo trong các hội đồng quản trị của các công ty làm lợi nhuận kinh tế của công ty tăng lên. Cuộc điều tra năm 2016 của 21.980 công ty cổ phần ở 91 quốc gia đã kết luận rằng, sự hiện diện của nhiều nữ lãnh đạo trong các vị trí hàng đầu trong quản lý doanh nghiệp tương quan với khả năng sinh lợi của các công ty này.

5. Lý luận về tăng số lượng phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức dựa trên đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam

– Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức trong hệ thống chính trị sẽ góp phần nâng cao thành tựu về bình đẳng giới của Việt Nam trên thế giới

Hiện nay, những hệ thống đánh giá công tác thực hiện bình đẳng giới trên toàn thế giới trong lĩnh vực chính trị hàng năm vẫn lấy tỷ lệ phần trăm nữ giới và nam giới giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức trong hệ thống chính trị là tiêu chí đánh giá. Thí dụ, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) xuất bản hàng năm Báo cáo Khoảng cách giới Toàn cầu(Global Gender Gap Report). Theo đó, các quốc gia trên thế giới được đánh giá về khoảng cách giới trên 4 nội dung: kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ. Khoảng cách giới càng cao chứng tỏ quốc gia đó có sự bất bình đẳng giới càng cao và ngược lại. Khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị được báo cáo này đo lường thông qua khoảng cách giữa nam và nữ trong các vị trí ra quyết sách chính trị cao nhất, tỷ lệ nữ và nam giữ các chức vụ lãnh đạo cấp Bộ, tỷ lệ nữ và nam trong Quốc hội, và tỷ lệ nữ và nam theo số năm làm việc trong các văn phòng thủ tướng và văn phòng chủ tịch nước trong 50 năm qua. Hiện nay, Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu tương đối tốt về thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và kinh tế nhưng trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa.

– Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức trong hệ thống chính trị sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới và thực hiện các chỉ tiêu về bình đẳng giới mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt ra

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu rõ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác phụ nữ: “Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đảng khẳng định “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”. Đảng và Nhà nước Việt Namcũng đưa ra các chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ trong các cấp ủy Đảng, trong Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, tỷ lệ cán bộ nữ chủ chốt trong các tổ chức của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội để đo tình hình thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam. Tuy nhiên, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11, ngày 26/3/2015, Ban Bí thư đã đánh giá “Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị không đạt kế hoạch và có xu hướng giảm”(8). Do đó, thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong hệ thống chính trị Việt Nam góp phần hiện thực hóa mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới.

Sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ rất quan trọng và điều quan trọng hơn là phải nhận thức rõ rằng phụ nữ không phải là một nhóm đồng nhất. Tùy thuộc vào việc phụ nữ trẻ hay lớn tuổi, có học vấn hoặc không có bằng cấp, sống ở nông thôn hay thành thị, họ có những kinh nghiệm sống khác nhau dẫn đến các ưu tiên và nhu cầu khác nhau. Hơn nữa, không phải mọi phụ nữ được bầu vào Quốc hội hoặc một cơ quan lập pháp khác sẽ đặt các vấn đề quyền của phụ nữ lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Đại diện của phụ nữ không phải là nhân tố duy nhất, nhưng nó là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển của nền dân chủ minh bạch và phục vụ.

———————–

Chú thích:

(1) Xem: Gwen K. Young: Why we need more women leaderstrên CNN, ngày 31-7-2016.
(2) Pippa Norris (2012): “Bình đẳng giới trong các cơ quan dân cử ở châu Á – Thái Bình Dương: Sáu hành động tăng cường trao quyền cho phụ nữ”, tr.6.
(3) Jones, M. (1997): “Legislator Gender and
Legislator Policy Priorities in the Argentine Chamber of Deputies and the United States House of Representatives” in Policy Studies
Journal. Vol. 25: 618.
(4) The Institute for Inclusive Security (2009): “Strategies for Policymakers: Bringing Women into Government”.
(5) Chinkin, C. (2003) “Peace Agreements as
a Means for Promoting Gender Equality and
Ensuring the Participation of Women.” United Nations: Division for the Advancement of Women, http://www.un.org.
(6) Strickland, R. and N. Duvvury (2003): “Gender Equity and Peacebuilding: From Rhetoric to
Reality: Finding the Way”. International Center for Research on Women, http://www.icrw.org.
(7) Xem Lương Thu Hiền (2017): Đề tài phân cấp cơ sở của Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ năm 2017 “Tăng cường sự tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới trong khu vực hành chính công ở Việt Nam (qua khảo sát tỉnh Sơn La)”, tr.23.
(8) Ban Chấp hành Trung ương: Thông báo số 196-TB/TW ngày 16-3-2015 Thông báo kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , , ,