‘Tâm lý học dân tộc An Nam’ dưới góc nhìn thực dân Pháp

Từ khi được dịch và ra mắt chính thức tại Việt Nam, cuốn sách “Tâm lý học dân tộc An Nam” đã gây ra không ít những cuộc tranh luận, bao gồm cả những ý kiến chỉ trích gay gắt, không phải vì Paul Giran chỉ ra những đặc điểm thấp kém của người An Nam, mà vì ông đã đặt dân tộc An Nam dưới lăng kính của chế độ thực dân đi “khai hóa văn minh”.

Tâm lý học dân tộc An Nam dưới góc nhìn thực dân Pháp

Ngay từ trước khi người Pháp thuộc địa hóa xứ An Nam qua việc chiếm cứ các vùng đất, mở rộng kinh doanh, lập ra các đồn điền và chinh phục dân bản xứ để thực hiện các thiết đặt chế độ thực dân, các giáo sĩ phương Tây đã bỏ nhiều công sức để miêu tả chi tiết hình ảnh dân tộc An Nam. Trong đó có thể kể đến một số cuốn sách mới được xuất bản gần đây là Xứ Đàng Trong năm 1621 by Cristoforo Borri hay cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương” của vị toàn quyền nổi tiếng Paul Doumer. Mục đích của những cuốn sách này là gì? Đó là tạo ra một cái nhìn rõ ràng hơn về xứ sở mà họ và những người khác đang tiếp tục làm công việc khai hóa văn minh và với các giáo sĩ là truyền giáo cho các dân tộc bản địa.

Sau kết thúc thắng lợi của người Pháp, toàn bộ lãnh thổ An Nam đã được thiết lập bộ máy cai trị, từ đó nhu cầu về vấn đề hiểu rõ người dân bản xứ được đặt lên hàng đầu, một mặt được tuyên bố như những nguyên tắc nghiên cứu khách quan vượt ra ngoài lãnh thổ của một quốc gia cụ thể, mặc khác đó có thể coi như các thực hành khoa học nhằm cai trị những con người thấp kém hơn mà những tài nguyên, nguồn lực và lãnh thổ của họ đặt dưới trách nhiệm của người Pháp. Các thiết đặt của người Pháp từ đó trở về sau được hợp thức hóa, không phải với tư cách là người Pháp với người bản xứ, mà là với chính họ.

Năm 1875, tại hội nghị quốc tế lần thứ hai về khoa học địa lí, có sự tham gia của Tổng thống Cộng hòa Pháp, Thống đốc Paris, Chủ tịch Quốc hội Pháp,… bài phát biểu của Le Noury đã bộc lộ thái độ hợp lý hóa các cuộc chinh phục của người Pháp: “Thưa quý vị, Thượng Đế đã ra lệnh cho chúng ta phải gánh lấy bổn phận tìm hiểu Trái Đất và thực hiện một cuộc chinh phục nó. Mệnh lệnh tối cao này là một trong những nhiệm vụ cấp thiết được khắc sâu trong trí tuệ và hành động của chúng ta. Địa lí, môn khoa học truyền cảm hứng cho lòng tận tụy cao đẹp và nhân danh nó có quá nhiều nạn nhân đã hi sinh, đã trở thành môn triết học về Trái Đất”. (1) Có thể thấy phát biểu của Le Noury đại diện cho nhiều người, bao gồm cả toàn bộ dân tộc Pháp qua đại từ “chúng ta”, và đó là sứ mệnh vĩ đại không thể chối bỏ được ban ra từ một vị trí bất khả xâm phạm là Đấng tối cao.

Do đã hợp thức hóa sứ mệnh chinh phục và cai trị, những nghiên cứu của Paul Giran cũng không xa rời hệ thống các mục đích và và quan niệm đó. Ông không phải là người đầu tiên viết về dân tộc An Nam, nhưng là người đầu tiên áp dụng các lý thuyết về nhân chủng học một cách có hệ thống để mô tả tâm lý người An Nam. Với vai trò là một vị quan cai quản thuộc địa cho Pháp, để làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình, ông cho rằng nếu muốn “cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi và tìm hiểu, phải biết rõ, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ”. Ông đã viết cuốn sách “Tâm lý dân tộc An Nam: đặc điểm quốc gia; sự tiến hóa lịch sử, trí tuệ, xã hội, chính trị” nhằm thấu hiểu đời sống người An Nam. Cuốn sách được chia ra làm hai phần, phần đầu khái quát về tâm lý dân tộc An Nam qua các giả thuyết về nguồn gốc chủng tộc, điều kiện khí hậu và môi trường sống, phần thứ hai đi sâu vào phân tích tiến hóa về mặt nhận thức và trí tuệ của dân tộc An Nam trong suốt chiều dài lịch sử, sự phát triển ngôn ngữ, thương mại, nghệ thuật, giáo dục, chính trị – xã hội…

Bắt đầu với đặc điểm quốc gia, Paul Giran đi vào mô tả nguồn gốc chủng tộc người An Nam, một đại diện của chủng tộc da vàng, với giả thuyết cho rằng nhóm người Việt đầu tiên thuộc nhánh “Indo-Mongoles” (Cổ Mã Lai-Mông Cổ) với nhiều đặc điểm giống với người Mông Cổ có hộp sọ ngắn, để phân biệt rõ với người Hán phía Bắc là nhóm đầu dài, và nét đặc trưng lớn nhất là “xương gò má rộng và cao, khiến cho khuôn mặt trông giống hình thoi hơn hình bầu dục” (2). Ông mô tả rằng người An Nam thuộc dạng thấp, chiều cao trung bình là 1m60 ở nam và 1m50 ở nữ. Đặc biệt hơn, đó là ông đã quan sát rất kĩ và nhận thấy bàn chân của người An Nam có ngón cái chìa ra ngoài và coi đó là một đặc điểm nhân chủng, nhưng đáng tiếc đó là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Thực chất bàn chân có ngón cái chìa ra và cách xa các ngón khác như vậy là vì dân An Nam phần lớn là đi chân đất, do lao động và mang vác vật nặng nhiều trên các địa hình trơn trượt hoặc gồ ghề nên tổ chức xương bàn chân bị sụp. Kiểu biến dạng đó có thể thấy ở nhiều khu vực khác trên thế giới chứ không phải đặc điểm của riêng dân Giao Chỉ.

Chi tiết bàn chân Giao Chỉ.

Đi vào chi tiết hơn, Paul Giran so sánh người An Nam với dân tộc khác là người Hán—đế quốc đã cai trị và cố tìm cách đồng hóa người Giao Chỉ qua hơn mười thế kỷ. Dựa theo những suy luận là người dân Bắc kỳ một phần nào đó “vui vẻ, ồn ào, đôi khi dí dỏm” mang tính chất Quảng Đông nhưng do điều kiện địa lý cách xa trung tâm của nền văn minh Hoa Hạ, đất nước An Nam đã được bảo vệ theo một cách nào đó bởi vùng đệm văn hóa Lưỡng Quảng (bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây) và không bị đồng hóa một cách triệt để.

Paul Giran còn đưa ra sự đồng thuận với quan điểm của một người nghiên cứu về An Nam khác là Jean Baptiste Luro, đó là người Giao Chỉ sống ở điều kiện bán nguyên thủy, tại một xứ sở “bao phủ bởi rừng rậm dày đặc”, “cái nóng mùa hè sinh bệnh dịch nguy hại… Truyền thuyết của người An Nam về thời cổ đại có nói rõ rằng người Giao [Chỉ] mê tín, họ có đền thờ, họ cúng súc vật để hiến tế cho những thần linh bất tử đại diện cho sức mạnh thiên nhiên…” (3) Jean Baptiste Éliacin Luro, Henri Louis Gabriel de Bizemont, Le pays d’Annam.,“những điều người ta ghi nhận ở tất cả những dân tộc sơ khai, vào buổi bình minh của các nền văn minh”

Lại một lần nữa, chúng ta phải xem xét đến cái nhìn của một người phương Tây về con người An Nam. Để giải thích cho vấn đề này, cần phải truy ngược lại về nguồn gốc của người Pháp là dân tộc Gauiois. Hầu hết người dân ở xứ sở này sống theo kiểu chăn thả du mục, họ lùa đàn gia súc đi từ nơi này đến nơi khác để kiếm vùng đồng cỏ tươi tốt hơn, không định cư lâu dài ở một nơi. Những nền văn minh phương Tây (Hy-La cổ đại, Thiên chúa giáo trung đại, Tư bản chủ nghĩa cận đại) đều coi thiên-tự nhiên là thù địch, do vậy cần phải chinh phục, thống trị và khai thác. Ngược lại, người An Nam với xuất thân từ nền văn minh lúa nước với đặc điểm là phải cố định một chỗ để chờ thu hoạch, lao động đồng ruộng cần nhiều nhân lực nên dễ tụ họp thành quần thể làng xã. Hơn thế nữa, việc trồng trọt phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và đặc biệt là thời tiết, thế nên việc tôn thờ các vị thần đại diện cho sức mạnh thiên nhiên như Tản Viên sơn thánh, hệ thống chùa Tứ Pháp… hoàn toàn không phải mê tín như Luro đã nói.

Tiếp sau đó, Paul Giran đi vào phân tích tính cách dân tộc An Nam dựa theo hai yếu tố được ông coi là nguyên nhân: thể chất sinh lý và sự thích ứng của dân tộc đó với các môi trường khác nhau. Bằng biểu hiện thời tiết bao gồm: mùa khô từ tháng Mười một đến tháng Ba và mùa mưa từ tháng Tư đến tháng Mười, độ ẩm cao, nóng nực và ẩm thấp quá mức chịu đựng của người Pháp, ông đã kết luận một cách đầy mơ hồ rằng ở một quốc gia văn minh (như nước Pháp), khí hậu được cân bằng bởi các ảnh hưởng xã hội, còn ở một dân tộc mới bắt đầu tiến hóa, khí hậu tham gia vào việc định hình khí chất chung. Cụ thể là những người—giống như Hippocrate ghi lại—có tính khí cáu kỉnh, mệt mỏi do nóng nực; vì ẩm ướt làm giảm cảm giác tinh thần, thiếu sức sống và năng lượng nên dửng dưng, bình thản và thờ ơ.

Nếu xét về vấn đề phân biệt chủng tộc theo hệ quy chiếu của thời đại ngày nay, có lẽ phần mô tả của Giran về nhà ở của người An Nam đều là những lí lẽ mang màu sắc thiếu thiện cảm. Ông viết: “Về phương diện nhà cửa nói chung, rất dễ nhận ra sự đơn sơ thể hiện ở nội thất bên trong; chỉ có một hoặc hai chiếc phản lớn,… vừa là bàn ăn, là ghế lại vừa là giường… và một chiếc quan tài ở vị trí trang trọng, do những đứa con hiếu thảo tặng cho người cha.

Thêm một sự bẩn thỉu gớm ghiếc nữa, đó là những con lợn hoặc gia cầm được thả rông, hoàn toàn tự do; một cái ao gần đó và cũng là hồ bơi, là nơi trồng cải xoong lẫn hố ủ phân… và bạn sẽ có một bức tranh gần chính xác về sự tiện nghi của người An Nam”.

Về phần tâm hồn, Giran cho rằng dân tộc An Nam thiếu đi hoàn toàn khả năng đồng cảm với nỗi đau hay sự thống khổ của người khác. Bằng chứng là dân chúng vẫn sử dụng các hình phạt xử tử mang tính chất ghê rợn tăng dần theo từng bậc: thắt cổ, chém đầu, voi giày và lăng trì. Và tất cả lý giải mà ông có thể đưa ra đó là do khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt và chế độ ăn uống nghèo nàn của người An Nam.

Tuy thế mà dân tộc An Nam được hưởng một “đặc ân” vô giá: tính khí hài hòa. Mặc dù về cả phương diện thể chất và tinh thần đều không đạt đỉnh cao, nhưng tất cả đều hợp nhất ở một mức đặc biệt thấp: “máu huyết lưu thông chậm, thần kinh kiệt quệ và cơ bắp không còn chút sức bật nào”.

Điều này khiến cho người An Nam có khả năng nhẫn nhục chịu đựng, khúm núm, không có ý định phản kháng – một đức tính cần thiết để người Pháp có thể thiết lập chế độ thuộc địa mà không hề có phản ứng gì, còn những cuộc nổi dậy chống lại sự xâm lược của kẻ khổng lồ Trung Hoa chỉ là đợt bộc phát mang tính bốc đồng của tuổi trẻ hơn là cuộc cách mạng trưởng thành và kiên định.

Những gì Paul Giran nhận xét về khả năng tư duy của người An Nam có nhiều nét tương đồng với nhận xét của Huân tước Cromer(4) Evelyn Baring, Huân tước thứ Nhất xứ Cromer, quản trị thuộc địa Ai Cập của chính phủ Anh Quốc. về người phương Đông: cả tin, thiếu nghị lực và sáng kiến, quen thói nịnh bợ quá mức, mưu mô xảo quyệt, độc ác với súc vật. Người phương Đông không thể đi trên đường cái hoặc vỉa hè (đầu óc lộn xộn của họ không thể hiểu được điều mà người châu Âu khôn ngoan hiểu được ngay: đường và vỉa hè được làm ra để người ta đi bộ. Người phương Đông hay nói dối, họ thường “”lờ đờ uể oải và hay nghi ngờ”…(5) Evelyn Barin, Huân tước Cromer, Ai Cập hiện đại (1908).

Về phần kỹ nghệ, thương mại và nông nghiệp, ông nhận xét rằng “nghề đi biển còn ở mức phôi thai”, “thợ thủ công kém tinh xảo”, gần như không xuất hiện kỹ nghệ và thương mại của người An Nam bản địa, ngoại thương không tồn tại cho đến khi “người Pháp thành lập chế độ bảo hộ, điều kiện kinh tế của đất nước đã thay đổi đáng kể và với họ (người An Nam) là điều kiện sống cư dân”. Và ông cũng khẳng định rằng việc tạo ra các ngành kỹ nghệ địa phương và thương mại sẽ là cơ sở để cải thiện đạo đức. Dưới con mắt của một vị quan cai trị thuộc địa, chắc chắn Giran khó có thể vượt qua được việc xếp dân tộc An Nam vào chủng loại thấp kém hơn, và những điều mà các xứ sở thực dân đang làm đều là tốt cho những dân tộc đang bị lệ thuộc vào họ.

Đỉnh điểm của việc đóng khung tư tưởng phân biệt chủng tộc của Paul Giran là ông cho rằng việc cải thiện trí tuệ hay tư duy của người dân An Nam là chuyện hoàn toàn vô ích. Ông viết: “Trong tổ chức não bộ của các chủng tộc, có những giới hạn không thể vượt qua”. Theo Giran, việc cai trị thuộc địa của người Pháp tại An Nam có được thuận buồm xuôi gió hay không phụ thuộc vào việc giữ vững tính toàn vẹn của tổ chức xã hội, luật pháp và cả bộ máy hành chính. Ở An Nam, khái niệm dân chủ không tồn tại, thay vào đó các vị quan người Pháp cần phải thực hiện “sự cai trị đúng mực nhất”, cũng như không cần phải dạy người An Nam cách tư duy, ngôn ngữ của người Pháp, cho họ bộ luật của nước Pháp; nhưng nên cải thiện đất nước này bằng cách tạo ra các kênh đào và các tuyến đường sắt, làm màu mỡ đất đai.

Là cuốn sách được viết ra dưới góc nhìn của người thực dân đi chinh phục thuộc địa, nước Pháp nhân danh thần thánh của họ và “khai hóa văn minh”, họ tự cho mình quyền thống trị các dân tộc khác và đưa ra những biện hộ rất cao cả cho chế độ thuộc địa của họ. Hãy thử nhìn lại một lần, liệu rằng ngay trong cuốn sách này của Giran, liệu rằng có một sự ghi nhận nào về tiếng nói của người dân An Nam, hay đó chỉ là những nhận xét hoàn toàn dựa trên lăng kính của chế độ thực dân và chủ nghĩa bá quyền? Tuy vậy, “Tâm lý dân tộc An Nam” là một cuốn sách ngắn, khá cô đọng, trình bày có logic, lớp lang rõ ràng và là một bằng chứng cho việc người Pháp đã bỏ công sức tìm hiểu về đặc điểm của người An Nam qua lịch sử, nhân chủng, giải phẫu, văn hóa – xã hội… Đây có thể là nguồn tài liệu tham khảo, góp phần chỉ ra sự khác biệt giữa hai nền văn minh phương Đông và phương Tây.

————————————

Chú thích:

(1): Edward Wadie Said, Văn hóa và chủ nghĩa bá quyền, tr. 364. Phạm Anh Tuấn, An Khánh dịch.
(2): Eugène Cortambert và Léon de Rosny, Tableau de la Conchinchine.
(3): Jean Baptiste Éliacin Luro, Henri Louis Gabriel de Bizemont, Le pays d’Annam.
(4): Evelyn Baring, Huân tước Cromer, quản trị thuộc địa Ai Cập của chính phủ Anh Quốc.
(5): Evelyn Barin, Huân tước Cromer, Ai Cập hiện đại (1908).

Theo TRUÊ / SPIDERUM.COM

Tags: , ,