Tại sao mỗi chúng ta cần những ngày yên tĩnh?

Động lực để tìm kiếm một cuộc sống yên ả hơn không hoàn toàn là để tự bảo vệ bản thân.

Tại sao mỗi chúng ta cần những ngày yên tĩnh?

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/why-we-all-need-quiet-days/

Biên Dịch: Quang Minh.

Biên tập: Mai Khanh.

Trong hai thế kỷ qua, một loại giáo phái đã lan rộng nhanh chóng trên khắp thế giới, tìm cách thống trị và kiểm soát mọi khoảnh khắc trong cuộc sống chúng ta; ngày nay nó có hàng trăm triệu tín đồ, bao gồm hầu hết những người thành công trên hành tinh này. Đây không phải là một tín ngưỡng tôn giáo hay một tín điều chính trị, mà thay vào đó, nó được dành cho một lý tưởng nổi bật duy nhất: sự bận rộn.

Nó quả quyết rằng cuộc sống duy nhất xứng đáng với một người có năng lực và trí tuệ là cuộc sống làm việc liên tục; người ấy phải không ngừng phấn đấu để đạt được mọi tham vọng; từng giờ từng phút trong ngày phải được lấp đầy bằng những công việc cường độ cao. Một “người hùng” nên thức dậy từ lúc sáng sớm, theo dõi tin tức trên thị trường chứng khoán Thượng Hải; họ nên đáp chuyến bay đến Hamburg cho một buổi họp sáng (làm việc hăng say trong suốt hành trình), rồi sau đó lại chen chúc tham dự một cuộc triển lãm lớn tại Galerie der Gegenwart ở Hamburger Kunsthalle; vào buổi chiều, họ trở lại trụ sở chính để tiến hành một cuộc đàm phán khó khăn liên quan đến một dự án phát triển đô thị ở Sao Paulo, và tạm nghỉ để trò chuyện video với đứa con năm tuổi vừa mới học buổi violin đầu tiên; đến tối, họ ghé vào một buổi dạ tiệc tại Nhà hát Lớn, để nói vài lời với vị bộ trưởng tài chính, theo sau là bữa tối cùng một nhóm các nhà đầu tư lớn, nơi họ trình bày tổng quan chiến lược của mình về việc mở rộng doanh nghiệp trong năm tới tại Ấn Độ; khi về đến nhà, họ sẽ nghe những cuộc gọi từ Boston (về công nghệ y khoa) và Tokyo (về quyền sở hữu trí tuệ); cuối cùng, họ thức khuya trên giường để xem qua các giấy tờ thuế má và các khoản ủy thác của gia đình.

Vẻ hào nhoáng của cuộc đời họ không ngừng được củng cố: những bài báo về công việc kinh doanh đáng ngưỡng mộ của họ bắt đầu xuất hiện trên tuần báo tài chính; những quảng cáo xa xỉ nhắm đến họ; tên họ ở trên tường viện bảo tàng của họ, với tư cách là một nhà hảo tâm lớn. Cuộc sống của họ vô cùng thú vị và tưởng chừng như cả thế giới đều ghen tị với họ.

Những ngày tất bật của chúng ta có thể không nhiều tham vọng như trên, nhưng đây lại là hướng đi mà ta vẫn luôn nhắm tới. Nếu chúng ta chưa đạt được thì đó là vì ta chưa cố gắng đủ nhiều; điều duy nhất phải làm là thúc đẩy bản thân chăm chỉ hơn, và nhồi nhét nhiều thứ hơn vào lịch trình hằng ngày.

Nhưng thay vì thực sự hài lòng với cuộc sống bận rộn của mình, chúng ta lại thường xuyên cảm thấy lo lắng và căng thẳng, dù đã cẩn thận che giấu điều đó với người khác và chính mình. Sự cáu kỉnh sẽ được xem là sự thiếu kiên nhẫn chính đáng với những kẻ lười biếng và tầm thường; sự thất vọng thì lại được hiểu như một thúc đẩy cần thiết để hoạt động điên cuồng hơn. Sự u ám và phiền muộn ngày càng tăng, ẩn giấu bên dưới phong thái vui vẻ của bản thân–ta tự nhủ–sẽ biến mất khi ta cuối cùng cũng làm xong mọi việc cần phải làm và đạt được mức độ thành công đảm bảo cho hạnh phúc của ta.

Đáng sợ hơn, chúng ta thường sẽ thấy bản thân ở bên bờ vực của sự sụp đổ. Ta đổ bệnh hoặc đột nhiên trở nên hư hỏng và gây ra tai họa; chúng ta bắt đầu la hét trong cuộc họp, nổi giận với một đồng nghiệp yếu đuối; chúng ta ngoại tình và bị người bạn đời phát hiện, ta chơi thuốc để “thư giãn” hoặc để theo kịp cường độ hoạt động cao–và sau đó chúng ta phát hiện ra mình đã nghiện và ngày càng đánh mất khả năng hoạt động và làm việc hiệu quả.

Sùng bái sự bận rộn đòi hỏi chúng ta phải gánh vác nhiều hơn những gì mà ta có thể ứng phó một cách đúng đắn; nó phớt lờ hoặc phủ nhận sự mong manh, yếu đuối của chúng ta và khuyến khích ta bỏ qua hay phủ nhận nó cho đến khi ta suy sụp và muốn nhốt mình lại trong phòng, ném điện thoại và chỉ biết nằm trên sàn nhà mà khóc.

Ngược lại, ta luôn thấy xúc động khi nghĩ về một người mẹ chu đáo ru con vào giấc ngủ trưa sau một buổi sáng náo động. Đứa trẻ không biết rằng nó đã kiệt sức, nhưng người mẹ vẫn luôn ý thức được sự cần thiết của việc nghỉ ngơi và những khoảng lặng yên tĩnh. Nếu trẻ chỉ sống theo cách của nó thì nó sẽ chạy quanh khu vườn, đi dự một bữa tiệc sinh nhật, hoặc xem một video cuồng nhiệt–trước khi nổi cơn tam bành. Có thể nói, trách nhiệm của người mẹ là làm dịu đi cuộc sống của đứa trẻ, khi nó không thể hoặc không muốn nhận ra trạng thái quá sức của bản thân. Khi trưởng thành, chúng ta cần phần “mẹ” trong tâm hồn phải bước vào và đặt ra những ngày chậm rãi, yên tĩnh hơn, giải cứu chúng ta khỏi những lý tưởng ngột ngạt của một cuộc sống bận rộn, thứ đang dần hủy hoại bản thân ta.

Nhưng động lực để tìm kiếm một cuộc sống yên tĩnh hơn không hoàn toàn là để tự bảo vệ bản thân. Những ngày đơn giản, khi dường như chẳng có chuyện gì xảy ra, và nhìn bề ngoài thì ta chẳng đạt được điều gì–những ngày mà người bận rộn thường cho là buồn tẻ và phí phạm–có thể mang đến kết quả sâu sắc.

Như trong cuộc đời bận rộn, một ngày yên ả hoàn hảo cũng có thể bắt đầu từ rất sớm: bên khung cửa sổ, chúng ta ngồi ngắm bình minh đang từ từ nhuộm màu bầu trời phía trên những ngôi nhà bên kia đường và dần tắt. Chúng ta dành một phần của buổi sáng để sắp xếp lại tủ lạnh, gấp khăn trải giường, xếp chăn, ủi một vài chiếc khăn ăn và sắp xếp chúng thật gọn gàng. Có thể lần sau, chúng ta sẽ lục tung tủ quần áo của mình và loại bỏ những bộ quần áo ta đã chưa mặc trong nhiều năm. Cuối cùng thì chúng ta cũng mang lại trật tự và hòa hợp cho cuộc sống quanh quẩn trong nhà.

Khi làm những việc đơn giản, chúng ta có thể gỡ rối những suy tư và cảm xúc của mình. Khi chúng ta say mê với công việc, chúng ta không thể nhận biết đúng những chi tiết về trạng thái cảm xúc của bản thân hoặc những gì đang diễn ra trong tâm trí mình. Bây giờ chúng ta mới bắt đầu chú ý hơn: tại sao chúng ta lại chấm dứt quan hệ với người bạn đó vào năm ngoái? Có lẽ nào chúng ta chưa bao giờ thích nhau? Chúng ta cảm nhận thế nào khi kết giao cùng họ? Đúng theo lý tưởng thì chúng ta thực lòng muốn làm bạn với ai? Và điều gì ở họ hấp dẫn ta?

Buổi chiều ta đi dạo một mình. Ta đi ngang qua một bức tường gạch cũ mà trước đây ta hầu như không hề nhận ra, rằng nó đã bị nắng mưa phong hóa và lấm tấm một lớp địa y màu vàng. Nó đã tồn tại bao lâu rồi, và điều gì đã xảy ra với những người xây dựng nó? Có lẽ ban đầu nó khá cứng và thô, thời gian cũng khá tử tế với nó.

Chúng ta dừng lại để quan sát kỹ một tán cây; những cành cây trông có vẻ trơ ​​trụi, nhưng khi lại gần ta có thể thấy rõ những ngọn xanh đầu tiên nhỏ xíu, bắt đầu nhú ra từ những cái chồi màu nâu. Nếu so với trước đây chúng ta chỉ có thể ghi nhận những thay đổi lớn, thì giờ đây, ta đang ghi nhận những chi tiết đẹp đẽ, những thay đổi tinh tế từng giây, từng phút, từng ngày, từ mùa này sang mùa khác.

Trong những ngày sống chậm rãi, chúng ta có thời gian và sự kiên nhẫn để nhận ra những gì thoạt đầu trông có vẻ là những nguồn vui nho nhỏ. Và khi trân trọng chúng, ta sẽ nhận ra chúng thực sự to lớn và quý giá biết bao–và chúng ta đã bỏ lỡ biết bao nhiêu thứ khi mải chìm đắm trong sự bận rộn đến kiệt sức.

Sau bữa ăn tối nhẹ, chúng ta nằm ngâm mình trong bồn nước nóng. Khi cơ thể thư giãn và tâm trí được xoa dịu, chúng ta suy ngẫm về những gì chúng ta thực sự muốn làm với cuộc đời mình. Thay vì là những tham vọng thông thường đã từng thúc đẩy chúng ta, chúng ta trở nên nhạy cảm với những khát khao đích thực của mình. Nó có thể là đam mê hội họa; làm sao để cải thiện mối quan hệ của chúng ta với mẹ; loại công việc nào có thể khiến ta mãn nguyện nhất; mối quan hệ nào có thể thực sự khiến đời bạn tươi sáng hơn? Chúng ta bắt đầu tìm hiểu xung quanh lãnh thổ bị bỏ quên của những nhu cầu và khao khát của mình và bắt đầu suy nghĩ về cách phát triển chúng trên thực tế.

Chúng ta ngủ sớm để ta sẽ có cảm giác sảng khoái khi thức dậy vào buổi sáng. Trong những phút trước khi ngủ, hãy lật lại những kỷ niệm của chuyến đi từ nhiều năm trước. Hãy nhớ lại cách cư xử đáng mến của một người phục vụ, hoặc niềm vui khi mở tung cửa sổ vào buổi sáng và nhìn xuống một con phố hẹp dẫn ra biển. Hãy tận hưởng sự yên bình mà không cần phải đi bất cứ đâu cả–cuộc sống của chúng ta đã phong phú và rộng lớn lắm rồi.

Theo TÂM LÝ HỌC TUỔI TRẺ

Tags: